Chữa đau khớp gối bằng lá lốt có hiệu quả không?

Chữa đau khớp gối bằng lá lốt là bài thuốc dân gian đang được nhiều người bệnh áp dụng. Để biết cách chữa đau khớp gối bằng lá lốt như thế nào, cần lưu ý những gì khi áp dụng, bệnh nhân hãy tham khảo thông tin trong bài viết sau đây.

1. Lá lốt có công dụng gì?

Lá lốt chữa đau khớp gối được không, chữa bệnh như thế nào? Đối với người bệnh, việc hiểu rõ công hiệu của loại thảo dược này là vô cùng quan trọng.

Lá lốt (còn gọi là cây rau lốt, lá lốp) là một loại cây thuộc họ hồ tiêu (Piperaceae). Cây lá lốt được trồng ở nhiều tỉnh thành tại miền Bắc nước ta. Trong đời sống hàng ngày, lá lốt thường được dùng làm rau gia vị hay làm thuốc.

Theo Đông y và Tây y, lá lốt là loại thực phẩm có nhiều công dụng đối với sức khỏe. Cụ thể, theo Đông y, lá lốt có mùi thơm, vị cay, tính ấm, khi đi vào cơ thể có tác dụng tán hàn, giảm đau, thúc đẩy tuần hoàn máu hiệu quả. Lá lốt không chỉ có công dụng điều trị đau nhức xương khớp mà còn hỗ trợ chữa trị nhiều bệnh lý khác như phong tê thấp, rối loạn tiêu hóa (đầy bụng, chướng bụng, đau bụng, tiêu chảy,...) và đổ mồ hôi tay chân. Ngoài lá lốt, thân cây lá lốt cũng được sử dụng làm thuốc trị bệnh.

Theo Tây y, trong cây lá lốt có một số chất như beta-caryophylen và benzyl axetat có tác dụng chống viêm và giảm đau. Hoạt chất flavonoid và alkaloid có nhiều trong tinh dầu lá lốt cũng giúp cải thiện tình trạng đau nhức xương khớp và đẩy lùi các cơn đau đầu gối hiệu quả. Lá lốt được sử dụng để chữa bệnh ngoài da, nhức đầu, thấp khớp, tiêu chảy và đau răng.

2. Cách chữa đau khớp gối bằng lá lốt

Đau khớp gối là tình trạng phổ biến hiện nay, gây ra những cơn đau dai dẳng khiến người bệnh khó chịu, vận động khó khăn, làm giảm chất lượng cuộc sống. Dùng lá lốt để chữa đau khớp gối là phương pháp đơn giản, an toàn và tiết kiệm chi phí nên được nhiều người bệnh ưu tiên áp dụng tại nhà. Các hoạt chất trong lá lốt có khả năng kháng viêm và giảm đau rất tốt, đồng thời bảo vệ hệ xương khớp khỏi các tác nhân gây hại, giúp giảm nhẹ triệu chứng khó chịu cho bệnh nhân.

Sau đây là một số bài thuốc được lưu truyền trong dân gian từ lá lốt chữa đau khớp gối mà người bệnh có thể tham khảo, áp dụng:

2.1. Ngâm chân bằng lá lốt

Cách thực hiện:

  • Chuẩn bị khoảng 30g lá lốt, rửa sạch lá, để ráo nước;
  • Cho phần lá lốt đã được rửa sạch vào nồi với khoảng 1 lít nước, đun sôi hỗn hợp trong khoảng 3 - 5 phút;
  • Cho một chút muối vào hỗn hợp, đợi một chút tới khi nước ấm thì đem ngâm chân và ngâm tay;
  • Thời gian ngâm: Ngâm từ khi nước còn ấm tới khi nước nguội;
  • Thời gian thực hiện: 1 lần/ngày, vào buổi tối trước khi đi ngủ.

Để đạt hiệu quả, người bệnh nên thực hiện liên tiếp cách chữa đau khớp gối bằng lá lốt trên trong khoảng 2 tuần. Lưu ý nên lựa chọn những lá già, thân rễ của cây để cho hiệu quả tốt hơn. Tuy nhiên, người bệnh sẽ cần đun nước lâu hơn để tận dụng hết các dưỡng chất có trong thuốc.

2.2. Ngâm rượu lá lốt

1 bài thuốc chữa đau khớp gối bằng lá lốt khác cũng được nhiều người tin tưởng áp dụng là ngâm lá lốt với rượu trắng. Bệnh nhân có thể dùng cả lá và thân, rễ của cây lá lốt để ngâm.

Cách thực hiện:

  • Đem khoảng 200g lá, thân và rễ của cây lá lốt rửa thật sạch, để ráo;
  • Cắt nhỏ các nguyên liệu, đem ngâm với 1,5 lít rượu trắng;
  • Thời gian ngâm: Khoảng 1 tháng;
  • Cách dùng: Sử dụng rượu đã ngâm để xoa bóp vùng khớp gối bị đau nhức. Nên thực hiện xoa bóp 2 - 3 lần/ngày để giảm đau.

2.3. Thuốc uống từ lá lốt

Bên cạnh các loại thuốc ngâm lá lốt có tác dụng từ bên ngoài, nhiều người còn sử dụng bài thuốc uống từ lá lốt để mang lại hiệu quả giảm đau xương khớp tối ưu từ bên trong cơ thể.

Cách thực hiện:

  • Chuẩn bị 5 - 10g lá lốt, đem phơi khô. Nếu không có thời gian phơi thuốc, bệnh nhân có thể lấy khoảng 30g lá lốt tươi, đem sắc uống;
  • Sắc thuốc: Lần 1 với 2 bát nước, đun tới khi cô đặc lại còn 1 bát nước. Lần 2 thực hiện tương tự;
  • Dùng thuốc: Thuốc sắc được chia làm 2 - 3 phần, uống trong ngày;
  • Thời gian uống thuốc: Để đạt được hiệu quả tốt nhất, bệnh nhân nên uống thuốc sau khi ăn tối, uống khi thuốc còn ấm. Người bệnh cần kiên trì thực hiện thì mới thu được hiệu quả. Thông thường, triệu chứng đau nhức khớp gối có thể thuyên giảm khi bệnh nhân sử dụng thuốc trong khoảng 14 ngày.

Bài thuốc 2: 30g lá lốt + 30g rễ cây bưởi bung + 30g rễ cây vòi voi + 30g rễ cây cỏ xước, thái mỏng, sao vàng. Sau đó, đem nguyên liệu sắc với 600ml nước, khi còn 200ml thì chia 3 lần uống trong ngày. Nên uống thuốc liên tục trong 7 ngày để thấy được hiệu quả giảm đau khớp gối.

2.4. Chườm nóng bằng lá lốt và muối biển

Cách thực hiện:

  • Chuẩn bị nguyên liệu gồm 25g lá lốt tươi và muối biển;
  • Rửa sạch lá lốt, ngâm với nước muối loãng để khử trùng, để ráo;
  • Cho lá lốt và một chút muối vào máy, xay nhuyễn rồi cho hỗn hợp vào nồi, đun sôi;
  • Khuấy đều tay để tránh bị cháy, đợi hỗn hợp nóng lên thì cho vào bình nước nóng;
  • Chườm nhẹ lên vùng khớp gối bị đau, thực hiện 2 - 3 lần để thu được hiệu quả tốt nhất. Bệnh nhân nên kiên trì thực hiện cách này hằng ngày cho tới khi cơn đau đầu gối giảm hẳn.

3. Lưu ý khi áp dụng các bài thuốc chữa đau khớp gối bằng lá lốt

Những bài thuốc trị đau khớp gối bằng lá lốt nói riêng, các bài thuốc dân gian nói chung đều có một số ưu điểm như: Đơn giản, dễ thực hiện, chi phí thấp. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả điều trị thì người bệnh cần áp dụng đúng cách và kiên trì thực hiện. Thông thường, phương pháp này sẽ cho hiệu quả đối với những trường hợp bệnh nhẹ, mới mắc.

Bên cạnh đó, khi muốn sử dụng bất kỳ loại dược liệu nào, người bệnh cũng cần cân nhắc tới liều lượng và cách dùng. Với những trường hợp đang sử dụng các phương pháp điều trị đau khớp gối khác, việc áp dụng các bài thuốc dân gian có thể gây ra tương tác với thuốc và ảnh hưởng tới kết quả điều trị. Do vậy, trước khi áp dụng phương pháp này, người bệnh cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.

Bên cạnh đó, các bài thuốc truyền miệng dân gian hiện vẫn chưa được nghiệm chứng khoa học là có thể mang lại hiệu quả đối với mọi trường hợp sử dụng. Trên thực tế, nó chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị giảm triệu chứng chứ không loại bỏ được căn nguyên gây đau khớp gối. Vì vậy, hiệu quả thường chỉ mang tính chất tạm thời.

Khi sử dụng các bài thuốc chữa đau khớp gối bằng lá lốt, người bệnh nên lưu ý:

  • Không lạm dụng: Chỉ nên sử dụng 50 - 100g lá lốt mỗi lần, dùng với lượng vừa phải. Việc sử dụng lá lốt quá nhiều có thể không đạt được hiệu quả như mong muốn, thậm chí gây ra một số phản ứng phụ như mệt mỏi;
  • Bệnh nhân nhiệt miệng, táo bón hoặc nóng trong người,... không nên sử dụng lá lốt;
  • Phụ nữ đang cho con bú nếu sử dụng lá lốt có thể bị mất sữa;
  • Trong trường hợp sử dụng lá lốt chữa đau khớp gối nhưng triệu chứng bệnh vẫn không thuyên giảm, thậm chí còn nghiêm trọng hơn thì người bệnh không nên chủ quan mà nên đến ngay các cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám và xử trí kịp thời, lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp hơn.

Phương pháp chữa đau khớp gối bằng lá lốt có thể mang lại hiệu quả nhất định cho một số bệnh nhân. Dù vậy, khi có dấu hiệu mắc các bệnh về xương khớp, tốt nhất người bệnh vẫn nên đến các bệnh viện để được kiểm tra, chẩn đoán bệnh chính xác. Từ đó, bác sĩ sẽ lên phác đồ điều trị theo nguyên nhân để mang lại hiệu quả cao nhất, tránh được những hậu quả khó lường khi dùng các bài thuốc không phù hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan