Đau vùng dưới và đau lưng khi mang thai có cần đi khám không?

Hỏi

Chào bác sĩ! Năm nay em đã 28 tuổi và đã có 2 cháu nhưng do vỡ kế hoạch nên em đang bầu thêm 1 bé thứ 3. Khi bắt đầu mang thai đến tuần thứ 25 em có dấu hiệu đau lưng và đau vùng dưới, đôi khi em bé hay gồng mình. Em vẫn khám thai định kỳ hỏi các bác sĩ thì đều được tư vấn là do em bé quay đầu, không ảnh hưởng gì. Em mới siêu âm ở tuần 32 em bé bình thường và được 1kg8. Nhưng từ khi đi khám về thấy đau hơn mọi khi, hiện tại em vẫn ăn uống bình thường, không biết có phải do hoạt động nhiều không?

Bác sĩ cho em hỏi: “Đau vùng dưới và đau lưng khi mang thai có cần đi khám không?”. Mong bác sĩ tư vấn và giải đáp. Em xin chân thành cảm ơn!

Câu hỏi khách hàng ẩn danh

Trả lời

Chào bạn! Đau vùng dưới và đau lưng khi mang thai là tình trạng nhiều sản phụ gặp phải nhưng bạn không nói rõ là 2 lần trước bạn sinh thường hay là sinh mổ. Nếu sinh thường thì lần mang thai thứ 3 này sẽ ít nguy cơ hơn nếu bạn có vết mổ cũ. Chúng tôi gửi đến bạn một số kiến thức về có thai trên bệnh nhân có vết mổ cũ như sau:

Những nguy cơ khi mang thai lần sau với vết mổ cũ là gì?

Nứt vết mổ cũ (VMC) là một tai biến sản khoa, tai biến này có thể xảy ra trên thai phụ mang thai lần 2 sau sinh mổ trong vòng 6 – 9 tháng kể từ lúc sinh. Nứt vết mổ cũ trong thai kỳ thường xảy ra ở 3 tháng giữa và 3 tháng cuối của thai kỳ.

Thai bám vết mổ cũ. Đối với những thai phụ đã từng sinh mổ hoặc phẫu thuật vùng tử cung sẽ có vết sẹo, khi làm tổ, trứng đã được thụ tinh có thể bám vào sẹo cũ và hình thành túi thai.

Hai dạng thai bám vết mổ cũ:

  • Dạng 1: Thai làm tổ ở vết mổ cũ và phát triển trong buồng tử cung cho đến tam cá nguyệt thứ 2 thậm chí thứ 3. Nhau thai có thể kéo lên đoạn thân tử cung, khi nhau thai phát triển chúng có thể gây nên hiện tượng nhau bám thấp hoặc nhau cài răng lược do gai nhau đan xen vào cơ tử cung.
  • Dạng 2: Thai cấy sâu vào cơ và lớp mô sợi ở tử cung tại vết mổ cũ. Khi đến tam cá nguyệt thứ 2 hoặc thứ 3 các gai nhau bám vào bánh nhau sẽ ăn sâu vào cơ tử cung, thậm chí xuyên bàng quang dẫn đến nguy cơ cắt tử cung, có thể gây tử vong nếu vỡ tử cung.

Nhau cài răng lược: Những trường hợp nhau tiền đạo, nhau bám thấp mặt trước ở những thai phụ có vết mổ cũ thì nguy cơ nhau cài răng lược rất cao. Đối với những trường hợp này khi sinh phải mổ lại và nguy cơ phải cắt tử cung, truyền máu. Đôi khi tổn thương những cơ quan lân cận như bàng quang, ruột... do

bánh nhau xâm lấn vào những cơ quan này.

Nguy cơ cho bé. Trường hợp những phụ nữ mang thai lần 2 cách lần sinh mổ trước dưới 18 tháng, trẻ có thể sẽ bị sinh non, nhẹ ký, vàng da, thính giác kém, kém phát triển về mặt trí tuệ, thể chất khi trẻ lớn lên.

Đau bụng dưới khi mang thai
Đau bụng dưới khi mang thai cần được thăm khám sớm

Thời điểm an toàn để mang thai trở lại sau sinh mổ là bao lâu?

Thông thường, sau mổ lấy thai lần đầu từ 24 tháng trở đi, thai phụ mới được khuyên có thai trở lại. Tuy nhiên, một số trường hợp sau sinh mổ chưa đủ 24 tháng đã có thai trở lại do không áp dụng các biện pháp tránh thai. Những nghiên cứu gần đây cho thấy, không có sự khác biệt có ý nghĩa về chất lượng giữa sẹo mổ đoạn dưới tử cung trên 24 tháng và sẹo mổ dưới 24 tháng. Tuy nhiên, khi mổ lấy thai trở lại đối với những vết mổ cũ dưới 24 tháng, nhất là dưới 12 tháng, vết mổ chưa thực sự liền tốt, dễ chảy máu, độ bền kém rõ rệt. Trong khi mang thai, thai phụ thường kêu đau ở bụng dưới, nhất là ngang vết mổ đoạn dưới tử cung.

Những điều cần lưu ý khi mang thai có VMC là gì?

  • Ngay sau khi trễ kinh hoặc nghi ngờ có thai trở lại cần đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để kiểm tra xem có thai hay không, thai đã vào tử cung hay chưa và vị trí của túi thai trong tử cung để đề phòng trường hợp thai bám vết mổ cũ.
  • Khám và quản lý thai định kỳ theo lịch hẹn tại cơ sở y tế chuyên về sản phụ khoa uy tín, đặc biệt là nơi có điều kiện phẫu thuật để phát hiện và xử trí kịp thời những bất thường xảy ra, nếu có.
  • Giữ kỹ giấy xuất viện của lần mổ trước, luôn mang theo khi đi khám thai, biết được lý do mổ là gì, thời gian từ lúc mổ đến nay là bao lâu, nằm viện bao nhiêu ngày sau mổ, có nhiễm trùng trong thời gian hậu phẫu không...
  • Tiêm nhắc lại một mũi vắc- xin ngừa uốn ván vào tháng thứ 4 hoặc thứ 5 nếu lần mang thai trước đã tiêm đủ hai mũi.

Chú ý các dấu hiệu đau vết mổ cũ, đau ngang trên xương mu, đau liên tục, ấn vào đau nhói lên. Khi có các dấu hiệu này là có nguy cơ nứt vết mổ cũ cần phải đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa gần nhất. Nhập viện trước ngày dự sanh 1 – 2 tuần để được thực hiện đầy đủ các xét nghiệm, cận lâm sàng tiền phẫu và theo dõi sát quá trình chuyển dạ.

Cho con bú tiếp tục nếu sinh mổ trước 24 tháng, ăn uống đủ chất, tăng cường bổ sung dinh dưỡng và vi chất nhằm giúp cho thai phụ có sức khỏe để vừa nuôi thai vừa nuôi em bé.

Sinh mổ hay sinh thường khi có VMC?

Quan điểm hiện nay khuyến khích thử thách sanh ngã âm đạo đối với thai phụ có VMC vì một số lợi ích như: giảm chi phí điều trị, giảm nguy cơ băng huyết sau sanh, giảm tỷ lệ nhiễm

trùng...

Nếu không có các yếu tố đẻ khó, sản phụ vẫn có thể sinh thường được ở lần mang thai sau khi có VMC. Tuy nhiên, tỷ lệ này là tương đối thấp vì nhiều lý do, trong đó có sự lo lắng quá mức của thai phụ. Những trường hợp có VMC vì thai to, khung chậu hẹp, dị dạng tử cung, ngôi thai ngược hay VMC dưới 24 tháng sẽ được chỉ định mổ lấy thai chủ động khi thai đã đủ tháng hoặc bắt đầu chuyển dạ. Nên đi khám thai đầy đủ theo hẹn và tuân theo chỉ định của bác sĩ để đảm bảo cuộc sinh nở được an toàn.

Giãn tĩnh mạch sẽ không cải thiện nếu bạn tiếp tục mang thai
Thời điểm mang thai sau sinh mổ

Điều kiện VBAC:

  • Không có những chỉ định mổ lấy thai lại
  • Ngôi chỏm đầu cúi tốt
  • Có điều kiện phòng mổ can thiệp khi có biến chứng
  • Thai phụ được giải thích và chấp nhận khi có biến chứng.

Chỉ định mổ lấy thai lại nếu:

  • Lý do mổ lần trước còn tồn tại
  • Vết mổ lần trước là vết mổ dọc thân TC
  • VMC bóc nhân xơ tử cung lớn hoặc vá lại tử cung thủng
  • Số lần mổ từ 2 lần trở lên.
  • Thời gian mổ dưới 16 – 18 tháng.
  • Nhiễm trùng hậu phẫu lần mổ trước.
  • VMC kèm theo bất thường thai kỳ lần này.
  • Đau VMC.

Vấn đề kế hoạch hóa gia đình: Tham vấn bác sĩ để chọn lựa một phương pháp ngừa thai an toàn và hiệu quả. Khi đã mổ lấy thai 2 lần, có đủ con, lớn tuổi thì nên triệt sản. Không nên để tử cung mang vết mổ phải thử thách nhiều lần vì tính mạng của thai phụ. Mang thai là điều vui mừng cho các cặp vợ chồng nhưng cũng có nhiều lo lắng đi kèm, đặc biệt là với những thai phụ đã có VMC. Vì vậy, tất cả các thai kỳ có VMC ở tử cung cần được đánh giá cẩn thận, kiểm tra và theo dõi sát tại bệnh viện có chuyên khoa Sản, giúp phát hiện kịp thời và xử trí sớm để ngăn ngừa các biến chứng.

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và chia sẻ câu hỏi: “Đau vùng dưới và đau lưng khi mang thai có cần đi khám không?” tới Vinmec. Chúc bạn luôn có sức khỏe tốt.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Được giải đáp bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Nhất Nguyên - Bác sĩ Chuyên khoa sản - Khoa Sản Phụ Khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan