Những điều cơ bản về nội soi đại tràng

Bài viết bởi Bác sĩ Tạ Quế Phương - Khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Nội soi đại tràng là một kỹ thuật đưa một ống soi mềm qua hậu môn đi ngược lên đến manh tràng để quan sát toàn bộ niêm mạc đại tràng. Nếu cần thiết có thể tiến hành sinh thiết tổn thương ở đại tràng và một số thủ thuật như cắt polyp, lấy dị vật, tiêm cầm máu.

1. Nội soi đại tràng là gì?

Thông thường, nội soi đại tràng như một xét nghiệm sàng lọc để kiểm tra polyp hoặc ung thư ở đại tràng hoặc trực tràng. Polyp là một khối nhỏ các tế bào hình thành trên niêm mạc đại tràng có thể phát triển thành ung thư. Nếu có polyp, có thể cắt bỏ trong quá trình nội soi. Lấy polyp đại tràng ra làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư. Mọi người cũng có thể được nội soi nếu họ có bất kỳ triệu chứng nào được liệt kê dưới đây. Xét nghiệm sàng lọc ung thư là các xét nghiệm được thực hiện để phát hiện ung thư sớm, trước khi một người có triệu chứng. Ung thư được phát hiện sớm thường nhỏ và có thể được chữa khỏi hoặc điều trị dễ dàng.

Có nhiều xét nghiệm để sàng lọc ung thư đại tràng. Nhưng hầu hết các chuyên gia cho rằng nội soi đại tràng là xét nghiệm tốt nhất để sàng lọc ung thư đại tràng.

2. Khi nào nên tầm soát ung thư đại tràng ?

Các bác sĩ khuyến cáo rằng hầu hết mọi người bắt đầu sàng lọc ung thư đại tràng ở tuổi 50. Một số người tăng nguy cơ mắc ung thư đại tràng, vì tiền sử gia đình hoặc một số vì điều kiện kinh tế. Những người này có thể bắt đầu sàng lọc ở độ tuổi trẻ hơn.

Di truyền
Người có tiền sử gia đình mắc ung thư đại tràng nên được tâm soát ung thư sớm

3. Các yếu tố có thể yêu cầu nội soi là?

  • Máu ẩn trong phân.
  • Chảy máu trực tràng
  • Thay đổi thói quen đại tiện, như tiêu chảy kéo dài
  • Thiếu máu chưa rõ nguyên nhân, thiếu máu thiếu sắt
  • Đau bụng mạn tính mà không thể giải thích.
  • Kết quả bất thường từ một loại xét nghiệm đại tràng khác.
  • Tiền sử gia đình hoặc bản thân bị ung thư đại tràng hoặc polyp trong đại tràng

4. Nên làm gì trước khi nội soi?

Nội soi đại tràng cần sự chuẩn bị kỹ để lòng đại tràng sạch hết phân, khi nội soi bác sĩ sẽ có thể thấy rõ lòng đại tràng.

  • Bệnh nhân nên ngừng các thuốc có chứa sắt 3-4g ngày trước soi . Ăn chế độ ăn không có chất xơ 1 ngày trước soi
  • Bệnh nhân nhịn ăn ít nhất 8 giờ trước khi đi nội soi đại tràng
  • Bệnh nhân cần thông tin cho bác sĩ biết các thuốc đang điều trị, tiền sử dị ứng thuốc và các bệnh khác nếu có.
  • Các trường hợp khác, nhân viên y tế sẽ hướng dẫn chi tiết trước khi nội soi.
Nhịn ăn không liên tục
Người bệnh cần nhịn ăn trước khi nội soi với thời gian khoảng 8 tiếng đồng hồ

Làm sạch đại tràng bằng hai cách:

  • Dùng thuốc nhuận tràng: Có nhiều loại thuốc nhưng hiện nay dùng Fortrans, Fleet. Dùng 3 gói thuốc pha vào 3 lít nước đun sôi để nguội uống trước khi soi 6 giờ. Chú ý: Nếu người bệnh có bán tắc hay tắc ruột thì không dùng thuốc nhuận tràng.
  • Phương pháp thụt rửa: Nếu người bệnh không uống được thuốc nhuận tràng hoặc người bệnh có bán tắc ruột, thụt sạch 3 lần trước khi soi. Chú ý: Đối với người bệnh bị táo bón cần dùng thuốc nhuận tràng 3 ngày trước khi soi: Forlax, Duphalac theo liều khuyến cáo.

5. Quá trình nội soi diễn ra như thế nào ?

Quá trình nội soi đại tràng diễn ra khoảng 20-30 phút . Trước khi nội soi, bạn sẽ được điều dưỡng hướng dẫn thay quần áo bệnh viện, tư thế nằm trên giường để nội soi, tư thế nằm thường nghiêng về bên trái và chân gập cao lên gần tới bụng. Nếu nội soi có gây mê bác sỹ sẽ cho bạn dùng thuốc giảm đau và thuốc an thần thông qua tiêm tĩnh mạch để hạn chế sự khó chịu của bạn.

Sau đó, bác sỹ sẽ đặt một ống nội soi có gắn camera ở đầu vào hậu môn lên trực tràng và đại tràng. Bác sĩ sẽ quan sát toàn bộ niêm mạc bên trong của đại tràng, trực tràng.

Trong quá trình thực hiện nội soi, bác sĩ có thể làm một xét nghiệm gọi là sinh thiết những vùng bất thường như viêm loét, polyp, u... Trong khi sinh thiết, bác sĩ lấy một mảnh mô nhỏ từ đại tràng – trực tràng. Sau đó,chúng được gửi tới khoa giải phẫu bệnh để xét nghiệm mô bệnh học. Ngoài ra các bác sỹ có thể loại bỏ polyp qua nội soi bằng các dụng cụ như kìm sinh thiết, thòng lọng (snare).... Thủ thuật này thường không gây đau, nhưng chảy máu có thể xảy ra tại vị trí mà mô được lấy ra. Hiếm khi, nội soi có thể làm thủng thành đại tràng. Nếu xảy ra trường hợp này, phẫu thuật sẽ được yêu cầu để xử lý.

nội soi đại tràng
Nội soi đại tràng giúp bác sĩ phát hiện đánh giá những tổn thương vùng đại tràng thông qua hình ảnh chi tiêt

6. Theo dõi sau nội soi đại tràng như thế nào ?

Sau khi nội soi xong bạn nên nằm lưu lại viện 2h để chờ cho tác dụng của thuốc an thần hoặc thuốc gây mê biến mất. Bạn cũng không nên lái xe sau đó, mà nên nhờ người nhà đưa về. Bạn hoàn toàn có thể thực hiện các hoạt động thường ngày của bạn, có thể ăn như bình thường

Nội soi đại tràng là một thủ thuật an toàn, và các biến chứng rất hiếm nhưng có thể xảy ra:

  • Chảy máu có thể xảy ra từ sinh thiết hoặc loại bỏ polyp, nhưng nó thường rất nhỏ và có thể được kiểm soát.
  • Nội soi có thể gây rách hoặc lỗ thủng trong đại tràng, đôi khi cần phẫu thuật để xử lý, nhưng nó không xảy ra phổ biến.
  • Có thể có tác dụng phụ từ các loại thuốc an thần như buồn nôn hoặc nôn.

Liên hệ với bác sĩ của bạn ngay lập tức nếu xảy ra những biến chứng sau đây:

  • Đau bụng nặng hơn nhiều so với đau khí hoặc chuột rút
  • Bụng căng và cứng
  • Nôn
  • Sốt
  • Chảy máu nhiều từ hậu môn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

814 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan