Công dụng của vắc-xin Comvax

Comvax là vắc-xin liên hợp giúp phòng ngừa các bệnh do virus viêm gan B và Haemophilus Influenzae type B ở trẻ sơ sinh từ 6 tuần đến 15 tháng tuổi. Bài viết sẽ cung cấp các thông tin về công dụng, liều dùng và những lưu ý khi sử dụng Comvax.

1. Comvax là gì?

Comvax là vắc-xin liên hợp Haemophilus B và vắc-xin viêm gan B, được sử dụng để ngăn ngừa nhiễm trùng do vi khuẩn Haemophilus influenzae type B (Hib) và vi-rút viêm gan B gây ra. Vắc-xin hoạt động bằng cách khiến cơ thể tự sản sinh ra chất bảo vệ (kháng thể) chống lại bệnh. Nhiễm vi khuẩn Haemophilus influenzae type b (Hib) có thể gây ra các bệnh nguy hiểm đến tính mạng, chẳng hạn như viêm màng não, viêm nắp thanh quản, viêm màng ngoài tim, viêm phổi và viêm khớp nhiễm trùng. Viêm màng não do Hib có thể gây tử vong hoặc để lại cho trẻ những tổn thương vĩnh viễn và nghiêm trọng, chẳng hạn như chậm phát triển trí tuệ, động kinh, điếc hoặc một phần.

Nhiễm virus viêm gan B là nguyên nhân chính gây ra các bệnh gan nghiêm trọng, chẳng hạn như viêm gan, xơ gan và một loại ung thư gan gọi là ung thư biểu mô tế bào gan nguyên phát.

Phụ nữ mang thai bị nhiễm viêm gan B hoặc là người mang virus viêm gan B có thể truyền bệnh cho con khi sinh ra. Tiêm chủng ngừa bệnh viêm gan B được khuyến khích cho tất cả trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

2. Chỉ định của vắc-xin Comvax

  • Comvax được chỉ định để chủng ngừa các bệnh do Haemophilus influenzae týp B và nhiễm trùng do virus viêm gan B ở trẻ sơ sinh từ 6 tuần đến 15 tháng tuổi sinh ra từ mẹ có xét nghiệm HBsAg âm tính.
  • Trẻ sơ sinh được sinh ra từ các bà mẹ có HBsAg dương tính nên được tiêm globulin miễn dịch và vắc-xin ngừa viêm gan B khi mới sinh và phải hoàn thành đợt tiêm chủng viêm gan B theo một lịch trình cụ thể.
  • Trẻ sơ sinh được sinh ra từ những bà mẹ không rõ tình trạng HBsAg nên được tiêm vắc-xin ngừa viêm gan B khi mới sinh và phải hoàn thành liệu trình vắc-xin viêm gan B đúng quy định.
  • Thời điểm chủng ngừa Comvax lý tưởng là khi trẻ được khoảng 2 tháng tuổi hoặc càng sớm càng tốt. Để hoàn thành phác đồ 3 liều Comvax trong thời gian quy định, nên bắt đầu tiêm phòng muộn nhất là khi trẻ 10 tháng tuổi.

3. Liều dùng và cách sử dụng Comvax

  • Trẻ sơ sinh có mẹ có HBsAg âm tính nên được chủng ngừa 3 liều vắc-xin Comvax 0.5mL, lý tưởng nhất là khi trẻ được 2, 4 và từ 12-15 tháng tuổi. Nếu không thể tuân theo lịch trình khuyến cáo, khoảng cách giữa 2 liều đầu tiên phải là ít nhất 6 tuần, khoảng cách giữa liều thứ 2 và thứ 3 phải càng gần càng tốt từ 8 đến 11 tháng.
  • Trẻ sơ sinh được sinh ra từ những bà mẹ có HBsAg dương tính hoặc không rõ tình trạng HBsAg phải tuân theo các quy định cụ thể.
  • Vắc-xin Comvax được dùng để tiêm bắp. Đùi trước là vị trí được khuyến cáo để tiêm bắp ở trẻ sơ sinh. Dữ liệu cho thấy rằng các mũi tiêm ở mông thường xuyên được tiêm vào mô mỡ thay vì vào cơ. Vì tiêm như vậy đã dẫn đến tỷ lệ hoạt chất vào huyết thanh thấp hơn dự kiến.
  • Việc tiêm phải được thực hiện bằng một kim tiêm đủ dài để đảm bảo sự hấp thu của vắc-xin trong bắp thịt. ACIP đã khuyến cáo rằng đối với tiêm bắp, kim tiêm phải có chiều dài đủ để tự chạm vào khối cơ.
  • Lắc kỹ trước khi rút vắc-xin và sử dụng. Các sản phẩm dùng đường tiêm phải được kiểm tra bằng mắt thường để tìm các hạt lạ và sự đổi màu trước khi sử dụng.
  • Phụ huynh nên cố gắng đưa trẻ đi tiêm đúng lịch hẹn. Nếu bỏ lỡ một liều vắc-xin Comvax, hãy đặt lịch hẹn khác càng sớm càng tốt.

4. Tác dụng phụ của Comvax là gì?

  • Các tác dụng phụ khi sử dụng Comvax là: Sốt, khối cứng ở vị trí tiêm, đau nhức và sưng ở chỗ tiêm, đau nhức cơ thể, ớn lạnh, ho, khó thở, đau đầu, mất giọng, nghẹt mũi, sổ mũi, hắt xì, viêm họng, mệt mỏi hoặc suy nhược bất thường,...
  • Một số tác dụng phụ xảy ra với tần suất chưa xác định như chảy máu nướu răng, phồng rộp, bong tróc da, máu trong nước tiểu hoặc phân, co giật, bệnh tiêu chảy, khó nuốt, chóng mặt, tim đập nhanh, ngứa, đau khớp hoặc cơ, phát ban trên mặt/ mí mắt/ môi/ lưỡi/ cổ họng/ bàn tay/ bàn chân hoặc các cơ quan sinh dục, bọng mắt hoặc sưng mí mắt, mắt đỏ, khó chịu, khó thở, phát ban da, vết loét hoặc đốm trắng trong miệng/ trên môi, tức ngực, chảy máu hoặc bầm tím bất thường, thở khò khè.
  • Cha mẹ cần theo dõi sát trẻ sau khi tiêm vắc-xin. Nếu trẻ có các triệu chứng bất thường nên lập tức đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời

5. Những lưu ý khi sử dụng vắc-xin Comvax

  • Nếu trẻ bị phát ban da, nổi mề đay hoặc bất kỳ phản ứng dị ứng nào sau khi tiêm vắc-xin này, hãy báo cho bác sĩ ngay lập tức.
  • Không sử dụng vắc-xin Comvax cho trẻ dưới 6 tuần tuổi.
  • Hãy cho bác sĩ biết nếu trẻ bị dị ứng với cao su latex. Các lọ vắc-xin có thể chứa cao su latex tự nhiên và do đó có thể gây ra phản ứng dị ứng ở những bệnh nhân nhạy cảm với latex.
  • Trước khi trẻ làm bất kỳ xét nghiệm y tế nào, hãy nói với bác sĩ phụ trách rằng trẻ đang được chủng ngừa với Comvax. Kết quả của một số xét nghiệm có thể bị ảnh hưởng bởi vắc-xin này.
  • Sự hiện diện của các vấn đề y tế khác có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng vắc-xin Comvax. Hãy thông báo với bác sĩ nếu trẻ có bất kỳ vấn đề y tế nào sau đây: Chảy máu (ví dụ, bệnh máu khó đông, giảm tiểu cầu) vì có thể làm tăng nguy cơ chảy máu tại chỗ tiêm; trẻ đang bệnh nặng kèm theo sốt; hệ thống miễn dịch yếu do bệnh hoặc thuốc (ví dụ: những người đang điều trị steroid, hóa trị ung thư, nhiễm HIV) vì Comvax có thể không hoạt động tốt ở những bệnh nhân này.
  • Người cao tuổi: Vắc-xin Comvax không được khuyến cáo cho người lớn hoặc bệnh nhân lão khoa.
  • Phụ nữ cho con bú: Không có nghiên cứu đầy đủ ở phụ nữ để xác định nguy cơ trẻ sơ sinh khi sử dụng Comvax trong thời kỳ cho con bú. Cân nhắc lợi ích tiềm năng so với những rủi ro có thể xảy ra trước khi dùng Comvax khi cho con bú.
  • Tương tác với thuốc: Một số loại thuốc không nên được sử dụng cùng nhau do nguy cơ xảy ra tương tác. Bệnh nhân hãy thông báo với nhân viên y tế tất cả các loại thuốc theo toa hoặc không theo toa đang sử dụng.

Bài viết đã cung cấp các thông tin tổng quan về vắc-xin Comvax. Nếu có thắc mắc hoặc cần thêm thông tin về loại vắc-xin này, bạn nên liên hệ bác sĩ hoặc dược sĩ để được tư vấn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

27 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan