Viêm đa dây thần kinh có nguy hiểm? Cách chữa thế nào?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Bùi Ngọc Phương Hòa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Viêm đa dây thần kinh là một bệnh lý nghe khá lạ nhưng gặp nhiều trong cộng đồng mà chưa được nhận thức rõ. Triệu chứng viêm đa dây thần kinh rất đa dạng, đôi khi mơ hồ nhưng có thể dẫn đến những ảnh hưởng nguy hiểm cho người bệnh nếu không được phát hiện và can thiệp sớm.

1. Bệnh viêm đa dây thần kinh là gì?

Viêm đa dây thần kinh là hậu quả của tổn thương tại các dây thần kinh ngoại biên. Triệu chứng phổ biến là yếu, tê và đau ở tay, chân. Ngoài ra, triệu chứng cũng có thể xảy ra tại các vùng khác trên cơ thể.

Hệ thống thần kinh ngoại biên có nhiệm vụ thu nhận các tín hiệu từ môi trường bên ngoài gửi về trung tâm xử lý là nãotủy sống (hệ thần kinh trung ương); sau đó, các phản xạ từ trung tâm được gửi đến các hệ cơ quan cũng cần phải nhờ vào các dây thần kinh ngoại biên.

Bệnh viêm đa dây thần kinh ngoại biên nói chung có nguyên nhân là do chấn thương, nhiễm trùng, rối loạn chuyển hóa, các bất thường di truyền hay có tiếp xúc với chất độc. Trong đó, nguyên nhân phổ biến nhất trong đời sống cộng đồng là bệnh tiểu đường.

2. Triệu chứng của viêm đa dây thần kinh

Tê bì chân tay
Bệnh nhân bị viêm đa dây thần kinh ngoại biên thường có cảm giác tê, châm chích hoặc ngứa ran ở bàn chân hoặc bàn tay

Mỗi dây thần kinh đều đảm nhiệm một chức năng cụ thể. Theo đó, dựa vào các triệu chứng của bệnh nhân, bác sĩ phần nào sẽ xác định được loại dây thần kinh nào bị ảnh hưởng. Thần kinh được phân thành các nhóm theo chức năng như sau:

  • Dây thần kinh cảm giác: có vai trò là nhận biết cảm giác, như nhiệt độ nóng lạnh, đau, rung hoặc sờ chạm trên da;
  • Dây thần kinh vận động: có vai trò điều khiển các hoạt động của cơ bắp;
  • Dây thần kinh tự động: Kiểm soát các hoạt động của hệ tim mạch như huyết áp, nhịp tim, hệ tiêu hóa, bàng quang và nằm ngoài ý muốn của con người.

Các dấu hiệu của bệnh viêm đa dây thần kinh ngoại biên có thể bao gồm:

  • Cảm giác tê, châm chích hoặc ngứa ran ở bàn chân hoặc bàn tay, dần dần lan lên cẳng chân và cánh tay;
  • Đau nhói;
  • Tăng nhạy cảm với các kích thích từ bên ngoài;
  • Thiếu phối hợp trong vận động và giữ thăng bằng nên dễ té ngã;
  • Yếu cơ;
  • Giảm cảm giác như đang đeo găng tay hoặc đi tất;
  • Yếu liệt chân tay;
  • Nếu các dây thần kinh tự động bị ảnh hưởng, các biểu hiện đôi khi rất mơ hồ làm dễ lầm tưởng sang bệnh lý của các chuyên khoa khác, như nhịp tim, huyết áp thường xuyên dao động, dễ gây chóng mặt, xây xẩm; mất khả năng điều chỉnh thân nhiệt, bài tiết mồ hôi quá nhiều hoặc không thể đổ mồ hôi; rối loạn nhu động các nội tạng, gây táo bón, tiêu chảy, tiểu không tự chủ hay bí tiểu.

3. Nguyên nhân của viêm đa dây thần kinh

Viêm quanh khớp vai
Viêm khớp dạng thấp có thể là nguyên nhân của viêm đa dây thần kinh

Thực sự đây không phải là một bệnh lý, viêm đa dây thần kinh phần lớn là hệ quả tổn thương trên thần kinh của nhiều bệnh lý khác nhau trong cơ thể. Cụ thể là:

  • Bệnh lý tự miễn: Hội chứng Sjogren, Lupus ban đỏ hệ thống, viêm khớp dạng thấp, hội chứng Guillain-Barre, viêm đa dây thần kinh mãn tính và viêm mạch máu;
  • Bệnh đái tháo đường: Hơn một nửa số người mắc bệnh tiểu đường lâu năm sẽ gặp biến chứng viêm đa dây thần kinh ngoại biên. Không chỉ thế, biến chứng này còn làm bàn chân dễ lở loét nhiễm trùng và rất lâu lành, đôi khi phải đoạn chi;
  • Nhiễm trùng: Do các tác nhân virus hoặc vi khuẩn, bao gồm bệnh Lyme, bệnh Zona, virus Epstein-Barr, viêm gan B và viêm gan C, bệnh phong, bạch hầuHIV;
  • Rối loạn di truyền: Các rối loạn nhiễm sắc thể bẩm sinh như bệnh Charcot-Marie-Tooth;
  • U bướu: Các khối tăng sinh bất thường hay ung thư (ác tính) đều có thể hình thành và phát triển trên các dây thần kinh ngoại biên. Ngoài ra, viêm đa dây thần kinh còn là hệ quả do một số bệnh lý ung thư tại những cơ quan khác di căn đến hay do các phản ứng miễn dịch của cơ thể trong hội chứng cận ung;
  • Rối loạn tủy xương: Do sản xuất và giải phóng ra các protein bất thường trong máu (giao tử đơn dòng), là một dạng ung thư xương, ung thư hạch và bệnh amyloidosis.
  • Những bệnh lý khác: Bệnh thận, bệnh gan, rối loạn mô liên kết, suy giáp....

Bên cạnh đó, viêm đa dây thần kinh còn do nhiều nguyên nhân khác như:

  • Nghiện rượu: Chế độ ăn uống kém, suy dinh dưỡng ở những người nghiện rượu có thể dẫn đến thiếu hụt các vitamin thiết yếu như vitamin B;
  • Tiếp xúc với chất độc: Các chất độc hại bao gồm hóa chất công nghiệp và kim loại nặng như chì, thủy ngân;
  • Thuốc: Một số loại thuốc, đặc biệt là những thuốc được sử dụng để điều trị ung thư, có thể gây ra bệnh thần kinh ngoại biên;
  • Chấn thương hoặc các tác động mạnh trên dây thần kinh: Chấn thương như sau tai nạn xe cơ giới, té ngã hoặc luyện tập thể thao, có thể làm cắt đứt hoặc làm tổn thương dây thần kinh ngoại biên;
  • Thiếu vitamin: Các vitamin nhóm B - bao gồm vitamin B1, vitamin B6vitamin B12, vitamin E rất quan trọng đối với sức khỏe thần kinh.

Trong một số trường hợp cụ thể, nếu đã tích cực tìm kiếm nhưng không phát hiện được nguyên nhân có thể kết luận là viêm đa dây thần kinh vô căn.

4. Các biến chứng của viêm đa dây thần kinh

Biến chứng của bệnh lý viêm đa dây thần kinh ngoại biên có thể bao gồm:

  • Bỏng và chấn thương da: tình trạng này xảy ra khi người bệnh không cảm nhận được sự thay đổi nhiệt độ hoặc đau đớn trên da nên vô tình dẫn đến tổn thương;
  • Nhiễm trùng: Bàn chân hay các khu vực khác do rối loạn cảm giác nên có thể bị thương mà không được phát hiện và chăm sóc tốt. Do đó, nhiễm trùng khi biết được đã trở nên nặng nề. Chính vì thế, cần quan sát các tổn thương trên da mỗi ngày, nhất là các nơi khó kiểm tra như lòng bàn chân của người tiểu đường;
  • Té ngã: Đây là hệ quả do sự phối hợp giữa yếu chi, giảm cảm giác định vị và giảm khả năng điều khiển thăng bằng, đôi khi làm ảnh hưởng đến tính mạng bệnh nhân. Đồng thời, khi người bệnh càng bị té ngã, làm tăng nguy cơ tổn thương thần kinh.

5. Điều trị viêm đa dây thần kinh ngoại biên như thế nào?

Thuốc
Điều trị nội khoa có thể giúp kiểm soát các bệnh lý gây ra viêm đa dây thần kinh cũng như giúp thuyên giảm các triệu chứng

Mục tiêu điều trị là để kiểm soát các bệnh lý gây ra viêm đa dây thần kinh cũng như giúp thuyên giảm các triệu chứng.

5.1. Dùng thuốc

Bên cạnh các loại thuốc được sử dụng để điều trị các tình trạng liên quan đến bệnh thần kinh ngoại biên, các loại thuốc được sử dụng chủ yếu để làm giảm các triệu chứng viêm thần kinh ngoại biên bao gồm:

  • Thuốc giảm đau: Thuốc giảm đau không kê đơn, như thuốc chống viêm không steroid, có hiệu quả tốt khi triệu chứng nhẹ. Đối với các triệu chứng nghiêm trọng hơn, bác sĩ có thể kê toa thuốc giảm đau có chứa opioid, như tramadol hoặc oxycodone. Tuy nhiên, các loại thuốc này có nguy cơ phụ thuộc và gây nghiện;
  • Thuốc chống động kinh: Các loại thuốc như gabapentin và pregabalin vốn để điều trị bệnh động kinh tuy nhiên vẫn có thể làm giảm đau thần kinh. Tác dụng phụ bao gồm buồn ngủ và chóng mặt;
  • Thuốc chống trầm cảm: Một số thuốc chống trầm cảm ba vòng như amitriptyline, doxepin, thuốc ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine, duloxetine cũng giúp giảm đau trong viêm đa dây thần kinh, bằng cách ức chế các quá trình hóa học trong não và tủy sống gây ra tín hiệu đau. Tác dụng phụ của thuốc chống trầm cảm là khô miệng, buồn nôn, buồn ngủ, chóng mặt, giảm cảm giác ngon miệng và táo bón.

5.2. Sử dụng liệu pháp

Khi bệnh nhân kém đáp ứng với điều trị nội khoa, cần xem xét thực hiện vật lý trị liệu hay những liệu pháp kích thích thần kinh qua da có thể hỗ trợ giảm đau (TENS) thông qua các điện cực được đặt trên da, cung cấp một dòng điện cường độ nhẹ ở các tần số khác nhau. TENS có hiệu quả khi được áp dụng ít nhất 30 phút mỗi ngày trong khoảng một tháng.

Bên cạnh đó, can thiệp bằng liệu pháp thay huyết tương và hay dùng globulin miễn dịch tiêm tĩnh mạch giúp ức chế hoạt động của hệ thống miễn dịch, trung hòa các tự kháng thể sẽ có hiệu quả trong các trường hợp viêm đa dây thần kinh do bệnh lý tự miễn.

Đối với các trường hợp viêm đa dây thần kinh do chèn ép, cần cân nhắc phẫu thuật sớm để giải phóng sợi thần kinh khỏi áp lực, giúp hạn chế tổn thương vĩnh viễn.

6. Phòng ngừa viêm đa dây thần kinh

Cách tốt để ngăn ngừa dẫn đến viêm đa dây thần kinh là kiểm soát tốt các bệnh lý khiến bạn có nguy cơ cao mắc bệnh, chẳng hạn như đái tháo đường, nghiện rượu hoặc viêm khớp dạng thấp.

Đồng thời, cần xây dựng cho mình một lối sống lành mạnh từ những thói quen hằng ngày như thực hiện chế độ ăn nhiều trái cây, rau, ngũ cốc và đa dạng các loại sinh tố; tập thể dục thường xuyên, rèn luyện sự dẻo dai cho xương khớp. Đồng thời, tránh các yếu tố có thể gây tổn thương thần kinh như tiếp xúc với hóa chất độc hại, hút thuốc và uống quá nhiều rượu.

Nói tóm lại, viêm đa dây thần kinh có triệu chứng rất đa dạng, từ cảm giác tê, yếu chi đến rối loạn chức năng tim mạch, tiêu hóa. Do vậy cần phát hiện và điều trị sớm nhằm ngăn cản các tổn thương thêm trên dây thần kinh ngoại biên.

Thạc sĩ. Bác sĩ Bùi Ngọc Phương Hòa đã có hơn 24 năm công tác trong lĩnh vực chuyên khoa Tâm thần kinh. Bác sĩ Hòa nguyên là Phó Trưởng Khoa Thần Kinh - Bệnh viện Đa khoa Tỉnh Quảng Ngãi và từng tham gia nhiều khóa đào tạo liên tục về Động Kinh, Tai Biến mạch máu não, Alzheimer, Rối loạn vận động, Lão khoa. Bệnh lý Nội Tiết.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com; pmayoclinic.org

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

108.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan