Trẻ từ 6 tháng tuổi dễ bị bệnh hô hấp

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Phan Ngọc Hải - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Cơ thể trẻ em còn yếu ớt, hệ miễn dịch chưa phát triển hoàn thiện, là đối tượng rất dễ mắc các dịch bệnh, đặc biệt là các bệnh hô hấp. Do vậy các cha mẹ cần hết sức cẩn thận để bảo vệ trẻ khỏi các tác nhân gây bệnh.

1. Nguyên nhân trẻ 6 tháng tuổi dễ mắc bệnh về đường hô hấp

Trẻ nhỏ từ 6 tháng đến 36 tháng tuổi thường dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn đường tiêu hóa và hô hấp, nhất là khi thời tiết chuyển mùa. Nguyên nhân của tình trạng này là do các loại vi khuẩn, virus...gây bệnh phát triển mạnh mẽ hơn trong điều kiện nắng nóng và độ ẩm cao. Trong khi đó, trẻ nhỏ từ 6 -36 tháng tuổi hệ miễn dịch còn non yếu nên không đủ sức chống lại các tác nhân gây bệnh. Do đó, trẻ sẽ gặp nhiều nguy cơ về sức khỏe, rất dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp.

Hệ miễn dịch đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của trẻ. Hệ miễn dịch hoạt động tốt giúp trẻ ngăn chặn mầm bệnh xâm nhập, tiêu diệt chúng khi đã vào cơ thể, nhận diện và ghi nhớ để có phản ứng hiệu quả hơn trong những lần sau khi mầm bệnh xuất hiện. Ngược lại ,nếu hệ miễn dịch kém, trẻ thường xuyên bị các vi khuẩn, virus ồ ạt tấn công gây bệnh, nhất là các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp.

Hệ miễn dịch có sự phát triển theo hướng trước 6 tháng, trẻ nhận kháng thể từ mẹ truyền sang nên có hệ miễn dịch khỏe mạnh. Từ 6-36 tháng, kháng thể từ mẹ truyền sang không còn, trong khi cơ thể chưa tự sinh ra được đủ kháng thể nên hệ miễn dịch của trẻ rất yếu, luôn có nguy cơ nhiễm bệnh.

2. Biểu hiện khi trẻ bị viêm đường hô hấp

Một số biểu hiện dưới đây sẽ giúp bố mẹ nhận ra tình trạng viêm đường hô hấp trên của trẻ:

  • Sốt

Sốt là triệu chứng quan trọng đầu tiên. Sốt trong các bệnh về viêm đường hô hấp trên thường là sốt cao và thành cơn. Thân nhiệt thường là 39 độ C trở lên.

tre-6-thang-tuoi-bi-sot-1
Thân nhiệt thường là 39 độ C trở lên.
  • Sổ mũi và chảy nước mũi

Trẻ sẽ bị chảy dịch mũi với đặc điểm dịch nhiều, trong, loãng, không có mủ và không có mùi hôi. Dịch mũi về bản chất là một dịch viêm bảo vệ nhưng nó lại là thủ phạm lan truyền mầm bệnh vì dịch mũi rất nhiều mầm bệnh. Nó chính là thủ phạm lây bệnh từ bộ phận này sang bộ phận khác, từ đường hô hấp trên sang đường hô hấp dưới.

  • Ho

Ho là một biểu hiện mà gần như có mặt trong mọi bệnh viêm đường hô hấp trên. Vì lý do thành họng của trẻ rất nhạy cảm thêm với tình trạng tiết dịch nhiều nên ho thường là một triệu chứng phổ biến.

Ho có nhiều loại: ho thành cơn, ho khan, ho có đờm...Ho là biểu hiện đầu tiên cũng là biểu hiện cuối cùng báo hiệu chấm dứt hoàn toàn đợt viêm nhiễm. Thông thường ho là có lợi nhưng nếu không kiểm soát tốt, ho lại làm cho trẻ mệt, mất ngủ, nôn trớ...

  • Khó thở

Khó thở là một biểu hiện không đặc thù của viêm đường hô hấp trên. Nó thường là triệu chứng của bệnh viêm đường hô hấp dưới nhưng trong trường hợp trẻ bị viêm thanh quản thì rất có thể trẻ sẽ bị khó thở. Khó thở là triệu chứng rất ít gặp. Biểu hiện thường thấy là trẻ phải thở rít, thở khò khè, thở nhanh theo tuổi, trẻ dùng cơ hô hấp phụ khi thở, thở rên, gắng sức nhiều...

Những biểu hiện trên có thể xuất hiện riêng lẻ hoặc kết hợp. Chẳng hạn, nếu trẻ chị bị bệnh nhẹ, triệu chứng chỉ đơn thuần là sổ mũi, nghẹt mũi. Nếu trẻ đã bị sốt, đó thường là dấu hiệu bệnh đã nặng hơn và hệ miễn dịch đang tích cực làm việc để tiêu diệt các vi sinh vật gây bệnh.

3. Chăm sóc trẻ khi bị viêm đường hô hấp

Khi trẻ bị viêm đường hô hấp trên thường có các triệu chứng chảy mũi, ngạt mũi, sốt nhẹ, ho ít, nôn trớ ít cha mẹ có thể điều trị tại nhà.

  • Trẻ chảy mũi, ngạt mũi

Nhỏ nước muối sinh lý 0,9% vào từng bên mũi làm loãng dịch mũi, hút mũi bằng dụng cụ hút mũi sau đó dùng tăm bông sạch, khô vệ sinh lại. Không dùng miệng hút mũi cho trẻ dễ lây thêm vi khuẩn cho trẻ.

Làm thông mũi cho trẻ trước khi cho ăn hoặc bú để tránh nôn trớ.

Đặt trẻ nằm cao đầu hoặc bế trẻ tư thế thẳng.

Giữ ấm cơ thể của trẻ nếu là mùa đông, mùa hè không cần mặc áo quá dày, tránh gió lùa, giữ nhiệt độ phòng >=25 độ C.

Không nhỏ nước ép tỏi cho trẻ vì tỏi dễ gây bỏng niêm mạc của trẻ.

  • Trẻ sốt
  • Nếu trẻ bị sốt từ 37,5 đến dưới 38,5 độ C, cho trẻ nằm phòng thoáng mát, mặc quần áo mỏng, không bó sát. Dùng khăn mềm lau mát cho trẻ bằng nước ấm 37 độ C ở trán, nách, bẹn. Theo dõi nhiệt độ thường xuyên 30 phút/lần. Cho trẻ bú mẹ tăng cường để bù nước.
  • Nếu trẻ sốt từ 38,5 độ C trở lên, cha mẹ cần đưa trẻ đến khám tại cơ sở y tế.
  • Trẻ ho

Ho là triệu chứng của viêm đường hô hấp dưới nhiều hơn. Ho trong viêm đường hô hấp trên có thể là do tình trạng tăng tiết nhiều đờm dãi cha mẹ có thể cho trẻ uống thuốc long đờm thảo dược. Nếu trẻ ho nhiều cha mẹ cần đưa trẻ tới khám tại các cơ sở y tế gần nhất.

  • Trẻ nôn, trớ

Khi trẻ bị nôn cha mẹ cần cho trẻ nằm nghiêng đầu sang một bên, làm sạch chất nôn ở miệng, họng, mũi trẻ, lau khô chất nôn trên người trẻ bằng khăn mềm và ấm, thay quần áo cho trẻ.

Cho trẻ bú thành nhiều lần, ít một, không cho trẻ ăn quá no.

Nếu trẻ nôn nhiều các mẹ không nên tự cho trẻ uống thuốc chống nôn nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.

Nếu trẻ nôn nhiều kèm theo các dấu hiệu mất nước như: mắt trũng, da nhăn nheo...trẻ li bì hơn cần cho trẻ đi khám ngay.

Trong quá trình chăm sóc trẻ nếu có một trong các triệu chứng sau cần báo cho bác sĩ hoặc cho trẻ đến cơ sở y tế để khám ngay:

  • Không uống được hoặc bỏ bú
  • Trẻ khó thở, thở nhanh trên 60 nhịp/1 phút, hoặc ngưng thở, rút lõm lồng ngực, tím tái...
  • Trẻ sốt cao trên 38,5 độ C, sốt liên tục 3-5 ngày hoặc hạ thân nhiệt.
tre-6-thang-tuoi-bi-sot-2
Cho trẻ bú thành nhiều lần, ít một, không cho trẻ ăn quá no

4. Phòng ngừa nhiễm khuẩn đường hô hấp cho trẻ

Phòng bệnh hơn chữa bệnh là phương châm luôn được các chuyên gia y tế khuyến cáo. Để phòng bệnh viêm đường hô hấp cho trẻ các mẹ cần lưu ý những điều sau:

  • Giặt giũ thường xuyên chăn ga gối cho trẻ.
  • Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ để tránh nấm mốc.
  • Giữ ấm cho trẻ khi trời lạnh, đặc biệt là vào ban đêm.
  • Chú ý chế độ dinh dưỡng, đặc biệt bổ sung nhiều nước, rau và hoa quả tươi. Nên chia nhỏ bữa ăn cho trẻ và nấu lỏng hơn khi con đang bị ốm bởi lúc này hệ tiêu hóa hoạt động kém hơn nên cơ thể không hấp thu được nhiều chất dinh dưỡng.
  • Để giúp trẻ dễ thở hơn thì đặt bé nằm nghiêng đồng thời tạo thuận lợi cho quá trình đào thải các chất nhầy trong cơ thể.
  • Không để nhiệt độ cơ thể trẻ lên quá cao.
  • Khi con sốt, kịp thời hạ sốt bằng cách lấy nước ấm làm dịu cơ thể và cho trẻ mặc đồ thoáng mát.
  • Giữ cho mũi trẻ luôn khô ráo, sạch sẽ bằng cách tăng cường vệ sinh mũi ngay khi có biểu hiện viêm mũi.
  • Tiêm phòng vaccine là cách phòng bệnh hữu hiệu và tác dụng nhất

Khoa nhi tại hệ thống Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ tiếp nhận và thăm khám các bệnh lý mà trẻ sơ sinh cũng như trẻ nhỏ dễ mắc phải: sốt virus, sốt vi khuẩn, viêm tai giữa, viêm phổi ở trẻ,....Với trang thiết bị hiện đại, không gian vô trùng, giảm thiểu tối đa tác động cũng như nguy cơ lây lan bệnh. Cùng với đó là sự tận tâm từ các bác sĩ giàu kinh nghiệm chuyên môn với các bệnh nhi, giúp việc thăm khám không còn là nỗi trăn trở của các bậc cha mẹ.

Ngoài ra, để phòng tránh các bệnh lý đường hô hấp mà trẻ sơ sinh hay mắc phải, cha mẹ nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng nâng cao sức đề kháng cho trẻ. Đồng thời bổ sung thêm thực phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B,... giúp hỗ trợ hệ miễn dịch, tăng cường đề kháng để trẻ ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.

Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:

Vì sao cần bổ sung Lysine cho bé?

Vai trò của kẽm - Hướng dẫn bổ sung kẽm hợp lý

Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.

38.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan