Viêm gan C lây truyền như thế nào?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa II Quách Nguyễn Thu Thủy - Bác sĩ Nhi - Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Viêm gan C là loại viêm gan virus thường gặp. Virus viêm gan C là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây viêm gan mãn tính, xơ gan và ung thư gan. Điều đáng nói là viêm gan C không biểu hiện triệu chứng rõ ràng, có đến 90% người bệnh không biết mình mắc bệnh. Vậy viêm gan C lây truyền thế nào vàlây qua đường nào?

1. Viêm gan C là gì?

Viêm gan C là bệnh lý về gan do virus viêm gan C (hepatitis C virus - HCV) gây ra. Virus viêm gan C có tính đa hình thái kiểu gen rất cao. Hiện y học đã xác định được 6 kiểu gen chính đánh số từ 1 đến 6. Kiểu gen HCV ở người bệnh tại Việt Nam chủ yếu là kiểu gen 1, tiếp theo lần lượt là kiểu gen 6, 2 và 3. Tùy thuộc vào kiểu gen virus mà các khuyến cáo điều trị sẽ khác nhau.

Virus viêm gan C là một trong ba loại virus gây viêm gan thường gặp, bên cạnh virus viêm gan Avirus viêm gan B.

  • Giai đoạn viêm gan C cấp tính, một số người bệnh có thể có những biểu hiện sau: Sốt nhẹ, buồn nôn hoặc nôn, mệt mỏi, chán ăn, ăn không ngon. Vàng da, nước tiểu đậm, phân nhạt màu. Đau bụng trên bên phải, đau khớp. Các triệu chứng thường xuất hiện sau 2 – 12 tuần nhiễm virus và kéo dài từ 2 tuần đến 3 tháng. Nếu virus không được loại bỏ, bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn mãn tính.
  • Đối với viêm gan C mãn tính, virus sẽ tồn tại trong cơ thể người bệnh âm thầm trong nhiều năm. Hầu hết người bị viêm gan C mãn tính không có bất kỳ triệu chứng nào hoặc chỉ có các triệu chứng chung chung như mệt mỏi mơ hồ kéo dài hoặc các rối loạn chức năng tiêu hóa. Người bệnh thường chỉ biết mình bị viêm gan mãn tính khi được sàng lọc để hiến máu hoặc xét nghiệm máu khi khám sức khỏe định kỳ, hoặc trước các thủ thuật/ phẫu thuật vì bệnh lý khác.

Vì lý do này, bệnh viêm gan C dễ dẫn bị bỏ sót. Khi tổn thương gan đủ nặng, người bệnh có thể có các biểu hiện suy chức năng tế bào gan như

  • Mệt mỏi, chán ăn, sụt cân, dễ bị chảy máu, bầm tím, ngứa da..
  • Tăng áp lực tĩnh mạch cửa như: Sưng phù chân, cổ trướng (báng bụng), chảy máu tiêu hóa (ói ra máu từ vỡ tĩnh mạch thực quản giãn, đi tiêu ra máu do trĩ biến chứng nặng...)
  • Lú lẫn, nói lắp, hôn mê do bệnh não gan hoặc phát hiện khối u ác tính ở gan (HCC: ung thư tế ban gan).

2. Viêm gan C lây truyền thế nào?

Viêm gan C là bệnh có khả năng lây truyền cao. Virus viêm gan C chủ yếu lây truyền qua đường máu với các hình thức sau:

  • Các hành vi có nguy cơ lây nhiễm cao bao gồm:
    • Sử dụng chung bơm kim tiêm: Khiến lan truyền virus viêm gan C và làm lây nhiễm nhiều căn bệnh khác nhau. Hành vi dùng chung bơm kim tiêm rất nguy hiểm, đã được biết đến từ lâu là nguyên nhân làm lan truyền các căn bệnh lây qua đường máu.
    • Sử dụng các dụng cụ xăm mình không đảm bảo an toàn: Các dụng cụ xăm mình không đảm bảo tiệt trùng gây nguy cơ lây nhiễm cao không chỉ virus viêm gan C mà còn cả nhiều mầm bệnh khác.
    • Truyền máu: Khi sàng lọc máu không chặt chẽ sẽ khiến máu nhiễm virus viêm gan C được truyền cho người khác.
    • Các dụng cụ y tế không vô khuẩn: Các dụng cụ y tế không được vô khuẩn đúng cách sẽ không chỉ khiến lây truyền virus viêm gan C mà còn cả nhiều mầm bệnh khác.
Truyền máu
Truyền máu không sàng lọc đảm bảo là một trong những nguyên nhân lây truyền viêm gan C
  • Các hành vi có nguy cơ lây nhiễm ở mức trung bình bao gồm:
    • Sử dụng chung các vật dụng cá nhân: Sử dụng chung các vật dụng cá nhân có khả năng dính máu (dao cạo râu, bàn chải đánh răng...) tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm virus viêm gan C, nếu trong những người sử dụng có người mang virus.
    • Không quan hệ tình dục an toàn: Dù không phổ biến, nhưng virus viêm gan C có thể lây nhiễm qua con đường quan hệ tình dục không an toàn, và dễ đồng lan truyền cùng các căn bệnh lây truyền qua đường tình dục khác, trong đó có HIV.
    • Mang thai và sinh nở: Nguy cơ lây truyền virus viêm gan C từ người mẹ sang đứa trẻ thấp, tuy nhiên nguy cơ này tăng lên nếu người mẹ cũng nhiễm HIV/AIDS.
    • Bị các tai nạn liên quan tới vật sắc nhọn trong cơ sở y tế: Nhân viên y tế là những người dễ bị lây nhiễm nhất trong tình huống này.

Quan hệ tình dục không an toàn có khả năng làm lây truyền virus viêm gan C, nhưng đây là con đường không phổ biến với loại virus này. Đối với những cặp đôi chung thủy, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ, nguy cơ lây truyền là vô cùng thấp. Tuy nhiên nếu có nhiều bạn tình thì nguy cơ lây truyền sẽ tăng lên, cùng với nguy cơ nhiễm các căn bệnh lây truyền qua đường tình dục khác.

Viêm gan C không lây truyền qua các hành động như:

  • Ho, hắt hơi.
  • Ôm, hôn hoặc những tiếp xúc cá nhân thông thường.
  • Cho con bú (trừ trường hợp núm vú của người mẹ chảy máu).
  • Dùng chung dụng cụ ăn uống, ăn chung đồ ăn thức uống.
  • Bị côn trùng cắn, đốt.

Hắt hơi
Bệnh viêm gan C không lây truyền qua các triệu chứng ho và hắt hơi

3. Ai có nguy cơ cao nhiễm virus viêm gan C?

Một số người có nguy cơ cao hơn nhiễm virus viêm gan C, bao gồm:

  • Những người đã từng tiêm chích ma túy.
  • Những người sinh ra trong khoảng thời gian giữa 1945 - 1965.
  • Những người đã được sử dụng yếu tố đông máu sản xuất trước năm 1987.
  • Những người đã được truyền máu hoặc ghép tạng trước năm 1992.
  • Những người đang phải thẩm phân máu.
  • Các nhân viên y tế.
  • Những người nhiễm HIV/AIDS.
  • Những người khi sinh ra có mẹ là người nhiễm viêm gan C.
  • Các tù nhân.
  • Những người xăm mình, đeo khuyên nhưng không đảm bảo tiệt trùng.

Hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh viêm gan C, tuy nhiên đã có thuốc chữa khá hiệu quả. Vì vậy các chuyên gia trong và ngoài nước đều khuyến cáo người dân nên tiêm đầy đủ vắc-xin viêm gan A và B vì đây là những virus có nhiều khả năng gây hại chức năng gan nhưng dự phòng được. Người đã mắc viêm gan C vẫn cần tiêm phòng viêm gan A và viêm gan B.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: webmd.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

781 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan