Báo cáo: Đánh giá các chỉ số trong xạ trị điều biến thể tích cung tròn cho ung thư cổ tử cung

Nguyễn Đình Long1, Trần Bá Bách1, Đoàn Trung Hiệp2, Nguyễn Mạnh Hà2, Nguyễn Văn Hân3, Nguyễn Trung Hiếu3, Hà Ngọc Sơn3, Nguyễn Văn Nam3, Chu Văn Dũng3, Phạm Tuấn Anh3.

1Kĩ sư xạ trị; 2Bác sĩ xạ trị; 3Kỹ thuật viên xạ trị - Khoa xạ trị-Bệnh viện ĐKQT Vinmec Times City.

Tóm tắt

So sánh ảnh hưởng của các mức năng lượng và số lượng cung tới phân bố liều trong xạ trị điều biến thể tích cung tròn cho ung thư cổ tử cung.

  • Đối tượng và phương pháp: Từ tháng 10/2018 đến tháng 5/2020, 15 bệnh nhân ung thư cổ tử cung được xạ trị tại Khoa Xạ trị - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City. Các kế hoạch VMAT với năng lượng 6 MV và 15 MV sử dụng một cung (SA-Single Arc), hai cung (DA- Double Arc) và 3 cung (TA-Triple Arc) đã được lập cho mỗi bệnh nhân. Các kế hoạch được lập trên hệ thống Lập kế hoạch Eclipse 13.0 (hãng Varian).

Thể tích lập kế hoạch (PTV) được chuẩn hóa (normalization) ở cùng một mức để việc đánh giá được chính xác. Các kế hoạch được so sánh với nhau để đánh giá liều bao phủ, chỉ số đồng nhất (HI) và chỉ số phù hợp (CI) của PTV, liều tới các cơ quan nguy cấp (OARs), thời gian cấp liều và số MUs.

  • Kết quả: So sánh phân bố liều tới PTV trên tất cả các kế hoạch cho thấy:

Thể tích V98 của PTV trong kế hoạch TA6MV(97.93) tốt hơn DA6MV(97.84), SA6MV(97.63) và trong kế hoạch TA15MV(97.98) tốt hơn DA15MV(97.87), SA15MV(97.68) (p <0,05).

Liều D2 của PTV trong kế hoạch SA6MV(56.31) và SA15MV(56.07) là lớn nhất (p<0.05). Kế hoạch TA6MV có CI (0.979), HI (0.112) tốt hơn của DA6MV(CI=0.978; HI=0.117) và SA6MV(CI=0.976; HI=0.132) (p<0.05), tương tự CI (0.979), HI (0.111) của kế hoạch TA15MV tốt hơn DA15MV(CI=0.978; HI=0.117) và SA15MV(CI=0.976; HI=0.127) (p<0,05).

Phân bố liều tới PTV giữa TA6MV và TA15MV; DA6MV và DA15MV không khác nhau nhiều (p>0.05).

Liều trung bình (Dmean) và liều cực đại (Dmax), thể tích V40Gy tới túi ruột (Bowel bag) và Dmean tới bàng quang của kế hoạch TA là tốt hơn so với SA, DA ở cả hai mức năng lượng 6MV và 15MV (p<0.05). Tại 6MV, Dmean tới trực tràng ở TA6MV(41.48) tốt hơn so với DA6MV(41.66), SA6MV(42.17) (p<0.05).

Liều tới chỏm xương đùi hai bên không có nhiều thay đổi (p>0.05). Dmean, Dmax tới xương chậu trong kế hoạch TA tốt hơn DA và SA ở cả hai mức 6MV và 15MV (p<0.05); ở 15MV liều V10Gy trong kế hoạch TA15MV (93.01±4.11, p<0.05) thấp hơn trong các kế hoạch khác, ở 6MV liều V40Gy trong kế hoạch TA6MV (15.4±5.35, p<0.05) là thấp nhất.

Các kế hoạch SA có số thời gian cấp liều và số MUs ít hơn so với DA và TA (p<0.05).

Kết luận: Nghiên cứu cho thấy các kế hoạch sử dụng năng lượng cao 15MV không tốt hơn so với 6MV trong phân bố liều tới PTV và các cơ quan nguy cấp. Kế hoạch TA6MV là một lựa chọn tốt trong điều trị ung thư cổ tử cung vì liều bao phủ, độ đồng nhất và phù hợp tới mục tiêu điều trị cao hơn đồng thời bảo vệ các cơ quan nguy cấp tốt hơn.

77 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan