Vì sao cần tầm soát ung thư vú sớm?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Phạm Hoàng Giang - Bác sĩ nội khoa ung thư - Trung tâm Ung bướu Vinmec - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Ung thư vú là bệnh ung thư phổ biến nhất ở nữ giới, cũng là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong số các loại ung thư ở nữ trên toàn thế giới cũng như tại Việt Nam. Tầm soát ung thư vú sớm có ý nghĩa hết sức quan trọng liên quan đến khả năng chữa khỏi bệnh và giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.

1. Tầm soát ung thư vú giúp giảm tỷ lệ tử vong

Nghiên cứu gần đây thực hiện trên hơn 500 nghìn phụ nữ châu Âu cho thấy, sàng lọc ung thư vú bằng chụp nhũ ảnh hay Xquang tuyến vú giúp làm giảm tỷ lệ tử vong do ung thư vú lên tới 40% so với không sàng lọc. Việc phát hiện ung thư vú ở giai đoạn sớm giúp tăng khả năng chữa khỏi bệnh, giảm nguy cơ xuất hiện các biến chứng và giảm mức độ ảnh hưởng của bệnh với chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

2. Tầm soát ung thư vú giúp tăng tỷ lệ bảo tồn vú

Phẫu thuật là một biện pháp điều trị quan trọng với bệnh nhân ung thư vú, tuy nhiên việc cắt bỏ toàn bộ tuyến vú để điều trị ung thư gây ảnh hưởng không nhỏ đến ngoại hình của người bệnh, làm giảm sự tự tin cũng như giảm chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Tuy nhiên, vói những bệnh nhân ung thư vú được phát hiện ở giai đoạn sớm, u kích thước nhỏ, chưa xâm lấn rộng có thể được cân nhắc thực hiện phẫu thuật bảo tồn vú, đây là phẫu thuật lấy bỏ hoàn toàn khối u nhưng vẫn giữ được phần mô vú lành của người bệnh.

Một số nghiên cứu gần đây cho thấy những bệnh nhân được tầm soát ung thư vú sớm phát hiện được ung thư vú ở giai đoạn tại chỗ (DCIS) cao hơn, kích thước khối u xâm lấn nhỏ hơn, ít di căn hạch hơn và tỷ lệ bảo tồn vú cao hơn so với phụ nữ không được sàng lọc. Nghiên cứu đã đi đến kết luận rằng chụp Xquang tuyến vú tầm soát giúp tăng tỷ lệ phẫu thuật ít xâm lấn, tạo cơ hội cho phẫu thuật bảo tồn vú, tránh được một cuộc phẫu thuật cắt vú toàn bộ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

3. Các biện pháp tầm soát ung thư vú

Tự khám vú: phụ nữ từ độ tuổi sinh đẻ (18 tuổi trở lên) nên tự khám vú hàng tháng giúp quen với khuôn ngực bình thường của mình và dễ dàng phát hiện sớm các thay đổi của tuyến vú. Tự khám vú không thay thế cho sàng lọc ung thư vú tại bệnh viện.

Chụp nhũ ảnh hay chụp Xquang tuyến vú: là phương pháp chính trong tầm soát ung thư vú, đây là phương pháp đơn giản và hiệu quả để sàng lọc phát hiện các bệnh lý tuyến vú nói chung và ung thư vú nói riêng.

Chụp cộng hưởng từ (MRI) vú: được chỉ định phối hợp với chụp Xquang tuyến vú để sàng lọc ung thư vú ở những phụ nữ có nguy cơ mắc ung thư vú cao.

Siêu âm vú: có thể coi siêu âm vú là một công cụ hỗ trợ cho Xquang vú ở những phụ nữ có mô vú dày và những phụ nữ có nguy cơ cao và có chống chỉ định với MRI vú. Siêu âm thường được sử dụng để theo dõi các bất thường trên Xquang tuyến vú nhằm làm rõ các đặc điểm của tổn thương nghi ngờ.

4. Vậy ai cần tầm soát ung thư vú?

4.1. Đối tượng nguy cơ thấp

Phụ nữ không có các yếu tố nguy cơ của ung thư vú (không mắc và gia đình không có người mắc ung thư vú/buồng trứng/vòi trứng/phúc mạc, không mang đột biến BRCA1 hay BRCA2, không có tiền sử xạ trị ngực,...) được xếp vào nhóm nguy cơ thấp (nguy cơ mắc ung thư vú suốt đời <15%). Nhóm phụ nữ nguy cơ thấp nên được chụp Xquang tuyến vú hàng năm từ năm 40 tuổi, các phương pháp khác như siêu âm hay MRI vú có thể cân nhắc làm thêm tùy thuộc vào kết quả chụp Xquang tuyến vú.

4.2. Đối tượng nguy cơ trung bình

Phụ nữ có nguy cơ trung bình (nguy cơ mắc ung thư vú suốt đời 15 – 20%) bao gồm phụ nữ có mẹ, các chị em gái của mẹ, chị em gái hoặc con gái mắc ung thư vú nhưng không mắc hội chứng ung thư di truyền, không có tiền sử xạ trị vùng ngực...Nhóm phụ nữ nguy cơ trung bình cũng nên khám sàng lọc và chụp Xquang tuyến vú hàng năm, tuy nhiên có thể cân nhắc thực hiện sàng lọc ở tuổi trẻ hơn (trước 40 tuổi), đặc biệt ở những người có tiền sử gia đình mắc ung thư vú từ khi còn trẻ (trước khi mãn kinh).

4.3. Đối tượng nguy cơ cao

Phụ nữ mắc hoặc có người thân trong gia đình mắc ung thư vú/buồng trứng/vòi trứng/phúc mạc, được xác định hoặc nghi ngờ mang đột biến gen (như BRCA1, BRCA2, PTEN, TP53) hoặc, có tiền sử xạ trị ngực khi 10-30 tuổi, hay có các yếu tố nguy cơ ung thư vú khác được xếp vào nhóm nguy cơ cao (nguy cơ mắc ung thư vú suốt đời trên 20%). Những phụ nữ có nguy cơ cao mắc ung thư vú này nên được khám với bác sĩ chuyên khoa vú 1-2 lần/năm, chụp Xquang tuyến vú và MRI vú hàng năm, cân nhắc bắt đầu tầm soát ở độ tuổi trẻ hơn (25 – 30 tuổi), đặc biệt ở người có tiền sử gia đình mắc ung thư vú khi còn trẻ.

Như vậy, tầm soát ung thư vú sớm có ý nghĩa rất quan trọng, quyết định việc ung thư vú có chữa khỏi không. Tầm soát ung thư vú làm giảm tỷ lệ tử vong, tăng tỷ lệ bảo tồn vú, giúp người bệnh ung thư vú tự tin hơn trong cuộc sống hàng ngày.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Ghi chú: Bài viết nằm trong chương trình Giáo dục sức khỏe cộng đồng do Vinmec và Roche Pharma Việt Nam phối hợp thực hiện.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

177 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec