Tìm hiểu chứng mệt mỏi kinh niên

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Bùi Ngọc Phương Hòa - Bác sĩ Nội đa khoa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Mệt mỏi là triệu chứng mà nhiều người gặp phải. Tuy nhiên, một người chỉ được đánh giá là bị mắc bệnh mệt mỏi kinh niên khi tình trạng này kéo dài hơn 6 tháng. Hội chứng mệt mỏi kinh niên là một rối loạn phức tạp đặc trưng bởi sự mệt mỏi cực độ mà không thể giải thích được bằng bất kỳ tình trạng bệnh lý tiềm ẩn nào.

Sự mệt mỏi có thể trở nên tồi tệ hơn với hoạt động thể chất hoặc có vấn đề về tinh thần, các triệu chứng này không được cải thiện kể cả khi được nghỉ ngơi. Hội chứng mệt mỏi kinh niên (tên tiếng Anh là Chronic fatigue syndrome). Hiện nay, nguyên nhân vẫn chưa được biết, mặc dù có nhiều giả thuyết như từ nhiễm virus đến căng thẳng tâm lý. Một số chuyên gia tin rằng hội chứng mệt mỏi kinh niên có thể được kích hoạt bởi sự kết hợp của nhiều yếu tố. Điều trị hội chứng mệt mỏi kinh niên tập trung vào giảm triệu chứng của bệnh.

1. Triệu chứng

Mệt mỏi kinh niên được chẩn đoán khi có dấu hiệu mệt mỏi ít nhất 6 tháng đồng thời có ít nhất 4 trong các triệu chứng sau:

  • Mệt mỏi kinh niên
  • Mất trí nhớ hoặc khó tập trung
  • Viêm họng
  • Hạch to ở cổ hoặc nách
  • Đau cơ hoặc khớp không giải thích được
  • Nhức đầu
  • Ngủ không ngon giấc
  • Kiệt sức kéo dài hơn 24 giờ sau khi tập thể dục hoặc làm việc căng thẳng

Khi nào đi khám bác sĩ: Mệt mỏi có thể là triệu chứng của nhiều bệnh, chẳng hạn như nhiễm trùng hoặc rối loạn tâm lý. Nói chung, người bệnh cần đi khám bác sĩ nếu bị mệt mỏi kéo dài hoặc mệt mỏi quá mức ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày.

Mệt mỏi
Mệt mỏi có thể là triệu chứng của nhiều bệnh

2. Nguyên nhân gây bệnh

Những người mắc hội chứng mệt mỏi kinh niên có triệu chứng quá nhạy cảm với các hoạt động hằng ngày như tập thể dục và hoạt động bình thường.

Tại sao điều này xảy ra ở một số người và không phải xảy ra ở những người khác thì hiện nay các bác sĩ vẫn chưa biết được nguyên nhân chính xác. Một số người có thể được sinh ra với khuynh hướng chứng rối loạn này, sau đó được kích hoạt bởi sự kết hợp của một số yếu tố. Các yếu tố kích hoạt có thể bao gồm:

2.1 Nhiễm virus

Do một số người phát triển hội chứng mệt mỏi kinh niên sau khi bị nhiễm virus, các nhà nghiên cứu đặt câu hỏi liệu một số virus có thể gây ra rối loạn này hay không. Các virus đáng ngờ bao gồm virus Epstein-Barr, virus herpes type 6 ở người và virus gây bệnh bạch cầu ở chuột.

2.2 Vấn đề hệ thống miễn dịch

Hệ thống miễn dịch của những người mắc hội chứng mệt mỏi kinh niên có bị suy yếu đôi chút, nhưng không rõ liệu sự suy yếu này có đủ để thực sự gây ra rối loạn này hay không.

2.3 Mất cân bằng nội tiết tố

Những người mắc hội chứng mệt mỏi kinh niên đôi khi cũng có triệu chứng nồng độ hormone trong máu bất thường được sản xuất ở vùng dưới đồi, tuyến yên hoặc tuyến thượng thận. Nhưng ý nghĩa của những bất thường này vẫn chưa được biết.

3. Ai dễ mắc hội chứng mệt mỏi kinh niên?

Liệu pháp hormone thời kỳ mãn kinh: Lợi ích và rủi ro
ội chứng mệt mỏi kinh niên có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng nó thường gặp ở những người ở độ tuổi 40 và 50

Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc hội chứng mệt mỏi kinh niên bao gồm:

3.1 Tuổi tác

Hội chứng mệt mỏi kinh niên có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng nó thường gặp ở những người ở độ tuổi 40 và 50.

3.2 Giới tính

Phụ nữ được chẩn đoán mắc hội chứng mệt mỏi kinh niên cao hơn nhiều so với nam giới.

3.3 Mệt mỏi, căng thẳng

Khó quản lý căng thẳng (stress) có thể góp phần vào khởi phát hội chứng mệt mỏi kinh niên.

4. Biến chứng hội chứng mệt mỏi kinh niên

Các biến chứng có thể có của hội chứng mệt mỏi kinh niên bao gồm:

  • Phiền muộn
  • Suy nhược cơ thể
  • Cách ly xã hội
  • Ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày
  • Nghỉ làm thường xuyên

5. Chẩn đoán

Không có xét nghiệm nào chắc chắn để xác nhận chẩn đoán hội chứng mệt mỏi kinh niên, do các triệu chứng của hội chứng mệt mỏi kinh niên có thể gần giống với rất nhiều vấn đề sức khỏe khác nên rất mất thời gian để chẩn đoán.

Bác sĩ cần phải loại trừ một số bệnh khác trước khi chẩn đoán hội chứng mệt mỏi kinh niên, bao gồm:

5.1 Rối loạn giấc ngủ

Mệt mỏi kinh niên xảy ra do rối loạn giấc ngủ. Việc xem xét về giấc ngủ của người bệnh có thể xác định liệu người bệnh có mắc các rối loạn như ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn, Hội chứng chân bồn chồn (hay còn gọi hội chứng chân không yên, Restless legs syndrome) hoặc mất ngủ.

5.2 Suy tim và phổi

Các vấn đề với tim hoặc phổi có thể khiến bạn cảm thấy mệt mỏi hơn. Bác sĩ sẽ thực hiện một số xét nghiệm để đánh giá chức năng tim và phổi của bạn như siêu âm tim, đo chức năng hô hấp ...

5.3 Vấn đề sức khỏe tâm thần

Mệt mỏi cũng là một triệu chứng của một loạt các vấn đề sức khỏe tâm thần, chẳng hạn như trầm cảm, lo lắng, rối loạn lưỡng cực và tâm thần phân liệt.

5.4. Một số bệnh khác có triệu chứng giống hội chứng mệt mỏi kinh niên, bao gồm:

- Suy giáp

- Hội chứng đau xơ cơ (Fibromyalgia)

- nhược cơ

- viêm khớp dạng thấp

- béo phì nặng,...

6. Điều trị

Khám bệnh
Điều trị chủ yếu tập trung vào giảm triệu chứng của bệnh

Hiện nay chưa có cách để điều trị đặc hiệu cho hội chứng mệt mỏi kinh niên, điều trị chủ yếu tập trung vào giảm triệu chứng của bệnh.

6.1 Thuốc

Nhiều người mắc hội chứng mệt mỏi kinh niên có kèm theo trầm cảm. Điều trị trầm cảm của bạn có thể giúp bạn dễ dàng đối phó với các vấn đề liên quan đến hội chứng mệt mỏi kinh niên. Sử dụng liều thấp của một số thuốc chống trầm cảm cũng có thể giúp cải thiện giấc ngủ và giảm đau.

6.2 Trị liệu

Phương pháp điều trị hiệu quả nhất cho hội chứng mệt mỏi kinh niên là phương pháp kết hợp đào tạo nhận thức và tập thể dục nhẹ nhàng.

Đào tạo nhận thức. Nói chuyện với một cố vấn có thể giúp bạn tìm ra các lựa chọn để khắc phục một số hạn chế mà hội chứng mệt mỏi kinh niên đặt ra cho bạn. Khi người bệnh cảm thấy bản thân có thể kiểm soát được cơ thể nhiều hơn thì cuộc sống của người bệnh có thể cải thiện đáng kể theo mong muốn của bản thân.

6.3. Thay đổi lối sống

Thực hiện một số thay đổi lối sống có thể giúp giảm các triệu chứng của hội chứng này như:

  • Hạn chế hoặc không uống caffeine, nicotine và rượu có thể giúp bạn ngủ ngon hơn và giảm chứng mất ngủ.
  • Không ngủ trưa để buổi tối bạn sẽ dễ đi vào giấc ngủ hơn
  • Tạo thói quen đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm cố định.

6.4. Duy trì thói quen tập luyện

Người bệnh nên xin lời khuyên từ bác sĩ hoặc kỹ thuật viên vật lý trị liệu để giúp xác định loại bài tập nào là tốt nhất cho bạn. Những người không hoạt động thường bắt đầu với các bài tập di chuyển đơn giản và kéo dãn chỉ trong vài phút mỗi ngày. Dần dần tăng cường mức độ và thời gian tập thể dục theo thời gian có thể giúp giảm tình trạng quá mẫn cảm với tập thể dục, giống như các mũi tiêm dị ứng làm giảm dần sự mẫn cảm của một người với các chất gây dị ứng.

6.5. Phương pháp điều trị thay thế

Châm cứu, thái cực quyền, yoga và xoa bóp có thể giúp giảm đau và mệt mỏi do hội chứng mệt mỏi kinh niên gây ra. Tuy nhiên, người bệnh cần phải trao đổi với bác sĩ trước khi bắt đầu bất kỳ phương pháp điều trị thay thế hoặc bổ sung nào.

KẾT LUẬN:

- Hội chứng mệt mỏi kinh niên là bệnh lí thường gặp trên thực tế lâm sàng mà chúng ta thường nhằm với trầm cảm hay suy nhược thần kinh.

- Chẩn đoán dựa vào tình trạng mệt mỏi kéo dài ít nhất 6 tháng không giảm khi nghỉ ngơi kèm một số tiêu chí khác sau khi đã loại trừ mệt mỏi do các bệnh lí thực thể khác

- Điều trị phức tạp và không có thuốc đặc trị đặc hiệu.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

5.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan