Phẫu thuật nội soi ổ bụng thực hiện khi nào?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Vũ Văn Quân - Phó trưởng khoa ngoại - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Phẫu thuật nội soi ổ bụng là kỹ thuật ít xâm lấn giảm thiểu đau đớn cho người bệnh, thời gian hồi phục nhanh và rút ngắn số ngày lưu viện. Đây là kỹ thuật dùng để chẩn đoán và điều trị các bệnh lý bên trong ổ bụng

1. Phẫu thuật nội soi ổ bụng là gì?

Phẫu thuật nội soi ổ bụng là kỹ thuật ít xâm lấn có thể quan sát các cơ quan bên trong ổ bụng. Trong một số trường hợp, chụp X quang hay siêu âm không thể xác định được chính xác nguyên nhân, tình trạng, vị trí tổn thương, buộc phải quan sát trực tiếp thông qua nội soi ổ bụng. Bác sĩ dùng một ống kim loại gắn máy quay và đèn chiếu sáng đưa vào trong cơ thể người bệnh thông qua một vết rạch nhỏ, nhờ đó có thể quan sát được toàn bộ các bộ phận vùng ổ bụng để đưa ra chẩn đoán và biện pháp điều trị cụ thể.

So với phương pháp truyền thống, phẫu thuật nội soi ổ bụng có nhiều ưu điểm vượt trội như:

  • Ít gây đau cho bệnh nhân;
  • Thời gian phục hồi nhanh chóng;
  • Thời gian lưu viện được rút ngắn;
  • Phân tích chính xác, ít sang chấn phẫu thuật;
  • Quan sát được toàn bộ cơ quan lân cận và ổ bụng;
  • Nhu động ruột phục hồi nhanh;
  • Hạn chế tối đa biến chứng dính ruột và nhiễm khuẩn vết mổ sau phẫu thuật;
  • Không để lại vết sẹo lớn, đảm bảo tính thẩm mỹ;
  • Giảm thiểu rối loạn miễn dịch và ảnh hưởng chức năng hô hấp...

2. Phẫu thuật nội soi ổ bụng thực hiện khi nào?

Viêm phúc mạc
Phẫu thuật nội soi ổ bụng có thể được thực hiện khi bị viêm phúc mạc do thủng cơ quan nội tạng

Phẫu thuật nội soi ổ bụng được chỉ định trong các trường hợp:

  • Các phẫu thuật gan, mật (phẫu thuật cắt túi mật, phẫu thuật lấy sỏi đường mật và ống mật chủ, phẫu thuật cắt gan, phẫu thuật nối mật ruột) qua nội soi hoặc mổ mở.
  • Cắt ruột thừa.
  • Thủng ổ loét dạ dày hoặc tá tràng.
  • Trào ngược thực quản dạ dày, thoát vị hoành.
  • Các phẫu thuật dạ dày (cắt dạ dày bán phần hoặc cắt toàn bộ dạ dày đối với u lành hoặc ác tính, mổ thông dạ dày, nối vị tràng).
  • Phẫu thuật điều trị béo phì (còn gọi là phẫu thuật bariatric) như cắt vạt dạ dày, thắt đai dạ dày hoặc bắc cầu dạ dày.
  • Phẫu thuật điều trị tắc ruột non hoặc ruột kết.
  • Chấn thương ổ bụng như tổn gan, lách hoặc ruột.
  • Viêm phúc mạc do thủng cơ quan nội tạng.
  • Các phẫu thuật tụy và lách như phẫu thuật cắt khối tá tụy, cắt lách và thân đuôi tụy, mở thông nang tụy với hỗng tràng (hầu hết qua kỹ thuật mổ mở).
  • Phẫu thuật đại tràng, trực tràng. Phẫu thuật cắt bán phần hoặc toàn bộ đại tràng qua nội soi.
  • Phẫu thuật thoát vị bẹn và thoát vị thành bụng khác có đặt lưới qua mổ mở hoặc nội soi.
  • Các phẫu thuật trực tràng (trĩ, dò hậu môn, nứt kẽ hậu môn, áp xe nang lông sau xương cùng cụt, ...) với các phương tiện mới như phẫu thuật Longo, hệ thống treo và triệt mạch trĩ (HAL/RAR Doppler).

3. Quy trình phẫu thuật nội soi qua ổ bụng

Trước khi phẫu thuật nội soi ổ bụng, người bệnh được gây mê toàn thân, mất hoàn toàn cảm giác trong quá trình phẫu thuật.

Bác sĩ rạch một đường nhỏ dưới 1,5 inch trên rốn để đưa ống nội soi vào cơ thể. Trong quá trình phẫu thuật, khí cacbon dioxide hoặc nitrous oxide sẽ được bơm vào ổ bụng thông qua một cây kim tiêm giúp quan sát các tạng và cơ quan trong ổ bụng một cách rõ ràng nhất.

Để tạo đường cho ống nội soi đi vào cơ thể, bác sĩ sử dụng ống trocar chọc quá vết rạch trước. Ống nội soi gắn thiết bị quan sát và một thiết bị chiếu sáng chuyên dụng, hình ảnh thu được qua camera được truyền lên màn hình bên ngoài. Dựa vào hình ảnh đó, bác sĩ có thể đánh giá tình trạng, vị trí tổn thương, mức độ tổn thương để đưa ra phương án điều trị phù hợp nhất.

4. Các biểu hiện thường gặp sau khi phẫu thuật nội soi ổ bụng

Chăm sóc sau phẫu thuật
Sau quá trình phẫu thuật nội soi ổ bụng, người bệnh có thể gặp một số triệu chứng như: mệt mỏi, choáng váng, chóng mặt

4.1 Biểu hiện bình thường sau phẫu thuật

Sau quá trình phẫu thuật nội soi ổ bụng, người bệnh có thể gặp một số triệu chứng như: mệt mỏi, choáng váng, chóng mặt, đau tại vết mổ, đau lưng, đau vai... Đây là những biểu hiện thường gặp sau phẫu thuật do tác dụng của thuốc gây mê và các loại khí sử dụng khi nội soi và sẽ hết sau 1 - 2 ngày.

Để quá trình hồi phục diễn ra nhanh nhất, người bệnh nên đứng dậy đi lại nhẹ nhàng để tránh dính ruột và nhanh đi trung tiện. Ăn thức ăn lỏng, cháo loãng trước khi đi trung tiện.

4.2 Biểu hiện bất thường sau phẫu thuật

Các biến chứng sau phẫu thuật nội soi ổ bụng ít khi xảy ra, tuy nhiên bệnh nhân và người nhà cần theo dõi sức khỏe, nhanh chóng đưa người bệnh đến bệnh viện khi có các triệu chứng sau:

  • Chảy máu khoang bụng;
  • Xuất huyết hoặc thoát vị ở những vùng rạch;
  • Xuất huyết nội;
  • Nhiễm trùng vết mổ;
  • Viêm thành bụng;
  • Cục máu đông xâm nhập vào phổi, vùng chậu, mạch máu chân, tim hoặc não;
  • Các biến chức của thuốc gây mê...

Những biến chứng sau phẫu thuật nội soi ổ bụng có thể không xuất hiện ngay lập tức. Khi có những dấu hiệu bất thường về sức khỏe, cần nhanh chóng đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Thực hiện phẫu thuật nội soi ổ bụng và các loại phẫu thuật khác nói chung nên được tiến hành tại các bệnh viện uy tín để làm giảm thấp nhất khả năng biến chứng có thể xảy ra.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan