Vì sao bạch hầu nguy hiểm?

Hiện vẫn còn rất nhiều người chưa hiểu rõ về bệnh bạch hầu, vì vậy còn chủ quan trong việc phòng tránh bệnh. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng bùng phát dịch bạch hầu trong cộng đồng.

1. Bệnh bạch hầu là bệnh gì?

Vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae là nguyên nhân gây ra bệnh bạch hầu. Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính cùng diễn biến bệnh vô cùng phức tạp, nguy hiểm. Đặc biệt, bệnh lây lan rất nhanh và dễ bùng phát thành dịch.

Độc tố của vi khuẩn sẽ được sản sinh khi chúng xâm nhập vào cơ thể, gây nên hiện tượng ức chế sự sản sinh, thay mới tế bào ở khu vực nó đang sinh sống. Theo đó, tại các vị trí này, các tế bào sẽ chết dần và kết lại thành dạng giả mạc, bám dính vào lớp niêm mạc gần nhất. Các giả mạc này thường có màu trắng đục hoặc xám. Chúng khá dày và có độ bám chắc. Người mắc bệnh bạch hầu thường có cảm giác bất tiện khi ăn uống hoặc nói chuyện vì khu vực cổ họng bị sưng hoặc trướng lên bất thường.

2. Dấu hiệu nhận biết bệnh bạch hầu

Trong vòng 2-5 ngày sau khi bị nhiễm vi khuẩn, triệu chứng của bệnh bạch hầu thường sẽ xuất hiện. Một số người sẽ không xuất hiện triệu chứng nào, một số khác lại xuất hiện các triệu chứng bệnh tương tự với cảm lạnh thông thường.

Một trong những triệu chứng dễ nhận thấy và phổ biến của bệnh bạch hầu chính là ở họng và amidan hình thành mảng màu xám. Các dấu hiệu phổ biến khác, bao gồm:

  • Sốt
  • Ớn lạnh
  • Các tuyến ở cổ bị sưng
  • Ho nhiều
  • Sưng họng, viêm họng
  • Da trở nên xanh tái
  • Người bệnh bị chảy nước dãi
  • Thường có cảm giác lo lắng, sợ hãi
Đau họng viêm họng khàn giọng thanh quản khó thở hóc
Bệnh bạch hầu gây đau họng và ho nhiều hơn

Bên cạnh đó, người bệnh có thể gặp một số dấu hiệu khác khi bệnh tiến triển, bao gồm:

  • Khó nuốt
  • Khó thở
  • Thị lực thay đổi
  • Nói lắp
  • Sốc( da tái, lạnh, vã mồ hôi, tim đập nhanh)

3. Nguyên nhân gây bệnh bạch hầu

Tác nhân chính gây bệnh bạch hầu là vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae. Thông qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc với đồ vật có dính chất bài tiết của người nhiễm bệnh, vi khuẩn có thể lây lan từ người bệnh sang người lành. Ngay cả khi không biểu hiện bất cứ triệu chứng nào của bệnh hoặc khi đã hết triệu chứng của bệnh, người bệnh vẫn có khả năng lây bệnh cho người lành.

Mũi và họng là hai cơ quan bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi vi khuẩn bạch hầu. Vi khuẩn này sẽ giải phóng ra độc tố khi xâm nhập vào cơ thể, độc tố này sẽ xâm nhập vào dòng máu, gây ra các lớp màng dày, màu xám ở:

  • Họng
  • Mũi
  • Khí quản
  • Lưỡi

Trong một số trường hợp, các cơ quan khác trong cơ thể, bao gồm tim, não và thận có thể bị tổn thương do những độc tố do vi khuẩn tiết ra. Vì vậy, bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm đe dọa đến tính mạng người bệnh như suy thận, viêm cơ tim..

4. Bệnh bạch hầu có nguy hiểm không?

Bệnh bạch hầu là căn bệnh nguy hiểm bởi:

Bệnh bạch hầu có khả năng lây lan rất nhanh

Hiện nay, phần lớn người dân vẫn chưa hiểu rõ về căn bệnh bạch hầu, do đó công tác phòng tránh bệnh còn nhiều hạn chế. Bạch hầu được xem là căn bệnh nguy hiểm, thậm chí được xếp vào top những bệnh dễ lây lan nhất. Trẻ em dưới 5 tuổi và người già trên 60 tuổi là những đối tượng chính dễ bị lây.

Vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra bệnh bạch hầu
Vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae là tác nhân chính gây bệnh bạch hầu

Thông qua các hạt nước bọt hoặc dịch hô hấp của người bệnh, bạch hầu có thể lây lan một cách rất dễ dàng và nhanh chóng. Nếu tiếp xúc với đồ dùng cá nhân, hoặc tiếp xúc trực tiếp qua da với các chất dịch bài tiết của người bệnh, người bình thường cũng có khả năng lây nhiễm vi khuẩn cao. Thời gian ủ bệnh kéo dài từ 2 đến 5 ngày mới bắt đầu xuất hiện các triệu chứng phụ và hình thành giả mạc.

Không phải bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu nào cũng xuất hiện những triệu chứng điển hình của bệnh. Một người bị nhiễm bệnh bạch hầu trong khoảng thời gian 6 tuần có thể hoàn toàn không có bất cứ triệu chứng bệnh nào khác, vẫn có thể tiếp tục lây truyền bệnh sang người khác.

Như vậy, bạn có thể trở thành trung gian truyền bệnh ngay cả khi bạn không biết bệnh bạch hầu là gì và mình có mắc bệnh hay không.

Trên đây là các nguyên nhân khiến cho bệnh bạch hầu trở thành căn bệnh có khả năng lây lan nhanh và dễ bùng phát dịch trong cộng đồng.

Bệnh bạch hầu gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm

Ban đầu, bạch hầu chỉ gây ra cảm giác mệt mỏi, khó chịu cho người bệnh nhưng theo thời gian, bệnh sẽ trở nặng, khiến người bệnh trở nên xanh xao, nhịp tim không ổn định....Các cơ quan như thận,tim và hệ thần kinh trung ương cũng có thể bị tổn thương do sự tác động của vi khuẩn bạch hầu.

Viêm cơ timviêm dây thần kinh là hai biến chứng phổ biến nhất đối với bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu. Thậm chí có những bệnh nhân có thể bị liệt cơ hoành gây viêm phổi và suy hô hấp cấp.

Ngoải những biến chứng trên, thế giới đã ghi nhận thêm những biến chứng khác của bệnh bạch hầu, chẳng hạn như tắc nghẽn đường hô hấp, viêm kết mạc mắt...

Bệnh bạch hầu có thể gây tử vong

Bệnh bạch hầu có thể gây tử vong cho người bệnh. Thậm chí, chỉ trong vòng 6 đến 10 ngày, vi khuẩn bạch hầu có thể giết chết bệnh nhân, tùy theo cơ địa của từng người.

Tỷ lệ tử vong của bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu hiện nay ở mức từ 5 đến 10%.

Hôn mê
Bệnh bạch hầu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây tử vong

5. Phòng bệnh bạch hầu

Bạn nên cân nhắc tìm phương pháp phòng bệnh cho bản thân và gia đình sau khi tìm hiểu bạch hầu là bệnh gì cũng như sự nguy hiểm của nó. Hiện nay, tiêm vắc - xin chính là cách phòng bệnh bạch hầu tốt nhất.

Nhằm phục vụ cho nhiều đối tượng tiêm chủng khác nhau như trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người lớn, người già,...có rất nhiều loại vắc- xin bạch hầu đã được ra đời. Văc-xin bạch hầu thường được tích hợp dưới dạng vắc -xin 5in1 hoặc 6in1.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

368 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan