Thoái hoá khớp háng do hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi

Hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, trong đó có thoái hóa khớp háng. Vì vậy, cần phát hiện và điều trị sớm tình trạng này để tránh những biến chứng nguy hiểm của bệnh.

1. Hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi là gì?

Khớp háng là một khớp tiếp nối giữa xương đùi với xương chậu. Khớp háng có các phần: Chỏm xương đùi, ổ cối của xương chậu, mạch máu nuôi chỏm xương đùi và sụn viền.

Hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi (hoại tử vô mạch chỏm xương đùi) là bệnh tổn thương hoại tử tế bào xương và tủy xương do thiếu máu nuôi phần trên chỏm xương đùi.

Nguyên nhân gây hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi gồm nguyên nhân tự phát (chiếm 50% trường hợp) và nguyên nhân thứ phát (do chấn thương trật khớp, gãy cổ xương hoặc không do chấn thương mà do nghiện rượu, sử dụng corticoid liều cao kéo dài, bệnh khí ép do lặn sâu, bệnh hồng cầu hình liềm, viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ hệ thống, viêm ruột, ghép tạng, đái tháo đường,...).

2. Thoái hóa khớp háng - biến chứng của hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi

Nguyên lý bệnh sinh như sau: Mạch máu nuôi dưỡng xương ở chỏm xương đùi bị tắc nghẽn do giọt mỡ, huyết khối. Trong khi đó, cấu trúc thành mạch bị phá hủy bởi tổn thương viêm mạch, yếu tố gây co mạch hoặc tia xạ. Các tổn thương này làm giảm hoặc mất cung cấp máu cho tổ chức xương, gây ra các vùng hoại tử.

Vùng hoại tử nằm sát với vùng mạch nguyên vẹn và các tế bào sống, thúc đẩy quá trình tiêu xương, làm yếu cấu trúc xương, gây gãy các xương dưới sụn và làm sập chỏm xương đùi. Sau khi bị sập chỏm xương đùi, sụn khớp sẽ phải chịu lực tỳ lớn, làm tiến triển quá trình thoái hóa khớp háng. Bên cạnh đó, mặt chỏm xương đùi không đều sẽ truyền lực lên sụn ổ cối, làm thoái hóa ổ cối. Tình trạng thoái hóa tiến triển nặng dần, gây hẹp khe khớp, đặc xương dưới sụn và hình thành ổ khuyết xương, gai xương.

Tựu chung lại, vùng hoại tử ban đầu tạo ra các vùng thưa xương và các ổ khuyết xương. Về sau, biến chứng hoại tử chỏm xương đùi gồm gãy xương dưới sụn, xẹp chỏm xương đùi, thoái hóa thứ phát và mất chức năng khớp háng, dẫn đến tàn phế. Như vậy, thoái hóa khớp háng là do biến chứng của tình trạng hoại tử chỏm xương đùi.

thoái hóa khớp háng
Thoái hóa khớp háng là do biến chứng của tình trạng hoại tử chỏm xương đùi

3. Triệu chứng lâm sàng

Người bệnh hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi dẫn tới thoái hóa khớp háng thường gặp các triệu chứng sau:

Đau khớp háng

Ở giai đoạn đầu, người bệnh bị đau nhói ở khớp háng khi lên - xuống cầu thang, ngồi xổm, đi bộ lâu, vận động khớp háng đột ngột,... Triệu chứng đau thường âm ỉ, khiến người bệnh khó chịu. Cơn đau dữ dội sẽ xuất hiện nếu bệnh nhân có tác động mạnh vào khớp háng. Đến giai đoạn muộn, cơn đau dày hơn, dữ dội hơn mỗi khi cử động khớp. Người bệnh có thể mất khả năng xoay người, dạng háng hoặc gấp chân;

Cứng khớp

Khi bị thoái hóa khớp háng, bệnh nhân sẽ có biểu hiện cứng khớp rõ ràng hơn so với thoái hóa khớp gối. Người bệnh thường bị cứng khớp háng vào buổi sáng, khó dạng chân hoặc bước chân. Sau vài động tác cử động khớp háng thì hiện tượng cứng khớp sẽ giảm. Vào ngày trời lạnh hoặc ẩm thấp, triệu chứng cứng khớp xuất hiện thường xuyên hơn, gây khó chịu, cử động không linh hoạt,...;

Teo cơ vùng mông và đùi

Khi bị thoái hóa khớp háng nặng, người bệnh bị teo cơ vùng mông và đùi. Nếu không điều trị kịp thời thì bệnh nhân có thể mất khả năng vận động;

Hạn chế vận động

Bệnh nhân khó thực hiện các động tác như xoay khớp háng, dạng chân sang ngang, cúi người, ngồi xổm,... Bên cạnh đó, người bệnh còn có biểu hiện đi khập khiễng, mất cân bằng,... thậm chí không đi lại được;

Các triệu chứng khác: Có tiếng lạo xạo trong khớp háng khi vận động.

4. Điều trị thoái hóa khớp háng do hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi

4.1 Điều trị bảo tồn

Điều trị không dùng thuốc

Thoái hóa khớp háng hiện chưa có biện pháp điều trị khỏi hoàn toàn và cũng không thể đảo ngược quá trình thoái hóa. Tuy nhiên, bác sĩ vẫn có thể điều trị hạn chế tiến triển của bệnh bằng các biện pháp sau:

  • Vật lý trị liệu: Điều trị bằng sóng điện từ cao tần và siêu cao tần, điều trị bằng nhiệt nóng, xoa bóp và tập vận động khớp háng, thủy trị liệu, giảm béo, hạn chế đi bộ xa để giảm tải cho khớp háng,...;
  • Điều trị theo y học cổ truyền: Châm cứu, chườm nóng,... để giảm đau.

Điều trị bằng thuốc

  • Điều trị triệu chứng đau bằng các thuốc giảm đau, thuốc chống viêm,...;
  • Sử dụng các thuốc nhóm corticosteroid;
  • Sử dụng thuốc ức chế cytokin;
  • Dùng các thuốc chống thoái hóa khớp có tác dụng chậm.
thoái hóa khớp háng
Điều trị thoái hóa khớp háng bằng thuốc

4.2 Điều trị phẫu thuật

Điều trị bằng nội soi khớp háng - Điều trị bảo tồn khớp

  • Cắt lọc, bào và rửa khớp: Bác sĩ thực hiện bơm rửa khớp háng qua nội soi để loại bỏ các mảnh dị vật sinh ra từ quá trình nhuyễn hóa của sụn khớp bị bong ra, đồng thời lấy bỏ các cytokine gây viêm màng hoạt dịch, cắt bỏ các gai xương hình thành trong khớp, các mảnh sụn khớp còn bám nhưng có nguy cơ bong gãy về sau;
  • Đục xương để điều chỉnh trục xương đùi, khung xương chậu và ghép xương ổ cối: Chỉ định cho các trường hợp thoái hóa khớp háng giai đoạn sớm do thiểu sản hoặc bán trật khớp háng;
  • Khoan kích thích tái tạo xương: Chỉ định khi vùng sụn tổn thương hẹp và sụn cạnh vùng bị tổn thương vẫn còn tốt;
  • Ghép sụn tự thân: Chỉ định khi vùng sụn tổn thương hẹp và sụn cạnh vùng bị tổn thương vẫn còn tốt.

Điều trị thay khớp háng nhân tạo

Trong trường hợp mất chức năng khớp háng thì thay khớp háng nhân tạo chính là phương pháp được bác sĩ chỉ định để giúp người bệnh trở lại cuộc sống sinh hoạt bình thường. Nếu chỉ tổn thương chỏm xương đùi thì chỉ thay khớp háng bán phần và thay chỏm xương đùi, không thay ổ cối. Tùy tình huống, bác sĩ cũng có thể chỉ định thay khớp háng toàn phần, chỏm xương đùi và ổ cối bằng khớp háng nhân tạo.

Có 2 kỹ thuật: Thay khớp háng toàn phần có hoặc không có xi măng. Thay khớp háng có xi măng thường chỉ định cho những bệnh nhân trên 60 tuổi. Sau phẫu thuật thay khớp, người bệnh sẽ được tập phục hồi chức năng để khớp háng nhân tạo hoạt động tốt, tránh biến chứng trật khớp, gãy cổ khớp,...

Việc phát hiện sớm và điều trị hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi sẽ giảm nguy cơ biến chứng thoái hóa khớp háng. Và tốt nhất mỗi người nên chủ động phòng ngừa tình trạng này bằng cách bỏ thuốc lá, rượu bia, điều trị triệt để các bệnh lý liên quan,...

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan
  • Phương pháp điều trị đau khớp háng trái như thế nào?
    Phương pháp điều trị đau khớp háng trái như thế nào?

    Trong quá trình mang thai, em bị đau khớp háng trái, cứ thay đổi tư thế đột ngột là bị đau nhức và buốt, nhiều khi phải bò. Sau khi sinh, thỉnh thoảng em vẫn bị đau nhức như vậy. ...

    Đọc thêm
  • Bidisamin 250
    Công dụng thuốc Bidisamin 250

    Bidisamin 250 thuộc nhóm thuốc giảm đau, hạ sốt, chống viêm không steroid, điều trị bệnh gút và xương khớp. Để việc điều trị bằng thuốc Bidisamin 250 an toàn và hiệu quả, người bệnh cần tuân thủ mọi chỉ ...

    Đọc thêm
  • Mecam 15
    Công dụng thuốc Mecam 15

    Thuốc Mecam 15 được chỉ định điều trị giảm viêm đau trong các bệnh lý về xương khớp như thoái hóa khớp và viêm khớp dạng thấp... Cùng tìm hiểu về công dụng và các lưu ý khi sử dụng ...

    Đọc thêm
  • Rusamin
    Công dụng thuốc Rusamin

    Thuốc Rusamin có thành phần Glucosamine sulfate natri chloride được bác sĩ chỉ định sử dụng trong trường hợp bệnh nhân bị thoái hóa xương khớp, viêm quanh khớp vai, loãng xương, viêm khớp cấp và mãn tính. Để đảm ...

    Đọc thêm
  • Hadistril
    Công dụng thuốc Hadistril

    Thuốc Hadistril thường được sử dụng chủ yếu để điều trị và cải thiện nhanh chóng các triệu chứng của tình trạng thoái hoá xương khớp, thoái khớp gối, cột sống và vai,... Nhằm đảm bảo hiệu quả và an ...

    Đọc thêm