Các nguyên nhân thiếu máu cơ tim

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Quốc Việt - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Thiếu máu cơ tim, còn được gọi là bệnh tim thiếu máu cục bộ, đang đứng đầu trong danh sách nguyên nhân gây tử vong từ các bệnh tim mạch. Hiểu rõ triệu chứng và nguyên nhân thiếu máu cơ tim có thể giúp chúng ta dự phòng và phát hiện sớm bệnh này, từ đó giảm thiểu nguy cơ phát triển các biến chứng nguy hiểm.

1. Thiếu máu cơ tim là gì?

Thiếu máu cơ tim, còn được gọi là bệnh mạch vành tim hoặc bệnh tắc nghẽn mạch vành, là một tình trạng xảy ra khi một hoặc nhiều phần của động mạch vành bị tắc nghẽn, dẫn đến giảm lưu lượng máu nuôi cơ tim. Khi máu không được kịp thời tái tạo, một phần của cơ tim có thể xảy ra tổn thương và hoại tử, (tình trạng này còn được gọi là nhồi máu cơ tim). Biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh này là tử vong đột ngột do nhồi máu cơ tim hoặc rung thất.

Bệnh thiếu máu cơ tim được chia thành 2 thể:

Thể không có đau ngực:

Còn gọi là bệnh thiếu máu cơ tim yên lặng, hay gặp ở người bệnh đái tháo đường hoặc người cao tuổi có tiền sử mắc bệnh tim mạch. Khi mắc bệnh thiếu máu cơ tim thầm lặng, bệnh nhân không cảm thấy đau ngực và chỉ phát hiện bệnh khi chẩn đoán bằng điện tâm đồ. Người bệnh có nguy cơ cao biến chứng nhồi máu cơ tim hoặc tử vong đột ngột do không phát hiện, điều trị bệnh sớm.

Thể có đau ngực:

Ở giai đoạn đầu, triệu chứng đau ngực chỉ xuất hiện khi lao động gắng sức, xúc động mạnh hoặc dưới thời tiết quá lạnh. Về sau, bệnh nhân có thể cảm thấy đau ngực ngay cả khi nghỉ ngơi. Người bệnh thường bị đau ngực trái vùng trước tim, có cảm giác khó chịu, nặng ngực, bị đè ép ở vùng sau xương ức lan tới hàm, cổ, vai trái và cánh tay trái; đi kèm cảm giác lo âu, hồi hộp, khó thở, buồn nôn và nôn ói, choáng váng, vã mồ hôi,...

Tần suất các cơn đau thay đổi: vài tuần, vài tháng một lần hoặc vài lần trong ngày, thời gian đau thường kéo dài vài giây tới vài phút, không quá 5 phút. Bệnh nhân cần được theo dõi và điều trị tích cực để phòng ngừa nguy cơ nhồi máu cơ tim.

Nguyên nhân thiếu máu cơ tim được chẩn đoán bằng các phương pháp như: đo điện tâm đồ, siêu âm tim, chụp động mạch vành tim có bơm thuốc cản quang,...

2. Bệnh thiếu máu cơ tim có nguy hiểm không?

Bệnh thiếu máu cơ tim
Thiếu máu cơ tim là một bệnh lý nguy hiểm

Thiếu máu cơ tim là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhồi máu cơ tim, một bệnh lý có tỷ lệ tử vong rất đáng lo ngại ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Bên cạnh nhồi máu cơ tim, thiếu máu cơ tim lâu dài có thể dẫn đến nhiều bệnh lý tim mạch nguy hiểm khác như suy tim, rối loạn nhịp tim, đau thắt ngực mạn tính.

Do đó, thiếu máu cơ tim được coi là một tình trạng nguy hiểm và cần phải được chẩn đoán và điều trị kịp thời để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của người bệnh.

3. Các triệu chứng của bệnh

Một số triệu chứng phổ biến ở bệnh nhân thiếu máu cơ tim:

● Đau ngực: Đau ngực thường xuất hiện ở vùng ngực phía trên hoặc giữa ngực, và có thể lan ra cánh tay trái, vai, cổ họng, lưng, hoặc hàm dưới. Đau thường có cảm giác nặng nề, ép, nhức nhối hoặc ngột ngạt.

● Khó thở: người bệnh có thể cảm thấy khó thở hoặc thở nhanh hơn bình thường khi gặp tình trạng thiếu máu cơ tim. Đây là do tim không cung cấp đủ máu oxy cho cơ thể.

● Buồn mệt: Cảm giác mệt mỏi, yếu đuối, và uể oải có thể xuất hiện, thậm chí khi bạn không hoạt động nhiều.

● Buồn nôn và nôn mửa: Một số người có thể có cảm giác buồn nôn hoặc thậm chí nôn mửa khi gặp thiếu máu cơ tim.

● Hoa mắt: người bệnh nhìn thấy một loạt điểm lấp lánh hoặc mờ mịt trước mắt.

● Thay đổi tâm trạng: Một số người có thể cảm thấy lo âu, sợ hãi hoặc tức giận.

4. Nguyên nhân thiếu máu cơ tim

4.1 Nguyên nhân gây thiếu máu cục bộ cơ tim

Để đề phòng và điều trị hiệu quả, việc xác định nguyên nhân thiếu máu cơ tim rất quan trọng. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến:

  • Xơ vữa động mạch vành: Đây là nguyên nhân thiếu máu cơ tim phổ biến nhất, khoảng hơn 90% các trường hợp. Xơ vữa động mạch bắt nguồn từ việc tích tụ cholesterol và canxi trong thành mạch vành. Theo thời gian, các cặn bã nhờn này tích tụ và làm cho thành mạch vành trở nên hẹp và xơ cứng, từ đó làm giảm dòng máu chảy tới cơ tim. Kết quả là cơ tim không nhận đủ lượng oxy và dưỡng chất cần thiết, gây ra các triệu chứng như đau thắt ngực, đau ngực nặng hoặc khó chịu.
  • Huyết khối trong mạch vành: Hầu hết các cục máu đông trong mạch vành xuất phát từ việc mảng xơ vữa bị nứt vỡ, tạo ra các cục máu đông gây cản trở dòng máu đi qua động mạch vành, gây ra tình trạng không ổn định và cả triệu chứng như đau thắt ngực và cơn nhồi máu cơ tim.
  • Co thắt vành (bệnh vi mạch vành): Bệnh vi mạch vành là nguyên nhân gây thiếu máu cơ tim cục bộ và đau thắt ngực, ngay cả khi động mạch vành không bị tắc nghẽn. Nguyên nhân chính của tình trạng này là rối loạn chức năng của nội mô, tầng lớp biểu bì bên trong mạch máu, đặc biệt là ở hệ vi mạch vành, gồm các mạch máu nhỏ và mao mạch. Tình trạng này khiến các mạch máu nhỏ trong tim co thắt đột ngột thay vì giãn ra như cần, gây ra cản trở trong dòng chảy của máu đến cung cấp oxy cho tim và dẫn đến thiếu máu cơ tim.
Hở van tim động mạch hầu hết đều có các triệu chứng khá nhẹ, dễ bị bỏ qua
Xơ vữa động mạch vành là nguyên nhân thiếu máu cơ tim phổ biến nhất

4.2 Yếu tố nguy cơ gây bệnh

Nguyên nhân thiếu máu cơ tim bao gồm:

● Các bệnh lý mãn tính: như huyết áp cao, cholesterol cao và tiểu đường,... các tình trạng này có thể góp phần vào việc gây ra bệnh thiếu máu cơ tim.

● Tuổi tác: theo thời gian động mạch vành sẽ bị lão hoá, làm suy giảm khả năng lưu thông máu và oxy.

● Tiền sử gia đình: nếu bạn có tiền sử gia đình mắc bệnh tim, đặc biệt là trường hợp người thân trực hệ mắc bệnh khi ở tuổi còn trẻ, nguy cơ của bạn tăng lên đáng kể. Điều này bắt nguồn từ việc di truyền gen cũng như thói quen sống và cách ăn uống tương đồng nhau.

● Giới tính: nguy cơ mắc bệnh động mạch vành của nam giới thấp hơn phụ nữ. Tuy nhiên, sau khi mãn kinh, nguy cơ bệnh mạch vành phụ nữ có xu hướng tăng lên.

● Thói quen sống không lành mạnh: Bao gồm việc hút thuốc, thiếu vận động và ăn thực phẩm giàu dầu mỡ.

Béo phì
Béo phì là một trong những yếu tố nguy cơ gây bệnh thiếu máu cơ tim

Ngoài ra, các yếu tố khác đang được nghiên cứu bao gồm:

● Chứng ngưng thở khi ngủ: Một rối loạn khiến bạn dừng thở trong khi ngủ, giảm nồng độ oxy trong máu và làm tăng huyết áp, gây căng thẳng cho hệ thống tim mạch và tăng nguy cơ thiếu máu cơ tim.

● Mức độ Triglyceride: loại chất béo có trong máu, nồng độ càng cao, nguy cơ mắc bệnh mạch vành càng nhiều, đặc biệt là ở phụ nữ.

● Nồng độ cao của Homocysteine: Một loại acid amin có tác dụng tạo protein và xây dựng, duy trì mô của cơ thể, tuy nhiên với nồng độ cao, Homocysteine có thể làm tăng khả năng mắc bệnh nhồi máu cơ tim.

● Tiền sản giật: Tình trạng này có thể gây tăng huyết áp và protein trong nước tiểu, dẫn đến nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn sau khi mang thai.

● Nghiện rượu: rượu có thể gây tổn thương cho cơ tim và làm tăng nguy cơ mắc bệnh thiếu máu cơ tim.

● Bệnh tự miễn: Các tình trạng viêm nhiễm như viêm khớp dạng thấp có thể dẫn đến nguy cơ cao mắc bệnh thiếu máu cơ tim.

5. Phòng ngừa và cải thiện tình trạng thiếu máu cơ tim

Thiếu máu cơ tim có thể được điều trị bằng các phương pháp: sử dụng thuốc, can thiệp phẫu thuật (đặt stent, mổ hở...) tuỳ vào mức độ bệnh và tình trạng sức khoẻ bệnh nhân mà bác sĩ sẽ có chỉ định riêng cho từng trường hợp.

Tuy nhiên, bản thân mỗi người đều có thể lên kế hoạch cải thiện và phòng ngừa bệnh thiếu máu cơ tim cho chính bản thân mình, điển hình là các hành động sau:

● Ngừng hút thuốc: Nicotin trong khói thuốc gây co thắt vành và xơ vữa mạch vành. Ngừng hút thuốc là quyết định quan trọng để bảo vệ tim mạch.

● Kiểm soát cân nặng: việc giữ cân nặng ở mức lý tưởng có thể giảm áp lực lên tim, giảm nguy cơ suy tim và các vấn đề khác.

● Chế độ ăn uống lành mạnh: Hạn chế dung nạp muối và cholesterol, tăng cường bổ sung thêm rau xanh, trái cây tươi, ngũ cốc nguyên hạt.

● Giảm căng thẳng: Điều này có thể giảm nhu cầu oxy của tim, hạn chế sự xuất hiện của các yếu tố gây viêm trong mạch vành. Tâm trạng thoải mái giúp mạch máu thư giãn, giảm tình trạng co thắt vành và cải thiện tuần hoàn mạch vành.

● Tập luyện thể dục: cải thiện lưu thông máu, giảm nguy cơ hình thành cục máu đông và tăng cường chức năng tim. Nên chọn các bài tập và chế độ tập phù hợp với tình trạng sức khỏe của bạn.

● Kiểm tra các chỉ số sức khỏe: Theo dõi các chỉ số như huyết áp, cholesterol máu và đường huyết thường xuyên để kịp thời can thiệp điều trị nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào.

Lối sống lành mạnh giúp ngăn ngừa và cải thiện bệnh thiếu máu cơ tim
Lối sống lành mạnh giúp ngăn ngừa và cải thiện bệnh thiếu máu cơ tim

Việc làm rõ các nguyên nhân thiếu máu cơ tim sẽ giúp mọi người có cách phòng ngừa và ngăn chặn tiến triển bệnh tốt hơn.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

39.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan