Có thể trì hoãn điều trị ung thư hạch không Hodgkin?

Ung thư là bệnh lí ác tính, thông thường cần tầm soát, phát hiện và điều trị càng sớm càng tốt để đạt hiệu quả cao nhất. Thế nhưng u lympho không Hodgkin có thể sẽ là một trường hợp ngoại lệ. Vậy có thể trì hoãn điều trị ung thư u lympho không Hodgkin hay không, và nếu có thì sẽ làm như thế nào?

1. Ung thư hạch không Hodgkin là gì?

Ung thư hạch không Hodgkin là ung thư bắt nguồn từ hệ bạch huyết. Trong ung thư hạch không Hodgkin, các khối u phát triển từ tế bào lympho. Tế bào này có thể được tìm thấy ở hạch bạch huyết, lách và các cơ quan khác của hệ thống miễn dịch. Chính vì lí do đó mà u lympho không Hodgkin có thể bắt đầu ở bất kỳ bộ phận nào và có thể lan sang bất kì cơ quan nào trong cơ thể.

2. Có thể trì hoãn điều trị ung thư hạch không Hodgkin?

Nếu mắc ung thư hạch không Hodgkin nhưng phát triển chậm, bác sĩ có thể sẽ đưa ra lời khuyên tạm thời chưa cần điều trị! Điều này gọi là “trì hoãn và theo dõi”, và đó có thể là một lựa chọn nếu bệnh nhân không xuất hiện biểu hiện đau hay bất kỳ một triệu chứng nào khác.

Nếu chờ đợi chưa điều trị, bác sĩ sẽ theo dõi cẩn thận tiến triển của bệnh, và việc điều trị sẽ không bắt đầu trừ khi bác sĩ nhận thấy các dấu hiệu cho thấy ung thư hạch bắt đầu hoạt động.

Băn khoăn về tính an toàn khi tạm thời không tiến hành điều trị dù đã phát hiện ung thư là điều rất hiển nhiên. Nhưng theo ý kiến các chuyên gia thì phương án này không phải không có lí.

Theo bác sĩ Henry Tsai, chuyên gia huyết học và ung thư tại Trung tâm chăm sóc ung thư Eisenhower Desert (Eisenhower Desert Cancer Care) ở Rancho Mirage, California, Hoa Kỳ, một số loại u lympho không Hodgkin sẽ không ảnh hưởng tới cuộc sống của bệnh nhân trong nhiều năm, và với những loại tiến triển chậm như vậy, có thể tạm thời trì hoãn điều trị. Tuy là trì hoãn điều trị, nhưng với một số bệnh nhân cuối cùng vẫn phải tiến hành can thiệp điều trị, nhưng số khác thì lại không bao giờ cần tới điều trị.

co-tri-hoan-dieu-tri-ung-thu-hach-khong-hodgkin-1
Ung thư hạch không Hodgkin nên hoãn điều trị khi nào?

3. Khi nào có thể trì hoãn điều trị ung thư hạch không Hodgkin?

Theo giám đốc Trung tâm thông tin cộng đồng về Leukemia và Ung thư hạch (Leukemia & Lymphoma Society's Information Resource Center) Beatrice Abetti, trì hoãn điều trị và theo dõi diễn tiến bệnh là phương pháp tiêu chuẩn đối với những bệnh nhân có bệnh không lan rộng và không biểu hiện triệu chứng.

Nghiên cứu chỉ ra rằng nếu được thực hiện đúng thì việc trì hoãn điều trị sẽ mang lại hiệu quả. Theo thời gian, rất nhiều bệnh nhân có được kết quả tốt không kém những bệnh nhân được chỉ định điều trị ngay lập tức.

Bác sĩ có thể gợi ý trì hoãn điều trị nếu bệnh nhân mắc những loại ung thư hạch không Hodgkin dưới đây:

  • U lympho dạng nang.
  • U lympho vùng rìa.
  • U lympho tương bào lympho.

Việc trì hoãn điều trị cũng có thể được cân nhắc khi:

  • Bệnh nhân không biểu hiện triệu chứng.
  • Hạch bạch huyết nhỏ, không phát triển nhanh hoặc không gây ra vấn đề.
  • Kết quả xét nghiệm máu bình thường.
  • Ung thư hạch không Hodgkin không ảnh hưởng tới tim, phổi, thận, hoặc các cơ quan quan trọng khác.

Trì hoãn điều trị và theo dõi cũng có thể là lựa chọn tốt cho một số trường hợp bệnh nhân được chẩn đoán mắc u lympho không Hodgkin lan rộng mà điều trị dường như sẽ không hiệu quả. Ngay kể cả trường hợp bệnh đã lan rộng thì nó vẫn có thể duy trì ổn định tới hàng năm.

4. Trì hoãn điều trị ung thư hạch không Hodgkin được thực hiện như thế nào?

Trì hoãn điều trị và theo dõi không có nghĩa là thụ động hoàn toàn. Nếu quyết định trì hoãn điều trị, bác sĩ sẽ theo dõi sát tiến triển của bệnh để phát hiện những thay đổi. Thông thường bệnh nhân sẽ tái khám định kỳ mỗi 3 tới 6 tháng, hoặc thậm chí là tái khám với khoảng thời gian ngắn hơn.

Trong mỗi lần tái khám, bác sĩ sẽ:

  • Hỏi bệnh và tìm hiểu xem bệnh nhân có bất kỳ điều gì bất thường hay không.
  • Thăm khám lâm sàng.
  • Chỉ định xét nghiệm máu, chỉ định chẩn đoán hình ảnh.

Bệnh nhân có thể sẽ cần bắt đầu điều trị nếu bác sĩ phát hiện các dấu hiệu bất thường, chẳng hạn như:

  • Hạch bạch huyết phát triển to lên, hoặc ung thư hạch không Hodgkin tác động tới một hạch mới.
  • Ung thư hạch không Hodgkin ảnh hưởng tới xương hoặc các cơ quan khác.
  • Suy giảm số lượng hồng cầu.
  • Số lượng tế bào lympho trong máu tăng lên.
  • Lách phát triển to lên.
  • Tình trạng thiếu máu ngày càng nặng lên.
co-tri-hoan-dieu-tri-ung-thu-hach-khong-hodgkin-2
Bệnh nhân được tư vấn bởi bác sĩ

5. Ưu nhược điểm của việc trì hoãn điều trị ung thư hạch không Hodgkin

5.1 Ưu điểm

Ưu điểm lớn nhất của việc trì hoãn điều trị ung thư hạch không Hodgkin là bệnh nhân không phải đối mặt với những tác dụng không mong muốn của việc điều trị. Chưa phải hóa trị liệu đồng nghĩa với việc bệnh nhân không phải chịu đựng các vấn đề như mệt mỏi, nhiễm khuẩn hay rụng tóc.

Lợi ích tiếp theo của việc trì hoãn điều trị là các tế bào lympho sẽ không kháng lại các thuốc điều trị, vốn là một vấn đề nan giải đối với một số bệnh nhân. Khi đã bị kháng thuốc, việc điều trị sẽ không còn mang lại nhiều hiệu quả nữa.

Trì hoãn điều trị cũng đồng nghĩa bệnh nhân sẽ không phải nhập viện, nằm viện, do đó không bị hạn chế các hoạt động, công việc và sinh hoạt thường ngày.

5.2 Nhược điểm

Trì hoãn điều trị nghĩa là sẽ có nguy cơ ung thư tiến triển thành dạng tiến triển nhanh. Đồng thời với một số bệnh nhân việc trì hoãn điều trị sẽ mang lại cảm giác khó chấp nhận, tuy nhiên những bệnh nhân này sau khi được tư vấn kỹ càng để hiểu rằng trì hoãn điều trị về bản chất là một chiến lược điều trị khả thi, thì họ sẽ chấp nhận phương án này. Trì hoãn điều trị là một phần của khuyến cáo điều trị đối với ung thư hạch không Hodgkin.

6. Trì hoãn điều trị có thể kéo dài đến khi nào?

Khoảng một nửa số bệnh nhân có thể trì hoãn điều trị ít nhất là 3 năm, một số bệnh nhân có thể kéo dài đến 10 năm hoặc hơn, thậm chí không bao giờ cần phải điều trị.

Không có cách nào để biết trước liệu trong tương lai có cần phải điều trị hay không, nhưng việc điều trị có thể cần thực hiện nếu:

  • Các triệu chứng biểu hiện nhiều lên và gây ra các vấn đề.
  • Hạch bạch huyết sưng to và thay đổi.
  • Các cơ quan hoặc tủy xương bị ảnh hưởng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

20.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan