Xét nghiệm double test có cần nhịn ăn trước khi lấy máu không?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Thị Hiên - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang

Double test là xét nghiệm sàng lọc bệnh di truyền cho thai nhi dựa trên mẫu máu của người mẹ vào thời đầu thai kỳ. Thực hiện xét nghiệm Double test có cần nhịn ăn không hiện đang là băn khoăn của rất nhiều thai phụ.

1. Xét nghiệm Double test

Xét nghiệm Double test là một trong những biện pháp sàng lọc trước sinh thường quy, dựa trên các xét nghiệm sinh hóa như định lượng nồng độ β-hCG tự do và PAPP-A trong máu thai phụ, kết hợp đo độ mờ da gáy bằng siêu âm, tuổi mẹ, tuổi thai... để đánh giá một số nguy cơ mắc các hội chứng di truyền bẩm sinh như Down, Edward hoặc Patau.

Sàng lọc trước sinh là vô cùng quan trọng, đặc biệt là với những trường hợp có nguy cơ cao đối với các bệnh rối loạn di truyền như:

  • Tuổi của người mẹ khi mang thai từ 35 tuổi trở lên
  • Gia đình có tiền sử mắc các bệnh rối loạn di truyền, dị tật bẩm sinh
  • Trong quá trình mang thai, nếu người mẹ bị nhiễm virus hoặc bệnh truyền nhiễm nào đó, hoặc có dùng thuốc điều trị bệnh,...
  • Thai phụ từng bị sẩy thai, lưu thai hoặc có con bị bệnh di truyền trong những lần mang thai trước
  • Những người đã từng hoặc đang tiếp xúc với các hóa chất độc hại, tia phóng xạ,...
Xét nghiệm Double test để sàng lọc dị tật thai nhi
Xét nghiệm Double test là một trong những biện pháp sàng lọc trước sinh thường quy

Double test thường được thực hiện trong khoảng tuần thứ 11 - 13 của thai kỳ, giúp đánh giá nguy cơ thai nhi mắc phải các hội chứng dị tật bẩm sinh thường gặp. Nếu kết quả xét nghiệm là thai nhi có nguy cơ cao mắc phải các hội chứng dị tật bẩm sinh thì bác sĩ có thể tư vấn cho thai phụ thực hiện một số xét nghiệm chẩn đoán cần thiết rồi mới có thể kết luận.

2. Xét nghiệm double test có cần nhịn ăn không?

Xét nghiệm sàng lọc trước sinh Double test sử dụng mẫu máu ở tĩnh mạch tay của người mẹ để làm xét nghiệm. Khác với những xét nghiệm sinh hóa hay xét nghiệm đường máu khác, khi thực hiện xét nghiệm Double test, thai phụ không cần thiết phải nhịn ăn, cũng như không cần thêm điều kiện gì đặc biệt nào khác.

Nguyên nhân bởi vì, β-hCG (FBC) tự do là một thành trong cấu trúc của hCG, còn PAPP-A (PAA) là một loại glycoprotein do nhau thai bài tiết. Hai chất hóa sinh cần định lượng trong xét nghiệm sàng lọc lấy từ mẫu máu của thai phụ trong xét nghiệm Double test này đều là những chỉ số sinh hóa tự nhiên của máu, không phụ thuộc vào việc ăn uống.

Do đó, các mẹ bầu có thể ăn sáng và thực hiện xét nghiệm trong ngày bình thường, sau đó dựa vào kết quả siêu âm, xác định được chính xác tuần tuổi thai để xét nghiệm cho kết quả chính xác nhất.

Sàng lọc trước sinh giúp phát hiện sớm các bệnh rối loạn di truyền và dị tật bẩm sinh, điều này có ý nghĩa vô cùng lớn đến hạnh phúc của mỗi gia đình cũng như toàn xã hội. Do đó, cha mẹ nên thực hiện thăm khám định kỳ và sàng lọc di truyền đầy đủ để trẻ sinh ra được khỏe mạnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

73.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan

Xin mời bạn chọn tỉnh thành: