Làm gì khi bị chứng khó tiêu chức năng?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Võ Thị Thùy Trang - Bác sĩ Nội soi tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Chứng khó tiêu chức năng là một trong những rối loạn đường tiêu hóa trên khá thường gặp, nhất là trong đời sống hiện đại nhiều căng thẳng hiện nay. Nguyên nhân thường không rõ ràng và dù không gây ra những tổn hại nguy hiểm nhưng bệnh lại khiến chất lượng cuộc sống ít nhiều bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, dẫu các bất thường trên những xét nghiệm thường là âm tính, nếu biết cách thay đổi lối sống, điều chỉnh thực đơn ăn uống hằng ngày có thể cải thiện đáng kể các triệu chứng khó chịu này.

Cụ thể, người mắc chứng khó tiêu chức năng cần có những thay đổi, điều chỉnh như sau:

1. Hiểu rõ về tình trạng của chính mình

Bệnh lý khó tiêu chức năng thường ảnh hưởng đến người trẻ tuổi hơn là người lớn tuổi, phụ nữ thường bị ảnh hưởng thường xuyên hơn nam giới. Đồng thời, biểu hiện bệnh sẽ tồi tệ hơn khi đối tượng đang có những căng thẳng, rối loạn tâm lý.

Vì thế, điều quan trọng nhất là phải hiểu rằng sự khó chịu trong đường ruột của bạn còn có căn nguyên nằm trong đầu bạn. Nếu bạn có thắc mắc hoặc lo lắng về các triệu chứng hoặc phương pháp điều trị, hãy trao đổi với bác sĩ một cách trung thực. Nếu bạn có vấn đề về tâm lý, chẳng hạn như lo lắng quá mức hoặc mất ngủ, trầm cảm, bạn nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa sức khỏe tâm thần hoặc các nhân viên xã hội, nhà tâm lý học. Lúc này, dù không dùng thuốc gì, những giải tỏa về mặt cảm xúc cũng có thể giúp triệu chứng bệnh cải thiện rất nhiều.

2. Chế độ ăn uống

Một số người sẽ cảm thấy các triệu chứng khó tiêu sẽ trở nên nặng nề hơn có liên quan đến thức ăn khi họ ăn vào. Theo đó, nếu hạn chế một số loại thực phẩm nhất định, người bệnh có thể sẽ thấy đường tiêu hóa trở nên nhẹ nhàng hơn. Cách ăn uống cần thay đổi bao gồm:

  • Tập trung vào thưởng thức món ăn, nhai chậm và nhai kỹ;
  • Ăn nhiều bữa nhỏ và ăn thường xuyên. Thay vì dùng ba bữa ăn lớn, hãy ăn năm hoặc sáu bữa nhỏ;
  • Nhai ngậm miệng lại để tránh nuốt thêm không khí, dễ gây đầy hơi;
  • Hạn chế nói chuyện khi bạn đang nhai;
  • Tránh các thực phẩm béo, do chất béo làm chậm việc làm rỗng dạ dày;
  • Tránh thức ăn còn quá nóng, chứa nhiều mùi vị, cay nồng, chua, đắng, vì chúng càng khiến đường tiêu hóa dễ bị kích thích hơn;
  • Tránh ăn khuya;
  • Không bao giờ nằm xuống ngay sau khi ăn. Nên nâng giường cao lên khi ngủ;
  • Tránh ăn khuya;
  • Không mặc quần áo quá chật chội vì sẽ làm hạn chế chuyển động thực quản và tăng co thắt dạ dày;
  • Tránh uống quá nhiều rượu, bia cũng như thức uống có cồn nói chung, nước giải khát có gas.

Ngoài ra, nếu bạn có những thắc mắc, những lo lắng về những gì nên ăn hay không nên ăn, hãy trao đổi trực tiếp, thẳng thắn với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng.

Chứng khó tiêu chức năng
Người bệnh nên tránh ăn đêm

3. Thuốc giảm axit

Các triệu chứng đầy hơi, ợ chua, ợ nóng, buồn nôn sẽ thuyên giảm hẳn khi người bệnh được điều trị các loại thuốc làm giảm axit dạ dày. Những nhóm thuốc này bao gồm:

  • Thuốc ức chế bơm proton: Đây là nhóm thuốc có khả năng mạnh nhất trong các loại thuốc giảm axit để cải thiện cơn đau do đường tiêu hóa trên, bao gồm omeprazole (Prilosec), esomeprazole (Nexium), lansoprazole (Prevacid), dexlansoprazole (Dexilant), pantoprazole (Protonix) và rabeprazole (AcipHex);
  • Thuốc chẹn histamine: Có thể hiệu quả trên một số đối tượng, bao gồm ranitidine (Zantac), famotidine (Pepcid), cimetidine (Tagamet) và nizatidine (Axid);
  • Thuốc kháng axit: Nhóm thuốc này cũng thường được dùng kèm theo các nhóm trên bởi lẽ tác dụng điều trị đơn độc có phần hạn chế hơn trên những người mắc chứng khó tiêu chức năng. Ví dụ về thuốc kháng axit là Tums, Maalox và Mylanta.

4. Điều trị H. pylori

Nếu bạn được chẩn đoán có nhiễm H. pylori và đồng thời cũng bị viêm loét dạ dày – thực quản, các triệu chứng bạn phải chịu hoàn toàn không được gọi là chứng khó tiêu chức năng. Lúc này, việc tiêu diệt H. pylori là bắt buộc.

Trong trường hợp bạn có bằng chứng tồn tại của H. pylori nhưng tuyệt đối không có tổn thương gì trên niêm mạc đường tiêu hóa, tuân thủ thực hiện phác đồ kháng sinh điều trị vi khuẩn này cũng cho thấy giúp giảm triệu chứng khó tiêu.

5. Thuốc chống lo lắng và thuốc giảm đau

Chứng khó tiêu chức năng
Liều thấp của các loại thuốc chống trầm cảm có thể giúp giảm triệu chứng khó tiêu ngay

Liều thấp của các loại thuốc chống trầm cảm có thể giúp giảm triệu chứng khó tiêu ngay cả khi bạn không bị trầm cảm. Một trong những nhóm thuốc chống trầm cảm được sử dụng phổ biến nhất là thuốc chống trầm cảm ba vòng, có khả năng cải thiện cơn đau cũng như nhu động đường ruột ngay cả khi dùng ở liều khởi đầu. Việc khởi trị đôi khi sẽ khiến nhiều người cảm thấy mệt mỏi; tuy nhiên, nếu dùng thuốc vào buổi tối, thuốc sẽ giúp người bệnh thấy sảng khoái hơn khi thức dậy vì còn giúp cải thiện được chất lượng giấc ngủ trong đêm. Việc dùng thuốc cần thực hiện ngắn ngày và ngưng thuốc khi triệu chứng đã cải thiện nhiều cũng như khi các biện pháp kết hợp khác đã phát huy tác dụng.

Trong khi đó, các loại thuốc giảm đau cần tránh vì có nhiều bằng chứng gây ra tác dụng phụ khó tiêu. Đó là các loại thuốc giảm đau, thuốc kháng viêm không cần kê toa như aspirin, ibuprofen (Advil, Motrin) và naproxen (Aleve). Mặt khác, các thuốc giảm đau theo toa, chẳng hạn như codein, hydrocodone hoặc oxycodone cũng không được khuyến cáo lâu dài do có tác dụng phụ gây táo bón và gây nghiện.

6. Một số vị thuốc thảo mộc

Đường tiêu hóa sau bữa ăn sẽ hoạt động tích cực hơn, thức ăn nhanh trở nên dễ hấp thu hơn nếu người bệnh được thư giãn, thưởng thức mùi vị của một số loại thảo mộc. Mặc dù bằng chứng hiệu quả vẫn chưa được nghiên cứu rõ ràng, kinh nghiệm dùng các loại sản phẩm từ thiên nhiên này vẫn được lưu truyền cho đến ngày nay.

  • Trà bạc hà: Bạc hà không chỉ là một chất làm mát hơi thở, nó còn có tác dụng chống co thắt đường tiêu hóa trên của cơ thể. Chính vì thế, đây là một lựa chọn tuyệt vời để làm giảm các vấn đề ở dạ dày như buồn nôn và khó tiêu. Uống một tách trà bạc hà sau bữa ăn để nhanh chóng làm dịu dạ dày hoặc giữ một vài miếng bạc hà trong túi để ngậm sau khi ăn là những cách thức rẻ tiền nhưng hiệu quả;
  • Trà hoa cúc: Hoa cúc được biết là một vị thuốc giúp gây ngủ và làm dịu sự lo lắng. Thảo dược này cũng pha thành trà uống giúp làm giảm khó chịu đường ruột, làm giảm chứng khó tiêu bằng cách giảm axit dạ dày trong đường tiêu hóa. Không chỉ thế, hoa cúc còn có tác dụng như một chất chống viêm, giảm đau;
  • Gừng: Gừng là một phương thuốc tự nhiên có tính nhiệt cao. Uống một tách trà gừng sẽ cải thiện chứng khó tiêu do làm giảm axit dạ dày. Các lựa chọn khác bao gồm ăn kẹo gừng, uống rượu gừng hoặc tự làm nước gừng đơn giản bằng cách dùng nước đun sôi vào đặt vào vài lát gừng mỏng. Có thể thêm một chút mật ong trước khi uống để mùi vị được thơm ngon hơn;
  • Hạt thì là: Loại thảo dược này cũng chống co thắt, khắc phục chứng khó tiêu sau bữa ăn, cũng như làm dịu các vấn đề về đường tiêu hóa khác như buồn nôn và đầy hơi. Cho 1/2 muỗng cà phê hạt cây thì là nghiền nát vào nước sôi trong 10 phút trước khi uống là một giải pháp sau khi ăn thực phẩm gây khó tiêu;
  • Rễ cam thảo: Rễ cam thảo cũng có thể làm dịu co thắt cơ vòng trong đường tiêu hóa. Pha rễ cam thảo vào nước sôi uống sau bữa ăn giúp nhanh hấp thu thức ăn cũng như nhai rễ cam thảo trực tiếp còn dùng để giảm đau, dịu thần kinh.
Chứng khó tiêu chức năng
Uống một tách trà gừng sẽ cải thiện chứng khó tiêu

7. Xây dựng lối sống lành mạnh, giảm căng thẳng

Biện pháp tự nhiên này nghe có vẻ quá đơn giản nhưng lại thực sự đem lại hiệu quả rất lớn đối với những người mắc chứng khó tiêu khi có mối tương quan trực tiếp với những căng thẳng, lo lắng trong cuộc sống.

Các phương pháp thư giãn lý tưởng là khác nhau tùy theo từng cá nhân. Một số gợi ý có thể là xây dựng kế hoạch làm việc, học tập hợp lý, đảm bảo thời gian nghỉ dưỡng, ngủ đúng giờ và ngủ đủ giấc... Bên cạnh đó, người bệnh cũng nên dành thời gian ra ngoài môi trường thiên nhiên, tập thể dục, tập yoga, massage... cũng như có những thú vui tiêu khiển, giải trí.

Ngoài ra, một số thói quen xấu cần bỏ sớm là hút thuốc lá, uống rượu hay sử dụng các chất kích thích.

Tóm lại, chứng khó tiêu chức năng là một trong những rối loạn đường tiêu hóa trên khá thường gặp, nhất là trong đời sống hiện đại chứa đựng nhiều căng thẳng hiện nay. Khó khăn chỉ nằm ở việc chẩn đoán bệnh là loại trừ những nguyên nhân tổn thương thực thể khác. Một khi bệnh đã được xác định, cần kiên trì áp dụng những biện pháp trên đây, nhất là ổn định tâm lý và điều chỉnh lối sống sẽ giúp cải thiện rất nhiều cho chứng khó tiêu chức năng, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Với gần 20 năm làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng trong chuyên ngành nội tiêu hóa - Gan mật tụy, mỗi năm bác sĩ Võ Thị Thùy Trang tham gia nội soi hơn 1500 ca bao gồm: nội soi chẩn đoán các bệnh lý dạ dày, đại tràng như: phát hiện viêm, loét, polyp, ung thư, tìm vi khuẩn HP, phát hiện ung thư sớm đường tiêu hóa...; Nội soi điều trị như: Cầm máu trong xuất huyết tiêu hóa, thắt búi giãn tĩnh mạch thực quản trong xơ gan, cắt polype ống tiêu hóa qua nội soi...

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

31.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan