Chích xơ tĩnh mạch điều trị suy tĩnh mạch

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Trần Hồng Nhật - Bác sĩ Tim mạch can thiệp - Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Suy tĩnh mạch là tình trạng máu tĩnh mạch không theo dòng chảy bình thường về tim mà bị trào ngược, giữ lại ở ngoại biên, gây ứ trệ tuần hoàn tĩnh mạch. Bệnh thường gặp ở người phụ nữ, tiền sử sinh đẻ nhiều, có thói quen ít vận động, đứng lâu ... làm suy giảm chất lượng cuộc sống và để lại biến chứng nặng nề nếu không được điều trị.

Hiện ngày càng nhiều bệnh nhân mắc suy tĩnh mạch có nhu cầu được điều trị bằng một phương pháp đơn giản, ít xâm lấn và giúp họ có thể về nhà ngay sau khi điều trị. Phương pháp tiêm xơ tĩnh mạch với kỹ thuật ít xâm lấn có thể đáp ứng được nhu cầu này

1. Chích xơ tĩnh mạch là phương pháp gì?

Tiêm xơ điều trị suy tĩnh mạch mạn tính chi dưới là một phương pháp điều trị đơn giản, không tốn kém, giúp điều trị suy tĩnh mạch hiển lớn và/hoặc hiển nhỏ có triệu chứng trên lâm sàng. Ngoài ra, đây cũng là phương pháp rất hiệu quả điều trị suy tĩnh mạch nông tái phát, giãn tĩnh mạch nông tồn dư sau phẫu thuật, dị dạng tĩnh mạch kiểu hemangiomas không có chỉ định phẫu thuật...

Nguyên lý: Khi tiêm chất gây xơ (ở dạng dịch hay dạng bọt) vào lòng TM nông bệnh lý, chất này gây tổn thương nội mạc và thành phần lân cận của lớp trung mạc, một mặt gây co nhỏ lòng tĩnh mạch, mặt khác tạo thành huyết khối làm tắc lòng TM bị suy. Chất gây xơ dạng bọt là hỗn hợp giữa khí và chất gây xơ dạng dịch, mục đích nhằm tăng hiệu quả điều trị, giảm tỷ lệ biến chứng với một thể tích và nồng độ chất gây xơ thấp hơn.

chích xơ tĩnh mạch
Chích xơ tĩnh mạch là bác sĩ tiêm chất gây xơ vào lòng tĩnh mạch nông bệnh lý

2. Chỉ định và chống chỉ định chích xơ tĩnh mạch cho những trường hợp nào?

Chích xơ tĩnh mạch sẽ được cân nhắc và chỉ định cho các trường hợp sau:

  • Giãn mao tĩnh mạch mạng nhện có kích thước dưới 1mm dưới da.
  • Giãn tĩnh mạch nông dạng lưới có kích thước từ 1-3mm và không có dòng trào ngược tại van tĩnh mạch trên siêu âm.
  • Giãn các nhánh tĩnh mạch nông tồn tại sau phẫu thuật hoặc can thiệp điều trị suy tĩnh mạch hiển.
  • Bệnh nhân có dị dạng tĩnh mạch kích thước nhỏ, kiểu u mạch.
  • Bệnh nhân suy tĩnh mạch xuyên hoặc suy tĩnh mạch nông tái phát.

Một số chống chỉ định của phương pháp chích xơ tĩnh mạch này là:

Chống chỉ định tuyệt đối:

  • Dị ứng với chất gây xơ
  • Huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới cấp tính
  • Bệnh lý rối loạn đông máu
  • Bệnh động mạch chi dưới với ABI < 0,8
  • Phụ nữ có thai
  • Tồn tại lỗ bầu dục đã biết, có triệu chứng.

Chống chỉ định tương đối:

  • Tồn tại lỗ bầu dục đã biết không triệu chứng
  • Tiền sử bị cơn đau nửa đầu nặng
  • Hội chứng May-Thurner
  • Hội chứng Klippel-Trenaunay.

3. Để thực hiện chích xơ tĩnh mạch cần chuẩn bị những gì?

Người thực hiện: Bác sĩ chuyên khoa mạch máu thành thạo về siêu âm Doppler và kỹ thuật tiêm xơ.

Phương tiện:

● Phòng thủ thuật tiêm xơ tiêu chuẩn với đầy đủ các điều kiện về ánh sáng và vô trùng.

● Máy siêu âm có đầu dò Doppler mạch máu 7,5 MHz.

● Thuốc tiêm xơ tĩnh mạch: Aetoxisclerol từ 0,25%-3% hoặc Fibrovein 0,35%-3%.

Người bệnh: Được giải thích rõ và cam kết về việc làm thủ thuật.

thực hiện chích xơ tĩnh mạch
Người bệnh sẽ được tư vấn và làm cam kết trước khi thực hiện chích xơ tĩnh mạch

4. Các bước tiến hành chích xơ tĩnh mạch

Đối với tiêm xơ bằng phương pháp tạo bọt:

  • Bệnh nhân nằm ở tư thế nghiêng phải hoặc nghiêng trái tùy vị trí chân cần tiêm xơ. Bệnh nhân nằm sấp, duỗi thẳng nếu tĩnh mạch hiển nhỏ.
  • Thăm dò lại bệnh nhân bằng máy siêu âm tĩnh mạch để tính ra thể tích và nồng độ bọt gây xơ phù hợp.
  • Xác định và đánh dấu vị trí chọc kim, hướng đưa kim vào tĩnh mạch tại vị trí cách quai 15-20cm với tĩnh mạch hiển lớn và 5-10 cm với tĩnh mạch hiển bé
  • Sát khuẩn, chọc tĩnh mạch dưới hướng dẫn của siêu âm, có thể dùng mặt cắt dọc hoặc cắt ngang qua tĩnh mạch tại vị trí chọc mạch.
  • Kiểm tra vị trí của kim xem đã chắc chắn vào lòng tĩnh mạch chưa rồi tiêm chất gây xơ bọt vào lòng tĩnh mạch dưới hướng dẫn của siêu âm. Sau khi tiêm hết thuốc, rút kim và dùng tay hoặc đầu dò chẹn phía quai tĩnh mạch nông để thuốc tập trung lan vào hệ tĩnh mạch nông, tránh vào tĩnh mạch sâu gây tạo huyết khối.
  • Kiểm tra bằng siêu âm ngay sau tiêm để đánh giá kết quả tức thời của thủ thuật: tĩnh mạch co thắt, bọt tiêm xơ lan tỏa đều trong lòng tĩnh mạch
  • Sát khuẩn và dùng bông vô khuẩn băng chặt lại vị trí chọc kim, đi tất chun độ II hoặc băng chun bên chân được tiêm xơ cho bệnh nhân.

Tiêm xơ thẩm mỹ

  • Tiêm xơ thẩm mỹ được áp dụng cho các búi giãn mao tĩnh mạch mạng nhện hoặc giãn tĩnh mạch nông dạng lưới dưới da.
  • Người bệnh nằm ở tư thế phù hợp, sao cho vùng tĩnh mạch cần tiêm xơ được bộc lộ rõ nhất, thuận tiện nhất cho bác sĩ làm thủ thuật.
  • Thuốc gây xơ có nồng độ từ 0,125% đến 0,5%, thường tiêm xơ dưới dạng dịch mà không cần tạo bọt.
  • Sau khi sát khuẩn da tại vị trí tiêm xơ, bác sĩ lựa chọn nhánh tĩnh mạch chính trong đám giãn tĩnh mạch nông, và bơm chất gây xơ vào trong lòng tĩnh mạch, sao cho từ nhánh này chất gây xơ lan tỏa khắp các nhánh của đám giãn tĩnh mạch.
  • Sau thủ thuật, người bệnh có thể đi tất chun hoặc không.

5. Các lưu ý, theo dõi sau thủ thuật

Người bệnh có thể vận động, đi lại và làm việc bình thường ngay sau tiêm, tuy nhiên tránh các vận động nặng trong thời gian tối thiểu 2 tuần.

  • Tránh để vùng được tiêm xơ tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, nước nóng, nước biển trong thời gian 2 tuần, nhằm hạn chế biến chứng rối loạn sắc tố da.
  • Khi phát hiện có vết loét tại vị trí tiêm, chân sưng, đau nhiều, cần đến khám lại ngay.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

29.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan