Viêm dạ dày ruột ở trẻ nhỏ

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Nguyễn Thái Ngọc Châu - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.

Trẻ nhỏ dưới 3 tuổi rất dễ bị viêm dạ dày ruột, thậm chí có trẻ mắc viêm dạ dày ruột nhiều lần trong năm, nhất là những bé đã đi nhà trẻ.

1. Bệnh viêm dạ dày ruột ở trẻ em

Viêm dạ dày ruột là tình trạng niêm mạc của đường tiêu hóa bị viêm. Hầu hết trẻ nhỏ đều mắc viêm dạ dày ruột ít nhất 2 lần/năm. Sau 3 tuổi, khi hệ miễn dịch của trẻ phát triển hơn thì tỷ lệ trẻ mắc bệnh sẽ giảm dần.

2. Nguyên nhân gây bệnh viêm dạ dày ruột trẻ em

Nguyên nhân gây bệnh viêm dạ dày ruột là do virus, thường gặp nhất là virus rota và virus adeno. Ngoài ra, một số loại vi khuẩn cũng có khả năng gây bệnh như: E.coli, tụ cầu, salmonella, shigella, campilobacter. Nguyên nhân hiếm gặp hơn là do các ký sinh trùng như: gardia.

3. Biểu hiện của bệnh viêm dạ dày ruột trẻ em

Viêm dạ dày ruột cấp ở trẻ em sẽ có các biểu hiện sau đây:

  • Nôn mửa
  • Tiêu chảy
  • Đau bụng
  • Sốt, ớn lạnh
  • Đau nhức toàn thân

Mức độ biểu hiện của các triệu chứng có thể nặng nhẹ khác nhau tùy theo tình trạng bệnh. Các biểu hiện này có thể kéo dài từ vài ngày đến vài giờ, phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Nếu thấy trẻ có biểu hiện nôn mửa kéo dài, tiêu chảy, phân có lẫn máu quá 2 ngày thì có thể bé đã mắc bệnh viêm dạ dày ruột.

Nên cho trẻ đi khám ngay nếu trẻ có dấu hiệu mất nước, đặc biệt là khi có các biểu hiện sau:

  • Đi tiểu quá ít, lượng nước tiểu ít
  • Ngủ li bì
Viêm dạ dày ruột ở trẻ nhỏ
Trẻ ngủ li bì
  • Quấy khóc không thể dỗ được
  • Trẻ khát nước trầm trọng
  • Môi khô, tái nhợt
  • Mắt trũng
  • Thóp lõm
  • Da nhăn nheo
  • Khóc không ra nước mắt
  • Tay chân lạnh, người nhợt nhạt

Trẻ bị mất nước có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Nên đến ngay bệnh viện để các bác sĩ tiến hành bù nước, truyền dịch qua đường tĩnh mạch.

Trường hợp trẻ bị viêm dạ dày ruột do vi khuẩn hoặc ký sinh trùng thì có thể sử dụng kháng sinh để điều trị.

4. Bệnh viêm dạ dày ruột có lây không?

Bệnh viêm dạ dày ruột là bệnh truyền nhiễm và có khả năng lây nhiễm rất dễ dàng.

  • Đối với viêm dạ dày ruột do virus: Bệnh lây nhiễm khi bé ăn thực phẩm chứa mầm bệnh, dùng chung thìa, cốc với người nhiễm bệnh;
  • Đối với viêm dạ dày ruột do vi khuẩn hoặc ký sinh trùng: Bệnh lây nhiễm khi bé dùng thực phẩm hoặc uống nước có mầm bệnh;

Ngoài ra, trẻ nhỏ có thể bị lây bệnh do tiếp xúc với phân nhiễm vi khuẩn rồi vô tình đưa tay lên miệng. Vi khuẩn gây bệnh có kích thước rất nhỏ nên rất dễ bị bám dính.

5. Điều trị viêm dạ dày ruột trẻ em

Điều quan trọng khi điều trị viêm dạ dày ruột ở trẻ em là không được dùng thuốc cầm tiêu chảy. Vì tiêu chảy là phản ứng của cơ thể nhằm tống các vi khuẩn gây bệnh ra bên ngoài. Việc dùng thuốc cầm tiêu chảy sẽ khiến tình trạng bệnh năng hơn, kéo dài thêm, thậm chí gây ra các phản ứng nguy hiểm.

Nếu trẻ bị bệnh do nhiễm virus thì không có cách gì điều trị, buộc phải đợi trẻ tự khỏi sau khi đi ngoài nhiều lần, tống vi khuẩn ra ngoài cơ thể. Nếu trẻ bị bệnh do vi khuẩn thì có thể dùng kháng sinh để điều trị. Sau đây là một số lưu ý khi điều trị viêm dạ dày ruột ở trẻ:

  • Nếu trẻ bị sốt và quấy khóc liên tục có thể dùng acetaminophen hoặc ibuprofen. Tuyệt đối không được cho trẻ uống aspirin bởi thuốc này có thể gây hội chứng Reye rất nguy hiểm;
  • Nếu trẻ bị mất nước thì cho trẻ uống nhiều nước và uống thêm oresol để bù muối khoáng, dung dịch điện giải;
  • Nếu bé chỉ bú sữa mà nôn trớ liên tục thì có thể cho bé nhấp từ từ dung dịch oresol cho đến khi hết nôn trớ;
  • Nếu bé đã ăn thức ăn dạng đặc và không bị nôn thì có thể tiếp tục khẩu phần ăn mà không cần uống oresol;
  • Không cho trẻ uống các loại đồ uống có chứa nhiều đường. Đường có thể khiến tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn, gây đầy bụng, khó tiêu;

6. Chế độ ăn uống khi trẻ bị viêm dạ dày ruột

Viêm dạ dày ruột ở trẻ nhỏ
Trẻ bị viêm dạ dày ruột

Cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trực tiếp điều trị cho bé. Có thể cho bé ăn thức ăn loãng trong vài ngày đến khi tình trạng bệnh được cải thiện.

Sau khi triệu chứng bệnh thuyên giảm thì cho trẻ sớm trở lại chế độ ăn bình thường, ăn đầy đủ tinh bột, đạm, rau củ quả... Cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ để trẻ có thể tự đẩy lùi vi khuẩn, chiến đấu với virus gây bệnh.

7. Cách phòng bệnh viêm dạ dày ruột ở trẻ nhỏ

  • Rửa tay thật sạch bằng xà phòng sau khi thay tã cho bé;
  • Rửa tay thật sạch trước khi cho bé ăn. Nếu bé đã tự ăn được thì rửa tay cho bé;
  • Giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, rửa tay nhiều lần cho trẻ trong suốt cả ngày;
  • Đảm bảo vệ sinh thực phẩm trong quá trình chuẩn bị và chế biến đồ ăn cho bé;
  • Cho bé uống vắc xin phòng bệnh tiêu chảy do virus rota;

Cha mẹ cần nắm rõ những thông tin cơ bản nhất về bệnh viêm dạ dày ruột ở trẻ nhỏ, đặc biệt là cách xử trí trong các trường hợp nguy cấp. Khi tình trạng của bé không thuyên giảm sau khi được chăm sóc tại nhà thì nên đưa bé đi bệnh viện để được điều trị.

Bác sĩ Nguyễn Thái Ngọc Châu có 09 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Nhi - Sơ sinh, nguyên là Phó khoa nhi Bệnh viện Quốc Tế Phương Châu (Cần Thơ). Bác sĩ Châu thường xuyên tham gia các khóa đào tạo về dinh dưỡng trẻ em, hồi sức cấp cứu nhi, điều trị bệnh lý nhi khoa.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

30.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan