Virus rabies (bệnh dại) tấn công cơ thể thế nào?

Bệnh dại là một bệnh do vi - rút dại gây ra và có thể phòng ngừa được. Virus dại lây truyền qua vết cắn động vật bị dại vào hệ thống thần kinh trung ương của động vật có vú, cuối cùng gây ra bệnh ở não và tử vong. Điều trị hiệu quả ngay sau khi tiếp xúc với bệnh dại có thể ngăn ngừa sự xuất hiện của các triệu chứng và tử vong.

1. Bệnh dại là gì?

Bệnh dại là một bệnh do vi - rút gây ra, đa số gây tử vong sau khi xuất hiện các triệu chứng lâm sàng. Bệnh lây lan sang người từ nước bọt thông qua vết cắn hoặc vết trầy xước trên da.

Bệnh dại là một trong những bệnh nhiệt đới ít được chú ý. Bệnh chủ yếu ảnh hưởng đến các vùng nghèo khó và vùng nông thôn hẻo lánh. Vắc - xin và globulin miễn dịch phòng ngừa bệnh dại là sẵn có nhưng ít khi tiếp cận đến những người cần tiêm phòng. Trên toàn cầu, các trường hợp tử vong do bệnh dại hiếm khi được báo cáo, trẻ em trong độ tuổi từ 5 - 14 tuổi là nạn nhân thường xuyên của bệnh.

2. Vi - rút dại tấn công cơ thể như thế nào?

Vi - rút dại bắt đầu tấn công vào cơ thể người qua vết thương hở do động vật cắn hoặc vết cào cấu. Vi - rút sẽ nhanh chóng xâm nhập trực tiếp hoặc gián tiếp vào hệ thần kinh ngoại biên và di chuyển đến não. Một khi vi - rút đã vào hệ thần kinh tại não sẽ tiếp tục nhân lên và gây chứng viêm não cấp tính, sau đó là hôn mê và tử vong.

Thời gian ủ bệnh tức thời gian trước khi xuất hiện các triệu chứng bệnh kéo dài từ 3 - 12 tuần. Vết cắn càng gần não thì triệu chứng càng xuất hiện sớm hơn.

Bệnh dại thường được lây truyền sang người lành qua vết cắn của chó chiếm tỷ lệ cao nhất với 99% trường hợp. Các trường hợp lây truyền bệnh dại qua việc hít khí dung có chứa vi - rút hoặc thông qua cấy ghép các cơ quan bị nhiễm bệnh là rất hiếm. Việc lây truyền bệnh dại qua tiêu thụ thịt sống hoặc các mô có nguồn gốc động vật chưa được xác nhận.

3. Phòng ngừa

Tiêm phòng cho chó
Tiêm phòng cho chó làm giảm tỷ lệ tử vong do bệnh dại và điều trị dự phòng sau phơi nhiễm (PEP) như là một phần quan trọng trong chăm sóc bệnh nhân bị chó cắn

3.1 Loại bỏ bệnh dại ở chó

Bệnh dại là một bệnh có thể phòng ngừa bằng vắc-xin. Tiêm phòng cho chó là chiến lược hiệu quả nhất để phòng ngừa bệnh dại ở người. Tiêm phòng cho chó làm giảm tỷ lệ tử vong do bệnh dại và điều trị dự phòng sau phơi nhiễm (PEP) như là một phần quan trọng trong chăm sóc bệnh nhân bị chó cắn.

3.2 Nhận thức về bệnh dại và phòng chó cắn

Giáo dục về hành vi của chó và phòng chó cắn cho cả trẻ em và người lớn là một phần thiết yếu của chương trình tiêm phòng bệnh dại và có thể làm giảm cả tỷ lệ mắc bệnh dại ở người và gánh nặng tài chính khi điều trị vết cắn của chó. Nâng cao nhận thức về phòng ngừa và kiểm soát bệnh dại trong cộng đồng bao gồm giáo dục và thông tin về quyền sở hữu thú cưng, cách phòng ngừa chó cắn và các biện pháp chăm sóc ngay lập tức sau khi bị cắn.

3.3 Tiêm phòng ở người

Vắc-xin phòng bệnh dại ở người được sử dụng để chủng ngừa trước phơi nhiễm. Vắc - xin được khuyến nghị cho những người trong một số ngành nghề có nguy cơ cao như nhân viên phòng thí nghiệm tiếp xúc với vi - rút dại sống, vi - rút liên quan đến bệnh dại (lyssavirus); nhân viên kiểm soát dịch bệnh động vật và kiểm lâm động vật hoang dã mà các hoạt động nghề nghiệp hoặc cá nhân có tiếp xúc trực tiếp với dơi, động vật ăn thịt hoặc động vật có vú khác có nguy cơ cao bị nhiễm bệnh.

Tiêm phòng trước phơi nhiễm cũng được khuyến nghị cho khách du lịch đến những vùng bị ảnh hưởng của bệnh dại, những người dự định dành nhiều thời gian ngoài trời tham gia vào các hoạt động như thám hiểm hang động hoặc leo núi. Người nước ngoài và khách du lịch dài hạn đến các khu vực có nguy cơ phơi nhiễm bệnh dại cao nên được chủng ngừa nếu việc tiếp cận vắc - xin địa phương còn hạn chế. Cuối cùng, tiêm chủng cũng nên được xem xét cho trẻ em sống tại hoặc đến thăm các vùng sâu vùng xa. Vì khi trẻ chơi với động vật, chúng có thể bị cắn nặng hơn, hoặc có thể không báo lại vết cắn cho người lớn.

4. Triệu chứng

Thời gian ủ bệnh dại thường là 2 - 3 tháng nhưng có thể giao động từ 1 tuần đến 1 năm, tùy thuộc vào các yếu tố như vị trí xâm nhập và tải lượng của vi - rút. Các triệu chứng ban đầu của bệnh dại bao gồm sốt, đau và ngứa ran bất thường hoặc không giải thích được, cảm giác nóng rát (dị cảm) tại vị trí vết thương. Khi vi - rút lây lan sang hệ thống thần kinh trung ương có thể gây viêm não và tủy sống tiến triển dẫn đến tử vong.

Bệnh dại được phân làm 2 loại như sau:

  • Bệnh dại thể hung dữ (furious rabies): Những người mắc bệnh dại hung dữ biểu hiện sự hiếu động, hành vi dễ bị kích động, chứng sợ nước và đôi khi là chứng sợ khí (sợ nước bọt hoặc không khí trong lành). Tử vong xảy ra sau vài ngày do ngừng hô hấp - tuần hoàn.
  • Bệnh dại tê liệt (Paralytic rabies): Bệnh dại tê liệt chiếm khoảng 20% ​​tổng số ca mắc ở người. Loại bệnh dại này diễn ra ít kịch tính hơn và thường kéo dài hơn thể hung dữ. Cơ bắp dần dần bị tê liệt, bắt đầu từ vị trí vết cắn hoặc vết xước. Hôn mê từ từ và cuối cùng cái chết xảy ra. Dạng bệnh dại tê liệt thường bị chẩn đoán sai, làm việc báo cáo về bệnh dưới mức thực tế.
Chó cắn
Các triệu chứng ban đầu của bệnh dại bao gồm sốt, đau và ngứa ran bất thường hoặc không giải thích được, cảm giác nóng rát (dị cảm) tại vị trí vết thương

5. Chẩn đoán

Chẩn đoán bệnh dại có thể gặp nhiều khó khăn. Các công cụ chẩn đoán hiện tại không phù hợp để phát hiện thời điểm phơi nhiễm trước khi xuất hiện các dấu hiệu đặc hiệu bệnh dại như chứng sợ nước hoặc sợ độ cao. Bệnh dại ở người có thể được xác định qua xét nghiệm vi sinh và sau khi chết bằng các kỹ thuật chẩn đoán khác nhau giúp phát hiện toàn bộ vi - rút, kháng nguyên vi - rút hoặc axit nucleic trong các mô bị nhiễm bệnh (não, da, nước tiểu hoặc nước bọt).

6. Dự phòng sau phơi nhiễm (PEP)

Dự phòng sau phơi nhiễm (PEP) là phương pháp điều trị ngay lập tức cho nạn nhân bị động vật cắn có nghi ngờ tiếp xúc với vi - rút dại. Điều này giúp ngăn chặn vi - rút xâm nhập vào hệ thống thần kinh trung ương, dẫn đến cái chết sắp xảy ra. PEP bao gồm:

  • Rửa rộng và điều trị tại chỗ vết thương càng sớm càng tốt sau khi tiếp xúc
  • Một đợt tiêm vắc-xin bệnh dại mạnh và hiệu quả, đáp ứng các tiêu chuẩn của WHO
  • Sử dụng immunoglobulin bệnh dại (RIG), nếu có chỉ định.

Rửa vết thương rộng liên quan đến việc sơ cứu vết thương bao gồm rửa vết thương ngay lập tức và kỹ lưỡng trong tối thiểu 15 phút bằng xà phòng và nước, chất tẩy rửa, povidone iodine hoặc các chất diệt vi-rút dại khác.

7. Khi nào nên điều trị dự phòng bệnh dại?

Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của việc tiếp xúc với động vật bị nghi ngờ mắc bệnh dại, nên sử dụng PEP như sau (xem bảng):

Mức độ tiếp xúc với động vật nghi ngờ mắc bệnh dại Các biện pháp dự phòng sau phơi nhiễm
Loại I: Chạm vào hoặc cho con vật ăn, động vật liếm trên da nguyên vẹn (không tiếp xúc) Không cần tiêm phòng
Loại II: Vết cắn da, vết trầy xước nhỏ hoặc trầy xước mà không chảy máu (phơi nhiễm) Tiêm phòng ngay lập tức và điều trị tại chỗ vết thương
Loại III: Vết cắn hoặc vết trầy xước đơn hoặc nhiều vết xước, nhiễm bẩn màng nhầy hoặc da bị vỡ với nước bọt từ động vật, phơi nhiễm do tiếp xúc trực tiếp với dơi (tiếp xúc nghiêm trọng) Tiêm vắc-xin ngay lập tức và sử dụng immunoglobulin bệnh dại; điều trị vết thương tại chỗ

Tất cả các phơi nhiễm loại II và III được đánh giá là có nguy cơ phát triển bệnh dại và đều cần điều trị dự phòng phơi nhiễm PEP.

Nguy cơ này tăng lên nếu:

  • Đang có ổ dịch liên quan đến loài động vật cắn bạn
  • Phơi nhiễm xảy ra tại khu vực vẫn tồn tại bệnh dại
  • Con vật ốm yếu hoặc có hành vi bất thường
  • Vết thương hoặc vết trầy xước có dính nước bọt động vật
  • Vết cắn vô cớ từ con vật
  • Con vật chưa được tiêm phòng

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: cdc.gov, who.int

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

28.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan