Vắc-xin ngừa thuỷ đậu cho người lớn

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Chuyên khoa I Trần Thanh Phước - Bác sĩ Nhi - Trung tâm Nhi, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Không chỉ với trẻ nhỏ mà người lớn cũng là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh thuỷ đậu, nhất là giai đoạn dịch hàng năm. Bệnh thuỷ đậu ở người lớn nếu không điều trị tốt cũng có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đến sức khoẻ và ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt và cuộc sống. Vì vậy, tiêm vắc-xin ngừa thuỷ đậu cho người lớn là biện pháp dự phòng tốt nhất.

1. Vì sao nên tiêm vacxin thủy đậu?

Thuỷ đậu do virus Varicella Zoster thuộc họ Herpesviridae gây ra. Bệnh thường gặp vào mùa đông – xuân, thời gian ủ bệnh trung bình từ 14 – 16 ngày. Bệnh lây truyền trực tiếp qua đường hô hấp (ho, hắt hơi, nói chuyện,...) khi người lành tiếp xúc với người bệnh. Ngoài ra, thủy đậu còn có thể lây truyền gián tiếp khi người khỏe mạnh tiếp xúc với các đồ dùng sinh hoạt của bệnh nhân như ga trải giường, khăn mặt, quần áo,...

Dù là loại bệnh nhẹ, lành tính, nhưng vẫn có những trường hợp bị thủy đậu gặp biến chứng, nhất là đối với trẻ nhỏ dưới 1 tuổi, phụ nữ đang mang thai, trẻ mắc các bệnh suy giảm miễn dịch, người bị nhiễm HIV/AIDS. Những biến chứng thường gặp nhất là bị nhiễm trùng da, zona. Riêng phụ nữ mang thai bị thủy đậu dễ gặp biến chứng gây dị tật bẩm sinh cho thai nhi. Ngoài ra, bệnh còn gây ra các biến chứng nguy hiểm như xuất huyết, viêm màng não, nhiễm trùng huyết, viêm mô tế bào, viêm gan, viêm phổi,... Một số trường hợp bị thủy đậu có thể dẫn tới tử vong nếu người bệnh không được điều trị kịp thời.

Vì vậy, chủ động phòng ngừa thủy đậu là lựa chọn tốt nhất để ngăn chặn những biến chứng khó lường của căn bệnh này. Cho đến nay, biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất vẫn là tiêm vacxin thủy đậu. Một loại vắc-xin đã có sẵn ở Mỹ (Varivax ) từ năm 1995 và có hiệu quả phòng chống bệnh này từ 70-90%. Những người được tiêm vắc-xin này sẽ hoàn toàn miễn dịch với bệnh thuỷ đậu.

Tiêm vacxin thủy đậu
Hiện nay biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất vẫn là tiêm vacxin thủy đậu

2. Vắc-xin thuỷ đậu

Vắc-xin thuỷ đậu được chế tạo từ một dạng vi rút varicella sống, yếu. Điều đó có nghĩa là vỉ rút có khả năng tạo ra khả năng miễn dịch trong cơ thể mà không gây bệnh.

2.1. Vắc xin thủy đậu được tiêm lúc nào?

Vacxin thủy đậu được chỉ định tiêm cho trẻ từ 12 tháng tuổi và người lớn chưa từng mắc bệnh trước đó. Chỉ định tiêm cụ thể là:

  • Trẻ từ 12 tháng – 12 tuổi: tiêm 2 mũi cách nhau tối thiểu 3 tháng. Riêng với trẻ nhỏ dưới 4 tuổi, lịch tiêm được khuyến cáo là: mũi 1 vào lúc 12 tháng tuổi và mũi 2 lúc trẻ được 4 – 6 tuổi.
  • Trẻ từ 13 tuổi trở lên và người lớn: tiêm 2 mũi cách nhau ít nhất 1,5 tháng. Riêng với phụ nữ nên hoàn tất lịch tiêm trước khi có thai tối thiểu 3 tháng.

2.2. Vacxin thủy đậu có tác dụng trong bao lâu?

Sau khi đưa vào cơ thể, vắc xin thủy đậu cần 1 – 2 tuần để phát huy tác dụng. Vì vậy, nên đi tiêm phòng thủy đậu trước mùa dịch tối thiểu 1 tháng. Thời gian miễn dịch (không mắc bệnh) của vacxin thủy đậu kéo dài trung bình là 15 năm. Sau khoảng thời gian này, chúng ta có thể tiêm nhắc lại để phòng ngừa thủy đậu hiệu quả hơn.

2.3. Những người nào không nên tiêm vắc-xin thuỷ đậu?

  • Người mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của vắc-xin, bao gồm cả gelatin và neomycin;
  • Người đã có miễn dịch do mắc phải thủy đậu;
  • Người đang điều trị bệnh bằng các thuốc ức chế miễn dịch (gồm corticosteroid liều cao) hoặc đang mắc bệnh HIV/AIDS;
  • Người đang mắc các bệnh bạch cầu, loạn sản máu, bệnh u lympho hoặc các khối u ác tính ảnh hưởng tới hệ bạch huyết, tủy xương;
  • Tiền sử gia đình bị suy giảm miễn dịch bẩm sinh hoặc di truyền;
  • Người mắc bệnh lao thể hoạt động, chưa được điều trị;
  • Người đang mắc các bệnh lý tiến triển, sốt cao trên 38 độ C. Không chống chỉ định cho các trường hợp bị sốt nhẹ;
  • Phụ nữ có thai.
  • Các bệnh nhân gần đây đã được truyền máu hoặc nhận các sản phẩm máu khác.

3. Những rủi ro có thể xảy ra khi liên quan đến vắc-xin thuỷ đậu

Tác dụng phụ phổ biến nhất từ vắc-xin thuỷ đậu là sưng, đau hoặc đỏ tại chỗ tiêm. Một số người cũng có thể bị phát ban nhẹ hoặc sốt nhẹ sau khi tiêm vắc-xin.

Phản ứng nghiêm trọng với vắc-xin thuỷ đậu là cực kỳ hiếm, nhưng chúng có thể bao gồm:

Phụ nữ đã được tiêm vắc-xin thuỷ đậu trong khi mang thai nên liên hệ với bác sĩ chuyên khoa ngay lập tức. Thuỷ đậu khi mang thai có thể gây dị tật bẩm sinh. Do đó, có thể có nguy cơ vắc-xin thuỷ đậu cũng sẽ gây ra dị tật bẩm sinh tương tự.

Cũng như những loại vắc-xin khác, rủi ro liên quan đến vắc-xin thuỷ đậu thấp hơn nhiều so với rủi ro liên quan đến chính căn bệnh này.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: Webmd.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

13.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan