Block nhĩ thất là gì? Những điều cần biết về block nhĩ thất

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Tung Hoành - Bác sĩ Tim mạch Can thiệp - Khoa Hồi sức - Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Block nhĩ thất là tình trạng tắc nghẽn một phần hoặc hoàn toàn sự dẫn truyền xung điện từ tâm nhĩ đến tâm thất do suy yếu giải phẫu hoặc suy yếu chức năng. Bệnh nếu không được phát hiện và điều trị sớm sẽ tiến triển đến các giai đoạn cao hơn gây ra các rối loạn nhịp tim và nhiều biến chứng nguy hiểm khác nhau.

1. Block nhĩ thất là gì?

Nhịp tim trung bình của một người khỏe mạnh dao động từ 60-100 nhịp trong một phút, nhịp tim được điều khiển bằng hệ thống xung điện được dẫn truyền từ tâm nhĩ đến tâm thất. Nếu con đường dẫn truyền này bị tắc nghẽn một phần hoặc hoàn toàn thì sẽ tạo thành block nhĩ thất.
Tùy vào mức độ tắc nghẽn mà block nhĩ thất được chia ra thành các mức độ khác nhau như sau:

  • Block nhĩ thất độ 1: Được gọi là block kín đáo, bệnh lý xuất hiện tại nút nhĩ thất, người bệnh sẽ không cảm thấy dấu hiệu hay triệu chứng gì nếu thời gian block ở mức độ này không quá lâu. Trong trường hợp thời gian block > 0,3 giây người bệnh có thể thấy mệt và khó thở.
  • Block nhĩ thất độ 2 chia làm 02 loại: block chức năng (Mobitz I, hay hiện tượng Wenckebach) và block về giải phẩu (Mobitz II), ở giai đoạn này bệnh nhân thường bị rối loạn nhịp tim nhẹ do sự gián đoạn sự dẫn truyền giữ tâm nhĩ và tâm thất.
  • Block nhĩ thất độ 3: Còn được gọi là block nhĩ thất hoàn toàn, những xung động từ nút xoang ở tâm nhĩ không truyền đến được tâm thất dẫn đến nhịp tim của người bệnh lúc này thường rất chậm.
Block nhĩ thất
Hình ảnh block nhĩ nhất độ 2

2. Nguyên nhân hình thành block nhĩ thất

Có nhiều nguyên nhân hình thành bệnh block nhĩ thất bao gồm: Nguyên nhân bẩm sinh hoặc các nguyên nhân do sử dụng thuốc tăng kali máu, thiếu máu cục bộ, xơ hóa, viêm nhiễm, các bệnh về mạch máu.

Ngoài các nguyên nhân gây bệnh ra, các yếu tố sau cũng làm tăng khả năng mắc bệnh block nhĩ thất:

3. Triệu chứng thường gặp block nhĩ thấp

Tùy theo mức độ nghiêm trọng của bệnh, các biểu hiện của block nhĩ thất sẽ khác nhau.

  • Block nhĩ thất độ 1: Ở giai đoạn này, người bệnh hầu như không có bất kỳ biểu hiện cụ thể nào vì vậy rất ít người phát hiện ra bệnh trừ các trường hợp đi kiểm tra tại bệnh viện
  • Block nhĩ thất độ 2: Giai đoạn này bệnh nhân có các biểu hiện như ngất xỉu, chóng mặt và cảm thấy mệt mỏi. Một vài trường hợp còn cảm thấy đau ngực và khó thở trong một khoảng thời gian ngắn vài phút.
  • Block nhĩ thất độ 3: Giai đoạn này tình trạng bệnh đã rất nghiêm trọng, bệnh nhân sẽ có đầy đủ các triệu chứng như ở giai đoạn thứ hai nhưng cấp độ nghiêm trọng hơn. Block nhĩ thất độ 3 có thể gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh nếu không được điều trị kịp thời.
Đau thắt ngực là triệu chứng của bệnh trái tim tan vỡ
Đau ngực có thể là dấu hiệu của tình trạng block nhĩ thất độ 2

4. Block nhĩ thất có nguy hiểm không?

Block nhĩ thất có thể rất nguy hiểm nếu bệnh tình phát triển đến giai đoạn 3. Các biến chứng của block nhĩ thất ảnh hưởng nhiều đến đời sống của người bệnh như rối loạn nhịp tim chậm có thể gây ra chóng mặt, khó thở hoặc ngất xỉu.

Block nhĩ thất cũng có thể dẫn đến tình trạng tim ngừng đập và suy tuần hoàn, nguy cơ gây tử vong cao. Người bệnh cũng có thể bị đột quỵ dẫn đến tử vong chỉ trong vòng thời gian ngắn khoảng một tiếng đồng hồ sau khi bệnh khởi phát.

Block nhĩ thất ở những giai đoạn đầu với những triệu chứng thông thường giống những căn bệnh khác khiến nhiều người bệnh không chú ý, đến khi bệnh tiến triển nặng thì nguy cơ biến chứng cao nếu không được điều trị kịp thời.

5. Chẩn đoán và điều trị block nhĩ thất như thế nào?

Hiện nay để chẩn đoán block nhĩ thất chính xác, bác sĩ chuyên khoa sẽ dựa vào các xét nghiệm sau:

  • Kết quả đo điện tâm đồ ECG
  • Kết quả đo nhịp tim bằng điện tâm đồ Holter
  • Kết quả hình ảnh siêu âm tim
  • Kết quả kiểm tra Tilt-Table

Đối với block nhĩ thất độ 1 và 2, không có nhiều triệu chứng thì thường không phải điều trị hoặc rất ít bệnh nhân mắc bệnh ở giai đoạn này được chỉ định điều trị từ bác sĩ, bệnh nhân thường được bác sĩ chỉ định tự theo dõi tại nhà và tái khám định kỳ từ 1-2 năm.

Tuy nhiên, đối với block nhĩ thất độ 3, bệnh nhân phải điều trị vì đây là giai đoạn bệnh gây ra các rối loạn nhịp tim có thể gây tử vong đối với người bệnh. Hiện nay, để điều trị block nhĩ thất độ 3, bác sĩ sẽ chỉ định bạn sử dụng một số loại thuốc để điều trị các bệnh nền gây ra căn bệnh này như thuốc hạ huyết áp, thuốc điều trị đau tim...

điện tâm đồ
Phương pháp điện tâm đồ cho phép chẩn đoán block nhĩ thất

Ngoài ra, người bệnh block nhĩ thất có thể được bác sĩ chỉ định sử dụng máy tạo nhịp tim để hỗ trợ điều trị các bệnh về rối loạn nhịp tim, trong đó có căn bệnh này. Bác sĩ sẽ thực hiện phẫu thuật đặt máy tạo nhịp tim, đây là thủ thuật đơn giản và an toàn, bệnh nhân có thể quay trở lại cuộc sống bình thường sau một thời gian ngắn theo dõi tại bệnh viện sau khi phẫu thuật.

Ngoài việc điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật đặt máy tạo nhịp tim, người bệnh nên tập cho bản thân lối sống lành mạnh để hạn chế diễn tiến của bệnh.

Người bệnh nên ăn uống theo chế độ khoa học, không ăn nhiều đồ dầu mỡ và nên ăn nhiều rau củ quả...

Việc tập thể dục nhất là đi bộ mỗi ngày nên đưa vào danh sách những việc cần thực hiện trong ngày. Và nếu người bệnh quá béo thì nên giảm cân vì béo phì cũng là một trong những yếu tố gây ra bệnh block nhĩ thất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan