Nang gan có nguy hiểm? Cách điều trị

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ. BSCK II Phan Thị Minh Hương - Bác sĩ Nội tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Nang gan thường không có triệu chứng, hầu hết đều là nang đơn giản, lành tính, không ảnh hưởng đến cơ thể. Do đó, điều trị nang gan thường chỉ phải áp dụng trong trường hợp nang lớn hơn 5cm.

1. Nang gan là gì?

Nang gan là một ổ trống có thể chứa dịch, máu hoặc không chứa gì nằm trong tổ chức gan. Nang gan có thể xuất phát từ các tế bào gan, mạch máu nuôi gan hoặc đường dẫn mật trong gan. Nang gan thường không có triệu chứng, đa số được phát hiện tình cờ khi đi khám sức khỏe tổng quát hoặc khám một bệnh nào khác.

Bệnh nang gan thường gặp nhiều hơn ở nữ giới. Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên nang gan: do di truyền bẩm sinh; do ký sinh trùng, virus, nhiễm nang sán và vi khuẩn lao; do cấu trúc của gan... sẽ gây nên các loại nang gan tại nhiều vị trí khác nhau.

2. Nang gan có nguy hiểm không?

Những tổn thương dạng nang ở gan bao gồm:

  • Nang đơn giản
  • Bệnh gan đa nang
  • U nang (Nang tân sinh)
  • Nang sán (ký sinh trùng echinococcus)
  • Áp xe gan

Tuy nhiên, hầu hết nang gan đều là nang đơn giản, lành tính, tỷ lệ ác tính rất thấp. Nang gan loại này hầu như không ảnh hưởng đến cơ thể.

Gan
Hầu hết các nang gan đều là nang đơn giản, lành tính

3. Điều trị nang gan

Điều trị nang gan về cơ bản phụ thuộc vào loại nang gan và kích thước của nang đó.

3.1. Đối với kích thước

  • Đa số các trường hợp phát hiện là chung sống hòa bình với u nang.
  • Trong trường hợp kích thước nang gan nhỏ hơn 5cm thì thường không cần can thiệp điều trị, chỉ cần thường xuyên tầm soát bệnh định kỳ để theo dõi, để xác định tốc độ phát triển của u nang, phòng ngừa u nang có thể phát triển thành u ác tính.
  • Trong trường hợp nang gan lớn hơn 5cm, thường là lúc này bệnh đã gây ra nhiều triệu chứng lâm sàng như gây đau và mất máu, xuất huyết trong, rối loạn tiêu hóa, vàng da vàng mắt... Khi đó, rất cần bác sĩ chỉ định cụ thể về điều trị để giảm các triệu chứng này.

3.2. Điều trị theo từng loại nang

3.2.1 Nang đơn giản

Nang đơn giản thường được xem là do bẩm sinh. Nang được lót bởi biểu mô cùng loại với đường mật nhưng dịch trong nang không chứa mật. Do dịch nang được bài tiết liên tục, vì thế nên nang thường tái lập sau khi chọc hút hoặc dẫn lưu.

Nang đơn giản thường không có triệu chứng, nó có thể gây đau 1/4 bụng trên phải và bụng to lên nếu nang lớn. Nếu nang quá lớn, có thể được sờ thấy qua khám bụng. Vỡ, xoắn nang, vàng da là những biến chứng được gây ra bởi tắc nghẽn ống mật nhưng thực tế rất hiếm gặp.

Bệnh có thể tự lành. Trong trường hợp có triệu chứng thì chọc hút hoặc gây xơ hóa nang. Mổ nội soi ổ bụng hoặc mổ hở để mở thông nang (fenestration) có thể hiệu quả hơn nhưng có nguy cơ phẫu thuật. Tuy nhiên, thường thì nang có triệu chứng đáp ứng tốt với điều trị.

3.2.2. Bệnh gan đa nang

Bệnh gan đa nang ở người lớn là bệnh lý bẩm sinh thường kèm theo bệnh thận đa nang và thường liên quan đến rối loạn gen.

Nang thận thường xuất hiện trước nang gan và bệnh thận mạn cũng thường gặp. Tuy nhiên, bệnh gan đa nang thực tế rất hiếm khi dẫn đến xơ hóa gan và suy gan. Gan to và đau bụng có thể xuất hiện. Những nang thường được phát hiện trong giai đoạn dậy thì. Vỡ, xuất huyết và nhiễm trùng nang thường hiếm gặp.

Chỉ cần thiết phải điều trị khi nang gây ra triệu chứng. Giống như với nang gan đơn giản, có thể điều trị bằng cách chọc hút, xơ hóa. Ghép gan cũng có thể được thực hiện. Tỷ lệ tái phát sau chọc hút xơ hóa được ước tính là khoảng 19%.

3.2.3. U nang (Nang tân sinh)

U nang tuyến và ung thư nang tuyến thường hiếm gặp. U nang tuyến là một tổn thương tiền ung thư.

Loại nang này thường không triệu chứng hoặc triệu chứng (không rõ ràng) bao gồm trướng bụng, buồn nôn và cảm giác no. Nếu u lớn, bệnh nhân có thể bị đau bụng và tắc nghẽn đường mật.

Điều trị u loại này chủ yếu là cắt bỏ khối u. Tuy nhiên, ung thư nang tuyến vẫn có thể tái phát sau khi được cắt hoàn toàn.

U nang
U nang tuyến là một tổn thương tiền ung thư

3.2.4. Nang sán (do ký sinh trùng Echinoccocus)

Nang sán loại này được hình thành do nhiễm một loại sán dải có tên là Echinococcus granulosus.

Động vật ăn thịt như chó và chó sói được xem là vật chủ chính. Chúng thải trứng sán ra ngoài qua phân và sau đó trứng có thể nhiễm vào các loại trâu bò hoặc con người. Do đó, người bị nhiễm thường gặp ở những người nuôi cừu hoặc các loại trâu, bò hoặc ở những người tiếp xúc với chó.

Bệnh nhân có thể không có triệu chứng trong nhiều năm hoặc có thể xuất hiện với đau ở hạ sườn phải. Những nang lớn có thể vỡ vào trong đường mật gây vàng da hoặc viêm đường mật, vỡ xuyên qua cơ hoành vào trong ngực, hoặc vỡ vào trong ổ bụng gây sốc phản vệ. Nhiễm trùng thứ phát và áp-xe gan có thể do sự vỡ nang sán. Nang sán có thể hình thành ở phổi và các cơ quan khác.

Điều cần thiết là ngăn ngừa những biến chứng do nang lớn và vỡ nang. Điều trị bao gồm sử dụng các thuốc như albendazole hoặc mebendazole, chọc hút qua da và phẫu thuật.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại mà còn nổi bật với dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp; không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

28.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan