Chỉ định phẫu thuật thay khớp ngón tay
Bàn tay hay các khớp ở ngón tay là bộ phận rất quan trọng của cơ thể, giúp cầm nắm dễ dàng trong sinh hoạt thường ngày. Viêm khớp ở bàn tay có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Điều trị vào giai đoạn muộn buộc người bệnh phải phẫu thuật thay khớp ngón tay, bàn tay.
1. Nguyên nhân gây đau khớp ngón tay và bàn tay
Viêm khớp thoái hoá hay thoái hóa khớp là tình trạng khớp bị hao mòn và lão hoá, diễn biến chậm và liên tục qua nhiều năm. Sụn khớp có thể bị tổn thương do nhiều nguyên nhân khác nhau như chấn thương, bong gân hay gãy xương. Bất kỳ lúc nào chấn thương cũng có thể làm tổn thương đến các khớp ngón tay hoặc thay đổi hoạt động khớp, thậm chí khi chấn thương đó không tác động trực tiếp lên các sụn khớp ngón tay.
Trong trường hợp xương bị gãy, quá trình hồi phục của xương khác với ban đầu sẽ ảnh hưởng đến sự sắp xếp của các khớp ngón tay còn lại, làm biến dạng bàn tay. Hơn nữa khi chấn thương, khớp bị thay đổi cách sắp xếp và chuyển động, lực có thể đè lên sụn bất cứ lúc nào. Sau một thời gian, sự mất cân bằng ở khớp sẽ dẫn đến hư tổn và phá huỷ sụn khớp. Sụn khớp không thể tự phục hồi nên tổn thương sẽ càng nặng thêm. Để lâu dần, tổn thương nặng ở khớp làm bắt đầu xuất hiện triệu chứng đau khớp bàn tay, viêm khớp dạng thấp...
2. Biểu hiện của đau khớp bàn tay
Đau khớp ngón tay hay đau khớp bàn tay chính là biểu hiện đầu tiên của viêm khớp dạng thấp. Ban đầu, đau chỉ xuất hiện khi bạn bắt đầu hoạt động, nhưng cử động một lát sẽ giảm bớt dần. Tuy nhiên, khi nghỉ ngơi thì cơn đau lại tăng lên, các khớp tay cứng lại. Về lâu dài thì cơn đau sẽ xuất hiện cả khi bạn đang nghỉ ngơi lẫn hoạt động, các khớp ở tay sẽ sưng tấy lên.
Nếu tình trạng viêm khớp dạng thấp không được chữa trị kịp thời thì ngón tay thường sẽ biến dạng, co quắp. Các khớp ở bàn tay sẽ hướng về một phía, hay còn gọi là lệch về phía xương trụ. Tình trạng này khiến tay yếu và tạo cảm giác đau khớp ngón tay, người bệnh bị đau nhức và không thể cử động như bình thường, gặp khó khăn trong việc cầm, nắm.
Bệnh viêm khớp dạng thấp hay thoái hóa khớp đều ảnh hưởng trực tiếp đến khớp liên đốt ngón tay. Khớp liên đốt sẽ biến dạng theo kiểu đặc trưng khi bạn co hay duỗi quá mức. Ví dụ, các khớp liên đốt gần bị lỏng hay duỗi quá mức, trong khi khớp liên đốt xa lại bị gập lại thì “biến dạng cổ thiên nga” sẽ xuất hiện.
Cả hai bệnh viêm khớp đều có chung một điểm là mặt sau của khớp liên đốt gần bị to ra, khiến cho những vùng này có cảm giác sưng và đau nhức. Nốt Bouchard là kết quả của việc các khớp liên đốt gần sưng to, trong khi nốt Heberden là do tình trạng sưng to ở khớp liên đốt xa.
3. Phẫu thuật thay khớp ngón tay, bàn tay
Dựa vào bệnh sử từng xảy ra chấn thương, thăm khám bàn tay và cử động các khớp bị ảnh hưởng, cũng như phim chụp X-quang,... bác sĩ có thể xác định mức độ thoái hóa khớp, ước lượng sụn khớp hiện tại để có hướng chỉ định điều trị bảo tồn bằng thuốc hay phải can thiệp phẫu thuật.
3.1. Hàn xương
Hàn xương giúp cho các xương tạo thành khớp phát triển về phía nhau hoặc kết hợp với nhau để tạo thành một khối xương đặc biệt, nhằm mục đích loại bỏ cơn đau. Đây là phương pháp đã và đang rất phổ biến để điều trị đau và biến dạng khớp do viêm. Cách này còn được ưa chuộng khi điều trị khớp liên đốt xa và khớp liên đốt gần bởi hiệu quả mang lại khá cao và an toàn hơn các kiểu phẫu thuật khác.
3.2. Thay khớp ngón tay nhân tạo
Y học phát triển cùng với những kỹ thuật tiên tiến đã giúp tạo hình thành công khớp nhân tạo cho ngón tay. Các bác sĩ có chuyên môn sẽ thay khớp ngón tay mới bằng nhựa hoặc kim loại vào chỗ bị viêm, đồng thời loại bỏ cái cũ. Khớp nhân tạo như một bản lề mới, khớp được chuyển động tự do và tình trạng đau được thuyên giảm.
Nếu tình trạng bệnh kéo dài có nguy cơ khiến phần mềm bị co rút và biến dạng. Thay khớp ngón tay không chỉ giúp phục hồi các khớp ngón tay bị trật hay hư hỏng mà còn cân bằng phần mềm quanh khớp, nhờ đó bạn có thể hoạt động ngón tay trở lại bình thường.
4. Phục hồi chức năng
Sau khi phẫu thuật thay khớp ngón tay 2 - 3 ngày, bệnh nhân sẽ được xuất viện với bàn tay được nâng đỡ bằng một miếng đệm và một nẹp ngón tay để cố định cho chắc chắn. Thông thường, sau 8 tuần theo các bài tập vật lý trị liệu hay các hoạt động trị liệu thì ngón tay sẽ dần bình phục và đã có thể co duỗi.
Thời gian đầu, tập trị liệu giúp bạn kiểm soát đau và sưng sau mổ. Sau khi hết sưng đau, bạn sẽ bắt đầu một vài bài tập để cơ có thêm sức mạnh và giữ vững cơ quanh khớp ngón tay. Bạn cũng cần tập cho các khớp của ngón tay co duỗi, thả, nắm,... dưới sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn để bình phục nhanh nhất. Ngoài ra còn có những bài tập khác hỗ trợ cải thiện kiểm soát vận động tinh và các chức năng của bàn tay. Người sau phẫu thuật cũng cần chú ý cẩn thận khi thực hiện các hoạt động thường ngày để tránh gây thêm sức ép lên khớp ngón tay.
Viêm khớp dạng thấp hay thoái hóa khớp ngón tay là những tình trạng khá phổ biến tại nước ta. Nếu bệnh nhân chủ quan, các khớp sẽ bị biến dạng nhiều ở giai đoạn muộn, đòi hỏi cần phẫu thuật để điều trị. Trong đó, thay thế bằng khớp nhân tạo được xem là giải pháp giúp cải thiện chức năng và thẩm mỹ cho bệnh nhân, phục hồi được khả năng lao động tốt.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.