Banding động mạch phổi

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Trần Hồng Nhật - Bác sĩ Tim mạch can thiệp - Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Phẫu thuật thắt hẹp động mạch phổi là phương pháp điều trị tạm thời được áp dụng để điều trị một số bệnh tim bẩm sinh có tăng lưu lượng động mạch phổi nặng. Mục đích là làm giảm máu lên phổi, tránh tăng áp lực động mạch phổi cố định, và còn là bước chuẩn bị trước cho phẫu thuật sửa toàn bộ.

1. Chỉ định phẫu thuật thắt hẹp động mạch phổi trong bệnh tim bẩm sinh

1.1. Nhóm bệnh tim có shunt trái - phải và tăng lưu lượng máu lên động mạch phổi

  • Một hoặc nhiều thông liên thất và hẹp eo động mạch chủ hoặc teo quai động mạch chủ.
  • Tim một thất hoặc teo van ba lá và tăng lưu lượng động mạch phổi ở trẻ sơ sinh.
  • Kênh nhĩ thất với thiểu năng thất trái và nguy cơ cao khi sửa toàn bộ với hai thất.
  • Các bệnh tim bẩm sinh cần dùng homograft như đảo gốc động mạch có hẹp dưới van phổi cần phẫu thuật kiểu Rastelli - Phẫu thuật thắt hẹp động mạch phổi ở trẻ lớn và chọn được kích cỡ homograft phù hợp nhằm kéo dài thời gian phẫu thuật lại.
  • Bệnh lý thân chung động mạch.
  • Cửa sổ phế - chủ.

1.2. Nhóm người bệnh đảo gốc động mạch chuẩn bị cho phẫu thuật sửa toàn bộ

  • Đảo gốc động mạch ở trẻ lớn hơn 1 tháng tuổi.
  • Đảo gốc động mạch ở trẻ đã phẫu thuật kiểu Mustard hoặc Senning có suy thất phải.
  • Đảo gốc động mạch ở trẻ có thất trái nhỏ chuẩn bị cho sửa toàn bộ.
Thiếu men G6PD ở trẻ sơ sinh có liên quan đến bệnh tan máu bẩm sinh không?
Đảo gốc động mạch ở trẻ lớn hơn 1 tháng tuổi được chỉ định phẫu thuật

2. Chống chỉ định

Phẫu thuật thắt hẹp động mạch phổi chống chỉ định cho người bệnh:

  • Có đường ra thất trái hẹp hoặc có nguy cơ bị hẹp đường ra thất trái (như hai đường ra từ thất trái, teo van ba lá và đảo gốc động mạch..) bởi hai đường ra hẹp sẽ thúc đẩy nhanh quá trình quá dưỡng cơ tim và thiếu máu cơ tim.
  • Còn ống động mạch.

3. Tiến hành phẫu thuật thắt hẹp động mạch phổi trong tim bẩm sinh

  • Người bệnh được gây mê nội khí quản;
  • Đường truyền tĩnh mạch trung ương (thường tĩnh mạch cảnh trong phải) với catheter 3 nòng, một đường truyền tĩnh mạch ngoại vi;
  • Một đường động mạch (thường động mạch quay) để theo dõi áp lực động mạch liên tục trong khi phẫu thuật;
  • Đặt ống thông đái, ống thông dạ dày;
  • Tư thế người bệnh: nằm ngửa một gối kê dưới vai, hai tay xuôi theo mình;
  • Đường phẫu thuật: thường đường phẫu thuật dọc xương ức.

Bác sĩ phẫu thuật thực hiện lần lượt các kỹ thuật phẫu thuật thắt hẹp động mạch phổi trong tim bẩm sinh:

  • Mở dọc xương ức (cầm máu xương ức);
  • Mở màng tim, khâu treo màng tim;
  • Phẫu tích tách động mạch chủ và động mạch phổi;
  • Dùng móc luồn sợi chỉ perlon hoặc dây vải vòng quanh gốc động mạch phổi;
  • Làm đường đo áp lực thất phải và áp lực động mạch phổi trước thắt hẹp, đo bão hòa oxy trước thắt hẹp;
  • Thắt hẹp động mạch phổi bằng sợi chỉ hoặc dải vải vừa luồn - độ dài của vòng chỉ thắt hẹp động mạch phổi tính theo công thức Toronto 1 hoặc 2;
  • Đo áp lực thất phải và áp lực động mạch phổi sau thắt hẹp, đo bão hòa oxy sau thắt hẹp;
  • Cầm máu, dẫn lưu (màng tim, sau xương ức);
  • Đặt điện cực tim và đóng vết mổ.
Nguyên nhân suy tim cấp ở trẻ em
Suy tim có thể xảy ra sau phẫu thuật thắt hẹp động mạch phổi

4. Theo dõi sau phẫu thuật

Sau phẫu thuật, người bệnh tim bẩm sinh được theo dõi mạch, huyết áp, bão hòa oxy nhịp thở. Thực hiện chụp phổi ngay sau khi người bệnh chuyển về phòng hồi sức. Bác sĩ theo dõi dẫn lưu ngực thông qua số lượng dịch qua dẫn lưu, tính chất dịch 1 giờ 1 lần. Nếu có hiện tượng chảy máu thì cần phải phẫu thuật lại để cầm máu. Sau 24h người bệnh được chụp ngực lần 2 để theo dõi rút dẫn lưu. Trước khi ra viện, người bệnh được kiểm tra siêu âm tim và tiếp tục thực hiện theo dõi từ xa để tiến hành bước phẫu thuật tiếp theo cần hẹn người bệnh khám lại sau 1, 3, 6 tháng sau phẫu thuật.

5. Các biến cố có thể xảy ra sau phẫu thuật

Đối với phẫu thuật thắt hẹp động mạch phổi trong tim bẩm sinh có thể gặp phải một số tai biến như: suy tim sau phẫu thuật, xẹp phổi sau phẫu thuật do người bệnh đau thở không tốt, bị tắc đờm dãi sau phẫu thuật. Người bệnh cần tập thở với bóng, kích thích và vỗ ho, cần thiết phải soi hút phế quản tùy vào tình trạng, bác sĩ sẽ có định hướng điều trị phù hợp, kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan