Công dụng thuốc Carfilzomib

Carfilzomib là một chất chống ung thư được dùng đường tiêm (chỉ IV). Về mặt hóa học, Carfilzomib là một tetrapeptidyl epoxide biến đổi và là một chất tương tự epoxomicin, mặt khác Carfilzomib cũng là một chất ức chế proteasome chọn lọc được FDA chấp thuận sử dụng trong điều trị vào ngày 20 tháng 7 năm 2012.

1. Thuốc Carfilzomib có tác dụng gì?

Carfilzomib hoạt động bằng cách ức chế proteasome 26S. Proteasome là một loại enzyme chịu trách nhiệm phân hủy protein trong tất cả các tế bào (kể cả tế bào khỏe mạnh hoặc ung thư). Bằng cách ngăn chặn hoạt động của proteasome dẫn đến protein tích tụ trong tế bào và khiến chúng chết đi, từ đó ngăn chặn sự phát triển của khối u.

Carfilzomib được chỉ định điều trị bệnh đa u tủy đã nhận ít nhất 2 liệu pháp trước đó bao gồm: Bortezomib và một thuốc điều hòa miễn dịch đã chứng minh tiến triển bệnh trong vòng 60 ngày sau khi hoàn thành liệu pháp cuối cùng.

2. Cách dùng thuốc Carfilzomib

Carfilzomib được dùng qua đường truyền tĩnh mạch (IV). Liều lượng Carfilzomib bệnh nhân nhận được dựa trên kích thước cơ thể. Tần suất đưa thuốc Carfilzomib sẽ do bác sĩ ung bướu xác định. Bệnh nhân có thể được tiêm steroid (dexamethasone) trước khi tiêm truyền Carfilzomib để ngăn ngừa phản ứng. Uống nhiều nước trong khi điều trị bằng liệu pháp Carfilzomib (trừ khi có hướng dẫn khác).

3. Tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng Carfilzomib

Người bệnh có thể áp dụng một số biện pháp khác nhau để kiểm soát các tác dụng phụ của thuốc Carfilzomib, các biện pháp này sẽ được bác sĩ hướng dẫn và lựa chọn cho từng người bệnh cụ thể. Sau đây là một số tác dụng phụ phổ biến hoặc quan trọng nhất của thuốc Carfilzomib:

3.1. Giảm số lượng tiểu cầu trong cơ thể người bệnh

Tiểu cầu là một phần của quá trình đông máu, vì vậy khi số lượng tiểu cầu giảm thấp sẽ dẫn đến nguy cơ chảy máu cao hơn. Bệnh nhân đang dùng Carfilzomib hãy cho bác sĩ biết nếu xuất hiện các vết bầm tím hoặc tình trạng chảy máu bất thường (chảy máu mũi hay chân răng, tiêu tiểu ra máu...). Truyền tiểu cầu là biện pháp xử trí cần thiết nếu số lượng tiểu cầu của bệnh nhân quá thấp khi dùng Carfilzomib. Bên cạnh đó, người bệnh cũng nên tránh một số hoạt động có khả năng gây chảy máu trong quá trình điều trị với thuốc Carfilzomib như sau:

  • Hạn chế hoặc tránh sử dụng dao cạo;
  • Tránh chơi các môn thể thao tiếp xúc mạnh, có khả năng gây thương tích hoặc chảy máu;
  • Không nên dùng đồng thời Carfilzomib với Aspirin hoặc các thuốc chống viêm không steroid (NSAID);
  • Không sử dụng chỉ nha khoa, tăm xỉa răng;
  • Không nên chải răng bằng bàn chải có lông quá cứng.

3.2. Giảm hồng cầu làm tăng nguy cơ thiếu máu cho bệnh nhân

Hồng cầu có vai trò vận chuyển oxy trong máu đến cung cấp cho các mô trong cơ thể, do đó số lượng tế bào này giảm thấp sẽ khiến các cơ quan trong cơ thể bị thiếu oxy để hoạt động, biểu hiện các triệu chứng như: mệt mỏi hoặc không có sức. Bệnh nhân nên thông báo cho bác sĩ nếu có các biểu hiện của thiếu máu như khó thở, mệt mỏi hoặc đau ngực... trong quá trình điều trị bằng thuốc này. Một số trường hợp số lượng hồng cầu quá thấp do Carfilzomib có thể cần phải được truyền máu.

3.3. Giảm tế bào bạch cầu, tăng nguy cơ nhiễm trùng

Tế bào bạch cầu có vai trò chống lại các tác nhân gây nhiễm trùng cho cơ thể. Trong quá trình điều trị bằng Carfilzomib, số lượng bạch cầu có thể giảm và dẫn đến tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng. Điều quan trọng người bệnh đang dùng Carfilzomib hãy thông báo cho bác sĩ hoặc y tá ngay lập tức nếu có dấu hiệu của nhiễm trùng như: sốt hơn 38 độ, đau họng, cảm lạnh, khó thở, ho, tiểu gắt buốt hoặc các vết loét chậm lành.

Một số khuyến cáo của bác sĩ để hạn chế nhiễm trùng trong thời gian dùng Carfilzomib:

  • Rửa tay thường xuyên, kể cả bệnh nhân, thân nhân hoặc khách ghé thăm;
  • Hạn chế đến những nơi đông người hoặc tiếp xúc với người có dấu hiệu mắc các bệnh lây nhiễm (người đang có dấu hiệu bị cảm, sốt, ho hoặc sống với người có các triệu chứng này);
  • Không xử lý chất thải vật nuôi khi đang điều trị với Carfilzomib;
  • Giữ vệ sinh tại các thương hở hoặc vết xước ngoài da luôn sạch sẽ;
  • Tắm rửa, vệ sinh thân thể, chăm sóc răng miệng thường xuyên;
  • Không lấy khóe, cắt móng tay/móng chân mọc ngược;
  • Trao đổi với bác sĩ ung thư trước khi thực hiện một thủ thuật nha khoa trong khi đang dùng thuốc Carfilzomib;
  • Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi chủng ngừa bất kỳ loại vắc-xin nào khi đang uống Carfilzomib.

3.4.Mệt mỏi không giảm kể cả khi nghỉ ngơi

Mệt mỏi là cảm giác rất phổ biến trong quá trình điều trị ung thư với Carfilzomib, người dùng Carfilzomib thường xuyên cảm thấy kiệt sức và không thuyên giảm khi nghỉ ngơi. Do đó trong khi điều trị ung thư với Carfilzomib và trong một thời gian sau đó, bệnh nhân cần điều chỉnh lịch sinh hoạt để kiểm soát tình trạng mệt mỏi, lập kế hoạch về thời gian để nghỉ ngơi để tiết kiệm năng lượng cho các hoạt động quan trọng hơn. Bên cạnh đó. việc tập thể dục hợp lý cũng có thể giúp bệnh nhân chống lại sự mệt mỏi

3.5. Nôn mửa

Khi điều trị thuốc Carfilzomib có thể sử dụng thêm các thuốc giúp kiểm soát buồn nôn và nôn cùng với việc thay đổi chế độ ăn uống, tránh những thứ có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng nôn như thức ăn thức ăn quá đặc hoặc nhiều dầu mỡ/chất béo, gia vị hoặc axit (chanh, cà chua, cam).

3.6. Các vấn đề về phổi

Trong một số trường hợp, Carfilzomib có thể gây ra hội chứng suy hô hấp cấp tính (ARDS), bệnh phổi kẽ hoặc viêm phổi. Thông báo cho bác sĩ ngay lập tức nếu bệnh nhân phát triển bất kỳ triệu chứng gồm khó thở, ho hoặc sốt.

3.7. Tiêu chảy

Tiêu chảy là một tác dụng phụ có thể xảy ra do thuốc Carfilzomib do nguy cơ dẫn đến mất nước, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc để kiểm soát tình trạng này. Ngoài ra, người bệnh có thể áp dụng một số biện pháp như:

  • Hạn chế thực phẩm nhiều chất xơ, nên ăn nhạt như cơm trắng, gà luộc;
  • Tránh trái cây tươi, rau sống, bánh mì nguyên hạt, ngũ cốc và các loại hạt;
  • Sử dụng các loại thực phẩm có chất xơ hòa tan như nước sốt táo, chuối chín, khoai tây luộc, khoai tây chiên, sản phẩm làm từ bột mì trắng hay bột yến mạch;
  • Uống đủ nước, hạn chế đồ cuồn có cồn hay caffeine để ngăn mất nước.

3.8. Vấn đề về thận

Carfilzomib có thể ảnh hưởng đến chức năng thận, đặc biệt ở những bệnh nhân có tiền sử giảm chức năng thận, cần theo dõi chức năng thận trong suốt quá trình điều trị. Nếu bệnh nhân bị phù mặt hoặc phù toàn cơ thể, giảm lượng nước tiểu tiết ra hãy thông báo cho bác sĩ ngay lập tức.

3.9. Phù ngoại vi

Phù ngoại vi là sưng các chi do giữ nước gồm: sưng bàn tay, cánh tay, chân, mắt cá chân và bàn chân. Vị trí phù có thể gây khó chịu cho bệnh nhân.

3.10. Tác dụng phụ ít phổ biến hơn của Carboplatin

  • Phản ứng với dịch truyền: Việc truyền dịch Carfilzomib có thể gây ra phản ứng dẫn đến ớn lạnh, sốt, huyết áp thấp, đỏ bừng mặt, phù nề bàn chân hoặc cẳng chân, khó thở, buồn nôn và nôn, cảm giác ngất xỉu và đau ngực. Bệnh nhân sẽ được chỉ định Dexamethasone trước khi truyền Carfilzomib để ngăn ngừa những phản ứng này. Ngoài ra, các phản ứng này cũng có thể xảy ra sau khi truyền Carfilzomib xong.
  • Sự kích hoạt lại vi rút: Carfilzomib có thể kích hoạt lại vi rút Herpes, bác sĩ có thể kê thuốc để dùng để ngăn chặn những đợt bùng phát đó xảy ra.
  • Thay đổi chất điện giải: Carfilzomib có thể gây ra những thay đổi về mức độ của một số chất điện giải, bao gồm cả kali, cần theo dõi mức điện giải của bệnh nhân trong suốt quá trình điều trị.
  • Các vấn đề về tim: Mặc dù không phổ biến nhưng Carfilzomib có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm các vấn đề về tim từ trước bao gồm: suy tim sung huyết, bệnh cơ tim hạn chế, suy giảm chức năng tim và đau tim. Báo cho bác sĩ nếu bệnh nhân bị tăng cân đột ngột hoặc sưng ở mắt cá chân hoặc chân. Nếu bệnh nhân bị đau hoặc tức ngực, đau ở cánh tay trái, lưng hoặc hàm, đổ mồ hôi, khó thở, da sần sùi, buồn nôn, chóng mặt hoặc choáng váng, hãy gọi ngay cho cấp cứu gần nhất.
  • Tăng áp phổi: Thuốc Carfilzomib hiếm khi gây tăng huyết áp động mạch phổi hoặc huyết áp cao trong các động mạch cung cấp máu cho phổi. Các triệu chứng bao gồm: khó thở, chóng mặt, ngất xỉu, tức ngực, sưng bàn chân, mắt cá chân hoặc chân, tim đập nhanh. Liên hệ ngay cho bác sĩ hoặc đưa bệnh nhân đến phòng cấp cứu ngay lập tức nếu xuất hiện các triệu chứng nên trên.
  • Hình thành cục máu đông: Thuốc Carfilzomib có thể làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông với các triệu chứng gồm: sưng, đỏ hoặc đau ở đầu chi, khó thở. Liên hệ ngay cho bác sĩ hoặc đưa bệnh nhân đến phòng cấp cứu ngay lập tức nếu xuất hiện các triệu chứng nên trên.
  • Hội chứng rối loạn tuần hoàn não sau có hồi phục: triệu chứng bao gồm nhức đầu, co giật, hôn mê, lú lẫn, mù hoặc các rối loạn thị giác và thần kinh khác.
  • Tăng huyết áp: Bệnh nhân nên được kiểm tra huyết áp thường xuyên, nếu không kiểm soát được tình trạng tăng huyết áp có thể ngừng thuốc Carfilzomib. Báo cáo ngay cho bác sĩ nếu có bất kỳ cơn đau đầu, thay đổi thị lực hoặc chóng mặt.
  • Hội chứng ly giải khối u: Nếu có một lượng lớn tế bào khối u trong cơ thể trước khi điều trị, bệnh nhân có nguy cơ mắc hội chứng ly giải khối u xảy ra khi các tế bào khối u chết quá nhanh và chất thải của chúng lấn át cơ thể. Bệnh nhân có thể được chỉ định thuốc (Allopurinol) và dịch truyền tĩnh mạch để giúp ngăn ngừa điều này. Các dấu hiệu nhận biết gồm: buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy hoặc hôn mê (buồn ngủ, uể oải)...
  • Độc tính với gan: cần xét nghiệm chức năng gan khi dùng Carfilzomib, đặc biệt nếu nhận thấy da hoặc mắt bị vàng, nước tiểu có màu sẫm hoặc nâu, đau bụng hạ sườn phải...

4. Carfilzomib ảnh hưởng đến sinh sản như thế nào?

  • Việc cho thai nhi tiếp xúc với thuốc Carfilzomib có thể dẫn đến các dị tật bẩm sinh, vì vậy bệnh nhân không nên mang thai hoặc làm cha trong thời gian điều trị ung thư bằng thuốc Carfilzomib.
  • Việc áp dụng các biện pháp ngừa thai hay kiểm soát sinh đẻ hiệu quả là vô cùng cần thiết, đặc biệt trong 6 tháng sau khi điều trị Carfilzomib với phụ nữ và 3 tháng sau khi điều trị Carfilzomib cho nam giới.
  • Lưu ý người bệnh không cho con bú trong khi thời gian thuốc Carfilzomib và ít nhất 1 tuần sau khi kết thúc điều trị.

Carfilzomib là một chất chống ung thư được dùng đường tiêm (chỉ IV). Về mặt hóa học, Carfilzomib là một tetrapeptidyl epoxide biến đổi và là một chất tương tự epoxomicin. Để đảm bảo hiệu quả điều trị và tránh được tác dụng phụ không mong muốn, người bệnh cần tuân theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, dược sĩ chuyên môn.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: .oncolink.org

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

240 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan