Cơ chế gây loét dạ dày của Aspirin

Sử dụng thuốc chống viêm không steroid, bao gồm cả Aspirin là nguyên nhân phổ biến của bệnh loét dạ dày tá tràng. Có khoảng 30% bệnh nhân sử dụng thuốc chống viêm không steroid lâu dài sẽ xuất hiện tác dụng không mong muốn trên đường tiêu hoá. Bài viết dưới đây cung cấp cho bạn đọc thông tin về cơ chế gây loét dạ dày của Aspirin và phương pháp dự phòng biến chứng của thuốc trên đường tiêu hoá.

1. Aspirin là thuốc gì?

Aspirin có tác dụng giảm đau, hạ sốt và chống viêm. Cơ chế tác dụng của Aspirin tương tự như thuốc chống viêm không steroid khác. Aspirin ức chế enzym cyclooxygenase (COX), dẫn đến ức chế tổng hợp thromboxan, prostaglandin và sản phẩm khác như prostacyclin của cyclooxygenase.

Có hai loại enzym COX trong cơ thể: enzym COX-1 được tìm thấy trong các mô tế bào bình thường (COX-1 duy trì bình thường niêm mạc dạ dày; chức năng thận và tiểu cầu); enzym COX-2 thấy chủ yếu ở vị trí viêm, bị kích thích tăng tạo prostaglandin do các cytokin và trung gian hóa học của quá trình viêm.

Aspirin gắn cộng trị với cả hai loại enzym COX dẫn đến ức chế không đảo ngược hoạt tính của các enzym này, do đó thời gian tác dụng của Aspirin liên quan đến tốc độ vòng chuyển hóa của cyclooxygenase. Trong khi đó, với các thuốc chống viêm không steroid khác, do chỉ ức chế cạnh tranh tại vị trí tác dụng của COX, thời gian tác dụng của các thuốc này sẽ liên quan trực tiếp đến thời gian thuốc tồn tại trong cơ thể.

Bên cạnh đó, Aspirin còn có tác dụng ức chế kết tập tiểu cầu, thông qua cơ chế do ức chế COX của tiểu cầu dẫn đến ức chế tổng hợp thromboxan A2 - chất gây kết tập tiểu cầu. Ngoài ra, Aspirin còn có tác dụng ức chế sản sinh prostaglandin ở thận.

2. Chỉ định và chống chỉ định sử dụng Aspirin trong trường hợp nào?

2.1. Chỉ định

  • Thuốc Aspirin được dùng để giảm các cơn đau nhẹ và vừa, giảm sốt. Tuy nhiên, do Aspirin có tỷ lệ cao về tác dụng phụ trên đường tiêu hóa nên thường được thay thế bằng paracetamol.
  • Aspirin sử dụng trong điều trị viêm cấp và mạn: viêm khớp dạng thấp thiếu niên, viêm khớp dạng thấp, thoái hoá xương khớp.
  • Aspirin được sử dụng trong một số bệnh lý tim mạch như nhồi máu cơ tim, cơn đau thắt ngực và dự phòng biến chứng tim mạch ở bệnh nhân có nguy cơ cao. Thuốc cũng được dùng trong điều trị và dự phòng một số bệnh lý mạch não như đột quỵ; trong điều trị hội chứng Kawasaki.

2.2.Chống chỉ định

  • Do nguy cơ dị ứng chéo, không dùng Aspirin cho bệnh nhân đã có triệu chứng hen, viêm mũi, mày đay khi dùng aspirin hoặc thuốc chống viêm không steroid trước đây.
  • Không sử dụng Aspirin cho bệnh nhân mắc các bệnh lý như: bệnh ưa chảy máu, giảm tiểu cầu, hen phế quản, loét dạ dày hoặc tá tràng đang hoạt động, suy tim vừa và nặng, suy thận đặc biệt khi có tốc độ lọc cầu thận dưới 30ml/phút, suy gan và xơ gan.

3.Cơ chế gây loét dạ dày của thuốc Aspirin

Cơ chế gây loét dạ dày của thuốc Aspirin cũng tương tự các thuốc chống viêm không steroid khác, bao gồm:

  • Enzym COX-1 được tìm thấy trong hầu hết các mô tế bào bình thường COX-1, có tác dụng xúc tác sự hình thành các prostaglandin cấu tạo, giúp duy trì cho một loạt các tác dụng sinh lý bình thường, bao gồm bảo vệ niêm mạc dạ dày, chức năng thận và tiểu cầu.
  • Thuốc chống viêm không steroid có tác dụng gây kích ứng tại chỗ trên biểu mô đường tiêu hoá trên, làm suy giảm hàng rào niêm mạc. Thuốc chống viêm không steroid ức chế enzym COX-1, làm giảm tổng hợp prostaglandin bảo vệ tế bào màng nhầy và giảm lưu lượng máu đến niêm mạc dạ dày. Điều này cho phép axit dịch vị khuếch tán trở lại niêm mạc, làm tổn thương tế bào và mạch máu gây viêm và loét dạ dày. Nhóm thuốc NSAID cùng can thiệp vào quá trình sửa chữa các tổn thương bề ngoài ở niêm mạc dạ dày.
  • Bản chất acid của nhóm thuốc NSAID cũng góp phần vào cơ chế bệnh sinh của loét dạ dày do dùng các thuốc này gây nên, bằng cách can thiệp vào quá trình cầm máu, làm suy giảm quá trình phục hồi và làm bất hoạt một số yếu tố tăng trưởng quan trọng trong việc bảo vệ và sửa chữa niêm mạc.

4. Các yếu tố làm tăng nguy cơ loét dạ dày khi sử dụng nhóm thuốc NSAID

Yếu tố nguy cơ gây các biến chứng đường tiêu hóa bao gồm:

  • Có tiền sử biến cố trên đường tiêu hóa, đặc biệt biến cố có biến chứng.
  • Tuổi > 65.
  • Sử dụng đồng thời với thuốc chống đông máu, thuốc NSAID khác bao gồm sử dụng NSAID liều cao và Aspirin liều thấp.
  • Rối loạn khiến cơ thể suy nhược mạn, đặc biệt bệnh lý tim mạch.
  • Liều thấp Aspirin cũng là yếu tố nguy cơ gây các biến chứng đường tiêu hóa.
  • Hầu hết các bằng chứng hiện nay đều ủng hộ rằng việc nhiễm H.pylori làm tăng nguy cơ gặp loét dạ dày tá tràng khi sử dụng nhóm thuốc NSAID. Bệnh nhân có tiền sử loét dạ dày tá tràng, trước khi sử dụng nhóm thuốc NSAID thì nên được ưu tiên xét nghiệm H.pylori và áp dụng liệu pháp kháng sinh điều trị diệt H.pylori nếu dương tính với H.pylori.

Phân loại mức độ nguy cơ loét tiêu hóa khi sử dụng nhóm thuốc NSAID:

Aspirin liều thấp thường được sử dụng giúp làm giảm biến cố huyết khối tim mạch và mạch máu não. Bệnh nhân sử dụng aspirin liều thấp thường là người lớn tuổi, dùng đồng thời với các thuốc chống kết tập tiểu cầu hoặc thuốc chống đông. Do đó, làm tăng nguy cơ xuất hiện biến chứng trên đường tiêu hóa, nguy cơ tương đối cao gấp 4 lần ở bệnh nhân nguy cơ cao. Trên bệnh nhân có tiền sử xuất huyết tiêu hoá do loét cân nhắc dự phòng loét thứ phát bằng thuốc ức chế bơm proton và thay thế aspirin bằng liệu pháp kháng tiểu cầu khác là không được khuyến cáo.

5. Các phương pháp giúp bảo vệ niêm mạc đường tiêu hoá khi dùng nhóm thuốc NSAID

Trước khi sử dụng nhóm thuốc chống viêm không steroid, cần xem xét tiền sử của bệnh nhân để đánh giá nguy cơ độc tính trên tiêu hóa. Theo đó, cần thông báo cho bệnh nhân các tác dụng không mong muốn tiềm tàng của thuốc.

  • Thuốc ức chế bơm proton (PPI) làm giảm đáng kể loét dạ dày tá tràng và các biến chứng của nó, ngăn ngừa tái phát tổn thương dạ dày tá tràng ở bệnh nhân dùng NSAID hoặc các thuốc ức chế COX-2.
  • Misoprostol là chất tương tự prostagladin E1, sử dụng liều tối đa (800 mcg/ngày) có tác dụng trong bảo vệ dạ dày nhờ ức chế tiết acid dạ dày và pepsin, tăng cường sức đề kháng của niêm mạc, ngăn ngừa viêm loét và biến chứng của nó ở bệnh nhân dùng thuốc chống viêm không steroid. Tuy nhiên, hiệu quả lâm sàng của nó bị hạn chế bởi các tác dụng phụ gây ra trên đường tiêu hóa như đau bụng, co cứng cơ, tiêu chảy.
  • Thuốc kháng thụ thể H2: Sử dụng thuốc kháng thụ thể H2 kém hiệu quả hơn đáng kể so với thuốc ức chế bơm proton. Các nghiên cứu cho thấy dùng thuốc kháng thụ thể H2 liều đơn hằng ngày không có tác dụng ngăn ngừa các biến chứng của loét dạ dày – tá tràng liên quan đến sử dụng thuốc chống viêm không steroid; hiệu quả dự phòng khi so sánh với giả dược chỉ ghi nhận khi sử dụng thuốc kháng thụ thể H2 với liều gấp đôi.

Cơ chế gây loét dạ dày của nhóm thuốc chống viêm không steroid, bao gồm cả Aspirin là do thuốc ức chế yếu tố bảo vệ và bản thân thuốc NSAID cũng là yếu tố tấn công gây hại dạ dày. Trước khi sử dụng thuốc Aspirin, người bệnh cần xác định các yếu tố nguy cơ, thực hiện test H.Pylori và điều trị diệt vi khuẩn để hạn chế tác động của thuốc lên đường tiêu hoá. Ngoài ra, cần lựa chọn phác đồ điều trị thuốc chống viêm không steroid thích hợp để ngăn ngừa loét dạ dày tá tràng và các biến chứng của nó.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan