Vì sao điều trị ung thư có thể gây tăng tiết mồ hôi đêm?

Đổ mồ hôi đêm có thể là triệu chứng của nhiều tình trạng tiềm ẩn, bao gồm bệnh ung thư và thay đổi nội tiết tố. Ngoài ra, thuốc và các vấn đề sức khỏe khác cũng có thể là nguyên nhân tăng tiết mồ hôi đêm. Vậy vì sao điều trị ung thư lại làm đổ mồ hôi đêm?

1. Nguyên nhân gây đổ mồ hôi đêm

Đổ mồ hôi là hiện tượng cơ thể thoát nước và muối qua da để làm mát, điều hòa thân nhiệt. Lượng mồ hôi tiết ra ít hay nhiều sẽ tùy vào cường độ hoạt động, trạng thái cảm xúc và nhiệt độ của môi trường.

Những lý do thường gặp có thể gây ra tình trạng mồ hôi ban đêm bất thường bao gồm:

  • Các loại thuốc, như: Thuốc giảm đau theo toa, steroid và thuốc chống trầm cảm
  • Mãn kinh
  • HIV
  • Một số bệnh nhiễm khuẩn
  • Lượng đường trong máu thấp
  • Tuyến giáp hoạt động quá mức, hay còn gọi là cường giáp
  • Chứng lo âu

Ngoài ra, tăng tiết mồ hôi ban đêm cũng có thể liên quan đến ung thư và một số phương pháp điều trị ung thư. Cụ thể:

  • Ung thư hạch
  • Bệnh bạch cầu
  • Ung thư xương
  • Ung thư gan
  • Khối u carcinoid (thường tìm thấy trong đường tiêu hóa)
  • Khối u hệ thống tuyến thượng thận
  • Liệu pháp hormon điều trị ung thư vú, phụ khoa và tuyến tiền liệt

Ung thư gan
Tăng tiết mồ hôi ban đêm cũng có thể liên quan đến ung thư gan

Nếu ung thư là nguyên nhân làm tăng tiết mồ hôi đêm, bạn cũng sẽ gặp các triệu chứng khác, như sốt liên tục và giảm cân không rõ nguyên nhân.

2. Vì sao điều trị ung thư làm tăng tiết mồ hôi đêm?

Như đã đề cập, đổ mồ hôi ban đêm vừa có thể là triệu chứng bệnh, nhưng đôi khi cũng do tác dụng phụ của vài phương pháp điều trị ung thư. Mỗi loại ung thư sẽ có ảnh hưởng khác biệt đến cơ thể bệnh nhân. Trong đó, ung thư vú và tuyến tiền liệt tác động tiêu cực tới quá trình sản sinh hormone giới tính. Hơn nữa, các phương pháp điều trị ung thư - như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị và liệu pháp hormone, có thể kích thích thời kỳ mãn kinh ở phụ nữ xảy ra sớm hơn. Chính cơ chế này góp phần dẫn đến tình trạng tăng tiết mồ hôi đêm, cũng như nóng trong người.

Video đề xuất:

Tìm hiểu về xạ trị ung thư: Phương pháp điều trị ung thư cơ bản

Theo Viện Ung thư, tình trạng đổ mồ hôi đêm còn phổ biến ở những người đã phục hồi sau ung thư, đặc biệt là phụ nữ. Nguyên nhân một số loại ung thư và biện pháp điều trị lại gây ra hiện tượng đổ mồ hôi đêm có thể được lý giải như sau:

  • Sốt

Khi cơ thể cố gắng chống lại khối u, phản ứng miễn dịch sẽ gây ra một số triệu chứng, trong đó có sốt để tiết mồ hôi, giúp hạ thân nhiệt. Bên cạnh đó, một vài liệu pháp chữa trị ung thư cũng làm giảm phản ứng miễn dịch, từ đó tăng nguy cơ nhiễm trùng, đòi hỏi cơ thể phải được làm mát bằng mồ hôi.

  • Mãn kinh sớm, thay đổi nội tiết tố

Bốc hỏa và đổ mồ hôi đêm là kết quả của sự thay đổi nội tiết tố vào giai đoạn mãn kinh - kết thúc độ tuổi sinh sản của nữ giới. Hiện tượng này thường xảy ra tự nhiên vào khoảng 50 tuổi, nếu sớm hơn được gọi là mãn kinh sớm (tác dụng phụ của chữa trị ung thư). Phụ nữ bị ung thư vú hoặc hệ sinh sản cũng ảnh hưởng đến nội tiết tố, nên dễ bị đổ mồ hôi đêm.

  • Lượng testosterone thấp ở nam giới

Tương tự như phụ nữ, khi đàn ông điều trị ung thư tuyến tiền liệt bằng phương pháp phẫu thuật cắt bỏ một hoặc hai bên tinh hoàn, sẽ khiến lượng testosterone suy giảm. Điều này làm rối loạn nội tiết tố, dẫn đến một số triệu chứng khó chịu, trong đó có tăng tiết mồ hôi đêm.

Video đề xuất:

Cận cảnh điều trị ung thư tiền liệt tuyến bằng phẫu thuật nội soi robot

  • Thuốc

Một vài loại thuốc điều trị ung thư cũng gây ra tình trạng mồ hôi đêm. Chẳng hạn, thuốc ức chế Aromatase được chỉ định như một liệu pháp hormone và Tamoxifen để chữa khối u vú ác tính; nhóm thuốc giảm đau mạnh Opioids cho người bệnh ung thư; thuốc chống trầm cảm ba vòng để điều trị trầm cảm - triệu chứng thường gặp ở người được chẩn đoán mắc ung thư; chất giúp giảm sưng và viêm Steroid cho bệnh nhân ung thư.

3. Triệu chứng tăng tiết mồ hôi ban đêm

Bạn có thể phân biệt tình trạng tăng tiết mồ hôi đêm với đổ môi trộm hoặc vã mồ hôi thông thường bằng những biểu hiện đặc trưng sau:

  • Ướt sũng người khi thức dậy, từ tóc đến quần áo và ga trải giường
  • Ớn lạnh
  • Sốt nhẹ làm đổ mồ hôi nhiều
  • Đổ mồ hôi nhưng không sốt
  • Cảm giác nóng đột ngột, ngắn kèm theo đỏ bừng hoặc đổ mồ hôi

Nếu đã được chẩn đoán ung thư, hãy đến gặp bác sĩ điều trị nếu bạn bị:

  • Run rẩy hoặc ớn lạnh
  • Sốt từ 38°C trở lên (khi đo nhiệt độ bằng miệng) trong hơn 24 giờ
Sốt cao, nhiệt kế, thân nhiệt
Người bệnh khi xuất hiện sốt từ 38°C trở lên cần đến gặp bác sĩ ngay

4. Cách kiểm soát mồ hôi ban đêm

Đổ mồ hôi đêm khiến người bệnh thức dậy với quần áo và ga giường ướt sũng, gây nhiều phiền toái. Bởi vì việc chữa khỏi triệt để gặp nhiều khó khăn, nên các chuyên gia y tế đã đưa ra nhiều cách để chung sống với tình trạng này dễ dàng hơn. Thực hiện các bước đơn giản sau sẽ giúp giảm bớt sự khó chịu do đổ mồ hôi đêm:

  • Nếu bạn bị sốt, hãy dùng thuốc hạ sốt - như acetaminophen, sau khi hỏi ý kiến bác sĩ
  • Thay quần áo đã bị ướt đẫm mồ hôi càng sớm càng tốt
  • Thay ga giường và vỏ gối nếu bị ướt nhiều
  • Tắm ít nhất một lần mỗi ngày để làm dịu làn da và giữ vệ sinh sạch sẽ
  • Bật quạt khi ngủ vào ban đêm
  • Không sử dụng loại chăn dày, nhiều lớp
  • Mặc đồ ngủ thoáng mát, mỏng nhẹ và hút ẩm tốt
  • Thử dùng gối hoặc đệm có tính năng gel làm mát
  • Không phủ chăn kín 2 chân để giảm nhiệt độ cơ thể
  • Tắm nước mát trước khi đi ngủ
  • Giữ trọng lượng cơ thể cân đối

Bạn cũng có thể thử các kỹ thuật thư giãn và giảm căng thẳng như yoga, châm cứu, thiền hoặc các bài tập thở. Một số nghiên cứu cho thấy nhịp thở chậm và đều đặn có thể làm giảm mồ hôi ban đêm, giúp bạn có giấc ngủ ngon hơn.

Vào cuối ngày, đặc biệt là ngay trước giờ đi ngủ, không:

  • Uống rượu hoặc thức uống nóng
  • Tập thể dục
  • Ngủ trong phòng nóng
  • Ăn đồ cay, nóng

Mắc bệnh tiểu đường có uống được rượu không
Người bệnh không nên uống rượu trước khi ngủ

Mặc dù không thể ngăn ngừa hoàn toàn mồ hôi ban đêm, tuy nhiên những lời khuyên trên sẽ giúp giảm bớt đáng kể các triệu chứng khó chịu.

Đổ mồ hôi quá nhiều khi ngủ có thể là dấu hiệu của một số bệnh ung thư và các phương pháp điều trị, nhưng hiện vẫn chưa biết rõ lý do vì sao. Theo nhiều nghiên cứu, cơ thể đang cố gắng chống chọi với khối u có thể gây vã mồ hôi vào ban đêm. Những thay đổi về hormone và những cơn sốt cũng có thể là nguyên nhân gây vã mồ hôi, giúp điều chỉnh thân nhiệt. Trong vài trường hợp, các biện pháp điều trị ung thư, như hóa trị, thuốc thay thế hormone và morphine, cũng khiến người bệnh bị đổ mồ hôi đêm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan