Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân điều trị ung thư

Chán ăn và sụt cân là hai trong số những biểu hiện thường gặp nhất ở những người mắc ung thư, khiến người bệnh thường bị suy dinh dưỡng làm giảm phản ứng của cơ thể đối với các phương pháp điều trị ung thư. Chính vì vậy, chế độ dinh dưỡng đóng vào trò vô cùng quan trọng. Một chế độ dinh dưỡng phù hợp sẽ góp phần tăng thêm thể lực, sức đề kháng nâng cao hiệu quả điều trị bệnh.

1. Mục tiêu, tiêu chí và phương pháp đánh giá dinh dưỡng đối với người bệnh ung thư

Các mục tiêu của việc đánh giá và điều trị dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư nên bao gồm:

  • Quá trình chống lại tác động của hormone và các yếu tố khác lên sự hình thành thành mạch và di căn, cũng như ức chế sự tăng sinh của tế bào ung thư
  • Ngăn ngừa hoặc đảo ngược sự thiếu hụt chất dinh dưỡng
  • Bảo vệ khối lượng cơ của cơ thể
  • Tăng khả năng chịu đựng của cơ thể đối với các phương pháp điều trị chống ung thư
  • Giảm thiểu các tác dụng phụ và biến chứng liên quan đến dinh dưỡng, giảm nguy cơ nhiễm trùng, tăng cường chất lượng cuộc sống....

Chế độ ăn uống cũng có thể được áp dụng nhằm kiểm soát chỉ số huyết áp ở những bệnh nhân đang điều trị ung thư, đặc biệt là bằng phương pháp hóa trị. Hai phương pháp đánh giá tình trạng dinh dưỡng ở bệnh nhân ung thư được khuyến nghị bao gồm:

  • Chỉ số dinh dưỡng tiên lượng (PNI): PNI sử dụng các chỉ số như trọng lượng cơ thể, độ dày nếp gấp da, nồng độ albumin và transferrin huyết thanh để phân loại bệnh nhân thành các loại tình trạng dinh dưỡng nhằm dự đoán kết quả lâm sàng.
  • Đánh giá toàn diện chủ quan (PG-SGA): Phương pháp này bao gồm quá trình tìm hiểu về lịch sử cân nặng, lượng thức ăn, các triệu chứng và chức năng được đánh giá trong bối cảnh giảm cân, bệnh tật và tình trạng căng thẳng chuyển hóa. Những phát hiện này, cùng với khám sức khỏe liên quan đến dinh dưỡng cho ra một điểm số để dựa vào đó đánh giá xem có cần thiết phải tiến hành can thiệp dinh dưỡng hay không.

Ngoài ra các tiêu chí bổ sung được để xuất để đánh giá nhu cầu hỗ trợ dinh dưỡng qua đường miệng, đường ruột hoặc đường tiêm bao gồm:

  • Cân nặng dưới 80% cân nặng lý tưởng
  • Giảm cân không chủ đích 10% trọng lượng cơ thể
  • Hấp thụ kém do bệnh tật, hội chứng ruột ngắn hoặc điều trị ung thư
  • Lỗ rò hoặc dẫn lưu áp xe
  • Không thể ăn hoặc uống trong nhiều hơn 5 ngày.
Đau trong ung thư khiến bệnh nhân mệt mỏi cả thể xác lẫn tinh thần
Một chế độ dinh dưỡng phù hợp sẽ góp phần tăng thêm thể lực, sức đề kháng nâng cao hiệu quả điều trị bệnh

2. Chế độ dinh dưỡng cần thiết cho bệnh nhân ung thư

Nhu cầu dinh dưỡng của người bị ung thư ở mỗi người là khác nhau. Một chế độ dinh dưỡng thích hợp có thể sẽ giúp người bệnh:

  • Duy trì cân nặng và chất dinh dưỡng của cơ thể.
  • Chịu đựng tốt hơn các tác dụng phụ liên quan đến phương pháp điều trị.
  • Giảm nguy cơ nhiễm trùng.
  • Chữa lành và phục hồi nhanh hơn.

Trong quá trình điều trị ung thư, bạn cần phải thay đổi chế độ ăn uống để giúp người bệnh tăng cường sức khỏe và chống chọi với các tác động của hoá chất. Những chất dinh dưỡng này bao gồm protein, chất béo, carbohydrate, nước, vitamin và khoáng chất.

2.1 Protein

Người bệnh ung thư cần chế độ ăn giàu protein để tăng cường hệ miễn dịch, chữa lành các mô và giúp chống lại nhiễm trùng.

Các nguồn cung cấp protein tốt bao gồm cá, thịt gia cầm, thịt nạc đỏ, trứng, các sản phẩm từ sữa ít béo, các loại hạt và bơ hạt, đậu khô, đậu Hà Lan và đậu lăng, và thực phẩm từ đậu nành.

2.2 Chất béo

Chất béo và dầu là nguồn cung cấp năng lượng dồi dào cho cơ thể. Cơ thể phân hủy chất béo và sử dụng chúng để dự trữ năng lượng, cách ly các mô cơ thể và vận chuyển một số loại vitamin qua máu.Đối với người bệnh ung thư nên chọn chất béo không bão hòa đơn (dầu ô liu, hạt cải và đậu phộng) và chất béo không bão hòa đa (được tìm thấy chủ yếu trong dầu cây rum, hướng dương, ngô, hạt lanh và hải sản) hơn là chất béo bão hòa hoặc chất béo chuyển hóa.

Chất béo
Đối với người bệnh ung thư nên chọn chất béo không bão hòa đơn và chất béo không bão hòa đa

2.3. Carbohydrate

Carbohydrate là nguồn năng lượng chính của cơ thể. Carbohydrate cung cấp cho cơ thể nhiên liệu cần thiết cho các hoạt động thể chất.

Carbohydrate có trong trái cây, rau và ngũ cốc cung cấp vitamin và khoáng chất, chất xơ và dinh dưỡng thực vật cần thiết cho các tế bào của cơ thể.

Các nguồn cung cấp carbohydrate khác bao gồm bánh mì, khoai tây, gạo, mì Ý, mì ống, ngũ cốc, ngô, đậu Hà Lan và đậu. Đồ ngọt (món tráng miệng, kẹo và đồ uống có đường).

2.4 Nước

Tất cả các tế bào cơ thể cần nước để hoạt động. Nếu bạn không bổ sung đủ chất lỏng hoặc nếu bạn bị mất chất lỏng do nôn mửa hoặc tiêu chảy, bạn có thể bị mất nước khiến cơ thể có thể trở nên mất cân bằng.

2.5 Vitamin và các khoáng chất

Một số người bị ung thư dùng một lượng lớn vitamin, khoáng chất để cố gắng tăng cường hệ thống miễn dịch. Trên thực tế, sử dụng một liều lượng lớn vitamin và khoáng chất có thể làm cho liệu pháp hóa trị và xạ trị kém hiệu quả hơn.

2.6 Chất chống oxy hóa

Nếu bạn muốn hấp thụ nhiều chất chống oxy hóa hơn, các chuyên gia sức khỏe khuyên bạn nên ăn nhiều loại trái cây và rau quả, đây là những nguồn cung cấp chất chống oxy hóa dồi dào.

Tuy nhiên, dùng liều lượng lớn chất bổ sung chất chống oxy hóa bằng chất lỏng tăng cường vitamin thường không được khuyến khích trong khi điều trị hóa chất hoặc xạ trị. Nói chuyện với bác sĩ của bạn để tìm ra thời điểm tốt để bổ sung chất chống oxy hóa.

2.7 Chất dinh dưỡng thực vật

Các chất dinh dưỡng thực vật hay phytochemical là các hợp chất thực vật như carotenoid, lycopene, resveratrol và phytosterol được cho là có các phẩm chất bảo vệ sức khỏe. Chúng được tìm thấy trong thực vật như trái cây và rau quả hoặc những thứ làm từ thực vật như đậu phụ hoặc trà. Các chất phytochemical được hấp thụ tốt bằng cách ăn các loại thực phẩm có chứa chúng thay vì uống thuốc bổ sung hoặc thuốc viên.

2.8. Các loại thảo mộc

Nếu bạn quan tâm đến việc sử dụng các sản phẩm có chứa thảo mộc, trước tiên hãy nói chuyện với bác sĩ chuyên khoa ung thư của bạn.

Ngoài ra, cũng cần cân nhắc thật kỹ khi cho bệnh nhân ung thư sử dụng các loại thực phẩm chức năng.

Thực phẩm chức năng
Hãy cân nhắc thật kỹ khi cho bệnh nhân ung thư sử dụng các loại thực phẩm chức năng

3. Khuyến nghị về tác dụng phụ liên quan đến dinh dưỡng của người bệnh ung thư

3.1 Rối loạn tiêu hóa

Đối với những rối loạn liên quan đến đường tiêu hóa: Các nhà khoa học khuyến khích người bệnh nên ăn nhiều những thực phẩm giàu Natri và Kali (ví dụ: nước canh, thức uống điện giải, chuối, khoai tây...) và thực phẩm nhạt, ít chất xơ (ví dụ: gạo, mì, farina, bánh mì, trái cây...) cũng như tránh các thực phẩm hoặc đồ uống quá nóng, quá lạnh và chứa nhiều caffeine.

Các khuyến nghị đối với trường hợp táo bón: Bao gồm chế độ ăn nhiều chất xơ cùng với việc duy trì hoạt động thể chất và uống nước ấm khoảng nửa giờ trước thời gian đại tiện thông thường.

Tóm lại, Viện Ung thư Hoa Kỳ đã đề xuất một số biện pháp kiểm soát các rối loạn liên quan đến tiêu hóa của bệnh nhân điều trị ung thư, bao gồm:

  • Ăn trước khi điều trị ung thư và ăn nhiều bữa nhỏ.
  • Ăn những thức ăn nhạt, mềm, dễ tiêu
  • Uống nhiều nước và chia thành nhiều lần uống trong ngày
  • Tránh các thực phẩm có khả năng gây buồn nôn. Đối với một số bệnh nhân, chúng bao gồm thức ăn cay, thức ăn nhiều dầu mỡ và thức ăn có mùi khó chịu...
  • Ăn thức ăn khô như bánh quy giòn, bánh mì hoặc bánh mì nướng suốt cả ngày.
  • Hạn chế nằm ngay sau khi ăn
  • Tránh ăn trong phòng có mùi nấu nướng hoặc quá ấm. Giữ không gian sống ở nhiệt độ dễ chịu và nhiều không khí trong lành.
  • Súc miệng trước và sau khi ăn.
  • Ngậm một số loại kẹo hương vị dễ chịu nếu miệng có mùi vị khó chịu.

3.2 Chán ăn và suy mòn

Bệnh nhân mắc các bệnh ung thư nói chung thường chán ăn, do đó dễ dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng. Những vấn đề này có thể ảnh hưởng tiêu cực, làm giảm hiệu quả của quá trình điều trị bệnh và tăng tỷ lệ tử vong cho những bệnh nhân mắc ung thư.

chán ăn
Bệnh nhân mắc các bệnh ung thư nói chung thường chán ăn, do đó dễ dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng

Để giúp bệnh nhân ung thư duy trì sức khỏe và tiếp nhận các can thiệp điều trị tốt hơn bạn có thể tham khảo “Lời khuyên dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư” từ các chuyên gia sẽ giúp giải quyết toàn bộ vấn đề này, Ngoài ra, gia đình cũng đóng một vai trò quan trọng giúp bệnh nhân hình thành một chế độ ăn uống lành mạnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan