Hỏi đáp đầy đủ về Vắc-xin Quai bị

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Tiến sĩ, Bác sĩ Phan Nguyễn Thanh Bình - Khoa Nhi - Sơ Sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Tiêm vắc-xin MMR là cách hiệu quả nhất để phòng tránh cả 3 căn bệnh sởi, quai bị và rubella. Vậy ngoài MRR, có vắc-xin quai bị riêng không? Vắc-xin quai bị tiêm mấy mũi thì mới là đủ?

1. Quai bị là gì?

Quai bị là một bệnh nhiễm trùng do virus quai bị gây ra. Trẻ em chưa được tiêm chủng ngừa là đối tượng dễ mắc quai bị nhất. Virus quai bị có thể tác động đến bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể người bệnh, nhưng chủ yếu là làm sưng tuyến nước bọt và tuyến mang tai. Trên thực tế, má phồng và hàm sưng ở người bệnh trông giống như con sóc hay chuột là dấu hiệu nhận biết của bệnh quai bị.

2. Con đường lây lan của bệnh quai bị

Virus quai bị rất dễ lây lan qua những giọt nhỏ (nước bọt hoặc chất dịch nhầy) của người nhiễm bệnh, cụ thể:

  • Khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện với người khác
  • Sử dụng chung cốc nước và đồ dùng cá nhân với người bệnh
  • Sau khi chạm vào các vật ở nơi công cộng và không rửa tay cẩn thận bằng xà phòng diệt khuẩn.
Bị quai bị mấy ngày sẽ khỏi?
Nên đưa trẻ đi khám ngay nếu nghi ngờ trẻ đã mắc quai bị hay vừa tiếp xúc với người đang nhiễm bệnh

3. Bệnh quai bị có cách điều trị không?

Nếu chưa được tiêm phòng, trẻ có thể mắc bệnh quai bị. Một số phụ huynh thậm chí còn không nhận ra con mình đã nhiễm virus quai bị vì triệu chứng khá mờ nhạt và dễ nhầm lẫn với các bệnh khác (khoảng 1/3 trẻ nhiễm bệnh không có triệu chứng). Bệnh quai bị không có cách điều trị đặc hiệu. Người bệnh phải chờ đến khi bệnh tự động khỏi hoàn toàn trong vòng vài tuần. Biến chứng của bệnh ít gặp nhưng có thể nghiêm trọng: Ở nam giới, thanh niên viêm tinh hoàn (1 hoặc 2 bên) có thể gây vô sinh. Viêm não, viêm màng não và điếc là những biến chứng hiếm gặp nhưng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi.

Do đó, tiêm phòng vắc-xin quai bị đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các tổ chức y khoa ở các nước phát triển khuyến cáo đưa vào trong chương trình tiêm chủng để phòng chống bệnh. Cũng tương tự như rubella, những người chưa miễn dịch với bệnh, khi nhiễm virus quai bị có thể để lại gánh nặng bệnh tật nghiêm trọng.

Hiện nay, việc tiêm phòng vắc-xin quai bị được khuyến cáo đưa vào chương trình tiêm chủng ở trẻ nhỏ. Ở hầu hết các nước, vắc-xin phòng bệnh này được kết hợp với chương trình tiêm chủng vắc-xin quai bị - sởi - rubella (MMR). Đây là vắc-xin chứa virus sống giảm độc lực, tức là virus sống nhưng đã được làm suy yếu để không gây bệnh thực sự.

4. Vắc-xin quai bị tiêm mấy mũi?

Trước năm 1971, vắc-xin quai bị từng được tiêm trong ba mũi riêng biệt. Nhưng sau đó, vì lợi ích về chi phí, liều thứ 3 đã không còn được áp dụng. Trung tâm phòng chống dịch bệnh Hoa Kỳ (viết tắt là CDC) khuyến cáo tất cả trẻ em đều phải tiêm đủ hai mũi để đạt hiệu quả phòng ngừa quai bị, trong đó:

  • Lần đầu tiên là khi bé được 12 - 15 tháng tuổi.
  • Lần thứ hai là trước khi trẻ đi học từ 4 - 6 tuổi.
Tiêm phòng cho trẻ
Trẻ em được khuyến cáo tiêm đủ hai mũi để đạt hiệu quả phòng ngừa quai bị

5. Lưu ý khi người lớn tiêm ngừa quai bị

Đối với thanh thiếu niên và người trưởng thành, cũng có thể tiêm vắc-xin MMR trong các trường hợp sau đây:

  • Chưa từng tiêm chủng ngừa lúc còn nhỏ.
  • Không chắc chắn đã được tiêm đủ 2 liều hay chưa.
  • Chưa từng hoặc không rõ trước đây có mắc bệnh quai bị không.
  • Người đang làm việc tại cơ sở y tế.
  • Chị em đang có kế hoạch mang thai hoặc trong độ tuổi sinh sản. Loại vắc-xin này cũng an toàn với bà mẹ đang cho con bú.

Ngược lại, những đối tượng không nên tiêm chủng ngừa sởi, quai bịrubella bao gồm:

  • Cơ thể gặp phản ứng nghiêm trọng sau mũi tiêm MMR đầu tiên.
  • Bị dị ứng với gelatin hoặc kháng sinh neomycin.
  • Phụ nữ đang mang thai hoặc có kế hoạch mang thai trong 4 tuần tới.
  • Người đang điều trị bằng thuốc ung thư, corticosteroid hoặc AIDS khiến hệ miễn dịch suy giảm.

6. Rủi ro và tác dụng phụ của vắc-xin MMR

Vắc-xin MMR an toàn và không gây ra quá nhiều tác dụng phụ cho trẻ. Một số bé có thể bị sốt hoặc đau nhức nhẹ và hơi tấy đỏ tại vị trí tiêm ngừa trong vòng thời gian ngắn khi vừa mới tiêm xong.

Các triệu chứng khác ít phổ biến hơn nhưng cũng có khả năng xảy ra bao gồm: phát ban, bị sưng các tuyến, hiếm gặp hơn là động kinh hoặc giảm tiểu cầu. Người trưởng thành, đặc biệt là phụ nữ, có thể bị đau hoặc cứng khớp sau khi tiêm.

Vài năm gần đây, có ý kiến cho rằng vắc-xin MMR có liên quan đến hội chứng rối loạn tự kỷ. Tuy nhiên, Trung tâm phòng chống dịch bệnh Hoa Kỳ khẳng định rằng đây chỉ là lời đồn chưa có căn cứ. Mọi người có thể yên tâm về những lợi ích mà vắc-xin mang lại giúp phòng ngừa bệnh vượt xa hơn mọi rủi ro tiềm ẩn.

7. Mức độ hiệu quả của vắc-xin quai bị

Hệ miễn dịch của mỗi người có đáp ứng đối với vắc-xin hay không còn phụ thuộc vào độ tuổi tiêm, loại vắc-xin tiêm cũng như tình trạng sức khỏe của mỗi người, chất lượng vắc-xin, cách bảo quản và kỹ năng thực hành việc tiêm chủng. Hiệu quả bảo vệ bệnh quai bị được ghi nhận ờ mức 90 – 95% sau tiêm đủ 2 mũi. Khả năng mắc bệnh vẫn có thể xảy ra khi đã được tiêm phòng vắc-xin, nhưng thông thường bệnh nhẹ hơn và thời gian mắc bệnh ngắn hơn, ít nguy hiểm và biến chứng.

Nếu bạn có trẻ nhỏ, hoặc bạn là phụ nữ chuẩn bị mang thai, hay là nam giới chưa từng được tiêm phòng vắc-xin quai bị, hãy đến các cơ sở y tế có chuyên môn cao như Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để được tư vấn, đặt lịch và tiêm phòng vắc-xin quai bị - sởi – rubella, nhằm phòng bệnh một cách an toàn và hiệu quả nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

10.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan