Vắc xin sởi - quai bị - rubella tiêm mấy mũi là đủ?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Trần Thanh Phước - Bác sĩ Nhi - Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Sởi- Quai bị -Rubella đều là những căn bệnh rất dễ lây qua đường hô hấp nếu không được chủng ngừa bằng vắc xin trước đó. Hiện nay đã có vắc xin kết hợp giúp phòng ngừa cùng lúc 3 bệnh sởi - quai bị - rubella ,có khả năng phòng bệnh cao ( lên đến 95%) và số mũi tiêm ít rất an toàn và thuận tiện. Vắc xin phòng Sởi - Quai bị -Rubella MMR II được khuyến cáo tiêm cho người lớn và tất cả trẻ em từ 1 tuổi trở lên.

1. Vắc xin MMR II là gì?

Vắc xin MMR II là loại vắc xin sống, giảm độc lực giúp phòng 3 bệnh đó là: sởi, quai bị và Rubella. Đây đều là những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, nguy cơ dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng nặng nề, đặc biệt với trẻ sơ sinh và phụ nữ có thai.

-Bệnh sởi thường gây ra phát ban toàn thân, ho khan kéo dài, sốt, chảy nước mũi, viêm kết mạc mắt...Bệnh có thể dẫn đến viêm phổi, nhiễm trùng tai, động kinh, tổn thương não, thậm chí là tử vong. Nếu phụ nữ đang mang thai mắc bệnh sởi, nguy cơ dị dạng thai nhi là rất cao, cùng với đó là nguy cơ bị sảy thai, sinh non hoặc thai chết lưu.

-Bệnh quai bị có triệu chứng điển hình là sưng đau vùng mang tai, đau đầu, đau cơ, sốt, khó nhai...Quai bị có thể dẫn đến điếc, viêm màng não, sưng đau tinh hoàn hoặc buồng trứng, nguy hiểm hơn là có thể gây vô sinh. Nếu thai phụ mắc quai bị có thể gây dị tật bẩm sinh cho thai nhi, sinh non hoặc thai chết lưu.

-Bệnh Rubella gây ra phát ban khắp cơ thể, viêm khớp và sốt nhẹ. Bệnh đặc biệt nguy hiểm đối với phụ nữ mang thai. Nếu mắc bệnh Rubella trong thai kỳ có thể gây sinh non hoặc sảy thai. Đặc biệt nếu mắc bệnh trong giai đoạn đầu mang thai, trẻ sinh ra có nguy cơ mắc Rubella bẩm sinh, khiến trẻ chậm phát triển, và dễ bị dị tật bẩm sinh ( có thể có 70-80% với những tổn thương ở mắt, hệ thần kinh, xương, tim...).Vì vậy mà các bác sĩ sản khoa thường khuyên phụ nữ mang thai mắc Rubella trong 3 tháng đầu nên cân nhắc chấm dứt thai kỳ.

Vacxin sởi quai bị rubella
Vắc xin MMR II có thể phòng ngừa cùng lúc 3 bệnh: sởi- quai bị - rubella

2. Vắc xin Sởi - Quai bị - Rubella tiêm mấy mũi?

Vắc xin Sởi - Quai bị - Rubella có thể áp dụng cho cả trẻ em và người lớn (trẻ em trên 1 tuổi) chưa được tiêm phòng đầy đủ các mũi tiêm cơ bản hoặc chưa từng tiêm phòng. Với người lớn đã từng mắc cả 3 bệnh Sởi - Quai bị - Rubella thì sẽ kiểm tra miễn dịch để có cần thiết phải tiêm nhắc lại hay không.

Tiêm phòng vắc xin Sởi - Quai bị - Rubella gồm 2 mũi tiêm cơ bản

Với trẻ em

Tiêm tại các thời điểm sau:

  • Mũi tiêm 1: Khi trẻ được 12 - 15 tháng tuổi.
  • Mũi tiêm 2: Khi trẻ được 4 - 6 tuổi (có thể tiêm sớm hơn tùy vào tình trạng của trẻ, nhưng cần đảm bảo cách mũi tiêm thứ nhất ít nhất 28 ngày).
  • Trong những trường hợp đặc biệt, trẻ có thể tiêm phòng vắc xin Sởi - Quai bị - Rubella kết hợp từ khi 9 - 12 tháng tuổi. Tuy nhiên, chỉ tiêm cho trẻ độ tuổi này khi trẻ đang sống trong vùng có dịch mà chưa có miễn dịch kháng bệnh, khi có chỉ đạo của chương trình tiêm chủng mở rộng.
  • Lúc này, mũi tiêm sớm nhất tiêm khi trẻ được 9 tháng tuổi, mũi thứ 2 vào lúc trẻ 15 - 18 tháng tuổi và mũi tiêm thứ 3 cách mũi tiêm trước từ 3 - 5 năm.

Với trẻ em từ 7 tuổi trở lên và người lớn

  • Trẻ em từ 7 tuổi trở lên và người lớn nếu chưa được miễn dịch cũng thực hiện tiêm đầy đủ 2 mũi tiêm vắc xin Sởi - Quai bị - Rubella cơ bản. Mũi thứ nhất tiêm vào thời điểm chỉ định, mũi tiêm thứ 2 cách mũi đầu ít nhất 1 tháng.
  • Riêng với phụ nữ độ tuổi sinh đẻ cần hoàn tất mũi tiêm vắc xin Sởi - Quai bị - Rubella cuối cùng trước khi mang thai ít nhất 3 tháng. Tuy nhiên, vì là vắc xin sống giảm độc lực nên vắc xin MMR II không được tiêm cho phụ nữ đã biết mình có thai. Trong trường hợp đã lỡ tiêm mới biết mình mang thai, mẹ bầu cần thông báo với bác sĩ sản khoa để được tư vấn biện pháp chăm sóc và theo dõi thai kì phù hợp. Việc tiêm vắc xin MMR II không phải là yếu tố tiên quyết để chỉ định chấm dứt thai kỳ.

Chỉ định tiêm vaccine sởi quai bị rubella MMR như thế nào?
- Trẻ ≥ 12 tháng tuổi: tiêm 2 liều 0.5 ml cách nhau 4 năm.
- Người lớn: tiêm 1 liều 0.5ml duy nhất.
- Khi tiếp xúc với người bị bệnh nên tiêm vaccine càng sớm càng tốt, tốt nhất là trong vòng 72 giờ sau phơi nhiễm.
• Vaccine MMR có thể được tiêm cùng với vaccine phòng viêm não Nhật bản Imojev, DTP, TT, DT, Td, BCG và vaccine Polio, Haemophilus influenzae tuýp B, vaccine phòng sốt vàng, vaccine phòng viêm gan B.

  • Chống chỉ định
    • Người dị ứng với bất kỳ thành phần nào trong vắc xin, kể cả gelatin.
    • Người đang mang thai, phải tránh mang thai 3 tháng sau khi tiêm vắc xin cho phụ nữ.
    • Có tiền sử dị ứng với neomycin.
    • Đang có bệnh lý sốt hoặc viêm đường hô hấp.
    • Bệnh lao đang tiến triển mà chưa được điều trị hoặc người đang điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch.
    • Người có rối loạn về máu, bệnh bạch cầu hay u hạch bạch huyết; hoặc ở người có những khối u tân sinh ác tính ảnh hưởng tới tủy xương hoặc hệ bạch huyết.
    • Người bị bệnh suy giảm miễn dịch tiên phát hoặc thứ phát, bao gồm cả người mắc bệnh AIDS và người có biểu hiện lâm sàng về nhiễm virus gây suy giảm miễn dịch; các bệnh gây giảm hoặc vô gama- globulin máu.
    • Người có tiền sử trong gia đình suy giảm miễn dịch bẩm sinh hoặc di truyền cho đến khi chứng minh được họ có khả năng đáp ứng miễn dịch với vaccine

3. Một số phản ứng phụ khi tiêm vaccine sởi quai bị rubella MMR

Phản ứng phụ do thành phần có trong vắc-xin sởi:

  • Trong vòng 24 tiếng sau khi tiêm, vắc-xin sởi có thể gây đau nhẹ và nhạy cảm ở vùng tiêm. Trong phần lớn các trường hợp, các triệu chứng thường tự khỏi sau 2 đến 3 ngày mà không cần có sự can thiệp về y tế.
  • Sốt nhẹ cũng có thể xảy ra trong khoảng 7-12 ngày sau tiêm và kéo dài 1-2 ngày, chiếm tỷ lệ 5-15% người được tiêm.
  • Phát ban xảy ra với khoảng 2% người được tiêm, thường bắt đầu từ 7-10 ngày sau tiêm và kéo dài 2 ngày.
  • Viêm não đã được báo cáo khi tiêm vắc-xin sởi với tỷ lệ khoảng một trên một triệu trường hợp, tuy vậy có mối liên quan đến vắc-xin hay không vẫn chưa được chứng minh.

Phản ứng phụ do thành phần có trong vắc-xin quai bị:

  • Thành phần quai bị có thể gây viêm tuyến mang tai và sốt nhẹ.
  • Sốt, động kinh và viêm tinh hoàn cũng có thể xảy ra .
  • Hiếm khi xảy ra viêm màng não vô khuẩn. Vắc-xin liên quan đến viêm màng não thường diễn ra trong khoảng dưới 1 tuần và không để lại di chứng. Vắc-xin liên quan đến viêm màng não vô khuẩn thường được phát hiện trong khoảng 15-35 ngày sau tiêm.

Phản ứng phụ do thành phần có trong vắc-xin rubella:

  • Thành phần rubella có thể gây nên những triệu chứng như đau khớp (25%) và viêm khớp (10%) ở nữ giới độ tuổi thanh thiếu niên và trưởng thành, các triệu chứng này thường kéo dài từ vài ngày đến hai tuần. Tuy nhiên, các phản ứng này rất hiếm gặp ở trẻ em và nam giới (0-3%). Các triệu chứng điển hình bắt đầu từ 1-3 tuần sau khi tiêm và kéo dài từ 1 ngày đến 2 tuần.
  • Người tiêm phòng có thể bị sốt nhẹ và ngứa, nổi hạch bạch huyết, đau cơ và cảm giác khó chịu.
  • Bị giảm lượng tiểu cầu, tuy nhiên rất hiếm gặp và được báo cáo với tỷ lệ dưới 1 trường hợp/30.000 người tiêm.

Các phản ứng phụ khác thường gặp và cách xử trí
• Cảm giác rát bỏng hoặc đau nhói tại vùng tiêm.
• Ít gặp: sốt (từ 380C trở lên, trên da có vùng ban đỏ nhưng thường nhẹ.
• Hiếm gặp: Phản ứng nhẹ tại chỗ, như ban đỏ, chai hoặc căng cứng, đau họng, khó chịu, sởi không điển hình, ngất, dễ bị kích thích. Viêm tuyến mang tai, buồn nôn, nôn và tiêu chảy.
• Các phản ứng quá mẫn trên da như nổi mày đay, co thắt khí phế quản có thể xảy ra ngay cả ở những người không có tiền sử dị ứng.

  • Đau cơ, khớp: thường thoáng qua và không bị mạn tính. Hay xảy ra ở phụ nữ ở lứa tuổi trưởng thành.
    Lưu ý: Khách hàng có phản ứng sau tiêm vaccine nên nhanh chóng thông báo cho bác sĩ những tác dụng phụ không mong muốn gặp phải khi sử dụng vaccine.
    • Sau khi tiêm vaccine MMR, khách hàng cần ở lại theo dõi tại khu vực theo dõi sau tiêm tối thiểu 30 phút để kịp thời xử trí nếu có hiện tượng phản vệ sau tiêm.
    • Khi về nhà, gia đình cần tiếp tục theo dõi trẻ (nếu là trẻ em) trong vòng 24 -48 giờ đầu sau tiêm: tinh thần, ăn, ngủ, nhiệt độ cơ thể, nhịp thở, ban đỏ trên da...
    • Không chạm, đè vào chỗ tiêm, không chườm nóng, lạnh, đắp lá thuốc vào vị trí tiêm.
    • Trường hợp trẻ sốt sau tiêm vaccine, chúng ta nên làm một số việc sau:
    - Mặc thoáng mát cho trẻ, để không làm tăng thân nhiệt.
    - Uống thêm nước hoặc bú sữa nhiều hơn.
    - Có thể dùng thuốc hạ sốt để điều trị triệu chứng (nếu sốt trên 38,5 độ C) theo chỉ dẫn của bác sỹ. Có thể dùng paracetamol, Ibuprofen,... để hạ sốt.
    • Có một số trường hợp sốt sau tiêm không phải là do tiêm vaccine mà có thể sốt do một bệnh nào đó đang ủ bệnh trước khi tiêm vaccine rồi phát bệnh; nên hãy đến cơ sở y tế để kiểm tra để loại trừ sốt do bệnh lý trong một số trường hợp sau:
    -Sốt cao trên 38,5 độ C và không đáp ứng với thuốc hạ sốt.
    - Sốt kéo dài > 48 giờ hoặc trẻ sốt 1-2 ngày, hạ sốt sau đó lại sốt lại.
    -Sốt kèm theo một số triệu chứng khác: ho, hắt hơi, chảy nước mũi, ỉa lỏng, phát ban....
    - Trẻ bỏ ăn, thở nhanh, khó thở, tím tái ...hay kích thích, quấy khóc liên tục, co giật, li bì, hôn mê..

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

88.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan