Các mốc miễn dịch và phát triển của trẻ từ sơ sinh đến 6 tuổi

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Quách Nguyễn Thu Thủy - Phòng khám Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City - Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Hệ miễn dịch và sự phát triển của trẻ từ sơ sinh đến 6 tuổi được phân thành các mốc liên tiếp, ứng với các loại vắc - xin cần tiêm phòng cho trẻ và các tiêu chuẩn phát triển về chiều cao, cân nặng, chu vi vòng đầu.

1-Hệ miễn dịch là gì?

Hệ miễn dịch là hệ thống bảo vệ tự nhiên của con người trước các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus, ký sinh trùng... và các yếu tố độc hại khác từ môi trường. Có 2 cơ chế miễn dịch, bao gồm: miễn dịch bẩm sinh và miễn dịch đáp ứng.

  • Miễn dịch bẩm sinh: Có sẵn từ khi cơ thể mới sinh ra và hình thành sau khi cơ thể đã nhiễm bệnh. Miễn dịch bẩm sinh bé nhận được chủ yếu là các kháng thể từ mẹ được đưa qua nhau thai ở những tháng cuối thai kỳ. Tuy nhiên, miễn dịch bẩm sinh bé nhận được từ mẹ này không tồn tại lâu dài. Sau vài tháng, kháng thể trẻ nhận từ mẹ sẽ giảm nhanh. Lúc này, trẻ rất cần đến một giải pháp bảo vệ bổ sung, để tăng cường sức đề kháng.
  • Miễn dịch đáp ứng: Có được khi cơ thể tiếp xúc với kháng nguyên (tác nhân gây bệnh), đáp ứng xảy ra chậm có thể sau vài ngày, có tính đặc hiệu và hình thành trí nhớ miễn dịch. Miễn dịch nhân tạo chính là nguyên lý của chủng ngừa hoặc tiêm phòng vaccine (vắc xin). Với miễn dịch đáp ứng, cơ thể trẻ sẽ trải qua những đợt chủng ngừa. Vắc-xin chủng ngừa là những chế phẩm sinh học (dùng mầm bệnh chết, sống hay một phần mầm bệnh) được đưa vào cơ thể nhằm tạo ra những kháng thể đặc hiệu, để khi nhiễm mầm bệnh thật, cơ thể có kháng thể sẽ chống trả và tiêu diệt được mầm bệnh.

2. Các loại vắc - xin cần chủng ngừa cho trẻ để tăng cường hệ miễn dịch

Hệ miễn dịch và sự phát triển của trẻ từ sơ sinh đến 6 tuổi được phân thành các mốc liên tiếp, ứng với các loại vắc - xin cần tiêm phòng cho trẻ và các tiêu chuẩn phát triển về chiều cao, cân nặng, chu vi vòng đầu.

2.1. Vắc - xin phòng viêm gan B (HepB) và vaccin phòng lao (BCG)

  • Virus viêm gan B có thể lây nhiễm từ mẹ sang con khi sinh thông qua tiếp xúc với máu và chất dịch cơ thể (nếu người mẹ bị nhiễm virus viêm gan B khi mang thai). Trẻ sơ sinh cần được tiêm vắc - xin ngừa viêm gan B trong vòng 24 giờ sau khi sinh. Mũi thứ 2 tiêm cho trẻ sau khoảng 1 - 2 tháng. Khi bé được 6 - 18 tháng tuổi, bố mẹ tiếp tục đưa bé đi tiêm liều HepB cuối cùng.
  • Vắc xin BCG phòng bệnh lao: Việc chủng ngừa vắc-xin phòng lao BCG cho trẻ là thực sự cần thiết. Khoảng thời gian tốt để tiêm phòng lao cho trẻ là từ thời điểm sinh ra đến dưới một tháng tuổi. Loại vắc-xin ngừa lao này chỉ cần tiêm chủng ngừa một liều duy nhất mà không cần tiêm thêm các liều bổ sung.

2.2. Vắc - xin phòng ngừa virus Rota (RV)

Virus Rota là nguyên nhân phổ biến nhất gây bệnh tiêu chảy nặng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Virus Rota có 4 tuýp: A, B, C, D trong đó tuýp A là tuýp hay gặp nhất. Trẻ thường ủ bệnh trước 2 ngày, sốt nhẹ sau đó bắt đầu với biểu hiện nôn mửa và tiêu chảy trong khoảng 4-8 ngày. Mất nước, mất điện giải là nguyên nhân chính gây tử vong cho trẻ nếu không điều trị kịp thời. Sự ra đời của vắc xin Rota virus là một biện pháp hiệu quả để phòng tránh viêm dạ dày ruột do rota virus. Miễn dịch do uống vắc xin Rota virus sẽ giúp cơ thể tạo miễn dịch suốt đời.

  • Vắc xin Rotarix (Bỉ): uống 2 liều; liều đầu tiên uống vào lúc 6 tuần tuổi và sau 4 tuần uống liều tiếp theo. Nên cho trẻ uống vắc xin Rota virus trước 24 tuần tuổi.
  • Vắc xin Rotateq (Mỹ): uống 3 liều; liều đầu tiên trong khoảng 7-12 tuần tuổi, hai liều còn lại cách nhau một tháng, liều thứ 3 phải kết thúc trước tuần thứ 32.

2.3. Vắc - xin phòng bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà (DTaP)

Vắc - xin DTaP bảo vệ trẻ tránh các bệnh: bạch hầu (gây ra do một loại vi khuẩn, khiến cổ họng của trẻ bị đau, có màu xám đen), uốn ván (biểu hiện căng cơ, khó nuốt, làm tổn thương cấu trúc xương của trẻ) và ho gà (căn bệnh phổ biến, dễ lây lan, biểu hiện ho, sổ mũi, thậm chí ngưng thở, thường khó kiểm soát).

Tiêm vắc - xin DTaP cho trẻ vào thời điểm trẻ được 2 tháng tuổi, 4 tháng tuổi, 6 tháng tuổi, 15 - 18 tháng tuổi và 4 - 6 tuổi.

Tiêm phòng vắc-xin
Vắc - xin phòng bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà (DTaP) hiện đang có tại Bệnh viện Vinmec

2.4. Vắc - xin ngừa sởi, quai bị, rubella (MMR)

Tiêm vắc - xin MMR cho trẻ có tác dụng phòng ngừa bệnh sởi (triệu chứng sốt cao và phát ban ở trẻ nhỏ), quai bị (biểu hiện sưng tuyến nước bọt, sốt, nhức đầu, mệt mỏi), rubella (còn gọi là bệnh sởi Đức, gây phát ban, sốt, sưng hạch bạch huyết, có thể gây ra dị tật bẩm sinh nếu mẹ trong quá trình mang thai bị bệnh ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ sơ sinh).

Bố mẹ cần đưa trẻ đi tiêm liều vắc - xin MMR đầu tiên khi được 12 – 15 tháng tuổi và tiêm liều thứ hai khi trẻ lên 4 - 6 tuổi.

2.5. Vắc - xin ngừa thủy đậu (Varicella)

Bệnh thủy đậu (chickenpox) gây ra do virus thủy đậu, với triệu chứng thường gặp là phát ban, sốt, đau đầu, gây ra nhiễm trùng và nhiều biến chứng khác nhau. Tiêm vắc - xin cho trẻ ngừa thủy đậu được thực hiện lần thứ nhất khi trẻ được 12 – 15 tháng và lần thứ hai trong khoảng 4 – 6 tuổi. Đối với một số trẻ nhạy cảm, triệu chứng thường thấy khi tiêm vắc - xin Varicella là sốt và phát ban nhẹ.

2.6. Vắc - xin Haemophilus influenzae loại B (Hib)

Haemophilus influenzae loại B là chủng vi khuẩn gây bệnh viêm màng não, đặc biệt nguy hiểm đối với các bé dưới 5 tuổi. Biến chứng thường gặp là viêm nắp thanh quản, chậm phát triển trí tuệ, viêm phổi, thậm chí tử vong.

Nên tiêm vắc - xin Hib cho trẻ vào các mốc 2 tháng tuổi, 4 tháng tuổi, 6 tháng tuổi và trong khoảng 12 - 15 tháng tuổi. Tác dụng phụ thường thấy ở trẻ khi tiêm vắc - xin Hib là lên cơn sốt nhẹ, tấy đỏ hoặc sưng ở vị trí tiêm.

2.7. Vắc - xin phòng bại liệt (IPV)

Bệnh bại liệt ở trẻ nhỏ do poliovirus gây ra, hầu hết không có triệu chứng, nhưng một số trường hợp mắc bệnh dẫn đến tàn tật suốt đời, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của trẻ sơ sinh, thậm chí tử vong nếu không được chủng ngừa vắc - xin ngừa bại liệt. Các mốc tiêm vắc - xin IPV cho trẻ là 2 tháng tuổi, 4 tháng tuổi, 6 - 18 tháng tuổi, khi trẻ được 4 – 6 tuổi nên đưa trẻ đi khám lại và tiêm mũi tiếp theo.

2.8. Vắc - xin ngừa phế cầu khuẩn (PCV13)

Loại vắc - xin này có tên gọi là PCV13 (hay Prevnar 13), có tác dụng bảo vệ trẻ chống lại phế cầu khuẩn, là tác nhân gây viêm màng não, viêm phổi, nhiễm trùng xoang, nhiễm trùng máu, nguy cơ dẫn đến tử vong ở trẻ nhỏ chưa được tiêm ngừa.

Với vắc - xin PCV13, cần triển khai tổng cộng 4 mũi tiêm khi trẻ được 2 tháng, 4 tháng, 6 tháng tuổi và trong khoảng 12 - 15 tháng tuổi. Tác dụng phụ sau tiêm thường gặp là trẻ buồn ngủ, chỗ tiêm bị tấy sưng, sốt nhẹ hoặc trẻ tỏ ra cau có, khó chịu.

2.9. Vắc - xin ngừa bệnh cúm (Influenza)

Tiêm ngừa cúm cho trẻ cần được tiến hành mỗi năm một lần vì thời gian miễn dịch bệnh kéo dài trung bình một năm. Tất cả mọi người nên thực hiện chích ngừa cúm hàng năm, nhất là trước khi dịch cúm xảy ra. Tại Việt Nam, đỉnh của bệnh dịch cúm mùa thường rơi vào khoảng tháng 3 - 4 và tháng 9 - 10. Do đó, gia đình nên đi tiêm phòng trước những thời điểm này. Tiêm ngừa bệnh cúm cho trẻ nên bắt đầu vào mùa thu, khi trẻ được 6 tháng tuổi trở lên.

Nếu hệ miễn dịch của trẻ có phản ứng dị ứng với trứng thì không nên tiêm vắc - xin phòng cúm cho trẻ hoặc phải theo dõi kỹ sau tiêm vì nhiều khả năng trẻ sẽ dị ứng với loại vắc - xin này.

2.10. Vắc - xin ngừa viêm gan A (HepA)

Virus viêm gan A thường lây nhiễm cho các trẻ ăn, uống không đảm bảo vệ sinh. Khi mắc bệnh, trẻ có thể bị viêm gan, sốt, mệt mỏi, vàng da, biếng ăn. Thông thường, tiêm vắc - xin ngừa viêm gan A cho trẻ nên bắt đầu với mũi đầu tiên khi trẻ được 12 tháng tuổi và mũi thứ 2 khi trẻ được 23 tháng tuổi.

3. Lịch tiêm vắc - xin cho trẻ từ sơ sinh đến 6 tuổi

lịch tiêm vắc -xin cho trẻ
Lịch tiêm vắc - xin cho trẻ từ sơ sinh đến 6 tuổi

Lưu ý: Những ô màu vàng để chỉ liều vắc - xin được phép tiêm cho trẻ vào một khoảng thời gian (thay vì một thời điểm xác định).

4. Sự phát triển của trẻ sơ sinh theo độ tuổi

4.1. Ngay sau khi sinh

  • Nhận ra giọng nói của bố mẹ hoặc người chăm sóc;
  • Quay đầu về phía bầu vú hoặc bình sữa;
  • Có thể giao tiếp thông qua ngôn ngữ cơ thể, quấy khóc, khóc và tỏ ra chú ý;
  • Bị giật mình với âm thanh lớn.

4.2. Trẻ 1 tháng tuổi

  • Bắt đầu biết mỉm cười;
  • Biết ngẩng đầu khi nằm sấp;
  • Dịu đi khi được đu đưa cho ngủ, được bế hoặc nghe hát;
  • Thái độ chú ý thể hiện trên khuôn mặt.

4.3. Trẻ 2 tháng tuổi

  • Biết mỉm cười với mọi người;
  • Biết phát ra âm thanh rúc rích;
  • Bắt đầu biết quan sát mọi thứ bằng mắt;
  • Có thể ngẩng đầu lên cao.

4.4. Trẻ 4 tháng tuổi

  • Biểu hiện bập bẹ;
  • Thích chơi với mọi người;
  • Vươn lấy đồ chơi bằng một tay;
  • Đưa tay lên miệng;
  • Đáp lại tình cảm của người khác;
  • Có thể giữ vững phần đầu mà không cần hỗ trợ.

4.5. Trẻ 6 tháng tuổi

  • Nhận biết được những người quen thuộc;
  • Biết tên của mình;
  • Đưa đồ lên miệng;
  • Biết lăn theo hai hướng;
  • Biết bập bẹ một số nguyên âm (như ”ah”, ”eh”, ”oh”).
Trẻ tập nói
Trẻ 6 tháng tuổi có thể nhận biết được những người quen thuộc

4.6. Trẻ 12 tháng tuổi

  • Khóc khi mẹ hoặc bố rời đi;
  • Biết kêu “mama”, “baba”;
  • Bắt chước cử chỉ của người khác (ví dụ: vẫy tay chào tạm biệt);
  • Có thể đứng một mình;
  • Biết nhìn vào đúng đồ vật khi người khác gọi tên chúng.

4.7. Trẻ 15 tháng tuổi

  • Có thể bắt chước hành động của những xung quanh;
  • Uống nước từ cốc;
  • Có thể viết nguệch ngoạc;
  • Đi đứng tốt hơn;
  • Nói một vài từ khác ngoài "mama" và "baba".

4.8. Trẻ 18 tháng tuổi

  • Biết chỉ vào một thứ gì đó thú vị;
  • Nói vài từ đơn giản;
  • Chỉ vào một bộ phận cơ thể tỏ vẻ tò mò;
  • Có thể đi vài bước và chạy.

4.9. Trẻ 19 - 23 tháng tuổi

  • Chơi vui vẻ bên cạnh những đứa trẻ khác;
  • Làm theo các lệnh hai bước (ví dụ, nhặt đồ chơi lên và đặt vào rổ);
  • Có thể chơi các trò chơi đơn giản;
  • Có thể ném bóng bằng tay.

4.10. Trẻ 2 - 3 tuổi

  • Có thể kể về những điều quen thuộc nhất;
  • Thể hiện tình cảm với bạn bè;
  • Biết lật từng trang sách;
  • Biết chơi đá bóng.

4.11. Trẻ 4 - 6 tuổi

  • Nói chuyện rõ;
  • Biết kể chuyện;
  • Viết được một số chữ cái hoặc số;
  • Biết chơi nhảy lò cò;
  • Thích chơi với những trẻ khác.

Để bảo vệ hệ miễn dịch của trẻ, bố mẹ nên đưa trẻ đi tiêm vắc - xin đầy đủ. Những kháng thể được tạo ra sau khi tiêm vắc - xin cho trẻ sẽ bảo vệ cơ thể tránh nguy cơ mắc bệnh khi tiếp xúc với tác nhân gây bệnh sau này.

5. Tiêm vắc - xin cho trẻ ở đâu tốt?

Hiện nay có không ít các bệnh viện, trung tâm, cơ sở y tế cung cấp dịch vụ tiêm chủng vắc - xin cho trẻ nhỏ. Do đó, việc lựa chọn địa điểm tiêm vắc - xin cho trẻ tốt, uy tín, nguồn cung ứng vắc-xin chất lượng và an toàn không phải là điều dễ dàng.

Khi đưa trẻ đến tiêm phòng tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, bố mẹ có thể hoàn toàn yên tâm với quy trình thực hiện đầy đủ 4 bước trong tiêm chủng: khám sàng lọc trước tiêm, tiêm, theo dõi phản ứng sau tiêm, kiểm tra sức khoẻ sau tiêm. Cụ thể:

  • Trước khi tiêm phòng, tất cả trẻ được khám sàng lọc trước tiêm với các bác sĩ chuyên khoa nhi – vắc-xin để giúp trẻ đảm bảo sức khỏe tốt khi tiêm chủng. Bác sĩ sẽ tư vấn cho gia đình các loại vắc-xin phòng bệnh tốt phù hợp với từng lứa tuổi theo khuyến cáo mới nhất của Bộ Y tế & Tổ chức Y tế thế giới cũng như cách theo dõi phản ứng sau tiêm vắc-xin.
Khám nhi, khám trước tiêm phòng vacxin
Trước khi tiêm phòng tại Vinmec, tất cả trẻ được bác sĩ chuyên khoa khám sàng lọc

  • Đội ngũ bác sĩ và điều dưỡng nhi giàu kinh nghiệm, chuyên nghiệp, hiểu tâm lý trẻ và áp dụng cách giảm đau hiệu quả cho trẻ trong quá trình tiêm chủng.
  • 100% trẻ tiêm chủng được theo dõi và đánh giá lại sức khỏe trước khi ra về.
  • Phòng theo dõi sau tiêm chủng được trang bị đầy đủ các phương tiện cấp cứu; đội ngũ bác sĩ - điều dưỡng được đào tạo về xử trí cấp cứu phản vệ nhằm đảm bảo xử lý kịp thời, đúng phác đồ khi có sự cố xảy ra.
  • Phòng tiêm chủng thoáng mát, có khu vui chơi, giúp trẻ có cảm giác thoải mái, tâm lý tốt trước và sau khi tiêm chủng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: cdc.gov; vaccines.gov

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

7.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan