Nhịp tim chậm, huyết áp tụt có nguy hiểm?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Bùi Tiến Đạt - Bác sĩ Hồi sức cấp cứu - Tim mạch - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Thời gian trước đây nhiều người thường nhầm tưởng chỉ có nhịp tim nhanh mới là tiền đề của bệnh huyết áp. Tuy nhiên các nghiên cứu gần đây cho thấy nhịp tim chậm và huyết áp thấp lại có quan hệ mật thiết với nhau. Thậm chí những người mắc bệnh huyết áp thấp có nhịp tim chậm còn để lại rất nhiều biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe.

1. Nhịp tim chậm là gì?

Thông thường, người trưởng thành, nút xoang phát xung nhịp từ 60-100 lần một phút, vì thế nhịp tim bình thường cũng được đánh giá trong khoảng dao động này. Tuy nhiên, nếu nhịp tim đo được dưới 60 lần/phút được gọi là nhịp chậm.

Nhịp tim chậm có thể là dấu hiệu của sự bất thường trong hệ thống dẫn truyền xung điện của tim, nghĩa là vị trí phát xung điện tự nhiên của tim - nút xoang (sinoatrial node - SA), hoạt động không bình thường, hoặc con đường dẫn truyền xung điện trong tim vì một nguyên nhân nào đó bị thương tổn, không còn nguyên vẹn. Đặc biệt, ở những trường hợp nặng, tim sẽ đập rất chậm, lưu lượng tuần hoàn rất thấp khiến cơ thể không được đáp ứng đủ lượng máu nuôi, từ đó sinh ra biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh.

Vì nhịp tim chậm thường không có triệu chứng rõ ràng nên hầu hết mọi người đều băn khoăn không biết nhịp tim chậm có nguy hiểm hay không để có hướng phòng ngừa. Thực tế, nếu nhịp tim chậm mức độ nghiêm trọng không được thăm khám, điều trị kịp thời sẽ dẫn tới nhiều hậu quả nặng nề, ví dụ như: ngất xỉu, co giật,...

Ngất xỉu
Nhịp tim chậm dẫn tới ngất xỉu

2. Huyết áp như thế nào được coi là huyết áp thấp?

Huyết áp cao hay huyết áp thấp đều không tốt cho sức khỏe của con người, mặt khác tình trạng huyết áp không ổn định đều khiến cho cơ thể khó chịu và là tiền đề dẫn đến nhiều bệnh lý nguy hiểm như tim mạch, đột quỵ,...

Theo đó, huyết áp thấp là khi đo thấy chỉ số huyết áp tâm thu thấp hơn 90 mmHg và huyết áp tâm trương thấp hơn 60 mmHg. Ngoài ra, một số dấu hiệu huyết áp giảm đột ngột là người bệnh sẽ có cảm giác choáng váng, hoa mắt chóng mặt, hồi hộp, tim đập nhanh, khó nhận thức,...Điều này có thể khiến cho não và các cơ quan khác trong cơ thể không nhận được lượng máu cung cấp đủ oxy và các chất dinh dưỡng, có thể gây thiếu máu não và chết não, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người bệnh.

3. Biến chứng nguy hiểm của nhịp tim chậm và bệnh huyết áp thấp

Hiện nay, do các áp lực cuộc sống, công việc, học tập,.. cũng như tình trạng ô nhiễm môi trường, chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt thay đổi nhiều so với trước kia càng khiến bệnh huyết áp thấp có nguy cơ trẻ hóa, bệnh gặp nhiều ở các đối tượng còn ở độ tuổi vị thành niên.

Hầu hết, người bệnh đều cho rằng chỉ có nhịp tim nhanh mới là tiền đề của bệnh huyết áp, bởi nhịp tim nhanh là dấu hiệu của hàng loạt các căn bệnh nguy hiểm như cao huyết áp, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, nhồi máu lên não... Bên cạnh đó, nhịp tim chậm lại thường ít có triệu chứng báo hiệu hơn nên thường bị người bệnh chủ quan bỏ qua mà không biết nhịp tim chậm chính là một “sát thủ thầm lặng”, có thể tấn công đột ngột và bất ngờ khiến người bệnh không có khả năng xoay xở kịp.

Đau đầu căng thẳng
Áp lực công việc khiến bệnh huyết áp thấp đang có nguy cơ trẻ hóa

Thực tế, bệnh huyết áp thấp và nhịp tim chậm có liên quan mật thiết với nhau, do đó nếu người bệnh được chẩn đoán vừa mắc bệnh huyết áp thấp, vừa có nhịp tim chậm thì có thể xảy ra nhiều biến chứng nguy hiểm đe dọa đến tính mạng do máu và oxy không được co bóp kịp thời dẫn đến tình trạng máu lên não chậm.

Một biến chứng thường gặp khi người bệnh mắc huyết áp thấp và có nhịp tim chậm là ngất xỉu đột ngột. Trong trường hợp này nếu không được thăm khám và cấp cứu kịp thời, bệnh nhân có thể mắc chứng suy tim bởi tim đập chậm nên nhiệm vụ bơm đủ máu đi nuôi cơ thể bị ảnh hưởng, dẫn đến các cơn đau tim đột ngột, tim ngừng đập, thậm chí là tử vong.

4. Điều trị huyết áp thấp và nhịp tim chậm như thế nào?

Nguyên nhân sâu xa dẫn đến bệnh huyết áp thấp và nhịp tim chậm là do chế độ dinh dưỡng và chế độ sinh hoạt. Do đó để đảm bảo sức khỏe cũng như phòng chống bệnh tật, hạn chế tối đa biến chứng do 2 căn bệnh gây ra thì điều đầu tiên bạn cần thực hiện đó là thay đổi chế độ dinh dưỡng, đồng thời hạn chế tối đa các loại đồ uống có cồn như bia, rượu. Ngoài ra cần bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng trong thực đơn hàng ngày, uống nhiều nước, ăn nhiều trái cây tươi và hạn chế các thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ, cholesterol. Ngoài chế độ ăn uống bạn cũng cần duy trì chế độ rèn luyện cơ thể phù hợp, bạn có thể lựa chọn một môn thể thao ưa thích, vừa sức để thực hiện hàng ngày. Đây không chỉ là cách đẩy lùi bệnh tật, tăng cường hệ miễn dịch mà còn có thể đẩy lùi được bệnh huyết áp và nhịp tim chậm.

cholesteron
Thay đổi chế độ dinh dưỡng trong thực đơn hàng ngày để phòng ngừa bệnh

Bệnh huyết áp thấp và nhịp tim chậm liên quan mật thiết với nhau, do đó nếu được các bác sĩ chỉ định điều trị thì trong quá trình này bệnh nhân nên tuân thủ chỉ định của bác sĩ, chủ động khám định kỳ hàng tháng hoặc theo lịch hẹn của bác sĩ, thay đổi thói quen xấu để giữ gìn sức khỏe của mình một cách tốt nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

27.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan