Nhận biết chứng đau ngực không do tim

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Minh Sơn - Bác sĩ Tim mạch Can thiệp - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Đau ngực là triệu chứng mà nhiều người thường xuyên gặp phải, có thể do nhiều nguyên nhân gây ra. Để chẩn đoán chính xác nguyên nhân đau ngực và loại trừ các bệnh lý tim mạch nguy hiểm thì cần phải thực hiện một số xét nghiệm và thăm khám lâm sàng bởi bác sĩ chuyên khoa.

1. Đau ngực là gì?

Đau ngực là tình trạng người bệnh có cảm giác đau tức ở vùng ngực, từ vị trí ngang vai xuống đến dưới cùng của xương sườn. Khi bị đau ngực, nhiều người nghĩ ngay đến bệnh tim, tuy nhiên thực tế lại không phải vậy, có rất nhiều cơn đau ngực không do tim và đôi khi là một biểu hiện bệnh lý nghiêm trọng nào đó mà người bệnh đang mắc phải.

Trong trường hợp cơn đau ngực ở mức độ nghiêm trọng, lan ra cả cánh tay, lên quai hàm và khiến cho người bệnh cảm thấy mệt mỏi, khó thở, vã mồ hôi thì cần phải đến bệnh viện ngay để được thăm khám, chẩn đoán & can thiệp kịp thời.

2. Nguyên nhân đau ngực không do tim

Thực tế, bệnh nhân có thể bị đau ngực không do tim mà là do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra, đó là:

  • Đau ngực do trào ngược dạ dày - thực quản:

Đau ngực do trào ngược là một thuật ngữ dùng chung chỉ các tình huống gây ra cơn đau ngực mà người bệnh có thể gặp phải bao gồm: trào ngược axit từ dạ dày lên thực quản, viêm thực quản do bị kích ứng niêm mạc gây ra bởi sự trào ngược axit dạ dày, ợ nóng...

Đôi khi bệnh nhân bị đau ngực do trào ngược sẽ nhầm lẫn với một cơn đau tim, do đó cần phải chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây đau ngực trước khi đưa ra phương án điều trị.

  • Đau ngực do viêm khớp sụn sườn:

Về mặt giải phẫu, lồng ngực của con người là một cấu trúc xương có tác dụng bảo vệ phổi ở bên trong, vì là xương nên thường cứng rắn và không có xu hướng uốn cong hoặc di chuyển.

Tuy vậy, lồng ngực vẫn cần phải dãn nở theo lá phổi mỗi lúc hít vào thở ra, nhờ vào các sụn mềm mại và linh hoạt. Sụn sườn gắn xương sườn với xương ức và xương ức với xương đòn sẽ làm cho các khung xương sườn có thể di chuyển trong khi hít thở dễ dàng hơn.

Khi người bệnh bị viêm khớp sụn sườn (tại các khớp sụn sườn, khớp ức đòn, khớp ức sườn) sẽ gây ra tình trạng đau vùng ngực trước với các cơn đau nhói như dao đâm, tăng lên khi người bệnh hít thở sâu hoặc gắng sức, khi cố gắng ấn vào vùng trước ngực sẽ cảm thấy đau buốt... Các cơn đau ngực không do tim này thường khu trú cụ thể ở một số vùng nhất định trên thành ngực, thường gặp ở vị trí xương ức ở xương sườn thứ 4, 5, 6.

  • Đau ngực do căng cơ thành ngực:

Nhiều trường hợp người bệnh bị đau ngực không do tim mà là do bị căng cơ thành ngực. Những cơ khác nhau bám xung quanh và giữa của các xương sườn có tác dụng giúp cho lồng ngực của con người có thể di chuyển dễ dàng hơn, tuy nhiên, có thể vì căng dãn quá mức mà dẫn đến các cơn đau ngực tại vị trí đó.

Nhận biết chứng đau ngực không do tim
Đau ngực do căng cơ thành ngực
  • Đau ngực do lo âu quá mức:

Các cơn đau ngực do lo âu quá mức sẽ rất thường gặp ở những người làm việc căng thẳng, áp lực hay gặp phải nỗi sợ hãi quá lớn. Nhiều trường hợp đau ngực do lo âu có thể nặng đến mức nhầm lẫn với các cơn đau thắt ngực do bệnh tim mạch.

  • Đau ngực do viêm phổi - màng phổi:

Mặc dù rất hiếm khi xảy ra nhưng những cơn đau ngực không do tim mà là do người bệnh bị viêm phổi - màng phổi cũng gây ra những phiền toái trong cuộc sống. Khi bệnh viêm màng phổi do virus gây ra thì có nó thể gây ra các triệu chứng đau ngực kiểu màng phổi, người bệnh sẽ có cảm giác đau nhói như bị dao đâm ở bất cứ vị trí nào trên thành ngực. Cơn đau thường tăng lên khi thở hoặc ho vì khi đó 2 lá của màng phổi bị viêm sẽ cọ xát lên nhau.

  • Đau ngực thuyên tắc động mạch phổi:

Thuyên tắc động mạch phổi xảy ra khi có các cục máu đông làm tắc nghẽn trong một trong những động mạch ở phổi. Thuyên tắc phổi có thể khiến người bệnh gặp phải các cơn đau ngực kiểu màng phổi (đau nhói khi hít vào). Đặc biệt, khi người bệnh bị thuyên tắc phổi lớn thì cơn đau ngực này có thể được cảm nhận ở giữa ngực sau của xương ức.

Thông thường, trong trường hợp này người bệnh sẽ có cảm giác như không thể hít thở sâu, đôi khi cảm thấy khó thở, ho ra máu, sốt nhẹ, tim đập nhanh, cảm thấy yếu mệt hoặc thậm chí là kiệt sức vì một cục máu đông lớn có thể gây tụt huyết áp nghiêm trọng.

  • Đau ngực do dây thần kinh liên sườn:

Đau ngực do dây thần kinh liên sườn có thể là nguyên phát hoặc thứ phát. Trường hợp đau nguyên phát, người bệnh sẽ có cảm giác đau liên tục một bên lưng và dần dần lan theo hướng chéo xuống dưới và ra trước, điểm đau thể hiện rất rõ khi ấn vào những điểm lộ ra của những sợi thần kinh liên sườn, cạnh cột sống hoặc đường giữa nách. Đối với cơn đau thứ phát, người bệnh thường bị đau do bệnh lý đĩa đệm cột sống ngực hoặc lao cột sống do tổn thương phổi - màng phổi, cần được chẩn đoán phân biệt.

Cũng có trường hợp đau ngực do đĩa đệm của một đoạn cột sống gây ra cảm giác đau ở phía trong sâu, rất mơ hồ và không có điểm đau rõ rệt. Vị trí đau có thể là vùng liên bả vai, cạnh cột sống hoặc vùng ngực trước tim, thường dễ bị nhầm với cơn đau thắt ngực đe dọa nhồi máu cơ tim.

  • Đau ngực do bị tràn khí màng phổi:

Tràn khí màng phổi do khí tràn vào giữa phổi và thành ngực, xảy ra như là một biến chứng của một bệnh phổi có sẵn làm cho lá phổi của người bệnh dễ bị tổn thương.

Khi bị tràn khí màng phổi, người bệnh thường cảm giác đau ngực đột ngột ở một bên ngực, đau nhói như dao đâm, cơn đau thường tăng lên khi thực hiện hít vào thở ra. Mức độ tràn khí màng phổi càng lớn thì người bệnh khó thở càng nhiều. Đau ngực không do tim mà là do tràn khí màng phổi cũng rất dễ nhầm lẫn, người bệnh cần được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

3. Khi bị đau ngực nên làm gì?

Tùy vào nguyên nhân gây ra các cơn đau ngực mà sẽ có biện pháp điều trị khác nhau. Nếu như cơn đau ngực không do tim chỉ mới xuất hiện nhưng có mức độ và tần suất liên tục thì cần được thăm khám và cấp cứu ngay lập tức.

Khi bị đau ngực, dù là cho nguyên nhân gì gây ra, người bệnh cũng không nên chủ quan mà phải trực tiếp đến bệnh viện để được các bác sĩ thăm khám, điều trị kịp thời. Một số xét nghiệm có thể hỗ trợ chẩn đoán nguyên nhân các cơn đau ngực bao gồm:

  • Điện tâm đồ (ECG);
  • Xét nghiệm Troponin siêu nhạy, CK-MB, chụp mạch vành để loại trừ hoặc chẩn đoán xác định bệnh lý nhồi máu cơ tim cấp; bệnh mạch vành mạn (bệnh tim thiếu máu cục bộ)
  • Xét nghiệm D-dimer, siêu âm Doppler tĩnh mạch chi dưới, chụp cắt lớp vi tính ngực (CT) có bơm thuốc cản quang để giúp chẩn đoán cũng như loại trừ bệnh lý thuyên tắc do huyết khối tĩnh mạch sâu;
  • Chụp X quang ngực: Giúp chẩn đoán viêm phổi, tràn khí màng phổi (xẹp phổi) và hoặc những bệnh khác gây ra các cơn đau ngực không do tim;
  • Nội soi dạ dày, tá tràng để chẩn đoán viêm loét dạ dày – tá tràng hoặc bệnh lý trào ngược.
Nhận biết chứng đau ngực không do tim
Chụp mạch vành khi bị đau ngực

Việc điều trị những cơn đau ngực không do tim sẽ phụ thuộc vào từng nguyên nhân gây bệnh. Do đó, khi bị đau ngực thì người bệnh không được chủ quan và tự điều trị ở nhà, phải trực tiếp đến bệnh viện để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám mới có thể chẩn đoán chính xác và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.

Thạc sĩ - Bác sĩ Nguyễn Minh Sơn đã có nhiều năm kinh nghiệm trong chẩn đoán, điều trị bệnh lý tim mạch; đặc biệt có thế mạnh về siêu âm tim qua thành ngực trong lĩnh vực nội khoa và can thiệp tim mạch. Thực hiện các Thăm dò chức năng không xâm lấn khác trong chẩn đoán và điều trị các bệnh lý tim mạch. Hiện là bác sĩ điều trị tại Trung tâm tim mạch, Khoa Khám bệnh & Nội khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang từ tháng 02/2019.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

203K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan