Vắc-xin Vaxigrip 0.5ml (Pháp)

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Thi Diễm Thúy - Bác sĩ tư vấn vắc-xin - Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Vắc-xin Vaxigrip 0.5ml được sản xuất bởi hãng Sanofi của Pháp. Vaxigrip 0.5ml được tiêm chủng phòng ngừa bệnh cúm mùa cho trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên và người lớn.

1. Nguồn gốc

Vắc-xin Vaxigrip 0.5ml được cấp số đăng ký QLVX-0646-13 bởi Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế. Vaxigrip 0.5ml được sản xuất bởi hãng Sanofi Pasteur (Pháp) - đơn vị có quy mô lớn nhất thế giới về các sản phẩm vắc-xin dành cho người.

2. Quy cách đóng gói

  • Hộp 1 bơm tiêm nạp sẵn 0,5 ml vắc-xin.
  • Hộp 20 bơm tiêm, mỗi bơm tiêm nạp sẵn 0,5 ml vắc-xin.

3. Dạng bào chế

  • Hỗn dịch tiêm được nạp sẵn trong bơm tiêm.
  • Sau khi lắc nhẹ Vaxigrip 0.5ml là một chất lỏng hơi trắng hoặc trắng đục.
Vaxigrip vacxin cúm
Vắc-xin Vaxigrip 0.5ml được sản xuất bởi hãng Sanofi của Pháp

4. Chỉ định

  • Vắc-xin Vaxigrip 0.5ml được chỉ định để phòng ngừa bệnh Cúm mùa do virus Cúm thuộc các chủng H1N1, H3N2 và B có trong thành phần của vắc-xin cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên và người lớn.
  • Vắc-xin Vaxigrip 0.5ml không bảo vệ cơ thể phòng bệnh đối với các chủng virus cúm khác. Nên dùng Vắc-xin Vaxigrip 0.5ml theo khuyến cáo chính thức.
  • Bệnh Cúm do nhiều týp virus gây nên và có thể lây truyền nhanh chóng, các chủng virus gây bệnh cúm có thể thay đổi hàng năm. Đó là lý do tại sao cần phải tiêm ngừa mỗi năm. Thời điểm dễ nhiễm bệnh Cúm nhất là những tháng lạnh nhất. Những người chưa tiêm ngừa lúc mùa thu thì đến mùa xuân vẫn có thể tiêm ngừa vì đến thời điểm đó vẫn còn có thể bị nhiễm bệnh cúm.
  • Bệnh Cúm ủ bệnh trong vài ngày, vì vậy nếu như đã nhiễm bệnh Cúm ngay trước hay ngay sau khi tiêm vắc-xin thì vẫn có thể phát bệnh.
  • Vắc-xin không bảo vệ cho người đã tiêm chủng phòng ngừa cảm lạnh, dù là các triệu chứng này tương tự như bệnh cúm.

5. Liều lượng và cách dùng

5.1 Liều dùng

Người lớn: 0,5 ml

Tré em:

  • Trẻ em từ 36 tháng tuổi trở lên: tiêm 0,5 ml.
  • Trẻ em từ 6 đến dưới 36 tháng tuổi: 0,25 ml. Dữ liệu lâm sàng còn hạn chế. Nếu cơ quan chức năng có quy định thì có thể dùng liều 0,5 ml.
  • Các trẻ dưới 2 tuổi trước đây chưa được tiêm ngừa cúm, phải tiêm liều thứ hai cách liều đầu tiên ít nhất là 4 tuần
  • Trẻ dưới 6 tháng tuổi: chưa xác định được độ an toàn và tính hiệu lực của Vaxigrip 0.5ml khi dùng ở trẻ dưới 6 tháng tuổi. Hiện không có dữ liệu.

5.2 Cách dùng

  • Tiêm bắp hay tiêm dưới da sâu.
  • Người lớn và trẻ từ 36 tháng tuổi trở lên: vị trí thích hợp để tiêm bắp là cơ Delta.
  • Trẻ từ 12 tháng tuổi đến dưới 36 tháng tuổi: vị trí thích hợp để tiêm bắp là mặt trước-bên của đùi (hay ở cơ Delta nếu khối cơ thích hợp để tiêm bắp).
  • Trẻ từ 6 tháng tuổi đến 11 tháng tuổi: vị trí thích hợp để tiêm bắp là mặt trước-bên của đùi.
Tiêm phòng vắc-xin Lao tại Vinmec
Trẻ em từ 36 tháng tuổi trở lên: tiêm Vaxigrip 0.5ml

6. Chống chỉ định

  • Quá mẫn cảm với các hoạt chất, với bất kỳ tá dược của thuốc hay với bất kỳ chất nào có thể có trong thành phần dù với một lượng rất nhỏ còn sót lại.
  • Phải hoãn việc tiêm vắc-xin khi bị bệnh có sốt vừa hay sốt cao hay bị bệnh cấp tính.

7. Cảnh báo và thận trọng đặc biệt

  • Như khi dùng các vắc-xin bằng đường tiêm khác, luôn phải chuẩn bị sẵn đầy đủ phương tiện điều trị nội khoa và theo dõi tình hình sức khỏe sau khi tiêm vắc-xin và để xử trí ngay khi người được tiêm bị sốc phản vệ sau khi tiêm vắc-xin.
  • Không được tiêm Vắc-xin Vaxigrip 0.5ml vào mạch máu trong bất kỳ trường hợp nào.
  • Như khi dùng các vắc-xin khác bằng đường tiêm bắp, phải tiêm một cách thận trọng ở người bị giảm tiểu cầu hay bị rối loạn chảy máu vì những người này có thể bị chảy máu khi tiêm bắp.
  • Ngất (bất tỉnh) có thể xảy ra do các phản ứng tâm lý với kim tiêm lúc trước tiêm hoặc sau tiêm. Cần có sẵn các quy trình để phòng ngừa thương tích do té ngã và xử trí phản ứng ngất.
  • Như các vắc-xin khác, tiêm chủng với Vắc-xin Vaxigrip 0.5ml không bảo vệ được 100% những người dễ bị tổn thương.
  • Đáp ứng miễn dịch ở trẻ bị suy giảm miễn dịch bẩm sinh hay mắc phải có thể không đầy đủ.

8. Tác dụng không mong muốn

Tác dụng phụ sau khi tiêm vắc xin cúm Vaxigrip 0,5ml bao gồm:

  • Thường gặp (tỷ lệ 1/10 người): đau đầu, mệt mỏi, khó chịu, đau cơ, đau khớp, quấy khóc, cáu kỉnh, buồn ngủ, tiêu chảy, sốt, run rẩy, chán ăn, chóng mặt, tăng đổ mồ hôi; đau, sưng, đỏ, cứng, ngứa chỗ tiêm.
  • Không thường gặp (tỷ lệ 1/100 người): sưng hạch cổ, nách, bẹn; nôn, mày đay, triệu chứng giống cúm; xuất huyết, nóng chỗ tiêm.
  • Hiếm gặp (tỷ lệ 1/1000 người): Cảm giác tê hay như kiến bò (dị cảm), giảm cảm nhận xúc giác, cảm giác tê hay đau yếu cánh tay, đau dọc đường đi của dây thần kinh.
  • Các tác dụng không mong muốn khác không rõ tần suất và chưa chứng minh được liên quan đến việc tiêm vắc xin: co giật, viêm não tủy, viêm thần kinh, hội chứng Guillain – Barré, viêm mạch máu, giảm tiểu cầu...

9. Hạn sử dụng

Hạn dùng: 12 tháng kể từ ngày sản xuất. Xem ngày hết hạn sử dụng “EXP.” trên bao bì. Không được dùng vắc-xin sau ngày hết hạn sử dụng được ghi rõ trên hộp và trên nhãn sau chữ "EXP"

Thận trọng đặc biệt khi bảo quản:

  • Để xa tầm tay và tầm nhìn của trẻ em.
  • Bảo quản trong tủ lạnh (từ +2°C đến +8°C).
  • Không được để đông băng.
  • Đặt bơm tiêm chứa vắc-xin trong hộp giấy để tránh ánh sáng.

Nguồn tham khảo: Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

41.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan