Công dụng thuốc Cefbactam VCP

Thuốc Cefbactam VCP là thuốc kê đơn với thành phần chính có chứa Cefoperazon 0.5mg và Sulbactam 0.5mg được dùng chỉ định cho các trường hợp nhiễm khuẩn do các vi khuẩn nhạy cảm gây ra. Để tránh những tác dụng không mong muốn và đảm bảo hiệu quả điều trị, người bệnh cần tuân thủ đúng hướng dẫn sử dụng và các chỉ định đi kèm.

1. Thuốc Cefbactam VCP là thuốc gì?

Thuốc Cefbactam VCP là thuốc kháng sinh bán tổng hợp thuộc nhóm cephalosporin thế hệ 3. Thuốc Cefbactam VCP là biệt dược chữa bệnh nên chỉ được bán và dùng khi có đơn thuốc của bác sĩ kèm theo.

Thông tin chung của thuốc:

  • Dạng bào chế: bột pha tiêm
  • Đóng gói: Hộp 1 lọ x 1 lọ dung dịch nước cất để pha, 5 lọ thuốc x 5 lọ nước cất pha dung dịch tiêm, 10 lọ x 10 lọ nước cất pha dung dịch tiêm.
  • Thành phần công thức thuốc: Cefoperazon và Sulbactam hàm lượng 0.5mg
  • Tá dược vừa đủ khác

2. Tác dụng thuốc Cefbactam VCP

Thuốc Cefbactam VCP với thành phần chính là Cefoperazone và Sulbactam nên thuốc Cefbactam VCP có có công dụng dựa trên cơ chế của 2 dược chất này đó là:

  • Dược chất Cefoperazone là kháng sinh bán tổng hợp thuộc nhóm cephalosporin thế hệ 3, có khả năng ức chế các tế bào vi khuẩn tổng hợp thành tế bào bằng cách tiêu diệt vi khuẩn phân chia. Cấu trúc của dược chất Cefoperazone khá bền vững do đó, cefoperazon có hoạt tính mạnh và phổ rộng trên vi khuẩn gram âm, bao gồm các chủng N. gonorrhoeae, Enterobacter, Citrobacter, Providencia, Salmonella, Proteus, Morganella, Shigella và Serratia spp.
  • Sulbactam là cũng là kháng sinh có cấu trúc tương tự beta lactam tuy nhiên hoạt tính kháng khuẩn lại yếu hơn. Vì vậy nếu dùng đơn lẻ thì gần như không có tác dụng. Chính vì thế sulbactam dùng phối hợp với nhóm penicillin để tiêu diệt các vi khuẩn tiết ra beta lactamse như vi khuẩn ruột, Neisseria, Proteus, E.coli, Klebsiella, các vi khuẩn kỵ khí Bacteroides, Acinobacter tụ cầu, Branhamella.

Thuốc Cefbactam VCP được dùng để điều trị các triệu chứng nhiễm trùng, nhiễm khuẩn do vi khuẩn nhạy cảm gây ra.

3. Chỉ định và chống chỉ định thuốc Cefbactam VCP

3.1 Chỉ định

Thuốc Cefbactam VCP được chỉ định dùng điều trị trong các trường hợp đó là:

  • Nhiễm trùng đường hô hấp bao gồm cả trên và dưới.
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu trên và tiết niệu dưới.
  • Viêm túi mật, viêm màng bụng, viêm đường mật và các bệnh nhiễm trùng ổ bụng khác.
  • Nhiễm trùng đường máu.
  • Viêm màng não cấp.
  • Nhiễm trùng da và mô mềm
  • Nhiễm trùng xương khớp, xương chậu.
  • Viêm màng trong dạ con, bệnh lậu và nhiễm trùng đường sinh dục.

3.2 Chống chỉ định

Thuốc Cefbactam VCP được chống chỉ định dùng trong các trường hợp:

  • Người bệnh mẫn cảm với các thành phần công thức thuốc.
  • Người bệnh có tiền sử dị ứng với các kháng sinh penicillin và cephalosporin.

4. Cách dùng và liều dùng thuốc Cefbactam VCP

4.1 Cách dùng

Thuốc Cefbactam VCP được bào chế dạng bột đi kèm dung dịch nước cất để pha và được chỉ định dùng bằng cách tiêm trực tiếp vào tĩnh mạch hoặc bắp. Lưu ý, với cách dùng này cần có sự tham gia hỗ trợ và giám sát bởi nhân viên y tế có chuyên môn. Ngoài ra, người bệnh cũng cần đọc kỹ thông tin về sản phẩm trong tờ hướng dẫn.

4.2 Liều dùng

Mỗi độ tuổi bác sĩ sẽ kê liều dùng khác nhau. Vậy nên, người bệnh cần tuân thủ theo đúng liều dùng trong đơn. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể tham khảo thêm hàm lượng dùng dưới đây:

Người lớn:

  • Nhiễm khuẩn nhẹ và vừa: 1 - 2g/lần/12 giờ.
  • Nhiễm khuẩn nặng và rất nặng: 2 - 4g/lần/12 giờ.
  • Bệnh gan hoặc tắc mật: Tối đa 4g/ngày.
  • Suy thận: 2 - 4g/ngày

Trẻ em: 25-100mg/kg nặng/lần/12 giờ.

5. Tác dụng phụ thuốc Cefbactam VCP

Khả năng dung nạp của thuốc Cefbactam khá tốt và gần như các tác dụng phụ chỉ ở mức nhẹ và trung bình. Một số tác dụng phụ có thể xảy ra đó là:

  • Thường gặp: Tiêu chảy, nổi ban da dạng sần, tăng bạch cầu ưa Eosin tạm thời.
  • Ít gặp: Sốt, giảm tiểu cầu, ngứa đỏ, phát ban, nổi mề đay, đau nhức tại vị trí tiêm.
  • Hiếm gặp: Co giật, bồn chồn, đau đầu, giảm hồng cầu, Buồn nôn, nôn mửa, vàng da ứ mật, suy thận, đau khớp, ho, khó thở, đau bụng, đi ngoài kèm theo máu.

Thông thường các tác dụng phụ này sẽ hết sau khi ngừng sử dụng thuốc một vài ngày. Tuy nhiên nếu lo lắng hoặc xuất hiện thêm các triệu chứng bất thường không có trong hướng dẫn công bố hãy thông báo cho bác sĩ điều trị hoặc cán bộ y tế để được hỗ trợ xử lý.

6. Tương tác thuốc Cefbactam VCP

Tương tác thuốc là điều không thể tránh khỏi khi dùng chung một số loại thuốc với nhau. Vậy nên, người bệnh cần lưu ý một số loại thuốc và thực phẩm khi dùng chung với Cefbactam thể xảy ra tương tác đó là:

  • Rượu: Ra mồ hôi, đỏ bừng, nhịp tim nhanh, đau đầu, buồn nôn. Vậy nên sau khi uống thuốc Cefbactam trong vòng 72h tuyệt đối không sử dụng rượu.
  • Aminoglycosid: Tăng nguy cơ ngộ độc thận.
  • Warfarin và Herfarin: Làm giảm prothrombin huyết của cefoperazone.

Để an toàn tốt nhất người bệnh hãy chủ động tìm hiểu thông tin tương tác của thuốc và cung cấp cho bác sĩ tên các loại thuốc và thực phẩm chức năng đang sử dụng nếu có để được hướng dẫn cách dùng đúng nhất.

7. Lưu ý khi dùng thuốc Cefbactam VCP

Trước khi dùng thuốc người bệnh cần lưu ý một số điều quan trọng sau:

  • Đọc kỹ các thông tin của sản phẩm.
  • Không tự ý tăng giảm hoặc ngừng dùng nếu không có chỉ dẫn từ cán bộ y khoa.
  • Sử dụng thuốc trong thời gian dài có thể khiến một số vi khuẩn trở nên nhạy cảm và kháng thuốc. Nếu tái lại phải thay bằng thuốc kháng.
  • Thận trọng dùng cho người bị suy gan thận, người bị hen hoặc viêm phế quản.
  • Chưa có nghiên cứu về khả năng gây dị tật thai nhi, vậy nên phụ nữ đang có thai chỉ nên dùng trong trường hợp cần thiết và phải theo dõi kỹ.
  • Bài tiết của thuốc qua đường sữa mẹ khá thấp, nên phụ nữ đang nuôi con bú cũng có thể dùng được.
  • Thuốc không ảnh hưởng đến khả năng lái xe hoặc lao động.

8. Xử trí quá liều hoặc quên liều

Cefbactam VCP là thuốc kê đơn, vậy nên người bệnh cần dùng theo đúng liều lượng. Ngoài ra, đây là thuốc được dùng dưới sự giám sát và thực hiện bởi nhân viên y tế, vậy nên khả năng quá liều hoặc quên liều tỷ lệ rất thấp. Tuy nhiên, nếu trường hợp này xảy ra người bệnh cần xử trí đó là:

  • Quá liều: Nếu không có biểu hiện bất thường hãy thông báo cho bác sĩ hoặc cán bộ y tế để được theo dõi, nếu có triệu chứng bất thường như co giật, hôn mê, đau bụng đi ngoài, nôn mửa nhiều lần thì hãy gọi ngay cấp cứu để được xử lý.
  • Quên liều: Bù ngay khi nhớ ra, nhưng nếu thời gian liều quên sát với liều sau thì có thể bỏ qua liều quên và dùng liều sau như dự định. Không tăng liều sau đó để bù vào liều quên.

Thuốc Cefbactam VCP là thuốc kê đơn với thành phần chính có chứa Cefoperazon 0.5mg và Sulbactam 0.5mg được dùng chỉ định cho các trường hợp nhiễm khuẩn do các vi khuẩn nhạy cảm gây ra. Để tránh những tác dụng không mong muốn và đảm bảo hiệu quả điều trị, người bệnh cần tuân thủ đúng hướng dẫn sử dụng và các chỉ định đi kèm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

66 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan