Tìm hiểu thông tin về kênh nhĩ thất

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Trần Hồng Nhật - Bác sĩ Tim mạch can thiệp - Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Kênh nhĩ thất là một trong những dị tật bẩm sinh tại tim và chiếm tỉ lệ cao trong các bệnh lý tim bẩm sinh. Trẻ em từ khi ra đời nếu được chẩn đoán kênh nhĩ thất cần được phẫu thuật sớm để đảm bảo hoạt động của tim cũng như toàn cơ thể.

1. Bệnh tim bẩm sinh kênh nhĩ thất là gì?

Về mặt cấu tạo, tim được chia thành 4 buồng: 2 bên phải và 2 bên trái, được ngăn cách nhau bởi một vách ngăn. Giữa các buồng tim phải, trái còn được ngăn cách bởi các van tim, giúp kiểm soát dòng chảy máu ra vào. Những van này mở cho phép máu di chuyển đến buồng tiếp theo hoặc các mạch máu, và đóng để giữ cho máu không chảy ngược.

Bệnh lý Kênh nhĩ thất liên quan đến khiếm khuyết vách nhĩ thất bẩm sinh với lỗ thông giữa các buồng tim trên vách nhĩ thất và đi kèm với vấn đề ở van tim. Hậu quả, làm rối loạn huyết động và khả năng bơm máu của tim

Kênh nhĩ thất được chia thành 2 thể, dựa vào tổn thương giải phẫu: kênh nhĩ thất bán phần, kênh nhĩ thất toàn phần (hoàn toàn)

+ Trong kênh nhĩ thất bán phần, lỗ thông tồn tại ở phần vách ngăn phân tách các khoang phía trên (tâm nhĩ) của tim. Ngoài ra, van tim (van hai lá) bên buồng tim trái không thể đóng hoàn toàn (hở van hai lá).

+ Trong kênh nhĩ thất toàn phần, tồn tạị lỗ thông lớn ở trung tâm của tim, liên quan khiếm khuyết vách ngăn cả buồng trên (tâm nhĩ) và buồng dưới (tâm thất). Và thay vì hai van riêng biệt - bên phải (ba lá) và bên trái (hai lá), chỉ một van lớn tồn tại ngăn cách giữa buồng trên và dưới, và van này cũng không thể đóng chặt.

Kênh nhĩ thất
Hình ảnh kênh nhĩ thất

2. Các triệu chứng lâm sàng của kênh nhĩ thất

2.1 Kênh nhĩ thất hoàn toàn

Các triệu chứng của kênh truyền nhĩ thất hoàn toàn thường phát triển trong vài tuần đầu tiên của cuộc sống của trẻ, bao gồm:

Khó thở, bú kém

● Chậm tăng cân

● Da và môi xanh tím

2.2 Kênh nhĩ thất bán phần

Các dấu hiệu và triệu chứng của kênh truyền nhĩ thất bán phần ít rõ ràng hơn, đôi khi không xuất hiện cho đến tuổi trưởng thành. Các triệu chứng, bao gồm:

Nhịp tim bất thường (loạn nhịp)

Biểu hiện tăng áp phổi, suy tim như khó thở, phù 2 chi dưới, mệt mỏi,...

phù chân
Phù 2 chi dưới là biểu hiện của kênh nhĩ thất bán phần

3. Các yếu tố nguy cơ của kênh nhĩ thất

● Hội chứng Down

● Mẹ bị Rubella vào 3 tháng đầu thai kỳ

● Gia đình có người có khiếm khuyết tim bẩm sinh

● Uống nhiều rượu trong thời kỳ có thai

● Mẹ bị đái tháo đường thai kỳ

● Dùng một số loại thuốc. Chẳng hạn như thuốc isotretinoin (Accutane) điều trị mụn trứng cá trong thời kỳ mang thai. Kiểm tra với bác sĩ trước khi dùng bất cứ loại thuốc nào trong khi đang mang thai và ngay cả khi đang chuẩn bị có thai.

4. Các biến chứng của kênh nhĩ thất

● Viêm phổi: Nếu kênh nhĩ thất không được điều trị, có thể có bệnh viêm phổi - bệnh nhiễm trùng phổi nghiêm trọng tái phát.

Rối loạn nhịp tim: thường gặp là dạng rối loạn dẫn truyền từ nhĩ xuống thất

● Giãn các buồng tim: Tăng cường lưu lượng máu qua tim buộc nó làm việc khó hơn bình thường, gây ra giãn.

● Suy tim: Nếu không điều trị, kênh nhĩ thất thường dẫn đến suy tim - tình trạng tim không thể bơm đủ máu để đáp ứng nhu cầu của cơ thể.

Tăng áp động mạch phổi: dòng máu bị rối loạn do đi qua các lỗ thông, làm tăng lượng máu lên phổi, gây ra tăng áp trong phổi. Thời gian đầu, tình trạng tăng áp này có thể hồi phục nếu dị tật được sửa chữa, nếu không sẽ là tình trạng tăng áp phổi cố định.

Thấp tim có thể gây hở van động mạch chủ
Hở van tim là biến chứng muộn của kênh nhĩ thất gây ra

5. Điều trị bệnh tim bẩm sinh kênh nhĩ thất

Phẫu thuật là cần thiết để sửa chữa các khiếm khuyết cả hai thể: kênh nhĩ thất hoàn toàn và kênh nhĩ thất bán phần. Lỗ trong vách ngăn được đóng lại bằng cách sử dụng các bản vá. Các bản vá trong tim vĩnh viễn, trở thành một phần vách ngăn của tim. Ngoài ra, phẫu thuật giúp sửa van tim, làm cho nó đóng kín, và nếu không sửa được sẽ phải thay thế van

Khi kênh nhĩ thất đã được sửa chữa thành công bằng phẫu thuật, bệnh nhân sẽ có cuộc sống bình thường, không có hạn chế hoạt động. Tuy nhiên, cần theo dõi chăm sóc cả đời với bác sĩ chuyên khoa về bệnh tim bẩm sinh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan