Tìm hiểu về nghe tim phổi khi khám hô hấp

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Hồng Phúc - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc. Bác sĩ đã có nhiều năm kinh nghiệm trong điều trị nội hô hấp.

Nghe tim phổi là một thủ thuật thăm khám của bác sĩ khi khám lâm sàng hô hấp. Thầy thuốc cần có kỹ năng và kỹ thuật tốt để thu thập được tối đa các thông tin trước khi chẩn đoán bệnh hoặc chỉ định các xét nghiệm khác.

1. Nghe phổi trong khám hô hấp

Trong động tác thở, khi hít vào, không khí qua thanh quản, khí quản, phế quản gốc, rồi tới các phế quản nhỏ hơn ở các thùy phổi, sau đó phân phối vào các phế nang. Khi thở ra, không khí sẽ di chuyển ra ngoài phổi theo trình tự ngược lại.

Không khí đi qua thanh - khí quản và các phế quản lớn sẽ gây ra tiếng thở thanh - khí quản, nghe thấy rõ khi đặt ống nghe ở vùng thanh quản, khí quản, vùng xương ức, xương cạnh và khoảng liên bả cột sống. Đây cũng là các vị trí nghe tim phổi thường quy. Tiếng thở thanh khí quản bắt nguồn từ thanh môn. Không khí đi qua phế quản nhỏ, rồi đi vào phế nang - vùng tương đối rộng hơn, gây ra tiếng rì rào phế nang nghe êm dịu, ở thì thở ra tiếng đó mạnh, ngắn hơn và chỉ nghe thấy ở đầu thì thở ra.

Trên thực tế, thì thở ra dài hơn thì hít vào. Rì rào phế nang ở thì thở ra do luồng không khí từ phế nang qua phế quản nhỏ, vùng có cơ Reissessen tới các phế quản lớn hơn. Ta không nghe thấy tiếng rì rào phế nang trong suốt thì thở ra vì áp lực không khí phế nang yếu, nhất là ở cuối thì thở ra. Trong một số trường hợp, có thể nghe thấy tiếng thở ở toàn bộ thì thở ra, hiện tượng “đảo ngược nhịp hô hấp” này có khả năng cao gặp trong cơn hen phế quản hoặc trong giãn phế nang.

Bình thường khi hô hấp, ta chỉ nghe tiếng thở thanh khí quản và tiếng rì rào phế nang. Trong nhiều trường hợp bệnh lý, những thay đổi về cơ thể bệnh ở khí đạo có thể gây ra các tiếng thổi, tiếng rên khác nhau. Lá thành và lá tạng ở màng phổi bình thường trượt trên nhau trong động tác hô hấp. Nếu có viêm màng phổi, bề mặt của các lá trở nên thô ráp, đây là nơi xuất phát của tiếng cọ màng phổi.

Các tiếng bình thường:

  • Thanh -khí quản.
  • Rì rào phế nang.

Các tiếng bất thường

  • Âm thổi ống.
  • Ran phế quản.
  • Ran nổ.
  • Cọ màng phổi.
  • Rít thanh quản.
Nghe phổi
Bình thường khi hô hấp, ta chỉ nghe tiếng thở thanh khí quản và tiếng rì rào phế nang

2. Nghe tim trong khám hô hấp

Có hai phương pháp nghe:

  • Nghe trực tiếp: nghe bằng tai phải, áp tai vào một khản mỏng trải trên ngực người bệnh. Hiện nay không dùng phương pháp này nữa vì bất tiện khi nghe vùng nách, nhất là đối với người bệnh nữ.
  • Nghe gián tiếp: bằng ống nghe đeo vào hai lỗ tai, phương pháp này dùng phổ biến.

Cách nghe: nên nghe ở tư thế (nằm ngửa, nằm nghiêng sang trái) hoặc ngồi. Vị trí nghe ở 5 ổ van tim:

  • van hai lá: ở mỏm tim vào khoảng liên sườn 3 hoặc xương sườn 5 trên đường vú trái. Khi bị bệnh mỏm tim có thể sa xuống thấp hoặc sang trái thì phải nghe ở vị trí mới có mỏm tim.
  • Van ba lá: ở trên sụn sườn 6 bên phải.
  • Hai ổ van động mạch chủ: một ổ ở khoảng liên sườn 2 - bờ bên phải xương ức và một ổ nữa ở liên sườn 3 - sát bờ bên trái ức gọi là Eck - Botkin.
  • Ổ van động mạch phổi: ở khoảng liên sườn 2 bên trái sát xương ức

Đôi khi muốn nghe để xác định rõ hơn những tiếng không bình thường của tim thì bảo người bệnh làm vài động tác rồi nghe hoặc hít vào mạnh, rồi nín thở (làm như vậy phế nang phình ra lấp kín các xoang tim phổi, tiếng thổi ngoài tim sẽ mất đi hoặc giảm cường độ xuống, còn tiếng thổi thực thể trong tim thì không đổi).

Trong mỗi chu chuyển tim sẽ nghe được 2 tiếng:

  • Tiếng thứ nhất nghe trầm dài.
  • Tiếng thứ hai nghe thanh và gọn hơn.

Tiếng thứ nhất cách tiếng thứ hai một khoảng nghỉ ngắn, tiếng thứ hai cách tiếng thứ nhất của chu chuyển sau một khoảng nghỉ dài. Tiếng thứ nhất xem như đồng thời với tiếng mạch đập, tức là mở đầu thì tâm thu. Tiếng thứ hai tương ứng với lúc mạch chìm, mở đầu thì tâm trương.

Khám bệnh cho trẻ em
Nghe gián tiếp bằng ống nghe đeo vào hai lỗ tai là phương pháp dùng phổ biến hiện nay

Vị trí nghe tim phổi: tiếng thứ nhất nghe rõ ở mỏm tim, tiếng thứ hai nghe rõ hơn ở đáy tim. Ở một số trẻ em và thanh niên, có khi nghe được một tiếng thứ ba theo sau tiếng thứ hai. Tiếng thứ ba này chỉ là tiếng tim sinh lý do máu dồn mạnh từ nhĩ xuống thất ở thời kỳ đầu tâm trương. Nếu người bệnh hít vào sâu rồi nín thở thì không nghe thấy tiếng thứ ba nữa. Tiếng thứ ba khi nghe được thì thấy sau lúc tận cùng của tiếng thứ hai từ 0.05 đến 0.1 giây.

Tiếng tim thứ tư bình thường nhưng rất hiếm gặp, tiếng tim này còn gọi là tiếng tâm nhĩ. Trong trường hợp phân ly nhĩ thất hoàn có thể ghi được tiếng này trên tâm thanh đồ. Người ta cho rằng tiếng này phát sinh vì khi nhĩ bóp đẩy máu qua van nhĩ thất xuống làm giãn tâm thất nhanh do luồng máu xuống mạnh hơn ở cuối tâm trương.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

82.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan