Vắc-xin sởi quai bị rubella MMR: Những điều cần biết

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Nguyễn Hải Hà - Trưởng Đơn nguyên vắc-xin - Trung tâm Nhi, Bệnh viện ĐKQT Vinmec Times City. Bác từng có nhiều năm công tác tại Bệnh viện Thanh Nhàn - Hà Nội. Thế mạnh của bác là chăm sóc sơ sinh thiết yếu, hồi sức sơ sinh, dinh dưỡng sơ sinh - nhi khoa, tư vấn về vắc xin và khám sàng lọc trước tiêm chủng.

ThS.BS Nguyễn Công Cảnh, Trưởng Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện ĐKQT Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ Cảnh đã có gần 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nhi khoa, đặc biệt có rất nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực về Hô hấp, Tiêu hóa, Các bệnh truyền nhiễm trẻ em và Hồi sức cấp cứu nhi khoa nâng cao.

Sởi, quai bị và rubella là những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có thể dẫn tới nhiều biến chứng nghiêm trọng, đặc biệt là với trẻ sơ sinh và phụ nữ có thai. Tiêm vắc-xin MMR phòng sởi, quai bị, rubella là cách hiệu quả nhất để phòng ngừa bệnh.

1. Vì sao nên tiêm vắc-xin MMR?

  • Sởi: Biểu hiện phát ban, ho, chảy nước mũi, sưng mí mắt, sốt... Bệnh có thể dẫn đến nhiễm trùng tai, viêm phổi, động kinh, tổn thương não hay thậm chí tử vong. Nếu thai phụ mắc sởi đặc biệt là 3 tháng đầu thai kì thì nguy cơ dị dạng thai nhi là rất cao, ngoài ra còn có nguy cơ sảy thai, sinh non hoặc thai chết lưu.
  • Quai bị: Biểu hiện sốt, đau nhức cơ bắp, sưng đau vùng mang tai, đau đầu, sưng hạch, khó nhai, mất cảm giác ngon miệng... Biến chứng quai bị có thể dẫn tới điếc, viêm màng não, sưng đau tinh hoàn hoặc buồng trứng, có thể gây vô sinh. Mẹ mang thai mắc quai bị có nguy cơ cao thai nhi bị dị tật bẩm sinh, sinh non hoặc thai chết lưu.
  • Rubella (bệnh sởi Đức): Người bệnh có biểu hiện là phát ban toàn thân, viêm khớp và sốt nhẹ. Bị rubella khi mang thai thì có thể bị sảy thai hoặc sinh non. Mẹ mắc rubella trong giai đoạn đầu của thai kỳ thì trẻ sinh ra có thể mắc rubella bẩm sinh – chậm phát triển, dị tật bấm sinh (tổn thương ở mắt, xương, tim, hệ thần kinh...).
  • Sởi, quai bị và rubella đều là những căn bệnh dễ lây truyền qua đường hô hấp nhưng có thể phòng ngừa được bằng tiêm phòng vắc-xin. Vắc-xin MMR kết hợp giúp phòng cả 3 bệnh sởi, quai bị và rubella cho cả người lớn và trẻ em từ 12 tháng tuổi trở lên.

2. Vắc-xin MMR là gì?

Vắc-xin MMR 0.5 ml là vắc-xin sống, giảm độc lực. Vắc-xin được điều chế từ virus sởi chủng Edmonston, virus quai bị chủng Jeryl Lynn và virus rubella chủng Wistar RA 27/3 sống, giảm độc lực. Virus rubella được nuôi cấy trên nguyên bào sợi lưỡng bội ở phổi người (WI 38), còn virus sởi và quai bị được nuôi cấy trên tế bào phôi thai gà.

Vắc-xin được đông khô và có nước hồi chỉnh kèm theo. Sản phẩm có dạng viên đông khô màu trắng có ánh vàng. Vắc-xin MMR dùng để tiêm phòng tạo miễn dịch phòng cho cả 3 bệnh sởi, quai bị, rubella.

3. Chỉ định tiêm vắc-xin sởi quai bị rubella MMR như thế nào?

  • Chỉ định: cho khách hàng chưa được tiêm phòng sởi – quai bị - rubella hoặc không nhớ rõ tiền sử tiêm.
    • Trẻ ≥ 12 tháng tuổi: tiêm 2 liều 0.5 ml cách nhau 4 năm.
    • Người lớn: tiêm 1 liều 0.5ml duy nhất.
    • Khi có dịch sởi: tiêm MMR cho trẻ từ 9 tháng tuổi hoặc từ 6-12 tháng tuổi tiêm vắc-xin sởi đơn MVVAC hay MMR, 6 tháng sau nhắc lại MMR (khoảng 15 tháng tuổi) và 4 năm sau (4-6 tuổi) mũi 2 nhắc lại mũi 3 (tổng 3 liều).
    • Khi tiếp xúc với người bị bệnh nên tiêm vắc-xin càng sớm càng tốt, tốt nhất là trong vòng 72 giờ sau phơi nhiễm.
  • Vắc-xin MMR có thể được tiêm cùng với vắc-xin phòng viêm não Nhật Bản Imojev, DTP, TT, DT, Td, BCG và vắc-xin Polio, Haemophilus influenzae tuýp B, vắc-xin phòng sốt vàng, vắc-xin phòng viêm gan B.
Đang cho con bú có tiêm phòng thủy đậu được không?
Vắc-xin MMR được chỉ định tiêm cho từng đối tượng cụ thể

4. Cách dùng và liều dùng vắc-xin sởi quai bị rubella MMR

  • Vắc-xin MMR phải được pha với nước hồi chỉnh đi kèm (nước cất pha tiêm vô trùng), sử dụng bơm và kim tiêm vô trùng.
  • Chỉ sử dụng nước hồi chỉnh cung cấp kèm theo để pha vắc-xin MMR, không dùng nước hồi chỉnh của vắc-xin khác hoặc của vắc-xin phòng sởi, quai bị, rubella nhưng của nhà sản xuất khác. Việc sử dụng sai nước hồi chỉnh có thể làm hỏng vắc-xin hoặc gây ra nhiều phản ứng nghiêm trọng cho người được tiêm.
  • Tiêm một liều đơn 0,5ml theo đường tiêm dưới da hoặc tiêm bắp (thường chọn tiêm dưới da) ở mặt trước bên đùi đối với trẻ nhỏ và có thể tiêm dưới da vùng bắp tay đối với trẻ lớn hơn hoặc người lớn.

5. Một số phản ứng phụ khi tiêm vắc-xin sởi quai bị rubella MMR

  • Trong vòng 24 giờ sau tiêm, có thể có phản ứng phụ là đau nhức ở vùng tiêm. Có khoảng 5 – 15% người được tiêm cũng có thể bị sốt nhẹ kéo dài 1 – 2 ngày. Có khoảng 2% người tiêm bị phát ban đỏ dạng sởi, có thể lan tỏa 5 – 12 ngày sau tiêm. Hầu hết các trường hợp, các triệu chứng nói trên thường tự khỏi sau 2 – 3 ngày mà không cần can thiệp y tế.
  • Rất ít trường hợp tiêm vắc-xin MMR có phản ứng viêm tuyến nước bọt mang tai, buồn nôn, tiêu chảy, viêm mào tinh hoàn, viêm tinh hoàn, đau khớp, viêm khớp, viêm đa dây thần kinh, viêm não tủy cấp tính lan tỏa. Đôi khi, có trường hợp sau tiêm người bệnh bị sốt ở mức trung bình và viêm màng não vô khuẩn. Viêm não, bệnh não chiếm tỉ lệ 1/3 triệu liều vắc-xin MMR.
  • Thành phần vắc-xin rubella trong vắc-xin MMR có thể gây ra triệu chứng đau khớp và viêm khớp trong thời gian ngắn (tỉ lệ mắc ở phụ nữ: 12-20%, ở trẻ em: 0-3%). Các triệu chứng này thường kéo dài từ vài ngày tới vài tháng, hay gặp hơn ở phụ nữ.
  • Rất hiếm trường hợp sau tiêm vắc-xin MMR có phản ứng viêm hạch khu trú, giảm tiểu cầu, ban xuất huyết hay phản ứng phản vệ sau tiêm.

Lưu ý: Khách hàng có phản ứng sau tiêm vắc-xin nên nhanh chóng thông báo cho bác sĩ những tác dụng phụ không mong muốn gặp phải khi sử dụng vắc-xin.

Đo nhiệt độ ở nách khi trẻ bị sốt
Sốt nhẹ là phản ứng gặp ở khá nhiều người sau tiêm vắc-xin MMR

6. Vấn đề tương tác thuốc khi tiêm vắc-xin MMR

  • Không tiêm vắc-xin MMR trong vòng trong vòng 3 tháng kể từ khi sử dụng immunoglobulin hoặc sản phẩm khác có chứa immunoglobulins hay sau truyền máu hoặc huyết tương.
  • Không sử dụng immunoglobulin trong vòng 2 tuần sau khi tiêm vắc-xin.
  • Những người có phản ứng Tuberculin dương tính có thể chuyển thành âm tính sau khi được tiêm vắc-xin MMR.

7. Không tiêm vắc-xin MMR trong trường hợp nào?

  • Đối tượng không tiêm MMR:
    • Đã tiêm MMR theo lịch khuyến cáo.
    • Đã có kháng thể IgG của sởi, quai bị, rubella.
    • Đã mắc bệnh sởi, quai bị, rubella trước đây.
    • Suy giảm miễn dịch, AIDS, số lượng tiểu cầu thấp .
  • Đối tượng cần hoãn tiêm chủng vắc-xin phòng sởi - quai bị - rubella (MMR):
    • Dị ứng nặng với lòng đỏ trứng gà (do vắc-xin nuôi cấy trên phôi gà)
    • Người đang mang thai, có kế hoạch có thai thì phải tránh mang thai tốt nhất 3 tháng sau khi tiêm vắc-xin MMR (hoặc tối thiểu là 1 tháng sau tiêm).
    • Có tiền sử dị ứng với neomycin.
    • Đang có bệnh lý cấp tính (sốt hoặc viêm đường hô hấp....)
    • Bệnh lao đang tiến triển mà chưa được điều trị hoặc người đang điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch
    • Người đang xạ trị hay đang sử dụng corticosteroids liều cao ≥ 2mg/kg/ngày hoặc đã sử dụng Immunoglobulins chưa ngừng được 3 tháng.
    • Người có rối loạn về máu, bệnh bạch cầu hay u hạch bạch huyết; hoặc ở người có những khối u tân sinh ác tính ảnh hưởng tới tủy xương hoặc hệ bạch huyết.
    • Khách hàng vừa tiêm vắc-xin sống giảm độc lực trong thời gian chưa được 1 tháng.

8. Một số lưu ý sau khi tiêm vắc-xin phòng sởi quai bị rubella MMR

  • Sau khi tiêm vắc-xin MMR, khách hàng cần ở lại theo dõi tại khu vực theo dõi sau tiêm tối thiểu 30 phút để kịp thời xử trí nếu có hiện tượng phản vệ sau tiêm.
  • Khi về nhà, khách hàng hoặc gia đình cần tiếp tục theo dõi trẻ (nếu là trẻ em) trong vòng 24 -48 giờ đầu sau tiêm: tinh thần, ăn, ngủ, nhiệt độ cơ thể, nhịp thở, ban đỏ trên da...
  • Không chạm, đè vào chỗ tiêm, không chườm nóng, lạnh, đắp lá thuốc vào vị trí tiêm.
  • Trường hợp trẻ sốt sau tiêm vắc-xin, chúng ta nên làm một số việc sau:
    • Mặc thoáng mát cho trẻ, để không làm tăng thân nhiệt.
    • Uống thêm nước hoặc bú sữa nhiều hơn.
    • Có thể dùng thuốc hạ sốt để điều trị triệu chứng (nếu sốt trên 38,5 độ C) theo chỉ dẫn của bác sỹ. Có thể dùng paracetamol, Ibuprofen,... để hạ sốt.
  • Có một số trường hợp sốt sau tiêm không phải là do tiêm vắc-xin mà có thể sốt do một bệnh nào đó đang ủ bệnh trước khi tiêm vắc-xin rồi phát bệnh; nên hãy đến cơ sở y tế để kiểm tra để loại trừ sốt do bệnh lý trong một số trường hợp sau:
    • Sốt cao trên 38,5 độ C và không đáp ứng với thuốc hạ sốt.
    • Sốt kéo dài > 48 giờ hoặc trẻ sốt 1-2 ngày, hạ sốt sau đó lại sốt lại.
    • Sốt kèm theo một số triệu chứng khác: ho, hắt hơi, chảy nước mũi, ỉa lỏng, phát ban....
    • Trẻ bỏ ăn, thở nhanh, khó thở, tím tái ...hay kích thích, quấy khóc liên tục, co giật, li bì, hôn mê..
Nên theo dõi sau tiêm tối thiểu 30 phút
Nên theo dõi sau tiêm vắc-xin sởi quai bị rubella MMR tối thiểu 30 phút

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

38.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan