Hội chứng nhược cơ Lambert-eaton: Những điều cần biết

Hội chứng Lambert-Eaton là một rối loạn tự miễn hiếm gặp của mối nối thần kinh cơ và gây biểu hiện nhược cơ. Tình trạng này khởi phát sớm ở các cơ bắp tay hay đùi, làm giảm khả năng vận động và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người bệnh. Mức độ bệnh, bệnh nguyên cũng như các yếu tố liên quan sẽ đóng vai trò quyết định điều trị và tiên lượng bệnh lâu dài.

1. Hội chứng Lambert-Eaton là gì?

Hội chứng Lambert-Eaton, còn được gọi là hội chứng nhược cơ Lambert-Eaton, là một tình trạng trong đó hệ thống miễn dịch tấn công vào các mối nối thần kinh cơ. Đây là vị trí tiếp nối của đầu tận dây thần kinh và cơ bắp, quyết định điều khiển cho việc co cơ. Theo đó, vì hội chứng Lambert-Eaton ảnh hưởng vào vị trí này, cơ không nhận được tín hiệu nên sẽ không thể hoạt động được.

Hội chứng Lambert-Eaton đã được cho thấy là có mối liên quan nhất định đến một loại ung thư phổi gọi là ung thư tế bào nhỏ. Hội chứng này có thể được xem là thuộc hội chứng cận ung, là biểu hiện của cơ thể phản ứng để chống lại căn bệnh ung thư tiềm ẩn. Chính vì thế, bệnh nhân có hội chứng Lambert-Eaton có kèm ung thư sẽ có độ tuổi trung bình cao hơn - chủ yếu là nam giới - và hầu như luôn có tiền sử hút thuốc lâu dài.

hội chứng lambert-eaton
Bệnh nhân mắc bệnh có kèm ung thư thường là nam giới có tiền sử hút thuốc lâu năm

Ngược lại, ở những bệnh nhân có hội chứng Lambert-Eaton được tìm kiếm nhưng không có bằng chứng của ung thư liên quan, khởi phát bệnh có thể ở mọi lứa tuổi và cân đối về giới tính.

Trong một số ít trường hợp còn lại, hội chứng Lambert-Eaton có thể hình thành sau một bệnh lý tự miễn khác. Ngoài ra, vẫn có những trường hợp mà nguyên nhân không thể tìm ra.

2. Các triệu chứng của hội chứng Lambert-Eaton như thế nào?

Sau đây là những triệu chứng thường gặp của hội chứng Lambert-Eaton:

  • Cơ bắp yếu đi. Sự yếu cơ thường được suy giảm đi tạm thời sau khi tập thể dục hoặc gắng sức
  • Khó đi lại
  • Cảm giác ngứa ran, dị cảm ở tay hoặc chân
  • Sụp mi
  • Toàn thân mệt mỏi, uể oải
  • Khô miệng
  • Khó nói
  • Khó thở
  • Nuốt sặc
  • Thay đổi chức năng bàng quang và nhu động ruột
  • Rối loạn cương dương

3. Làm thế nào để chẩn đoán hội chứng Lambert-Eaton?

Để chẩn đoán hội chứng Lambert-Eaton, các bác sĩ sẽ thăm khám và đánh giá những triệu chứng của bạn cũng như thực hiện một số nghiệm pháp nhằm xác định sự yếu cơ là do bệnh lý tại cơ, tại hệ thần kinh ngoại biên hay trung ương.

Bên cạnh đó, bạn cũng cần được chỉ định các cận lâm sàng hỗ trợ như tìm phức hợp kháng thể - kháng nguyên trong máu hay kiểm tra điện cơ.

Ngoài ra, vì hội chứng Lambert-Eaton có liên quan đến ung thư phổi, các bác sĩ cũng sẽ yêu cầu thực hiện chụp X-quang hoặc chụp CT phổi kèm theo. Trong tình huống không tìm ra bằng chứng của ung thư phổi, bạn cũng sẽ được tầm soát các bệnh lý ung thư khác, chẳng hạn như ung thư hạch. Nếu bệnh lý ung thư không thể phát hiện ngay lúc đầu, bác sĩ sẽ kiểm tra thường xuyên để tiếp tục tìm kiếm khả năng mắc phải bệnh ung thư tiềm ẩn, vì hội chứng Lambert-Eaton được ghi nhận là có thể xuất hiện khoảng 3 năm trước khi có chẩn đoán ung thư thực sự.

chẩn đoán hội chứng nhược cơ
Thường xuyên kiểm tra và tầm soát để phát hiện hội chứng Lambert-Eaton kịp thời

4. Hội chứng Lambert-Eaton được điều trị như thế nào?

Nếu bạn bị ung thư trong bối cảnh đang biểu hiện với hội chứng Lambert-Eaton, bạn sẽ được xem xét chỉ định điều trị bằng phẫu thuật, xạ trị hoặc hóa trị. Nếu bạn bị ung thư thực sự và đáp ứng tốt với điều trị, hội chứng Lambert-Eaton từ đó có thể có nhiều khả năng trở nên tốt hơn. Song song đó, bác sĩ cũng sẽ chỉ định các thuốc để ức chế hệ thống miễn dịch của bạn để giúp cải thiện sự trao đổi các tín hiệu giữa tế bào thần kinh và sợi cơ.

Trong các đợt nhược cơ cấp tính với mức độ nặng mà triệu chứng có thể ảnh hưởng đến tính mạnh, bạn có thể cần phải thực hiện thay huyết tương. Trong thủ thuật này, máu của bạn sẽ được đưa ra ngoài, lọc ra các tế bào máu trả lại cùng dung dịch thay thế huyết tương vào lại cơ thể. Lượng huyết tương của cơ thể được loại bỏ dần dần nhằm loại bỏ các protein của hệ thống miễn dịch tạo ra và tấn công vào khớp nối thần kinh – cơ.

5. Có thể phòng ngừa hội chứng Lambert-Eaton được hay không?

Bởi vì nguyên nhân chính xác của hội chứng Lambert-Eaton cho đến này vẫn chưa được hiểu biết rõ ràng, các cách phòng ngừa bệnh hiệu quả vẫn chưa được khuyến nghị.

Tuy nhiên, cách để hạn chế khả năng mắc phải hội chứng Lambert-Eaton là làm giảm các nguy cơ có thể dẫn đến ung thư phổi. Trong đó, đặc biệt quan trọng là không hút thuốc lá. Ngoài ra, các bước khác có thể giúp giảm nguy cơ ung thư phổi bao gồm:

  • Tránh tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động
  • Ăn nhiều trái cây và rau củ
  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ
  • Tập thể dục, vận động thể lực thường xuyên
  • Ngủ đủ giấc, giảm căng thẳng

Hội chứng Lambert-Eaton là tình trạng hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công các kết nối giữa các dây thần kinh và cơ gây ra yếu cơ. Phần lớn các trường hợp cho thấy có mối liên quan đến ung thư phổi hay các loại ung thư khác. Chính vì thế, việc tích cực thăm khám và tầm soát ung thư, điều trị thích hợp có thể giúp thuyên giảm triệu chứng và cải thiện tiên lượng sống nói chung.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ , hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại mà còn nổi bật với dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp; không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: mayoclinic.org, rarediseases.org, hopkinsmedicine.org

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan