U nang dưới lưỡi có nguy hiểm không?

U nang dưới lưỡi là tình trạng phát hiện các nhú lưỡi hay chồi vị giác sưng lên gây ra cảm giác khó chịu kèm đau đớn. Hầu hết các u nhú dưới lưỡi sẽ có khả năng tự biến mất. Tuy nhiên, nếu chúng vẫn chưa biến mất sau thời gian kéo dài 10 ngày thì bạn nên đi khám để được khám, điều trị đúng phác đồ và chẩn đoán loại trừ với những bệnh lý nguy hiểm khác.

1. Bệnh u nang dưới lưỡi là bệnh gì?

Theo cấu trúc giải phẫu của lưỡi thì nhú lưỡi đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Các nhú lưỡi có vai trò giúp con người cảm nhận được các hương vị cụ thể là vị chua, cay, mặn, ngọt. Nguyên nhân là do xung quanh các nhú lưỡi còn có các tổ chức có cấu trúc nhỏ hơn, gọi là chồi vị giác. Nhờ các chồi vị giác mà não bộ sẽ nhận được thông tin rằng chúng ta đang ăn món gì và cảm nhận được mùi vị của từng món.

Thông thường, các chồi vị giác và các nhú lưỡi nằm trải dài khắp hai bên lưỡi, có màu hồng nhạt. Tuy nhiên, trong trường hợp các nhú lưỡi hay chồi vị giác sẽ sưng lên, gây ra cảm giác khó chịu kèm theo đau đớn. Hiện tượng đó được gọi là u nang dưới lưỡi.

Các nang dưới lưỡi này ban đầu có màu hồng nhạt hoặc trắng, với kích thước nhỏ li ti. Trong giai đoạn đầu, chúng không gây ra bất cứ cảm giác khó chịu hay đau rát nào. Tuy nhiên, nếu không điều trị thì theo thời gian u nang dưới lưỡi to dần có hình dạng như những chiếc đĩa dẹt, xuất hiện dày đặc ở vùng lưỡng và họng. Khi đó, các nang dưới lưỡi hình thành nhiều lớp, đứng chồng lên nhau và rất dễ vỡ, gây đau rát. Khi các u bị vỡ sẽ gây ra tình trạng chảy dịch mủ kèm theo máu và gây ra viêm loét khoang miệng.

2. Nguyên nhân gây ra nang dưới lưỡi

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng u nang dưới lưỡi bị sưng, nổi u, bao gồm các bệnh lý và các nguyên nhân khác.

2.1. Các bệnh lý gây ra xuất hiện u nhú lưỡi

  • Viêm nhú lưỡi: Đây là tình trạng bệnh lý răng miệng rất phổ biến, diễn ra trong thời gian ngắn. Khi bị viêm, các nhú lưỡi của người bệnh sẽ đỏ tấy và các u nang dưới lưỡi sưng phồng lên;
  • Các bệnh lý nhiễm trùng: Khi bị mắc một số loại virus hoặc vi khuẩn tấn công, các nhú lưỡi cũng bị tổn thương với dấu hiệu là xuất hiện u nang dưới lưỡi sưng đỏ;
  • Trào ngược dạ dày: Axit trong dạ dày bị trào ngược, chảy ngược lên miệng, khiến các nhú lưỡi bị sưng tấy;
  • Bỏng miệng: Khi ăn hoặc uống các thực phẩm nóng có thể khiến các nhú lưỡi bị bỏng kèm theo phồng rộp lên;
  • Dị ứng thực phẩm: Sưng nhú lưỡi hay nang dưới lưỡi là một phản ứng của lưỡi khi tiếp xúc với những loại thực phẩm gây ra tình trạng kích ứng;
  • Ung thư khoang miệng: Tuy là nguyên nhân hiếm gặp vẫn có nguy cơ xảy ra. Khi mắc bệnh ung thư, bề mặt lưỡi của người bệnh sẽ xuất hiện các khối u nang dưới lưỡi.

2.2. Các nguyên nhân khác gây ra u nhú lưỡi

  • Nhú lưỡi bị kích thích: Nguyên nhân này thường xảy ra ở những người sử dụng răng giả, gây ra tình trạng kích thích nhú lưỡi;
  • Người thường xuyên ăn các món chua cay: Các món ăn quá chua như chanh, cam... hoặc quá cay đều khiến nhú lưỡi dễ bị kích ứng;
  • Thiếu các loại vitamin: Khi cơ thể không được cung cấp đủ các chất dinh dưỡng, sắt và vitamin B cũng có thể khiến lưỡi bị ảnh hưởng gây ra nang dưới lưỡi.
  • Tình trạng căng thẳng kéo dài: Tình trạng này gây ra ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, trong đó có hiện tượng xuất hiện nang dưới lưỡi;
  • Quan hệ tình dục không an toàn: Những người quan hệ tình dục không an toàn, đặc biệt là quan hệ tình trục bằng miệng, có thể khiến virus HPV lây lan và gây ra tình trạng nhiễm trùng lưỡi;
  • Hút thuốc lá: Các chất độc hại trong thuốc lá có thể làm các chồi vị giác và nhú lưỡi bị kích thích dẫn đến xuất hiện nang dưới lưỡi. Đồng thời, hút thuốc lá có thể làm cho khả năng phân biệt mùi vị của người bệnh bị suy giảm.

3. U nang dưới lưỡi có nguy hiểm không?

Hầu hết các nang dưới lưỡi sẽ tự biến mất. Bạn cũng cần đi khám nếu chúng vẫn chưa biến mất sau 10 ngày hoặc các u nhú làm ảnh hưởng đến khả năng nói, nuốt và nhai. Đồng thời, u nang dưới lưỡi cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo ung thư miệng. Một số dấu hiệu cảnh báo ung thư miệng bao gồm:

  • Giai đoạn đầu: Các dấu hiệu triệu chứng thường không rõ ràng nên rất dễ bị bỏ qua. Thông thường, người bệnh sẽ có cảm giác như có dị vật hoặc xương cá cắm vào lưỡi. Ở lưỡi có một điểm nổi phồng kèm theo sự thay đổi về màu sắc, niêm mạc trắng, xơ hóa hoặc có những tổn thương là vết loét nhỏ. Khi sờ vào khối u nang dưới lưỡi thấy rắn, chắc không mềm mại như bình thường.
  • Giai đoạn toàn phát:
    • Đau khi ăn uống, đau kéo dài gây ra khó khăn khi nói, nuốt.
    • Sốt do nhiễm khuẩn, không ăn được nên cơ thể suy sụp rất nhanh.
    • Đau tăng lên khi nói, nhai và nhất là khi ăn các loại thức ăn cay, nóng, đôi khi đau lan lên tai; tăng tiết nước bọt; chảy máu vùng miệng kèm theo hơi thở mùi khó chịu nguyên nhân do tổn thương hoại tử gây ra.
    • Xuất hiện ổ loét ở lưỡi, trên ổ loét phủ giả mạc có thể gây ra tình trạng chảy máu, loét phát triển nhanh, lan rộng làm lưỡi bị hạn chế vận động, không di động được.
  • Giai đoạn tiến triển:
    • Thể loét chiếm ưu thế, loét sâu lan rộng xuống bề mặt hoặc vào mặt dưới, gây ra cảm giác đau đớn, bội nhiễm, có mùi hôi, rất dễ chảy máu, thậm chí có thể gây ra tình trạng chảy máu nghiêm trọng.
    • Việc thăm khám rất quan trọng để đánh giá độ thâm nhiễm xuống phía dưới, độ xâm lấn vào các mô tiếp cận và đo kích thước của khối u.
  • Ung thư lưỡi giai đoạn cuối: Khi bệnh ung thư lưỡi đã chuyển biến sang giai đoạn cuối cũng đồng nghĩa với việc tiên lượng bệnh sẽ giảm đi rất nhiều, thậm chí có nguy cơ đe dọa đến tính mạng.

4. Phương pháp điều trị u nang dưới lưỡi

Việc điều trị u nang dưới lưỡi phụ thuộc vào các nguyên nhân gây bệnh. Các loại u nhú nguyên nhân do loét miệng hay nhiễm virus HPV thường nhẹ và có thể tự phục hồi mà không cần can thiệp điều trị.

  • U nang dưới lưỡi: Có thể điều trị bằng phương pháp chọc dịch đối với các u nang lympho biểu mô hoặc nang nhầy vùng miệng. Phương pháp laser loại bỏ các khối u nang hay áp dụng liệu pháp áp lạnh lên tổn thương.
  • Nguyên nhân do mắc virus HPV: Bác sĩ điều trị có thể chỉ định liệu pháp áp lạnh (cryotherapy) hoặc tiêm 1 liều thuốc kháng virus có tên interferon alfa-2B vào đó.
  • U tuyến nước bọt: U tuyến nước bọt có thể được đẩy ra ngoài bằng các thuốc kháng viêm hoặc massage tuyến nước bọt. Tuy nhiên, nếu khối u nang có kích thước lớn thì bác sĩ điều trị buộc phải tiến hành phẫu thuật ngoại khoa. Nếu như có di căn, một số liệu pháp toàn thân khác sẽ được thực hiện như hóa trị hay xạ trị.

Bên cạnh đó, bạn có thể thực hiện một số biện pháp điều trị tại nhà sau đây tác dụng là làm lành và giảm bớt các dấu hiệu triệu chứng khó chịu của u nang dưới lưỡi:

  • Vệ sinh răng miệng sạch sẽ;
  • Sử dụng các loại gel bôi hay dung dịch gây tê trên các vùng loét miệng bị đau;
  • Sử dụng các loại nước súc miệng đặc trị;
  • Hạn chế sử dụng các thực phẩm cay, có tính axit và có nhiều đường;
  • Bỏ hút thuốc lá và hạn chế việc trở thành người hút thuốc lá “thụ động”.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

24K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan