Xét nghiệm PSA sau phẫu thuật cắt tuyến tiền liệt: Vì sao cần thiết?

Phẫu thuật cắt tiền liệt tuyến là phương pháp thường gặp trong điều trị ung thư. Sau khi mổ, bệnh nhân sẽ được làm xét nghiệm kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt PSA để kiểm tra các dấu hiệu tái phát ung thư. Vậy tại sao xét nghiệm PSA lại cần thiết sau phẫu thuật cắt tuyến tiền liệt?

1. Vai trò của xét nghiệm PSA sau phẫu thuật cắt tuyến tiền liệt

Tế bào biểu mô ống tuyến tiền liệt sản xuất ra một protein nồng độ thấp trong máu, được gọi là kháng nguyên đặc hiệu của tuyến tiền liệt (Prostate-specific Antigen - PSA), mã hóa bởi gen KLK3. Tương tự, tế bào ung thư tuyến tiền liệt ác tính cũng sản xuất ra PSA, thậm chí là nhiều hơn các tế bào lành tính. Khối lượng phân tử của PSA thường nằm trong khoảng từ 30.000 - 34.000 dalton.

PSA chủ yếu được tìm thấy trong tinh dịch, ngoài ra cũng có một lượng nhỏ lưu thông trong máu và có nồng độ rất thấp trong huyết tương. Bác sĩ dùng xét nghiệm máu để kiểm tra chỉ số PSA, cũng như tỷ lệ chỉ số PSA tự do / PSA toàn phần. Nếu protein này hiện diện với nồng độ cao trong máu, thì tuyến tiền liệt có thể đang gặp vấn đề rối loạn bất thường, bao gồm cả ung thư.

Một trong những liệu pháp điều trị ung thư tuyến tiền liệt là phẫu thuật cắt bỏ triệt để, nghĩa là bác sĩ sẽ loại bỏ toàn bộ tuyến tiền liệt và một số mô lân cận. Mặc dù tuyến tiền liệt đã được cắt bỏ hoàn toàn, tuy nhiên một số tế bào ung thư vẫn có thể bị sót lại hoặc lẫn vào các mô xung quanh. Nếu những tế bào ác tính này tiếp tục nhân lên, ung thư tuyến tiền liệt sẽ quay trở lại. Theo nghiên cứu năm 2013, tỷ lệ ung thư tuyến tiền liệt tái phát trong vòng 10 năm sau phẫu thuật là khoảng 20 - 40%.

Đầu tiên, xét nghiệm PSA giúp các bác sĩ phát hiện và điều trị ung thư tuyến tiền liệt sớm. Sau đó, bệnh nhân cần làm xét nghiệm PSA thường xuyên sau khi mổ để kiểm tra tế bào ung thư đã được loại thành công chưa, đồng thời tầm soát ung thư tái phát.

Xét nghiệm PSA
Xét nghiệm PSA giúp các bác sĩ phát hiện và điều trị ung thư tuyến tiền liệt sớm

2. Ý nghĩa kết quả xét nghiệm

Đơn vị đo chỉ số PSA là nanogam trên mililit máu (ng/mL). Mức PSA sẽ thay đổi theo thời gian và có xu hướng tăng theo độ tuổi. Giữa các cá nhân cũng có sự chênh lệch đôi chút.

Theo Tổ chức Ung thư tuyến tiền liệt, nồng độ PSA nằm trong phạm vi bình thường dựa theo độ tuổi là:

  • 40 - 49 tuổi: 0 - 2,5 ng/mL
  • 50 - 59 tuổi: 0 - 4 ng/mL
  • 60 - 69 tuổi: 0 - 4,5ng/mL
  • 70 - 79 tuổi: 0 - 6,5ng/mL

Một số nghiên cứu của Việt Nam cho biết giá trị bình thường của PSA trong huyết tương là < 4 ng/ml.

Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ khuyến cáo nam giới nên làm xét nghiệm PSA sau khoảng 6 - 8 tuần kể từ khi hoàn thành phẫu thuật cắt tuyến tiền liệt. Nếu tiến hành đo PSA sớm hơn 6 tuần, các xét nghiệm hiện đại ngày nay vẫn có thể phát hiện mức PSA trong máu, dù với nồng độ rất nhỏ. Sau lần khám đầu tiên, người bệnh cần lặp lại xét nghiệm PSA ung thư tuyến tiền liệt với tần suất 6 tháng một lần.

Nhìn chung, mức PSA của bệnh nhân thường rất thấp sau khi điều trị. Thậm chí nhiều trường hợp còn không thể phát hiện được nồng độ PSA trong máu. Cụ thể, sau phẫu thuật cắt bỏ tiền liệt tuyến toàn phần 21 ngày, PSA phải bằng 0 hoặc thấp hơn 0,05 ng/ml. Tuy nhiên, xét nghiệm phát hiện PSA sau phẫu thuật cũng không có nghĩa là ung thư sẽ tái phát, và ngược lại. Các tế bào bình thường vẫn có khả năng tạo ra PSA một cách tự nhiên. Mặc dù là kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt, nhưng PSA không phải là kháng nguyên đặc hiệu của loại ung thư này.

Đối với một số người, nồng độ PSA cao trong máu không phải do tế bào ung thư. Các yếu tố khác cũng ảnh hưởng đến mức PSA, chẳng hạn như:

  • Tuổi cao
  • Kích thước tuyến tiền liệt
  • Chủng tộc
  • Sử dụng thuốc.

Những yếu tố trên và các kết quả xét nghiệm trước đó sẽ được tính đến để chẩn đoán nguy cơ ung thư quay trở lại.

Bác sĩ cũng cần biết tốc độ gia tăng PSA trong máu theo thời gian để tư vấn thêm và đề xuất các phương pháp điều trị khác nếu cần thiết. Để biết được tốc độ tăng của PSA, bệnh nhân cần phải tiến hành xét nghiệm PSA ung thư tuyến tiền liệt thường xuyên. Nếu mức độ PSA vẫn ổn định hoặc tăng rất chậm, người bệnh thường không cần phải điều trị thêm.

3. Các xét nghiệm khác có cần thiết không?

Đề nghị điều trị thêm thường không chỉ dựa vào một kết quả xét nghiệm PSA đơn lẻ, bệnh nhân cần theo dõi định kỳ và thường xuyên qua nhiều xét nghiệm khác.

Đo chỉ số PSA chỉ là một cách để kiểm tra sức khỏe của bệnh nhân sau phẫu thuật cắt tuyến tiền liệt. Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh khác cũng thường được chỉ định để tìm kiếm khối u hoặc xác định số lượng tế bào ung thư đang phát triển.

4. Điều trị tăng PSA

Nếu có nồng độ PSA trong máu thấp hoặc tăng chậm theo thời gian, nhiều khả năng bệnh nhân sẽ không cần điều trị. Ung thư tuyến tiền liệt thường tiến triển rất chậm, vì vậy bệnh nhân có thể phải kiểm tra sức khỏe, xét nghiệm thường xuyên và theo dõi chủ động trong nhiều năm trước khi được chỉ định điều trị.

Nếu đã phẫu thuật cắt bỏ tuyến tiền liệt, bác sĩ cũng có thể chỉ định thêm liệu pháp xạ trị để tiêu diệt tế bào ung thư bằng các hạt năng lượng cao, ngăn ngừa tái phát. Sau khi điều trị tia xạ, PSA phải xuống dần đến mức rất thấp, cụ thể là dưới 1 ng/ml. Chỉ số PSA phải giảm 50% sau 6 tháng và đạt đến điểm thấp nhất sau 14 - 16 tháng.

Tuy nhiên, xạ trị không phù hợp với tất cả mọi người. Bệnh nhân đã từng làm xạ trị trước khi phẫu thuật sẽ không thể điều trị thêm lần nữa. Nguyên nhân là bởi xạ trị lần thứ hai có nhiều nguy cơ gây ra tác dụng phụ.

Ngoài ra, liệu pháp hormone cũng có thể sử dụng để thu nhỏ khối u, tăng hiệu quả cho các phương pháp điều trị khác. Sau khi điều trị nội tiết tố 3 tháng, nếu PSA trở lại bình thường sẽ là dấu hiệu rất tốt, tiên lượng sống của bệnh nhân trên 42 tháng.

5. Ngăn ngừa tăng PSA

Không phải lúc nào cũng có cách để ngăn mức PSA tăng, nhưng là bệnh nhân nên bảo vệ sức khỏe sau khi phẫu thuật cắt bỏ tuyến tiền liệt và tuân thủ kiểm tra y tế thường xuyên. Các chuyên gia khuyến nghị nam giới nói chung và bệnh nhân vừa trải qua cuộc mổ nên:

  • Ngừng sử dụng các sản phẩm thuốc lá
  • Thường xuyên tập thể dục
  • Duy trì trọng lượng cơ thể hợp lý
  • Tuân thủ chế độ ăn lành mạnh, nhiều trái cây và rau quả
  • Hạn chế tiêu thụ rượu bia.
Cắt tiền liệt tuyến
Đo chỉ số PSA chỉ là một cách để kiểm tra sức khỏe của bệnh nhân sau phẫu thuật cắt tuyến tiền liệt

Tóm lại, phẫu thuật cắt tuyến tiền liệt là một phương pháp điều trị ung thư hiệu quả. Điều quan trọng là bệnh nhân cần tuân thủ các lần thăm khám tiếp theo và xét nghiệm PSA để sớm phát hiện dấu hiệu ung thư quay trở lại. Nhờ đó, bác sĩ có thể đưa ra kế hoạch chăm sóc hậu phẫu, bao gồm thông tin về sức khỏe, lời khuyên về chế độ ăn uống, kết quả xét nghiệm sàng lọc và tác dụng phụ có nguy cơ xảy ra.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan

Xin mời bạn chọn tỉnh thành: