Tiêm phòng uốn ván cho bà bầu như thế nào hiệu quả nhất?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Nguyễn Hải Hà - Trưởng Đơn nguyên vắc-xin – Khoa Ngoại trú Nhi, Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Tiêm phòng uốn ván cho bà bầu liệu có ảnh hưởng đến thai nhi không, cần chú ý những gì và lịch tiêm vào thời gian nào là tốt. Đây là những thắc mắc không chỉ của riêng chị em phụ nữ khi mang thai mà ngay cả những ông bố tương lai cũng rất muốn được giải đáp. Bài viết sau đây sẽ giúp bạn tìm ra câu trả lời chính xác nhất.


1. Vì sao cần tiêm phòng uốn ván cho bà bầu?

Tiêm phòng uốn ván cho bà bầu trong thai kỳ là điều rất cần thiết, bất cứ phụ nữ nào mang thai cũng không được bỏ lỡ. Bởi giai đoạn 9 tháng 10 ngày là một khoảng thời gian vô cùng nhạy cảm và vất vả, ngoài việc cần chú ý về chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt, vận động và nghỉ ngơi hiệu quả, bà bầu cũng cần được tiêm phòng vắc-xin để đảm bảo ngăn chặn tối đa những tác nhân gây bệnh.

Trước khi mang bầu, phụ nữ cần được tiêm một số loại vắc-xin phòng bệnh như sởi, quai bị, rubella, thủy đậu, cúm, bạch hầu – ho gà – uốn ván,... Nhưng khi bước vào thai kỳ, chỉ cần tiêm uốn ván cho bà bầu vào khoảng thời gian nhất định để phòng tránh tác nhân gây bệnh này.

Uốn ván là một loại bệnh nhiễm trùng cấp tính, có tỷ lệ tử vong rất cao do độc tố của trực khuẩn Clostridium tetan của uốn ván có khả năng gây hại rất mạnh. Loại trực khuẩn này có mặt ở khắp mọi nơi, khả năng sinh sôi và tồn tại của nó rất mạnh, ngay cả việc đun sôi ở thời gian dài cũng không tiêu diệt triệt để được.

Đặc biệt, khi mắc uốn ván, tỷ lệ tử vong rất cao (> 90%). Nếu trẻ sơ sinh mắc này thì nguy cơ tử vong có thể lên đến 95%. Và đối tượng có nguy cơ mắc phải bệnh là những người có vết thương hở ngoài da, phụ nữ trong quá trình chuyển dạ sinh nở, trẻ sơ sinh qua đường cắt rốn,...

Chính vì vậy, tiêm vắc-xin phòng uốn ván cho bà bầu là việc làm cực kỳ quan trọng. Vắc-xin sẽ giúp bảo vệ thai kỳ của chị em tránh được tác nhân gây hại bên ngoài, nhất là khi chuyển dạ có thể ngăn chặn trực khuẩn uốn ván tấn công cả mẹ và con.

Tiêm phòng uốn ván cho bà bầu như thế nào hiệu quả nhất?
Tiêm phòng uốn ván cho bà bầu là mũi tiêm vô cùng quan trọng trong thai kỳ.

2. Tiêm phòng uốn ván khi mang thai có ảnh hưởng đến thai nhi không?

Mặc dù việc tiêm phòng uốn ván khi mang bầu là rất cần thiết, hiện nay vẫn còn nhiều người chưa hiểu rõ nên lo sợ sẽ có ảnh hưởng đến thai nhi.

Theo nhận định của các bác sĩ, việc tiêm uốn ván cho bà bầu thực chất là tiêm trước phơi nhiễm, tạo kháng thể cho mẹ để tránh việc lây nhiễm khi chuyển dạ, đồng thời có thể hỗ trợ sang cơ thể bé, để hạn chế tối đa việc bị nhiễm trùng uốn ván khi cắt dây rốn.

Vì vậy, việc tiêm uốn ván trong thai kỳ sẽ không có ảnh hưởng đến thai nhi, mà còn là việc để bảo vệ sức khỏe cho cả mẹ và con.

3. Thời điểm cần tiêm phòng uốn ván cho bà bầu và những điều cần chú ý

Khi tiêm phòng uốn ván, phụ nữ mang thai tuyệt đối không nên tự ý đi tiêm mà cần có lịch theo giai đoạn mang thai của mình hoặc lịch của trung tâm y tế.

Tiêm phòng uốn ván cho bà bầu như thế nào hiệu quả nhất?
Bà bầu cần nắm rõ lịch tiêm phòng uốn ván theo tuổi thai và số lần mang thai.

Cụ thể: Theo thông tư 38/2017/TT-BYT của BYT ban hành 17/10/2017 quy định như sau:

3.1. Đối với người chưa tiêm hoặc không rõ tiền sử tiêm vắc-xin hoặc chưa tiêm đủ 3 mũi vắc-xin có chứa thành phần uốn ván liều cơ bản:

  • Lần 1: Tiêm sớm khi có thai lần đầu.
  • Lần 2: Ít nhất 1 tháng sau lần 1.
  • Lần 3: Ít nhất 6 tháng sau lần 2 hoặc kỳ có thai lần sau.
  • Lần 4: Ít nhất 1 năm sau lần 3 hoặc kỳ có thai lần sau.
  • Lần 5: Ít nhất 1 năm sau lần 4 hoặc kỳ có thai lần sau.

3.2. Đối với người đã tiêm đủ 3 mũi vắc-xin có chứa thành phần uốn ván liều cơ bản:

  • Lần 1: Tiêm sớm khi có thai lần đầu.
  • Lần 2: Ít nhất 1 năm sau lần 1.
  • Lần 3: Ít nhất 1 năm sau lần 2.

3.3. Đối với người đã tiêm đủ 3 mũi vắc-xin có chứa thành phần uốn ván liều cơ bản và 1 liều nhắc lại:

  • Lần 1: Tiêm sớm khi có thai lần đầu.
  • Lần 2: Ít nhất 1 năm sau lần 1.

Với phụ nữ mang thai lần đầu

Với những chị em mới lần đầu mang thai, trước đó chưa tiêm phòng uốn ván hoặc không rõ tiền sử tiêm vắc-xin hoặc chưa tiêm đủ 3 mũi vắc-xin có chứa thành phần uốn ván liều cơ bản sẽ được tiêm 2 mũi:

● Mũi 1: Được tiêm khi thai kỳ được khoảng 20 tuần trở lên, không nên tiêm quá sớm vì những tuần đầu thai nhi chưa ổn định.

● Mũi 2: Được tiêm sau mũi tiêm đầu ít nhất 30 ngày và phải tiêm trước khi sinh ít nhất 30 ngày.

Với phụ nữ đã tiêm uốn ván và mang thai lần thứ hai

Với những chị em trước khi mang thai đã tiêm phòng đủ 5 mũi uốn ván, mũi cuối cùng cách không quá 10 năm thì không cần phải tiêm phòng uốn ván. Nhưng nếu thời gian tiêm quá 10 năm thì cần phải tiêm nhắc lại 2 mũi.

Còn với những người ở thai kỳ trước đã tiêm 2 mũi, đến thai kỳ sau cách không quá 10 năm thì chỉ cần tiêm 1 mũi uốn ván từ tuần 20 trở đi. Việc tiêm phòng uốn ván cho bà bầu thêm 1 mũi nhắc lại này cũng rất quan trọng, các mẹ bầu mang thai lần 2, lần 3 cần chú ý.

Ngoài ra, cần lưu ý những điều sau khi tiêm uốn ván cho bà bầu:

● Việc tiêm phòng uốn ván cho bà bầu có thể gây sưng đau tại chỗ hoặc gây dị ứng tại chỗ. Nhưng các mẹ bầu cũng không nên lo lắng quá vì đây đều là những tác dụng phụ không quá nghiêm trọng, việc sưng đau sẽ tự khỏi, không cần sử dụng thuốc, hay chườm đắp vào vị trí tiêm.

● Khi tiêm phòng uốn ván, nên tiêm từ tuần thứ 20 trở đi và mũi cuối cách ngày sinh ít nhất 30 ngày.

● Việc tiêm phòng uốn ván cần dựa vào tuổi thai và số lần mang thai, mẹ bầu không nên tự ý đi tiêm.

● Trong thời gian mang thai, Bộ y tế Việt Nam quy định phụ nữ chỉ cần tiêm vắc-xin phòng uốn ván. Tuy nhiên theo khuyến cáo của tổ chức y tế thế giới và CDC, phụ nữ mang thai từ 27 -35 tuần có thể tiêm vắc-xin phòng bạch hầu ho gà – uốn ván để phòng ho gà sớm cho sơ sinh nếu trước khi mang bầu chưa được tiêm vắc-xin này. Trường hợp đặc biệt: nếu bị vật nuôi như chó, mèo, khỉ,... cắn, chị em cần tiêm phòng dại theo sự chỉ định của bác sĩ.

● Khi tiêm phòng uốn ván, các mẹ bầu có thể đến các hệ thống bệnh viện Vinmec trên toàn quốc.

Trên đây là những giải đáp chi tiết về việc tiêm phòng uốn ván cho bà bầu, về lịch tiêm cũng như những điều cần chú ý. Hy vọng những thông tin này sẽ giúp ích cho các mẹ bầu, chị em phụ nữ cũng như những người thân, đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và thai nhi.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan