Bị khô khớp gối nên ăn gì để tăng tiết dịch khớp?

Khô khớp gối là bệnh lý phổ biến ở những người ít vận động, thường xuyên ngồi lâu và người trên 65 tuổi do cơ thể lão hóa. Bệnh thể hiện cho tình trạng giảm hoặc ngừng hoạt động sản sinh dịch nhầy bôi trơn ở khớp gối. Để khắc phục tình trạng này ngoài việc tuân thủ phác đồ điều trị, người bệnh còn cần một chế độ dinh dưỡng phù hợp. Vậy bệnh khô khớp gối nên ăn gì?

1. Khô khớp gối nên ăn gì?

Khô khớp gối là bệnh lý phổ biến ở những người ngồi lâu ít vận động và người trên 65 tuổi do quá trình lão hóa của cơ thể. Khô khớp gối biểu hiện cho tình trạng giảm hoặc ngừng hoạt động sản sinh dịch nhầy bôi trơn ở khớp gối. Điều này khiến cho khớp bị khô cứng, yếu và mất ổn định, khi di chuyển thường phát ra tiếng kêu.

Ngoài ra, khô khớp gối còn khiến bệnh nhân thường xuyên đau nhức, giảm chức năng vận động và khả năng chịu lực của đầu gối. Đối với trường hợp nặng bệnh nhân cần phải sử dụng thuốc để điều trị. Trường hợp nhẹ cần điều trị lâu dài kèm theo các bài tập cũng như chế độ ăn uống lành mạnh. Vậy bị khô khớp gối nên ăn gì?

Một số thực phẩm dưới đây được các bác sĩ khuyến khích sử dụng và phù hợp với bệnh nhân bị khô khớp gối. Các thực phẩm này có thể giúp tăng tiết dịch khớp bao gồm:

1.1 Nhóm thực phẩm giàu acid béo

Trong quá trình điều trị khô khớp gối, bệnh nhân cần tăng cường bổ sung các loại hạt, cá giàu acid béo omega-3. Bởi vì omega-3 được nghiên cứu cho thấy có tác dụng tạo độ ẩm, kích thích quá trình tiết dịch nhầy ở khớp và giữ sự trơn tru. Từ đó hỗ trợ phòng ngừa và điều trị tốt bệnh khô khớp bao gồm cả khô khớp gối.

Ngoài ra, acid béo omega-3 còn có tác dụng hỗ trợ bảo vệ hệ xương, chống lại quá trình lão hóa cơ thể, giảm đau nhức xương khớp, trị viêm và tăng tốc độ phục hồi tổn thương đặc biệt là hệ thần kinh.

Các loại thực phẩm có chứa nhiều omega-3 bao gồm:

  • Cá cơm
  • Cá thu
  • Cá hồi
  • Cá trích
  • Dầu gan cá
  • Trứng cá muối
  • Hạt lanh
  • Hạt chia
  • Quả óc chó
  • Hạnh nhân
  • Hàu
Khô khớp gối nên ăn gì trong đó có thực phẩm giàu acid béo cần được bổ sung
Khô khớp gối nên ăn gì trong đó có thực phẩm giàu acid béo cần được bổ sung

1.2 Sữa và các chế phẩm của sữa

Sữa là loại thực phẩm có khả năng bổ sung nguồn canxi dồi dài rất cần thiết cho quá trình chữa lành tổn thương xương khớp, duy trì hệ xương khỏe mạnh và chống lão hóa. Bên cạnh đó, việc bổ sung canxi từ sữa còn giúp cho bệnh nhân duy trì mật độ xương và phòng ngừa và phòng ngừa loãng xương.

Ngoài ra, trong sữa và các chế phẩm của sữa còn chứa nhiều vitamin D, protein,... Đây đều là những thành phần tốt cho hệ xương khớp, giúp thúc đẩy quá trình chữa lành tổn thương, cung cấp năng lượng và tăng khả năng hấp thu canxi cho người bệnh. Mỗi ngày người bệnh bị khô khớp gối nên uống 200-400ml sữa hoặc ăn 2 hộp sữa chua hay 10-20 gram phô mai.

1.3 Cà chua

Người bệnh bị khô khớp nên thường xuyên thêm cà chua vào quá trình chế biến món ăn mỗi ngày. Bởi vì bên trong cà chua có chứa một hàm lượng lớn vitamin C và lycopene. Vitamin C có tác dụng tăng cường sức đề kháng và miễn dịch, chống nhiễm khuẩn, chống viêm, giảm đau và tăng khả năng chữa lành tổn thương bao gồm cả tổn thương mô mềm, xương khớp và dây thần kinh.

Trong khi đó, lycopene là một trong những chất chống oxy hóa cực mạnh. Lycopene có chức năng bảo vệ cơ thể khỏi sự tác động tiêu cực của gốc tự do, đẩy lùi quá trình lão hóa xương khớp ở người cao tuổi. Đồng thời, duy trì sự liên kết giữa sụn, dây chằng và xương dưới sụn, hỗ trợ phục hồi chức năng tiết dịch bôi trơn xương khớp.

Ngoài ra, cà chua còn chứa vitamin K, collagen và canxi, đây là những thành phần có lợi cho xương khớp, giúp đẩy nhanh quá trình phục hồi tổn thương và hỗ trợ tiết dịch.

1.4 Ngũ cốc và các loại hạt

Để cải thiện khô khớp gối và những triệu chứng đi kèm được hiệu quả thì bệnh nhân nên ăn nhiều ngũ cốc và các loại hạt. Trong ngũ cốc và các loại hạt chứa những thành phần có lợi, giúp nuôi dưỡng hệ xương, kích thích tiết dịch ở khớp gối và tăng khả năng phục hồi tổn thương như canxi, vitamin, chất đạm, magie, acid béo omega-3.

Ngoài ra trong các thực phẩm này còn có chứa các chất chống oxy hóa, sắt giúp tạo hồng cầu, ngăn ngừa quá trình thiếu máu khiến tổn thương khó phục hồi. Chất chống oxy hóa giúp làm chậm quá trình lão hóa của xương, khớp, dây chằng, cơ, dây thần kinh và các mạch máu.

1.5 Rau xanh

Rau xanh là một loại thực phẩm chứa nhiều vi chất dinh dưỡng như vitamin C, vitamin K, vitamin A, canxi, collagen và chất chống oxy hóa. Những thành phần trên giúp ngăn ngừa thoái hóa tiến triển, làm dịu cơn đau, thúc đẩy chữa lành tổn thương và tăng tiết dịch khớp giúp cho hệ xương chắc khỏe.

Một số loại rau như rau mồng tơi, rau đay, đậu bắp, quả đậu nhớt chứa nhiều dịch nhờn tự nhiên. Điều này sẽ giúp phòng ngừa và điều trị khô khớp gối, người bệnh nhanh chóng phục hồi chức năng vận động.

1.6 Trà xanh

Trong trà xanh có chứa một hàm lượng lớn flavonoid, là một chất chống oxy hóa mạnh có tác dụng làm chậm quá trình lão hóa, ngăn ngừa tổn thương do gốc tự do. Ngoài ra, flavonoid còn giúp chống viêm giảm đau hiệu quả.

Vì vậy, người bệnh bị khô khớp gối nên uống nước trà xanh mỗi ngày 1 lần có thể giúp hồi phục tổn thương do chấn thương hay thoái hóa, giảm đau nhức và tăng cường hiệu quả điều trị.

bị khô khớp gối nên ăn gì
Người bị khô khớp gối nên ăn gì có thể tham khảo trà xanh với những tác dụng tuyệt vời

1.7 Các loại trái cây

Trái cây có chứa nhiều vitamin C đặc biệt là họ bưởi, cam, quýt, ổi, đu đủ,... và chất xơ cũng như chất chống oxy hóa. Người bệnh bị khô khớp gối tăng cường trái cây vào chế độ ăn hàng ngày sẽ giúp tăng sức đề kháng, cải thiện hệ miễn dịch và sức khỏe. Đồng thời chữa lành tổn thương, giảm đau, chống viêm hiệu quả.

Bên cạnh đó, trong các loại quả mọng nước không chỉ giàu canxi mà còn chứa nhiều chất chống oxy hóa khác, góp phần thúc đẩy tốc độ điều trị, giảm đau và ngăn ngừa tổn thương thoái hóa khớp tiến triển.

1.8 Hải sản

Các loại hải sản như tôm, cua, cá biển, ốc, hàu,... có chứa hàm lượng canxi dồi dào và nhiều omega-3, magie, kẽm và kali. Đây chính là những thành phần dinh dưỡng tham gia vào quá trình giảm đau chống viêm, cải thiện khả năng tiết dịch khớp giúp cho bệnh nhân vận động linh hoạt và tăng khả năng chịu đựng.

1.9 Khoai lang

Trong khoai lang không chỉ có chứa nhiều chất xơ mà còn giàu kali, magie có tác dụng tăng khả năng chống viêm, tăng mật độ khoáng xương đồng thời xây dựng các tế bào xương mới.

Kali có tác dụng kích thích sự phát triển của hệ thần kinh cơ bắp, tăng cường sức mạnh và giảm tổn thương dây thần kinh. Bên cạnh đó, kali còn có tác dụng ổn định nhịp tim, điều hòa huyết áp và giảm nguy cơ đột quỵ. Do vậy, khoai lang là thực phẩm rất tốt cho người cao tuổi và những người trẻ có xương khớp yếu.

1.10 Dầu oliu

Dầu oliu thường được dùng trong chế biến thực phẩm làm dầu trộn salad. Dầu oliu có chứa các acid béo lành mạnh có tác dụng chống viêm, giảm đau, duy trì mật độ xương cũng như làm chậm quá trình mất xương. Từ đó ngăn ngừa tổn thương ổ khớp và chống loãng xương. Ngoài ra, dầu oliu có chứa acid béo có tác dụng cải thiện các bệnh ngoài da, chống ung thư, chữa viêm khớp và giảm nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp.

1.11 Quả bơ

Quả bơ là một trong những loại thực phẩm bổ dưỡng chứa nhiều vitamin K, vitamin C, vitamin E, vitamin B5, vitamin b6, kali và folate. Những thành phần này tham gia vào quá trình chống viêm, giảm đau, tăng tốc độ tái tạo của tế bào rất tốt cho sức khỏe tổng thể và hệ xương khớp.

Ngoài ra, quả bơ có chứa nhiều chất xơ, giúp bệnh nhân giảm lượng đường trong máu, giảm cân và duy trì cân nặng ở mức an toàn. Điều này sẽ làm giảm áp lực và tổn thương khớp gối.

bệnh khô khớp gối nên ăn gì
Quả bơ là đáp án cho câu hỏi bệnh khô khớp gối nên ăn gì của nhiều bệnh nhân

2. Khô khớp gối không nên ăn gì?

Bệnh nhân bị khô khớp gối cần hạn chế các loại thực phẩm không tốt cho xương khớp như:

  • Nội tạng động vật

Đây là thực phẩm làm cản trở quá trình hấp thu, vận chuyển canxi và kích thích phản ứng viêm. Điều này làm nặng thêm tình trạng lão hóa khớp, khiến cho khớp trở nên khô hơn.

  • Thức ăn chứa nhiều dầu mỡ

Thực phẩm này làm tăng mức độ viêm sưng của khớp gối cản trở quá trình chữa lành tổn thương, gây đau nhức và làm tăng tốc độ thoái hóa khớp. Do đó, tình trạng khô khớp và những triệu chứng ở đầu khớp gối trở nên nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, thức ăn có chứa nhiều dầu mỡ sẽ gây thừa cân béo phì, làm tăng thêm áp lực cho khớp gối khiến khớp dễ bị tổn thương và khô khớp hơn.

  • Thức ăn chứa nhiều muối như cà muối, dưa muối, cá khô,...

Bởi vì thức ăn chứa nhiều muối có thể làm tăng tốc độ thoái hóa cơ xương khớp và sự lão hóa của cơ thể. Từ đó làm giảm quá trình tiết dịch khớp bôi trơn, suy yếu và dễ bị tổn thương.

  • Thực phẩm chứa nhiều đường như kẹo, bánh, trà sữa,...
  • Chất kích thích và đồ uống có cồn

Những thành phần này có khả năng làm giảm lượng oxy tới khớp, tăng tốc độ tiêu hủy xương và khiến cho quá trình lão hóa của cơ thể diễn ra nhanh hơn. Ngoài ra, các chất kích thích và đồ uống có cồn còn cản trở quá trình tái tạo xương gây khô khớp, tăng đau nhức và sưng viêm khớp trở nên nghiêm trọng hơn.

Tóm lại, khô khớp gối là bệnh lý phổ biến ở những người ít vận động, thường xuyên ngồi lâu và người trên 65 tuổi do cơ thể lão hóa. Bệnh thể hiện cho tình trạng giảm hoặc ngừng hoạt động sản sinh dịch nhầy bôi trơn ở khớp gối. Vì vậy, ngoài việc tuân thủ phác đồ điều trị, người bệnh còn cần một chế độ dinh dưỡng phù hợp nhằm giúp tăng hiệu quả cho quá trình điều trị.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

107K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan