Công dụng thuốc Cardivasor

Thuốc Cardivasor được bào chế dưới dạng viên nén với thành phần chính là Amlodipin. Thuốc Cardivasor được sử dụng trong điều trị bệnh tăng huyết áp, đau thắt ngực.

1. Thuốc Cardivasor có tác dụng gì?

Mỗi viên thuốc Cardivasor có chứa 5mg hoạt chất Amlodipin (dưới dạng Amlodipin Besilat 6,93mg) cùng tá dược (Avicel M101, Kollidon, Calci dibasic phosphat, Aerosil, Magnesi stearat, Ethanol 96 độ, Natri starch glycolat);

Amlodipin là một dẫn chất của dihydropyridin có công dụng chẹn calci qua màng tế bào. Amlodipin ngăn chặn kênh calci loại L phụ thuộc điện thế, tác động trên các mạch máu ở cơ và tim.

Cơ chế tác dụng chống tăng huyết áp của amlodipin đó là do tác dụng làm giãn trực tiếp cơ trơn mạch máu, gây ra giảm huyết áp đồng thời làm giảm cả sức đề kháng của mạch máu ngoại biên.

Chỉ định: Thuốc Cardivasor được chỉ định sử dụng trong các trường hợp như sau:

  • Điều trị bệnh tăng huyết áp;
  • Điều trị tình trạng đau thắt ngực ổn định thường xuyên;
  • Điều trị đau thắt ngực do co thắt mạch máu (Prinzmetal).

Chống chỉ định: Không sử dụng thuốc Cardivasor trong các trường hợp như sau:

  • Người nhạy cảm với dẫn xuất amlodipine, dihydropyridine hay bất cứ thành phần nào có trong thuốc Cardivasor;
  • Người bị giảm huyết áp nặng;
  • Người bị sốc, không loại trừ sốc tim;
  • Bệnh nhân tắc nghẽn dòng chảy máu thất trái (ví dụ như hẹp động mạch chủ);
  • Người bị suy tim không ổn định sau chứng nhồi máu cơ tim.

2. Cách dùng và liều dùng thuốc Cardivasor

Cách dùng: Sử dụng thuốc Cardivasor bằng cách uống trọn viên thuốc với 1 cốc nước, có thể dùng cùng thức ăn hoặc không. Không nên nhai hoặc nghiền nát viên thuốc để sử dụng.

Liều dùng: Sử dụng thuốc Cardivasor với liều lượng như sau:

  • Người lớn:
    • Đau thắt ngực và tăng huyết áp: Liều sử dụng ban đầu là 5mg amlodipin x 1 lần/ngày. Liều sử dụng có thể tăng lên tối đa mức 10mg tùy thuộc vào đáp ứng riêng của từng người bệnh;
    • Ở người bệnh tăng huyết áp, amlodipin được sử dụng kết hợp với thuốc lợi tiểu thiazid, thuốc chẹn beta, thuốc chẹn alpha hoặc thuốc ức chế enzyme chuyển angiotensin. Đối với bệnh đau thắt ngực, amlodipin có thể sử dụng liệu pháp đơn độc hoặc kết hợp với các loại thuốc chống đau thắt ngực khác ở các người bệnh không điều trị được bằng nitrat hoặc các liều đủ của thuốc chẹn beta;
    • Không cần phải điều chỉnh liều amlodipin khi sử dụng đồng thời với thuốc chẹn beta, thuốc lợi tiểu thiazid hoặc thuốc ức chế enzym chuyển angiotensin;
  • Người lớn tuổi: Thuốc Cardivasor được sử dụng liều như nhau ở người lớn tuổi và người trẻ tuổi. Chế độ liều thông thường được khuyến cáo ở người bệnh lớn tuổi nhưng cần cẩn thận khi tăng liều;
  • Người bệnh suy gan: Liều khuyên sử dụng không được thiết lập ở người bệnh suy gan mức độ nhẹ và trung bình. Vì vậy việc chọn lựa liều sử dụng phải thận trọng và phải bắt đầu ở liều thấp hơn mức dưới của khoảng liều dùng. Dược lực học của amlodipin hiện vẫn chưa được nghiên cứu ở người bệnh suy gan mức độ nặng. Amlodipin nên bắt đầu ở liều nhỏ nhất và chuẩn dần ở người bệnh suy gan nặng;
  • Người bệnh suy thận: Sự thay đổi nồng độ huyết tương của amlodipin không liên quan đến mức độ suy thận. Do đó liều dùng thông thường được khuyên dùng;
  • Trẻ dưới 17 tuổi bị tăng huyết áp: Hiện vẫn chưa có dữ liệu sử dụng thuốc.

Lưu ý: Liều sử dụng thuốc Cardivasor nêu trên chỉ mang tính chất tham khảo. Liều sử dụng cụ thể sẽ tùy thuộc vào thể trạng cũng như mức độ tiến triển của bệnh. Để có liều dùng thích hợp nhất, bệnh nhân cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên môn.

Quá liều và cách xử lý:

  • Triệu chứng: Quá liều thuốc Cardivasor dẫn đến mạch nhanh và giãn mạch ngoại biên quá mức. Hạ huyết toàn thân kéo dài có thể dẫn đến sốc tử vong.
  • Cách xử lý:
    • Hạ huyết áp lâm sàng đáng kể do quá liều Cardivasor phải nhanh chóng hỗ trợ hoạt động của hệ tim mạch bao gồm hô hấp, kê cao tứ chi, giám sát thường xuyên chức năng tim, chú ý thể tích máu tuần hoàn và lượng nước tiểu thải ra;
    • Sử dụng thuốc co mạch có thể giúp hồi phục trương lực huyết áp và mạch máu, nếu không có chống chỉ định sử dụng đối với thuốc đó. Tiêm tĩnh mạch calci gluconat có thể giúp phục hồi tác dụng của sự phong tỏa chẹn kênh canxi;
    • Rửa dạ dày là phương pháp có thể có ích trong một số trường hợp. Người tình nguyện khỏe mạnh sử dụng than hoạt tính 2 giờ sau khi sử dụng amlodipin 10mg cho thấy hiện tượng giảm tốc độ hấp thu amlodipin.

Quên 1 liều: Bổ sung liều thuốc Cardivasor ngay khi nhớ ra khi quên 1 liều. Tuy nhiên, nếu thời gian uống thuốc Cardivasor đã gần đến với liều kế tiếp thì hãy bỏ qua liều đã quên và sử dụng liều mới như bình thường theo đúng lịch. Không được sử dụng liều gấp đôi Cardivasor để bù cho liều đã quên vì điều này không những không mang lại tác dụng gấp đôi mà ngược lại có thể gây ra những tác hại với người dùng.

3. Tác dụng phụ của thuốc Cardivasor

Trong quá trình sử dụng thuốc Cardivasor, người bệnh có thể gặp một số tác dụng phụ như:

  • Các phản ứng phổ biến trong suốt quá trình điều trị bằng thuốc Cardivasor là: Hoa mắt, buồn ngủ, hồi hộp, đau đầu, chảy máu, buồn nôn, đau bụng, sưng mắt cá chân, mệt mỏi và phù;
  • Rối loạn hệ thống bạch huyết và máy: Rất hiếm gặp giảm tiểu cầu, giảm bạch cầu;
  • Rối loạn hệ miễn dịch: Phản ứng dị ứng rất hiếm khi xảy ra;
  • Rối loạn dinh dưỡng và chuyển hóa: Tăng đường huyết rất hiếm khi xảy ra;
  • Rối loạn tâm thần: Ít gặp hiện tượng mất ngủ, thay đổi tâm trạng bao gồm lo lắng, trầm cảm; hiếm gặp lẫn lộn;
  • Rối loạn hệ thần kinh: Phổ biến là hoa mắt, buồn ngủ, đau đầu (đặc biệt là khi bắt đầu điều trị); ít gặp tình trạng rối loạn vị giác, run, dị cảm, sự giảm cảm giác; rất hiếm thấy sự trương cơ và rối loạn thần kinh ngoại biên;
  • Rối loạn mắt: Ít gặp tình trạng rối loạn thị giác (bao gồm cả chứng nhìn đôi);
  • Rối loạn mê đạo và tai: Ù tai ít xảy ra;
  • Rối loạn tim: Ít gặp tình trạng đánh trống ngực; rất hiếm gặp hiện tượng loạn nhịp tim hay nhồi máu cơ tim;
  • Rối loạn mạch: Thường gặp triệu chứng chảy máu, ít gặp tình trạng hạ áp và rất hiếm gặp hiện tượng viêm mạch máu;
  • Rối loạn hô hấp, trung thất và ngực: Ít gặp tình trạng viêm mũi, khó thở, rất hiếm khi có triệu chứng ho;
  • Rối loạn dạ dày - ruột: Phổ biến là triệu chứng buồn nôn, đau bụng; ít gặp tình trạng khó tiêu, nôn, thói quen đại tiện thay đổi (bao gồm táo bón và tiêu chảy), khô miệng; rất hiếm gặp trường hợp viêm tụy, sưng nướu, viêm dạ dày;
  • Rối loạn gan - mật: Rất hiếm gặp hiện tượng vàng da, viêm gan, tăng enzym gan;
  • Rối loạn mô dưới da và da: Ít gặp tình trạng ban xuất huyết, rụng tóc, mất màu da, ngứa, mẩn ngứa, phát ban, ra mồ hôi nhiều; rất hiếm gặp biểu hiện phù dưới da, viêm da tróc vảy, ban đỏ đa dạng nổi mề đay, nhạy cảm với ánh sáng, hội chứng Stevens - Johnson;
  • Rối loạn cơ xương và mô liên kết: Thường gặp triệu chứng sưng mắt cá chân; ít gặp tình trạng đau khớp, co rút cơ, đau lưng, đau cơ;
  • Rối loạn đường tiểu và thận: Ít gặp tình trạng tiểu nhắt, rối loạn tiểu, số lần đi tiểu tăng;
  • Rối loạn tuyến vú và hệ sinh sản: Ít gặp tình trạng liệt dương và vú to ở nam giới;
  • Các rối loạn chung và thể trạng tổng thể: Hay gặp biểu hiện mệt mỏi, phù; ít gặp tình trạng suy nhược, đau ngực, mệt mỏi, đau;
  • Thể trạng: Ít gặp tình trạng tăng giảm cân nặng.

Nếu khi sử dụng thuốc Cardivasor mà xảy ra các tác dụng phụ không mong muốn, nhất là triệu chứng nặng, bệnh nhân cần báo ngay cho bác sĩ điều trị. Đồng thời, người bệnh có thể đến cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ xử lý kịp thời.

4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Cardivasor

Một số điều cần lưu ý khi sử dụng thuốc Cardivasor:

  • Người bệnh suy tim phải được điều trị cẩn thận. Thuốc chẹn kênh canxi bao gồm cả amlodipin phải được sử dụng thận trọng ở người bệnh suy tim sung huyết do chúng có thể làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch và nguy cơ tử vong trong tương lai;
  • Thời gian bán thải của amlodipin bị kéo dài thêm và giá trị AUC cao hơn ở những người bệnh có chức năng gan bị suy giảm. Liều khuyên sử dụng cho đối tượng này chưa được thiết lập. Do đó, amlodipin phải bắt đầu ở liều thấp hơn mức dưới của khoảng liều sử dụng và cẩn thận khi dùng ở cả liều điều trị ban đầu và khi tăng liều. Nên chuẩn liều từ từ và giảm sát thật sự cẩn thận ở người bệnh suy gan nặng;
  • Cần lưu ý cẩn thận khi tăng liều dùng thuốc Cardivasor ở người bệnh lớn tuổi;
  • Amlodipin có thể dùng ở liều thông thường cho bệnh nhân suy thận. Sự thay đổi nồng độ huyết tương của amlodipin không liên quan tới mức độ suy thận;
  • Thuốc Cardivasor có thể ảnh hưởng mức nhẹ hay trung bình đến khả năng lái xe và vận hành máy móc. Nếu người bệnh sử dụng thuốc Cardivasor bị đau đầu, hoa mắt, buồn nôn hoặc mệt mỏi thì khả năng phản ứng bị suy giảm. Do vậy, bệnh nhân không nên hoặc cẩn thận khi vận hành máy móc và lái xe để bảo đảm an toàn;
  • Tính an toàn của thuốc Cardivasor ở phụ nữ đang mang thai hiện chưa được thiết lập. Các nghiên cứu ở động vật khi sử dụng thuốc liều cao có độc tính trên hệ sinh sàn. Do vậy, chỉ sử dụng thuốc Cardivasor cho phụ nữ mang thai khi không có thay thế nào an toàn hơn và bản thân bệnh mang đến nguy cơ lớn hơn cho người mẹ và thai nhi;
  • Các thay đổi về sinh hóa nghịch ở đầu của tinh trùng hiện đã được ghi nhận trong báo cáo ở một số người bệnh được điều trị bằng thuốc chẹn kênh canxi. Dữ liệu lâm sàng vẫn chưa đủ để đánh giá về tác dụng tiềm tàng của amlodipin đến khả năng sinh sản. Trong một nghiên cứu trên chuột, tác dụng có hại đã được tìm thấy trên khả năng sinh sản của chuột đực;
  • Hiện vẫn không biết amlodipin có được bài tiết vào sữa mẹ hay không. Quyết định tiếp tục tục hay dừng cho con bú hoặc tiếp tục hay dừng điều trị với thuốc Cardivasor phải được cân nhắc lợi ích giữa việc cho em bé bú và lợi ích điều trị bằng thuốc Cardivasor đối với người mẹ. Nên tham khảo kỹ ý kiến của bác sĩ chuyên môn trong vấn đề này.

5. Tương tác thuốc Cardivasor

Một số tương tác thuốc Cardivasor mà người bệnh nên chú ý:

  • Các loại thuốc ức chế CYP3A4: Việc sử dụng đồng thời thuốc amlodipin thuốc ức chế mạnh và trung bình CYP3A4 (thuốc kháng nấm gốc azol, thuốc ức chế protease, macrolides như clarithromycin hoặc erythromycin, diltiazem hoặc verapamil) có thể dẫn đến sự gia tăng đáng kể tác hại của thuốc amlodipin. Ở đối tượng người lớn tuổi xảy ra nhiều hơn; cần lưu ý giám sát lâm sàng và thực hiện điều chỉnh liều phù hợp;
  • Các loại thuốc hoạt hóa CYP3A4: Hiện không có sẵn dữ liệu về tác dụng của thuốc hoạt hóa CYP3A4 đối với thuốc Cardivasor. Sử dụng đồng thời với các loại thuốc hóa hóa CYP3A4 (ví dụ như hypericum perforatum, rifampicin) có thể dẫn đến việc giảm nồng độ huyết tương của amlodipin. Thuốc Cardivasor cần phải được sử dụng thận trọng với các thuốc hoạt hóa CYP3A4;
  • Sử dụng amlodipin chung với nước bưởi hoặc bưởi không được khuyến cáo do sinh khả dụng tăng ở một vài người bệnh dẫn đến tác dụng hạ huyết áp gia tăng;
  • Dantrolene (dùng tiêm): Ở động vật, sự loạn nhịp trầm trọng chết người cùng sự thiếu máu đột ngột (do các yếu tố tim và mạch ngoại biên) đã được ghi nhận cùng với tăng nồng độ kali trong máu sau khi sử dụng verapamil và tiêm tĩnh mạch dantrolene. Do nguy cơ tăng nồng độ kali trong máu nên khuyến nghị việc sử dụng đồng thời thuốc chẹn kênh canxi như amlodipin phải tránh ở các người bệnh tăng thân nhiệt ác tính do căng cơ và trong việc kiểm soát sự tăng thân nhiệt ác tính do căng cơ;
  • Ở các nghiên cứu phản ứng lâm sàng, thuốc Cardivasor không ảnh hưởng dược động học của digoxin, atorvastatin, cyclosporin hoặc warfarin;
  • Simvastatin: Sử dụng đồng thời đa liều 80mg simvastatin với 10mg amlodipin dẫn đến kết quả là 77% gia tăng tác hại của simvastatin so với việc sử dụng đơn lẻ simvastatin. Giới hạn liều dùng của simvastatin ở người bệnh sử dụng amlodipin là tối đa 20mg/ngày.

Trong quá trình sử dụng thuốc Cardivasor, người nhà và bệnh nhân cần chú ý làm theo các hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn, không nên thay đổi liều dùng hay cách dùng thuốc. Bệnh nhân có thể hỏi thêm các thông tin nếu chưa hiểu để quá trình sử dụng thuốc mang lại hiệu quả tốt nhất, tránh được những nguy cơ khó lường.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan