Phục hồi chức năng vận động cho người bị viêm khớp dạng thấp

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Văn Minh - Bác sĩ Chấn thương chỉnh hình - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh khớp mạn tính làm người bệnh bị hạn chế vận động nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt hằng ngày và khả năng lao động nghề nghiệp. Phục hồi chức năng vận động cho người bị viêm khớp dạng thấp nhằm hạn chế tình trạng biến dạng khớp, duy trì vận động bình thường cho bệnh nhân.

1. Triệu chứng lâm sàng

Giai đoạn khởi phát, bệnh thường khởi phát từ từ, tăng dần bắt đầu chỉ viêm một khớp (viêm các khớp nhỏ ở bàn tay, viêm khớp gối hoặc các khớp khác). Các khớp viêm sưng đau rõ nhưng ít đỏ, ít nóng, có dấu hiệu cứng khớp buổi sáng. Thông thường giai đoạn này kéo dài từ vài tuần đến vài tháng rồi chuyển sang giai đoạn toàn phát.

Giai đoạn toàn phát thường xuất hiện viêm đau nhiều khớp như khớp cổ tay, khớp ngón gần bàn tay, khớp bàn ngón, khớp gối, khớp cổ chân, khớp ngón chân, khớp khuỷu. Tính chất viêm đa số viêm khớp có tính chất đối xứng, sưng đau và hạn chế vận động, ít có nóng đỏ. Đau nhiều về đêm gần sáng.

2. Phục hồi chức năng vận động trong đợi cấp

Cố định tay
Bàn tay và cổ tay cũng cần cố định ở tư thế đúng khi các khớp bị viêm

Các khớp được nghỉ ngơi: trong đợt tiến triển, cần để các khớp được nghỉ ngơi, vì gắng sức có thể làm tăng biến dạng khớp. Do vậy cần phải thận trọng chờ đợi thuốc tác dụng trước đã. Khớp bị tổn thương cần ít vận động ban ngày và nghỉ ngơi, đặt ở tư thế đúng ban đêm. Cần phải duy trì tư thế khớp đúng đắn vài phút nhiều lần trong ngày.

Bình thường bệnh nhân hay đặt gối kê dưới khoeo chân để làm giảm đau khi bị sưng đau khớp gối, tuy nhiên điều đó dễ làm cứng khớp ở tư thế gấp. Sự biến dạng này sẽ làm ảnh hưởng đến đi lại, thậm chí khi đợt viêm chấm dứt.

Bàn tay và cổ tay cũng cần cố định ở tư thế đúng khi các khớp bị viêm. Cần phải mang tối thiểu nẹp nghỉ ngơi vào ban đêm. Dụng cụ này cho phép giữ cổ tay và ngón tay ở tư thế chức năng, và làm giảm sự co rút của gân cơ. Tác dụng chống viêm và giảm đau của nó rất nhanh. Chú ý cho khớp nghỉ ngơi không có nghĩa là cứ nằm suốt ngày trên giường hay ngồi trên ghế bành cả ngày. Cần cố gắng hoạt động ngay khi cảm thấy mỏi mệt để tránh các hậu quả của cố định lâu dài.

  • Sử dụng nẹp

Nẹp chính là các dụng cụ để cố định hay duy trì ổn định các khớp, với mục tiêu là giảm viêm khớp, sửa chữa các biến dạng và thúc đẩy hoạt động. Các nẹp tay là một ví dụ.

Có hai loại nẹp: nẹp có tác dụng cải thiện thực hiện các động tác (nẹp chức năng) và nẹp nâng cao chất lượng nghỉ ngơi của khớp (nẹp nghỉ ngơi). Nẹp chức năng được sử dụng trong lúc hoạt động để thúc đẩy thực hiện các động tác hay bảo vệ một hay nhiều khớp. Nẹp nghỉ ngơi được đeo trong các giờ nghỉ ban ngày và ban đêm. Các loại nẹp cần do bác sĩ kê đơn.

Sử dụng nẹp chức năng: Ban ngày, có thể mang nẹp cổ tay hay ngón tay để thực hiện các động tác sinh hoạt hằng ngày. Có thể mang nẹp khi lao động chân tay trong hai tình huống sau: sau mỗi lần làm việc thì bệnh nhân cảm thấy đau cổ tay, có cảm giác mất sức và do vậy ngại làm các hoạt động hằng ngày.

Duy trì cổ tay bằng nẹp cổ tay tăng lực có thể thay đổi cuộc sống của bệnh nhân. Bệnh nhân thậm chí có thể làm vườn. Bệnh nhân cần phải mang nẹp khi thực hiện những hoạt động khó khăn. Tình huống khác là phải mang nẹp trong ngày, ví dụ nẹp ngón tay do ngón tay bắt đầu bị biến dạng, gây khó lao động. Nẹp có tác dụng hạn chế các động tác khớp có hại. Nẹp toàn bộ khi nghỉ ngơi bàn tay và khi nào cần mang.

Sử dụng nẹp nghỉ ngơi: Nẹp toàn bộ cố định cả cổ tay và bàn tay, trải dài từ cẳng tay đến tận ngón tay. Đó là nẹp nghỉ ngơi vì được chế tạo để cố định khớp trong giờ nghỉ ban ngày hay ban đêm. Nẹp cố định khớp ở một vị trí nhất định, để nới lỏng sự căng cứng khớp gây đau đớn, giảm co cứng cơ và tránh sự co rút làm tăng nguy cơ cứng ngón tay ở vị trí xấu. Nẹp này được chuyên gia vật lý trị liệu và nhà sản xuất tạo nên, cần phải được chỉnh sửa tối thiểu một lần trong một năm. Buổi sáng khi tháo nẹp ra, để tránh cứng khớp cần phải ngâm tay vào nước ấm và cử động các ngón tay.

  • Tập thể dục, thể thao

Nếu đau xuất hiện mỗi khi vận động thì không nên nản chí. Người bệnh chỉ cần mang dụng cụ giúp đỡ và thay đổi một số động tác là có thể tiếp tục hoạt động được. Có thể tập tĩnh, tức là chỉ cần tập luyện cơ lực có đối kháng thay vì vận động, hay tập luyện những bài tập thể dục ngắn tại nhà.

Các bài tập thể dục cho bàn tay giúp duy trì sự mềm dẻo khớp cổ tay và ngón tay. Các bài tập cho chân giúp cho đứng vững và đi lại tốt hơn. Bệnh nhân cần duy trì hoạt động thể lực đầy đủ và tiếp tục các sinh hoạt hằng ngày, nhưng cần tránh các hoạt động không cần thiết. Người bệnh cần có hoạt động thể chất thường xuyên như đi bộ, đi xe đạp, bơi lội theo khả năng của mình. Nếu tập được thể thao thì vẫn nên tiếp tục.

Tuyệt đối không được tác động cột sống khi đau cổ, vì các tổn thương cột sống có thể nặng lên sau khi làm thủ thuật này, và có các biến chứng là tai biến mạch máu não, di chứng thần kinh không phục hồi được.

Khớp tay
Các bài tập thể dục cho bàn tay giúp duy trì sự mềm dẻo khớp cổ tay và ngón tay

3. Phục hồi chức năng một số khớp

Bàn tay: Bàn tay gồm các khớp hay gặp nhất trong viêm khớp dạng thấp, ở giai đoạn muộn sẽ có biến dạng khớp thường thấy là: bàn tay nghiêng trụ do bán trật khớp bàn đốt; biến dạng gập ở khớp bàn đốt kèm theo duỗi quá ở các khớp liên đốt gần và gập ở các khớp liên đốt xa tạo cho bàn tay có hình dạng “Cổ thiên nga”.

Nguyên nhân của các biến dạng là sự huỷ hoại các đầu xương, sự di lệch hay đứt gân và mất cân bằng giữa các cơ bàn tay. Vật lý trị liệu cần chú trọng bảo vệ và phục hồi chức năng vận động của bàn tay, đặc biệt là chức năng cầm nắm.

  • Giai đoạn cấp tính, cần chườm lạnh, vận động nhẹ nhàng bàn tay và ngón tay, đặt bàn tay và ngón tay trong máng bột hay nẹp nhựa ở tư thế: cổ tay duỗi 20 độ, khớp bàn đốt gập 45 độ, khớp liên đốt gập 30 độ, khớp liên đốt xa gập 20 độ, ngón cái duỗi và dạng.
  • Giai đoạn bán cấp và mạn tính, bệnh nhân cần được giảm đau bằng ngâm paraphin hay nước xoáy, vận động chủ động có trợ giúp để tăng tầm vận động của bàn tay và các ngón tay, vận động có đề kháng bằng tay và dụng cụ, tập luyện chức năng bàn tay nhất là chức năng cầm nắm, kéo giãn nhẹ các gân cơ co cứng nhưng không làm quá mức, dùng nẹp nâng đỡ bàn tay khi ngủ.
  • Cần hướng dẫn bệnh nhân tập cầm nắm, kéo giãn khớp; tránh nắm chặt bàn tay lâu, gập cổ tay về trụ, tăng độ gập khớp bàn đốt, kéo dài thời gian ở một tư thế, tập luyện quá mức.

Khớp vai: Ở khớp vai, viêm khớp dạng thấp gây viêm bao khớp và màng hoạt dịch dẫn đến hạn chế vận động khớp, có thể dẫn đến cứng khớp. Do vậy phục hồi chức năng chủ yếu nhằm tăng tầm vận động khớp.

  • Ở giai đoạn cấp tính, bệnh nhân cần được nghỉ ngơi, không vận động khớp; xoa bóp, chườm đá để giảm đau. Giai đoạn bán cấp và mạn tính, có thể cho bệnh nhân dùng nhiệt để giảm đau, mềm gân; vận động có trợ giúp để tăng tầm vận động khớp nhất là dạng và xoay; duy trì lực cơ.
  • Hướng dẫn bệnh nhân tập các cử động vai, nhất là cử động đung đưa để tăng tầm vận động.

Khớp háng và khớp gối: Đây là những khớp chịu lực chính của cơ thể nên dễ bị hư khớp và cơ cứng. Do đó mục đích của PHCN là duy trì tầm vận động khớp và lực khớp.

  • Ở giai đoạn cấp tính, bệnh nhân cần nghỉ ngơi tại giường, không kê gối dưới khớp bị viêm, đặt máng bột sau gối cả ngày và đêm. Vận động thụ động nhẹ nhàng để duy trì tầm vận động, gồng cơ tứ đầu đùi. Ở giai đoạn bán cấp và mạn tính, giảm đau cho bệnh nhân bằng nhiệt, vận động chủ động có trợ giúp để duy trì tầm vận động, tập cơ tứ đầu đùi, tập di chuyển với nạng, đặt máng bột sau gối mỗi đêm.
  • Hướng dẫn bệnh nhân giữ tư thế tốt, duy trì tầm vận động khớp và tầm tăng lực cơ, nhất là cơ tứ đầu đùi.

Bàn chân: Đây là khớp chịu lực nên thường có biến dạng trầm trọng: bàn chân vẹo ngoài, ngón chân hình vuốt thú ảnh hưởng đến dáng đi. Mục đích PHCN nhằm tránh các biến dạng xấu.

  • Giai đoạn cấp tính, bệnh nhân cần nghỉ ngơi tại giường, duy trì tư thế cổ chân trong máng bột, vận động thụ động nhẹ nhàng. Giai đoạn bán cấp và mạn tính: giảm đau bằng nhiệt, vận động thụ động các khớp, nhất là gân gót, kéo giãn gân cơ nếu co rút, tập di chuyển với nạng.
  • Hướng dẫn bệnh nhân di động các khớp cổ chân và bàn chân bằng cử động chủ động và thụ động.

Khoa phục hồi chức năng Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City có chức năng điều trị vật lý trị liệu và phục hồi chức năng cho tất cả bệnh nhân nội trú và ngoại trú cho các bệnh nhân ở Hà Nội và khu vực phía Bắc (cả người Việt và người nước ngoài), trong các lĩnh vực Nội khoa, Ngoại khoa, Nhi khoa ...

Khoa có thế mạnh là các kỹ thuật thế mạnh về Phục hồi chức năng cho bệnh nhân sau các phẫu thuật chấn thương chỉnh hình, sau phẫu thuật tim - lồng ngực phục hồi chức năng hô hấp nhi khoa, bệnh nhân mắc các bệnh lý về xương khớp mạn tính như viêm khớp dạng thấp. Bệnh viện có đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm, tâm huyết. Ngoài ra, theo từng thời điểm, khoa còn có sự tăng cường của các kỹ thuật viên nước ngoài cùng hợp tác làm việc và trao đổi kinh nghiệm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan