......

Phẫu thuật thay khớp háng do lao

Lao khớp háng khiến bệnh nhân đau nhiều, khó khăn khi đi lại, lâu dần sẽ gây dính khớp, hẹp khe khớp và biến dạng khớp háng. Phẫu thuật thay khớp háng do lao được tiến hành ở giai đoạn sớm sẽ giúp phục hồi lại chức năng vận động của người bệnh.

1. Khái niệm về lao khớp háng

Ngoài các bệnh lý lao ngoài phổi như lao màng não, lao màng bụng, lao thận thì lao khớp chiếm khoảng 20% trường hợp. Trong đó, lao cột sống luôn giữ vị trí hàng đầu trong lao khớp, tiếp theo là lao khớp háng và lao khớp gối.

Theo thống kê, lao cột sống chiếm khoảng 60% - 70%, còn lao khớp háng chiếm khoảng 15% - 20% người bệnh. Lao khớp là bệnh lý nhiễm khuẩn tại hệ thống xương khớp do trực khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis gây ra. Lao khớp đa số là tổn thương thứ phát, thường nhất là sau lao phổi. Vi khuẩn lao sau khi đi qua phổi hoặc hệ thống đường tiêu hóa sẽ đi theo đường máu hoặc đường bạch huyết đến lưu trú tại một bộ phận của hệ thống cơ xương khớp.

Lao khớp háng (khớp chậu – đùi) là tình trạng nhiễm khuẩn khớp háng do vi khuẩn lao gây ra. Có thể gặp ở 1 hoặc 2 bên khớp háng, đối tượng là cả trẻ em và người lớn.

Khớp háng là khớp động ở sâu, được nhiều lớp cơ dày, mạnh bao bao chặt các mặt khớp; các đầu xương trong ổ khớp được giữ chặt. Khớp háng thường xuyên cử động và chịu nhiều lực tác động của trọng lượng cơ thể. Do đó, tổn thương lao khớp háng sẽ khiến ổ khớp cũng như các đầu xương bị phá huỷ nhiều và nhanh hơn so với các khớp khác.

2. Chẩn đoán lao khớp háng

2.1 Triệu chứng lâm sàng

  • Triệu chứng nhiễm lao: Sốt nhẹ vừa đến kéo dài, thường xảy ra về chiều và tối, mệt mỏi, ăn ngủ kém, gầy sụt cân, da xanh tái và ra nhiều mồ hôi.
  • Đau khớp háng: Giai đoạn đầu triệu chứng thường không rõ ràng, đôi khi chỉ là giới hạn nhẹ động tác dạng đùi ra phía ngoài khiến người bệnh không để ý. Lâu dần, tình trạng đau liên tục âm ỉ, tăng lên khi vận động, đi lại hay đứng lâu. Đau nhiều và khu trú ở vùng tam giác đùi Scarpa, nếp bẹn và vùng mông giống kiểu đau thần kinh tọa hoặc đôi khi đau ở vùng gối có thể khiến chẩn đoán khó khăn và nhầm lẫn.
  • Đau vùng khớp háng và đùi sưng căng do áp xe lạnh lan tới.
  • Tư thế bất thường như chân dạng, gấp và quay hướng ra phía ngoài.
  • Khớp háng khó cử động, gần như bị liệt. Mọi vận động hay cử động khớp háng đều gây ra nhiều đau đớn.
  • Vùng quanh khớp háng như được nhồi dày lên
  • Hạch đùi nổi rõ, sưng to.
khớp háng bị đau
Bệnh lao khớp khiến người bệnh đau vùng khớp háng

Vị trí khớp háng ở sâu, áp xe lạnh của khớp háng rất khó phát hiện, mủ áp xe khó thoát ra ngoài. Tuỳ theo vị trí của áp xe mà có vị trí đường rò mủ khác nhau:

  • Nếu áp xe ở mặt trước thì mủ thoát ra ngoài về phía vỏ bao của các mạc đùi hoặc về phía vùng trước ngoài của đùi.
  • Nếu áp xe ở mặt sau thì mủ chảy xuống vùng dưới tới bờ dưới các cơ mông hoặc trong một vài trường hợp tới vùng mấu chuyển.
  • Nếu áp xe ở mặt trong thì mủ có thể thoát vào trong các cơ khép của đùi.
  • Nếu áp xe trong hố chậu có thể nổi gồ phồng lên thì có thể sờ thấy khi thăm khám trực tràng.

Các áp xe lạnh này đều có đường rò mủ khá dài nên có thể gây lây nhiễm dọc theo đường đi gây khó khăn nhiều cho việc điều trị và làm sạch hết ổ nhiễm trùng.

2.2 Cận lâm sàng

  • Công thức máu có thể thấy tăng bạch cầu Lympho.
  • Tốc độ lắng máu (VS) tăng.
  • Test nội bì lao (IDR) dương tính.
  • Test tuberculin (phản ứng Mantoux) nếu cho phản ứng dương tính hoặc chuyển từ âm tính sang dương tính sẽ có giá trị cao trong chẩn đoán.
  • X-quang phổi: Nếu có hình ảnh lao phổi sẽ có giá trị chẩn đoán cao.
  • X-quang khớp háng: Hẹp khe khớp háng và mất vôi từng vùng, có nhiều xương mục tạo thành hình khuyết hoặc hốc nhỏ ở phần trên ngoài chỏm xương đùi. Đầu xương đùi và ổ khớp bị bào mòn, ăn rỗng có thể gây ra gãy cổ xương đùi - lỗ tịt.
  • Chụp cắt lớp vi tính cho thấy rõ tổn thương lao khớp háng.
  • Vi sinh: Chọc kim hút dịch mủ ổ khớp để xét nghiệm (soi trực tiếp, nhuộm Ziehl-Neelsen, nuôi cấy) có thể tìm thấy trực khuẩn lao.

3. Điều trị lao khớp háng

3.1 Điều trị nội khoa

Nếu bệnh lao khớp háng được phát hiện sớm khi bệnh chưa gây tổn thương nhiều thì việc điều trị sẽ mang lại hiệu quả cao, có thể hồi phục hoàn toàn các triệu chứng trên lâm sàng, người bệnh không bị giới hạn vận động và triệu chứng trên X-quang khớp trở về bình thường, đôi khi chỉ thấy khe khớp háng bị hẹp nhẹ. Tuy nhiên, điều trị bệnh ở giai đoạn muộn có thể làm ngưng tiến trình phá hủy xương khớp, hạn chế hình thành thêm thương tổn, giúp bệnh ổn định nhưng không thể phục hồi hoàn toàn lại cấu trúc và chức năng vận động như ban đầu.Điều trị lao khớp háng chủ yếu dùng thuốc hoá trị kháng lao. Phác đồ điều trị thường là kết hợp nhiều loại thuốc kháng lao với nhau, sử dụng liên tục đều đặn trong một thời gian dài (thường kéo dài từ 6 - 18 tháng). Trong tuần đầu tiên, bệnh nhân sẽ được chăm sóc, theo dõi và điều trị tại bệnh viện để có thể nắm bắt được tình trạng sức khỏe của người bệnh và hạn chế lây nhiễm cho người khác. Sau đó, bệnh nhân sẽ tiếp tục uống thuốc tại nhà. Đa số người bệnh lao khớp đều đáp ứng tốt với thuốc hóa trị kháng lao. Tuy nhiên, có một số trường hợp vẫn bị kháng thuốc và bắt buộc phải chuyển sang phác đồ điều trị khác mạnh hơn.

thuốc kê đơn
Bác sĩ có thể chỉ định điều trị nội khoa với tình trạng lao khớp háng

3.2 Phẫu thuật thay khớp háng do lao

Trong lao khớp háng, khớp sẽ bị cứng và biến dạng, ảnh hưởng đến tư thế của chân, giảm chức năng trụ đỡ và chức năng vận động. Phẫu thuật thay khớp háng do lao có thể tiến hành để chỉnh lại tư thế của chân. Khớp háng nhân tạo sẽ được thay vào nơi khớp đã bị phá hủy do lao.

Thay khớp háng do lao là một phẫu thuật khó, cần cân nhắc chỉ định phẫu thuật kỹ lưỡng trước khi thực hiện. Chỉ định của phẫu thuật thay khớp háng do lao là bệnh nhân đau nhiều gây ảnh hưởng nặng nề đến sinh hoạt hằng ngày, có hình thành áp xe hoặc biến chứng liệt chân không cải thiện ngay cả khi đã điều trị phác đồ kháng lao 3 tuần. Tuy nhiên, phẫu thuật chỉ được tiến hành khi tổn thương lao khớp háng đã được điều trị ổn định bằng thuốc kháng lao 3 tháng và sau khi đánh giá tình trạng tổn thương xương khớp và tình trạng mô mềm quanh khớp nhận thấy rằng khớp háng còn cử động được và mô mềm quanh khớp háng chưa bị co rút xơ dính, còn khả năng đáp ứng với phẫu thuật. Không thực hiện phẫu thuật thay khớp háng khi khớp háng đã bị biến dạng, chỏm xương và hõm khớp nham nhở và mô mềm quanh khớp đã xơ dính.

Thay khớp háng là phẫu thuật vừa làm sạch khớp háng vừa phục hồi chức năng vận động của khớp gần như hoàn toàn. Nếu khớp háng có tình trạng nhiễm trùng thì cần phải làm sạch tích cực và nhỏ giọt kháng sinh tại chỗ liên tục trong 7 đến 10 ngày. Đồng thời, để giúp cho hoạt động của chân được thuận lợi, phẫu thuật cũng có thể chỉnh sửa lại cho 2 chân dài bằng nhau (làm cho xương đùi bên bị lao dài ra hoặc xương đùi phía bên lành ngắn lại) hoặc chỉnh sửa lại chỗ khớp gối bị loạn dưỡng, teo nhỏ do lao khớp háng gây ra.

Sau khi thay khớp háng, bệnh nhân vẫn phải tiếp tục điều trị thuốc kháng lao 15 tháng.

3.3 Phục hồi vận động

Trước khi phẫu thuật thay khớp háng:

  • Trong những tuần đầu của quá trình điều trị lao khớp háng, bệnh nhân nên dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi. Vì sử dụng thuốc hóa trị kháng lao có thể khiến cơ thể người bệnh trở nên yếu ớt, thường xuyên mệt mỏi, chán nản. Ngoài ra, để đạt được hiệu quả điều trị tốt hơn, bệnh nhân nên nằm giường cứng.
  • Sau khoảng 4 đến 5 tuần nghỉ ngơi, bệnh nhân nên bắt đầu hoạt động lại từ từ để tránh cứng khớp. Cường độ vận động tăng dần vì nếu vận động mạnh hoặc nhiều sẽ khiến khớp dễ bị tổn thương thêm nữa.

Sau khi phẫu thuật thay khớp háng:

  • Bắt đầu bằng các động tác như gập duỗi cổ chân, xoay cổ chân, tập vận động khớp gối ngay trên giường vào những ngày đầu tiên sau phẫu thuật. Ngoài ra, cũng có thể cho bệnh nhân tập cơ mông, tập cơ tứ đầu đùi.
  • Cho bệnh nhân ngồi dậy sớm. Sau 5 ngày bệnh nhân có thể tập vận động khớp háng nhẹ nhàng, tập dạng chân, nâng chân nhưng tránh khép và xoay trong khớp háng.
  • Sau 10 ngày có thể cho bệnh nhân tập đứng và đi bằng cách tựa 2 tay lên khung. Các động tác như nâng gối, dạng khớp háng, duỗi khớp háng nên thực hiện khoảng 3 đến 4 lần một ngày. Bệnh nhân bắt đầu tập đi những đoạn ngắn sau đó tập đi với gậy hoặc nạng và cuối cùng là tập đi lên xuống cầu thang.
  • Các động tác tuyệt đối không thực hiện sau phẫu thuật thay khớp háng bao gồm: Gấp háng > 900 (ví dụ như ngồi xổm, bước bậc thang quá cao, ngồi bó gối, cúi xuống cố nhặt đồ vật rơi dưới đất), không nằm hay ngồi bắt chéo chân thay vào đó tốt nhất nên nằm ngửa hay luôn kê gối giữa 2 đầu gối, tránh xoay quá mức bàn chân vào trong để tránh xoay khớp nhân tạo ra ngoài.
  • Không chơi các môn thể thao chạy nhảy nhiều như nhảy xa, nhảy cao, bóng chuyền, bóng đá, bóng bàn, cầu lông. Không mang vác vật nặng.
  • Bệnh nhân được phẫu thuật thay khớp háng nên hiểu rằng khớp háng nhân tạo dù có tốt cũng không thể hoàn toàn thay thế khớp háng bình thường. Vì vậy, trong quá trình sinh hoạt và luyện tập, cần lưu ý tuân thủ chặt chẽ các quy trình hướng dẫn, đặc biệt cần tránh các tư thế có thể gây sai khớp háng nhân tạo, có như vậy, kết quả phẫu thuật thay khớp háng do lao mới thực sự thành công.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan