Đặt đường truyền tĩnh mạch trung tâm từ tĩnh mạch ngoại biên, nuôi dưỡng và điều trị bệnh lý ở trẻ sơ sinh

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi các bác sĩ Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Đặt đường truyền dài đến tĩnh mạch trung tâm từ ngoại vi giúp nuôi dưỡng tĩnh mạch ở trẻ sơ sinh, đặc biệt là sinh non, cũng như điều trị các bệnh lý do tĩnh mạch của trẻ khá nhỏ. Phương pháp này chủ yếu được dùng trong hồi sức cấp cứu.

1. Kỹ thuật đặt đường truyền tĩnh mạch trung tâm từ ngoại biên là gì?

Đặt đường truyền tĩnh mạch trung tâm từ ngoại biên (viết tắt: PICC) là thiết lập ống thông từ tĩnh mạch ngoại biên ở khuỷu tay và luồn đầu cuối của ống đến tĩnh mạch trung tâm. Kỹ thuật này hiện nay được thực hiện nhiều ở khoa hồi sức và phẫu thuật tại các bệnh viện lớn bởi những y tá và bác sĩ có đào tạo chuyên môn.

Sau khi thiết lập đường truyền tĩnh mạch trung tâm từ ngoại biên để nuôi dưỡng tĩnh mạch, thông thường sẽ có chảy máu hoặc hơi bầm tím tại vị trí đặt ống thông. Cánh tay của trẻ có thể cảm thấy hơi đau nhức trong khoảng 1-2 ngày. Đường truyền này sẽ được giữ cố định một chỗ cho đến khi trẻ đã được điều trị xong. Trong quá trình thiết lập, trẻ có thể cần được gây mê để đặt đường truyền tĩnh mạch trung tâm từ ngoại biên.

2. Chỉ định thực hiện

Thiết lập đường truyền tĩnh mạch trung tâm từ ngoại biên PICC nhằm nuôi dưỡng tĩnh mạch ở trẻ sơ sinh được chỉ định thực hiện trong các trường hợp cần phải:

  • Nuôi ăn tĩnh mạch trẻ sơ sinhsinh non.
  • Giảm bớt số lần trẻ bị kim tiêm đâm vào người.
  • Truyền thuốc và dịch từ tĩnh mạch khá nhỏ của trẻ sơ sinh vào một tĩnh mạch lớn hơn.
  • Lấy phần lớn các loại mẫu máu để xét nghiệm.

Lưu ý chống chỉ định đặt đường truyền tĩnh mạch trung tâm từ ngoại biên trong tình trạng trẻ có vết bầm, phù nhiều hoặc bị nhiễm khuẩn nơi tiêm.

suy-ho-hap-cap-o-tre-sinh-non
Nuôi dưỡng tĩnh mạch ở trẻ sơ sinh có thể được chỉ định thực hiện trong trường hợp bé sinh non

3. Các bộ phận của đường truyền tĩnh mạch trung tâm từ ngoại biên

Một đường truyền tĩnh mạch trung tâm từ ngoại biên hoàn chỉnh bao gồm các bộ phận sau:

  • Đường ống linh hoạt: Nằm bên trong ống thông, được đặt vào một tĩnh mạch lớn để dẫn đến tim;
  • Ống thông đầu ra: Ở vị trí trên cánh tay trẻ, nằm phía ngoài cơ thể, có thể có một hay hai nòng;
  • Miếng băng chuyên dụng: Có dạng hình đĩa và nằm trên vị trí đặt ống để ngăn ngừa vi khuẩn xâm nhập vào bên trong cơ thể;
  • Băng y tế: Bằng nhựa trong suốt, được đặt trên ống thông, giúp hạn chế nhiễm trùng và giữ cố định ống thông;
  • Một cái nắp: Nơi để tiêm thuốc và dịch, ống thông còn có thể được nối dài ra;

4. Quy trình chuẩn bị

Quy trình chuẩn bị cho bệnh nhi bao gồm 8 bước:

  • Bước 1: Bác sĩ sẽ giải thích cho thân nhân nắm rõ về kỹ thuật sắp thực hiện;
  • Bước 2: Điều chỉnh rối loạn đông máu nặng trước tiêm nhằm tránh biến chứng chảy máu vị trí tiêm (chỉ thực hiện xét nghiệm đối với trẻ có dấu hiệu lâm sàng chảy máu);
  • Bước 3. Dùng thuốc an thần và giảm đau với mục đích hạn chế kích thích cho bệnh nhi;
  • Bước 4. Đo và ước lượng chiều dài ống thông nằm trong tĩnh mạch;
  • Bước 5. Nhân viên y tế rửa tay và mặc phương tiện phòng hộ cá nhân để đảm bảo vô khuẩn;
  • Bước 6. Mở bộ dụng cụ đặt ống thông trung tâm;
  • Bước 7. Dùng povidine sát trùng vùng da rộng ở khủy tay;
  • Bước 8. Siêu âm xác định tĩnh mạch, đường kính và độ sâu tĩnh mạch cũng như hướng đâm kim;

5. Quy trình thực hiện

Tiến hành phương pháp thiết lập PICC gồm các bước:

  • Bước 1: Tiêm tĩnh mạch nền tại khuỷu tay với kim luồn;
  • Bước 2: Luồn dây dẫn vào trong kim luồn;
  • Bước 3: Rạch và nong da;
  • Bước 4, 5, 6: Luồn các ống thông, dây dẫn, kim luồn và các dụng cụ cần thiết vào tĩnh mạch;
  • Bước 7: Kiểm tra chiều dài ống thông trong tĩnh mạch;
  • Bước 8: May da và cố định ống thông;
  • Bước 9: Kiểm tra vị trí đầu ống thông;
  • Bước 10: Nhân viên y tế cởi bỏ trang phục phòng hộ cá nhân và rửa tay;
  • Bước 11: Ghi hồ sơ thực hiện chi tiết.

6. Biến chứng và hướng xử lý

Thiết lập đường truyền tĩnh mạch trung tâm từ ngoại biên nhằm nuôi dưỡng tĩnh mạch là một kỹ thuật phức tạp, ngay cả khi được tiến hành bởi nhân viên y tế có chuyên môn vẫn có trường hợp xảy ra một số biến chứng như:

  • Tắc mạch do huyết khối;
  • Nhiễm khuẩn;
  • Tiêm nhầm động mạch;
  • Rối loạn nhịp tim;
  • Chảy máu nơi tiêm.

Tuân thủ quy trình đặt ống thông, đảm bảo vô trùng và kiểm tra đường dẫn thường xuyên là cách tốt nhất để đề phòng biến chứng. Tùy vào từng dấu hiệu mà các bác sĩ sẽ xem xét và chỉ định phương hướng xử lý, ví dụ như điều trị huyết khối, rối loạn đông máu, dùng kháng sinh hoặc rút bớt dây dẫn và ống thông cho bệnh nhi.

7. Theo dõi và chăm sóc

Bác sĩ Triệu Thị Hồng Thái chăm sóc trẻ sinh non
Chăm sóc trẻ sau khi đặt ống thông đòi hỏi phải có nhân viên thực hiện đã được huấn luyện chăm sóc bé cẩn thận

Nuôi ăn tĩnh mạch trẻ sơ sinh, trẻ sinh non và cả trẻ lớn cần phải được theo dõi chặt chẽ. Sau khi đặt ống thông đòi hỏi phải có nhân viên y tế thực hiện đã được huấn luyện chăm sóc bé cẩn thận. Cụ thể:

  • Việc thay nắp và băng y tế phải được tiến hành ít nhất mỗi tuần;
  • Ống thông phải được làm sạch bằng thuốc chống đông máu heparin hàng ngày và sau mỗi lần sử dụng;
  • Giữ sạch và khô băng y tế cũng như da của bệnh nhi để phòng tránh vi khuẩn và mầm bệnh đi vào máu bằng đường ống thông;
  • Nếu miếng băng chuyên dụng bị ướt hoặc bong ra, thủ thuật thay mới phải đảm bảo vô khuẩn và được những người chuyên nghiệp có đào tạo thực hiện;
  • Cánh tay của bé phải luôn giữ khô, che phủ hoàn toàn bằng màng bọc chống nước nếu trẻ phải tắm hoặc lau rửa;
  • Kiểm tra định kỳ các dấu hiệu nứt hoặc hư hỏng của ống thông;

8. Lưu ý đối với trẻ lớn

Ở những trẻ đã lớn đang điều trị và nuôi dưỡng tĩnh mạch, nếu phải đặt đường truyền PICC lâu ngày vẫn có thể xuất viện trong thời gian đó và trở lại sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên, cần phải hết sức lưu ý những lời dặn dò hướng dẫn của bác sĩ để bảo vệ trẻ an toàn. Phụ huynh cần ghi nhớ một số lưu ý sau:

  • Trình bày cho thầy cô và nhân viên ở trường học nắm rõ tình trạng của trẻ;
  • Trẻ không được chơi đùa mạnh, tránh va chạm và tiếp xúc với nước;
  • Luôn luôn mang theo nắp, kẹp và các vật liệu thiết lập đường truyền bên mình;
  • Đảm bảo độ vô trùng của các dụng cụ, không dùng khi đã rơi xuống đất hoặc có người vô tình đụng vào, hoặc đã hết hạn, màng bọc không còn nguyên vẹn;

Nếu bé phải đi thăm khám hoặc cấp cứu ở bất kỳ phòng khám nào, các bác sĩ và y tá ở đó phải được thông báo ngay từ đầu rằng trẻ đang có đường truyền tĩnh mạch trung tâm từ ngoại biên, đây là điều vô cùng quan trọng.

Phương pháp đặt ống thông tĩnh mạch trung tâm từ tĩnh mạch ngoại vi giúp nuôi dưỡng tĩnh mạch ở trẻ sơ sinh, trẻ sinh non và cả trẻ lớn khi các em không thể thỏa mãn nhu cầu dinh dưỡng qua đường miệng hoặc sonde dạ dày. Ngoài ra, thiết lập PICC còn hỗ trợ điều trị một số bệnh lý liên quan đến tĩnh mạch của bệnh nhi. Đây là một kỹ thuật khá phức tạp, đòi hỏi được thực hiện bởi đội ngũ bác sĩ giàu chuyên môn và dày dặn kinh nghiệm tại những bệnh viện lớn, uy tín.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số 02033828188 hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Hạ Long.

16K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan