Những điều cần biết về sinh thiết tiền liệt tuyến

Sinh thiết là thủ thuật lấy một số mảnh tổ chức mô tuyến tiền liệt đem phân tích tế bào học bằng kính hiển vi nhằm xác định tổ chức đó là lành tính hay ung thư ác tính

1. Sinh thiết tiền liệt tuyến là gì?

Tuyến tiền liệt là tuyến chỉ tồn tại ở nam giới. Tuyến tiền liệt nằm ở vị trí bên dưới bàng quang và bao bọc quanh niệu quản. Tuyến tiền liệt giữ vai trò trong việc tạo ra tinh dịch.

Sinh thiết tiền liệt tuyến là kĩ thuật mà bác sĩ sẽ lấy mẫu mô từ tuyến tiền liệt để mang đi kiểm tra giải phẫu bệnh (kiểm tra dưới kính hiển vi) nhằm xác định có sự tồn tại của ung thư hay không.

Sinh thiết tiền liệt tuyến được chỉ định khi kết quả sàng lọc (xét nghiệm máu hoặc thăm trực tràng) nghi ngờ có sự tồn tại của ung thư tiền liệt tuyến.

Sinh thiết tiền liệt tuyến
Sinh thiết tiền liệt tuyến là kĩ thuật sử dụng để xác định có sự tồn tại của ung thư hay không

2. Khi nào cần sinh thiết tiền liệt tuyến?

Bác sĩ có thể sẽ chỉ định sinh thiết tiền liệt tuyến nếu nồng độ kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt (prostate - specific antigen - PSA) trong máu tăng lên hoặc quá trình thăm trực tràng thấy xuất hiện khối bất thường.

Bên cạnh đó sinh thiết tiền liệt tuyến cũng có thể được chỉ định trong trường hợp kết quả của lần sinh thiết trước là bình thường nhưng nồng độ PSA vẫn tăng, hoặc kết quả của lần sinh thiết trước đã xuất hiện những tế bào bất thường nhưng chưa phải ung thư hóa.

Thăm trực tràng là một kĩ thuật thăm khám lâm sàng, bác sĩ sẽ đưa một ngón tay vào trực tràng để kiểm tra xem tiền liệt tuyến có to lên không, có xuất hiện khối bất thường không.

Trước khi sinh thiết bác sĩ cũng có thể chỉ định siêu âm tiền liệt tuyến qua trực tràng.

3. Các kĩ thuật sinh thiết tiền liệt tuyến

Sinh thiết tiền liệt tuyến có thể được thực hiện bằng nhiều kĩ thuật khác nhau, bao gồm:

  • Sinh thiết tiền liệt tuyến qua thành hậu môn: Kim sinh thiết sẽ đi xuyên qua thành hậu môn để vào tuyến tiền liệt. Đây là kĩ thuật hay được sử dụng nhất.
  • Sinh thiết tiền liệt tuyến qua đáy chậu: Kim sinh thiết sẽ đi qua vùng da ở đáy chậu (khu vực nằm giữa hậu môn và bìu) để vào tuyến tiền liệt.
  • Sinh thiết tiền liệt tuyến qua niệu đạo: Là kĩ thuật sinh thiết tiền liệt tuyến bằng cách sử dụng ống soi bàng quang.

Các kĩ thuật sinh thiết tiền liệt tuyến có thể được thực hiện dưới sự hướng dẫn của chẩn đoán hình ảnh (như siêu âm, chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ).

4. Những rủi ro có thể xảy ra trong quá trình sinh thiết tiền liệt tuyến

Giống như bất kì kĩ thuật nào khác, sinh thiết tiền liệt tuyến cũng có thể xảy ra những rủi ro nhất định. Những rủi ro đó bao gồm:

  • Chảy máu tại vị trí sinh thiết: Chảy máu trực tràng là hiện tượng thường gặp sau khi sinh thiết tiền liệt tuyến.
  • Xuất hiện máu trong tinh dịch: Sau khi thực hiện sinh thiết tiền liệt tuyến thường sẽ xuất hiện máu trong tinh dịch, khiến tinh dịch có màu đỏ. Đây là hiện tượng phổ biến, và có thể kéo dài tới vài tuần.
Sinh thiết tiền liệt tuyến
Xuất hiện máu trong tinh dịch là hiện tượng phổ biến sau sinh thiết tiền liệt tuyến

  • Xuất hiện máu trong nước tiểu: Nếu có thì thường rất ít.
  • Khó tiểu tiện: Ở một số trường hợp sau khi sinh thiết tiền liệt tuyến bệnh nhân khó đi tiểu, và hiếm khi cần phải đặt dẫn lưu bàng quang qua niệu quản.
  • Nhiễm trùng: Hiếm khi xuất hiện nhiễm trùng đường niệu hoặc nhiễm trùng tuyến tiền liệt sau khi thực hiện sinh thiết.

5. Chuẩn bị trước khi thực hiện sinh thiết tiền liệt tuyến

  • Bệnh nhân có thể tham vấn với bác sĩ về mọi thắc mắc của bản thân. Bệnh nhân cũng cần viết cam kết đồng ý thực hiện kĩ thuật sinh thiết tiền liệt tuyến.
  • Bệnh nhân cần thông báo cho bác sĩ biết nếu bản thân mẫn cảm hoặc dị ứng với bất kỳ thứ gì.
  • Bệnh nhân cần thông báo cho bác sĩ biết tiền sử bệnh lý của bản thân, cũng như tất cả các loại thuốc và thực phẩm chức năng đang sử dụng, đặc biệt là các loại thuốc chống đông máu.
  • Tùy thuộc vào kỹ thuật sinh thiết tiền liệt tuyến dự kiến được tiến hành và tình trạng cụ thể của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ có những hướng dẫn chuẩn bị thích hợp riêng.

6. Chăm sóc sau khi thực hiện sinh thiết tiền liệt tuyến

Quá trình chăm sóc sau khi thực hiện sinh thiết tiền liệt tuyến sẽ phụ thuộc vào kỹ thuật sinh thiết đã được tiến hành và tình trạng cụ thể của bệnh nhân, bác sĩ sẽ hướng dẫn chi tiết cho người bệnh.

Sau khi sinh thiết tiền liệt tuyến, bệnh nhân có thể xuất hiện cảm giác mót tiểu hoặc mót rặn, nhưng điều đó không có gì đáng lo ngại và thường tự hết sau vài giờ.

Có thể có máu xuất hiện trong nước tiểu hoặc trong phân trong vài ngày sau khi sinh thiết, và điều này là thường thấy. Tinh dịch cũng có thể xuất hiện máu kéo dài vài tuần kể từ khi sinh thiết, và cũng là bình thường.

Sinh thiết tiền liệt tuyến
Có thể có máu xuất hiện trong nước tiểu trong vài ngày sau khi sinh thiết

Vị trí sinh thiết có thể bị sưng đau vài ngày, hãy uống thuốc giảm đau theo chỉ định của bác sĩ.

Hãy liên hệ ngay với bác sĩ nếu biểu hiện một trong các dấu hiệu dưới đây:

  • Lượng máu trong nước tiểu hoặc trong phân tăng lên.
  • Đau vùng hông hoặc khung chậu.
  • Gặp vấn đề với tiểu tiện.
  • Thay đổi màu sắc nước tiểu, nước tiểu có mùi khó chịu hoặc cảm giác bỏng rát khi đi tiểu (có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng).
  • Sốt và/hoặc rét run.

7. Nhận kết quả sinh thiết tiền liệt tuyến

Kết quả sinh thiết sẽ được bác sĩ giải thích cặn kẽ. Tùy vào kết quả cụ thể bác sĩ có thể chỉ định theo dõi, hoặc tiến hành thêm một số xét nghiệm, hoặc thảo luận về các phương pháp điều trị có thể áp dụng. Bác sĩ sẽ thống nhất phương án tối ưu đối với trường hợp của người bệnh. Bệnh nhân nên làm theo hướng dẫn của bác sĩ để có kết quả điều trị tốt.

Để được tư vấn chi tiết về kỹ thuật sinh thiết tiền liệt tuyến tại Vinmec, quý khách có thể đến trực tiếp hệ thống y tế Vinmec trên toàn quốc hoặc liên hệ đặt khám trực tuyến TẠI ĐÂY.

Bài viết tham khảo nguồn: webmd.com

XEM THÊM:

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

10.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan