Chỉ định khâu sụn viền vai
Rách sụn viền khớp vai là một tổn thương hay gặp phải trong đời sống nhưng lại rất dễ bị người bệnh bỏ qua. Việc mặc kệ triệu chứng đau khớp vai và tiếp tục vận động sẽ khiến khớp vai của bệnh nhân bị tổn thương nghiêm trọng hơn. Vậy khâu sụn viền vai được chỉ định khi nào?
1. Sụn viền khớp vai là gì?
Sụn viền khớp vai hình dạng giống chữ C, cấu tạo từ cấu trúc gọi là sụn sợi và được gắn vào phần viền ổ chảo của xương vai. Sụn viền khớp vai có nhiệm vụ làm sâu và rộng thêm phần khớp ổ chảo cánh tay, đồng thời giữ cho chỏm xương cánh tay luôn tiếp xúc với ổ chảo trong các động tác của khớp vai. Sụn viền khớp vai còn là điểm bám của đầu dài gân nhị đầu, là một tổ chức vững chắc giúp chỏm xương cánh tay cử động với biên độ linh hoạt mà không bị trật khớp ra ngoài.
2. Rách sụn viền khớp vai
Sụn viền khớp vai có thể bị bong tách ra khỏi phần bờ ổ chảo xương vai do nguyên nhân chấn thương, khi đó tổn thương kèm theo thường trật hoặc bán trật khớp vai.
Rách sụn viền khớp vai xảy ra thường do người bệnh bị ngã đập vai khi cánh tay duỗi hoặc thường lặp lại động tác đưa tay lên cao. Tổn thương sụn viền vai phổ biến nhất là rách phần trước của sụn viền kèm theo tổn thương trật và mất vững khớp vai, tiếp sau đó là tình trạng rách phần trên sụn viền theo hướng từ trước ra sau.
Rách sụn viền đa phần là do chấn thương gồm: chấn thương thể thao, tai nạn hoặc do tính chất công việc lặp đi lặp lại một động tác của khớp vai trong thời gian dài.
Phân loại rách sụn viền vai dựa trên vị trí rách:
- Rách sụn viền vai trước – dưới;
- Rách sụn viền khớp vai trên theo hướng từ trước ra sau;
- Rách sụn viền vai sau.
3. Triệu chứng rách sụn viền khớp vai
Rách sụn viền khớp vai có thể được nhận biết thông qua một số triệu chứng sau:
- Đau sâu trong khớp;
- Mất vững khớp vai;
- Giảm tầm vận động của khớp vai;
- Cứng khớp vai;
- Cảm giác khi vận động vai không được mềm mại;
- Cảm giác như bị kẹt khớp.
Tổn thương rách sụn viền khớp vai khiến người bệnh gặp khó khăn trong các hoạt động sinh hoạt hàng ngày, đặc biệt khi thực hiện động tác đưa tay lên cao. Bệnh nhân bị tổn thương phần sụn viền vai phía trước đôi khi có triệu chứng của tình trạng bán trật khớp khi phần chỏm muốn bật ra khỏi ổ chảo.
4. Xác định bệnh nhân bị rách sụn viền khớp vai
Các tổn thương sụn viền vai thường là kết quả của tình trạng trật khớp vai, bác sĩ sẽ thực hiện các bài kiểm tra để xác định bệnh nhân có bị mất vững khớp vai hay không, sau đó chỉ định chụp X Quang và MRI để xác định chẩn đoán. Một số trường hợp tổn thương chỉ cần chụp MRI không tiêm thuốc là đủ để chẩn đoán, tuy nhiên một số tổn thương lại cần tiêm thuốc vào khớp vai để bộc lộ rõ tổn thương khi chụp MRI.
5. Chỉ định khâu sụn viền vai khi nào?
Phương pháp điều trị rách sụn viền khớp vai tùy thuộc vào các đặc điểm như mức độ rách, khả năng đáp ứng điều trị của bệnh nhân. Bao gồm phương pháp điều trị nội khoa bằng thuốc kết hợp với các bài tập phục hồi chức năng hoặc chỉ định phẫu thuật can thiệp ngoại khoa.
- Điều trị nội khoa: dùng thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) kết hợp với chế độ nghỉ ngơi khớp và tập phục hồi chức năng;
- Chỉ định phẫu thuật: khi phương pháp điều trị nội khoa không mang lại hiệu quả, rách sụn viền vai nặng, mất vững khớp vai... bác sĩ sẽ chỉ định nội soi khâu sụn viền vai hoặc cắt sửa sụn viền. Sau phẫu thuật, bệnh nhân cần tập phục hồi chức năng lấy lại sức mạnh cho khớp vai, giúp các cơ không bị teo lại.
Các phương pháp phẫu thuật khâu viền vai gồm:
- Phẫu thuật nội soi cắt sửa sụn viền: Chỉ định trong tổn thương sụn viền vai mà không rách tại vị trí bám của gân nhị đầu;
- Phẫu thuật nội soi khâu sụn viền vai: áp dụng trong hầu hết trường hợp rách sụn viền khớp vai gây mất vững khớp vai.
Sau phẫu thuật cần 4 tháng để người bệnh có thể quay lại chơi thể thao và phải 6 tháng để chức năng khớp vai phục hồi hoàn toàn.
Phẫu thuật khâu sụn viền vai có ưu điểm là ít xâm lấn, bác sĩ phẫu thuật có thể dễ dàng quan sát tổn thương, sau đó có biện pháp xử trí triệt để để đạt kết quả tốt nhất, có tính thẩm mỹ cao nhất cho bệnh nhân.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.